LTS: Trước các tiêu chí, tiêu chuẩn của một số trường tiểu học còn nhiều bất cập nhưng khi kiểm tra, đánh giá, công nhận vẫn đạt chuẩn quốc gia, tác giả Trần Đăng Anh đã có bài viết nêu lên quan điểm của mình.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Các tiêu chuẩn về trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia đã được quy định rõ tại Thông tư số 59/2012/TT-BGD&ĐT ngày 28/12/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tuy nhiên, việc kiểm tra, đánh giá và công nhận các trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia cũng có nhiều điều đáng bàn vì một số trường về thực chất không đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định nhưng vẫn được công nhận hoặc công nhận lại là trường chuẩn quốc gia.
Một ngôi trường đạt chuẩn quốc gia (Ảnh minh họa từ baochinhphu.vn). |
Ở tiêu chuẩn 1 (Tổ chức và quản lý nhà trường), tiêu chí 1 (Cơ cấu tổ chức bộ máy nhà trường), chỉ số b có quy định:
"Nhà trường có tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam, Công đoàn, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Sao Nhi đồng Hồ Chí Minh và các tổ chức xã hội khác theo quy định hiện hành tại Điều lệ trường tiểu học".
Tuy vậy, nhiều trường tiểu học lại không có tổ chức Sao Nhi đồng, nhưng vì khi kiểm tra, đánh giá để đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, cán bộ kiểm tra lại không chú ý hoặc bỏ qua yêu cầu bắt buộc này nên vẫn đánh giá đạt.
Và, trong thực tế cũng rất ít trường tổ chức được sinh hoạt Sao Nhi đồng theo quy định.
Cũng ở tiêu chí 1 này, chỉ số b có quy định: "Nhà trường có các tổ chuyên môn, tổ văn phòng và hoạt động theo quy định hiện hành tại Điều lệ trường tiểu học".
Tổ chuyên môn thì phải có rõ ràng rồi, nhưng tổ văn phòng thì không ít trường chỉ làm cho có hồ sơ, tức là năm học trước đó thì không có tổ này, đến năm làm hồ sơ để kiểm tra, công nhận trường đạt chuẩn quốc gia thì lại có tổ văn phòng.
Và, khi đã hoàn thành mục tiêu trường chuẩn thì tổ văn phòng lại tự giải tán cả trên hồ sơ (tức là không còn duy trì việc làm hồ sơ của tổ này nữa).
Ở điểm a, tiêu chí 2 cũng trong tiêu chuẩn 1 có quy định: "Lớp học, số học sinh trong một lớp thực hiện theo quy định hiện hành tại Điều lệ trường tiểu học".
Theo đó, một lớp học không được quá 35 học sinh, nhưng ở các thành phố, thị xã, thị trấn thì số học sinh nhiều khi vượt xa con số này, nghĩa là sĩ số từ 40 học sinh trở lên.
Có điều là, tuy sĩ số đông như vậy, nhưng một số trường vẫn được công nhận là trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, thậm chí còn đạt mức độ 2.
Một anh bạn tôi ở một trường tiểu học của một thị xã vùng trung du vừa khoe rằng trường anh vừa được công nhận lại là trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
Tôi hỏi sĩ số học sinh lớp anh dạy là bao nhiêu, anh bảo là 45. Vậy là một tiêu chuẩn rất quan trọng như vậy nhưng người ta cũng có thể "châm chước" cho nhau để đánh giá là đạt.
Ở tiêu chuẩn 2 (Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh) tiêu chí 1 (Năng lực của cán bộ quản lý), điểm b của Thông tư 59 có quy định:
"Đánh giá hiệu trưởng, phó hiệu trưởng hàng năm theo Quy định Chuẩn hiệu trưởng trường tiểu học đạt từ mức khá trở lên".
Quy định là như vậy, vẫn có trường Hiệu trưởng chỉ được xếp loại viên chức Hoàn thành nhiệm vụ, xếp loại Trung bình về chuẩn hiệu trưởng nhưng vì nhà trường được Ủy ban nhân dân huyện giao chỉ tiêu làm chuẩn nên không biết bằng cách nào, tiêu chí này vẫn đạt chuẩn như thường.
Đối với trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, theo quy định thì trình độ đào tạo của của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng từ Đại học Sư phạm trở lên.
Tuy nhiên, có những trường phó hiệu trưởng chỉ có thì trình độ đào tạo Cao đẳng Sư phạm mà vẫn được công nhận là đạt.
Để đảm bảo tiêu chuẩn 3 (Cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học), một số trường tiểu học trước khi được kiểm tra để công nhận trường đạt chuẩn quốc gia cũng đã có những "thủ thuật" khá bi hài.
Để có các phòng chức năng như: phòng truyền thống và hoạt động Đội, phòng y tế học đường, phòng hỗ trợ học sinh khuyêt tật học hòa nhập,... các trường này đã tận dụng các gian nhà công vụ mà thường ngày vốn là chỗ ở của giáo viên.
Nhưng khi có lịch kiểm tra, đánh giá để công nhận trường chuẩn, các phòng này được đóng biển, sắp đặt lại...
Và, đến ngày kiểm tra, các giáo viên ở các phòng đó được lệnh "sơ tán" để các phòng đó được "diễn" đúng vai trò "phòng chức năng" của mình.
Rồi khi đoàn kiểm tra đi, giáo viên ở các phòng đó lại trở về ở "như chưa hề có cuộc chia ly"!
Còn chuyện chuẩn bị thư viện và thiết bị dạy học cho đảm bảo tiêu chuẩn của trường chuẩn của một số trường thì cũng bi hài không kém.
Số là thư viện vốn ít sách mà để mua thì không có kinh phí, biện pháp tốt nhất là mượn sách của các trường lân cận, cốt làm sao bày ra cho thật nhiều sách, càng nhiều chủng loại càng tốt.
Đoàn kiểm tra đến thì cũng chỉ là "cưỡi ngựa xem hoa" chứ mấy ai có thời gian để giở từng cuốn sách xem dấu thư viện của trường nào.
Thiết bị dạy học cũng vậy, mượn lấy vài chiếc máy chiếu, một số băng đĩa, tranh ảnh,... của các trường bạn rồi gộp với đồ dùng dạy học có sẵn của nhà trường, thế là ...đạt.
Thông tư 59/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định rõ ràng về điều kiện để trường tiểu học được kiểm tra, công nhận đạt chuẩn quốc gia, trong đó có điều kiện là: "Đạt danh hiệu trường tiểu học tiên tiến của năm học trước".
Quy định chặt chẽ là như thế, nhưng có trường năm học trước chỉ được xếp Hoàn thành nhiệm vụ không đạt danh hiệu Tập thể Lao động tiên tiến, nhưng năm học sau không hiểu sao lại được kiểm tra và đã được công nhận là trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia.
Việc làm các hồ sơ, minh chứng để phục vụ đoàn kiểm tra, đánh giá, công nhận trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia cũng có những điều đáng bàn.
Đó là các hồ sơ, minh chứng này được một số trường vận dụng tối đa công nghệ "sao chép".
Vì thế mà trong nhiều báo cáo, kế hoạch của nhà trường hiện tượng "đầu Ngô, mình Sở" xảy ra không ít.
Văn bản của trường A trình kiểm tra nhưng tên trong văn bản lại là trường B, ấy là bởi copy nhưng chưa sửa hết.
Lại có những văn bản cùng loại trong 3 năm học gần nhất để trình để kiểm tra thì mới như vừa mới được in ra và giống nhau đến 99%. Đây chính là công nghệ phục hồi và nhân bản văn bản.
Ngoài ra, nhiều loại văn bản đi thì lại không có số hoặc trùng số, thậm chí có văn bản còn chưa được người có thẩm quyền ký và đóng dấu.
Các tiêu chí, tiêu chuẩn của một số trường tiểu học bất cập như vậy nhưng không hiểu sao khi kiểm tra, đánh giá, công nhận trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia thì hầu như trường nào cũng đạt cả, thậm chí còn đạt đến mức độ 2.
Phải chăng có hiện trạng này do bệnh thành tích trong giáo dục, các huyện, các xã, các trường được chỉ đạo là phải đạt bằng được các chỉ tiêu được giao hay là do cách kiểm tra, đánh giá mang nặng tính "ưu ái, châm chước" của các đoàn kiểm tra?