Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa, tình trạng khan hiếm sách giáo khoa đang xảy ra tại nhiều địa phương.
Nhiều phụ huynh đã phải rất vất vả mới có thể mua được sách cho con tới trường. Năm nay, số lượng sách giáo khoa bị thiếu tập trung chủ yếu ở học sinh đầu cấp.
Lý giải về tình trạng thiếu sách giáo khoa, trả lời Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho rằng năm nay do có sự đột biến về số lượng học sinh ở một vài địa phương, trong đó có Hà Nội, nên ở một vài cửa hàng bán sách giáo khoa nhỏ lẻ có hiện tượng thiếu sách giáo khoa tạm thời.
Thầy Nguyễn Tùng Lâm cho rằng giải thích việc thiếu sách giáo khoa do lượng học sinh tăng đột biết là không thuyết phục (Ảnh: Thùy Linh) |
Tuy nhiên, theo thực tế khảo sát của phóng viên, tình trạng khan hiếm sách không chỉ ở các cửa hàng nhỏ lẻ mà ngay tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ…sách giáo khoa cũng rất hiếm.
Bên cạnh đó, theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bắt đầu từ năm học 2019-2020, học sinh lớp 1 học bộ sách giáo khoa mới. Các năm tiếp theo sẽ lần lượt đến lớp 6 và lớp 10. Do vậy sách giáo khoa lớp 1 in năm 2018 sẽ là sách chỉ dùng được trong 1 năm.
Không ít ý kiến cho rằng chính vì vậy các nhà sách, đại lý đã nhập cầm chừng và bán ra hạn chế vì tâm lý sợ ế.
Nói về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng việc để thiếu sách giáo khoa đầu năm học như vậy là rất phản cảm cho ngành giáo dục.
Việc này nhà xuất bản Giáo dục phải rút kinh nghiệm. Việc nêu lý do thiếu sách là do lượng học sinh tăng đột biến là không thuyết phục.
Nhà xuất bản Giáo dục thanh minh về tình trạng thiếu sách giáo khoa |
Trước năm học, các tỉnh đều đã có khảo sát về dân số và biết được lượng học sinh tăng giảm như thế nào rồi.
“Tôi cũng có nghe thông tin về một số đại lý ở các tỉnh lo rằng sách năm nay chỉ dung có một năm thôi thế là họ sợ rằng sẽ ế nên có thể có hiện tượng nhập ít đi. Việc này tôi cho rằng Nhà xuất bản phải chịu trách nhiệm.
Nếu Nhà xuất bản khẳng định đã xuất bản đủ mà các tỉnh vẫn thiếu thì tỉnh đó phải chịu trách nhiệm”. Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm khẳng định.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cũng cho rằng sách giáo khoa là mặt hàng đặc biệt nên không thể dùng bài toán kinh tế thông thường được, đây là nhu cầu của xã hội và nó là hình ảnh của giáo dục. Giáo dục không thể thiếu sách giáo khoa và việc này nhà xuất bản giáo dục cần chịu trách nhiệm và rút kinh nghiệm.
Qua câu chuyện thiếu sách giáo khoa trước thềm năm học, nhiều ý kiến phụ huynh cũng cho rằng việc tủ sách của nhà trường nhiều năm qua cũng được nói đến nhưng hoạt động đang thiếu hiệu quả.
Bên cạnh đó việc tái sử dụng sách giáo khoa đã có ý nhiều khi hầu hết không tái sử dụng được và vô cùng lãng phí khi năm nào phụ huynh cũng phải mua sách giáo khoa mới.