Những chuyện vui buồn trong việc thưởng tết hàng năm của giáo viên

20/01/2019 08:12
Thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn
(GDVN) - Hàng năm, cứ mỗi khi tết đến, xuân về, nhiều giáo viên lại cảm thấy chạnh lòng khi không được nhận thưởng tết, hoặc thưởng ở mức thấp, nhưng cũng có người vui.

Tết đến có trăm thứ lo, và vấn đề thưởng tết luôn là nỗi trăn trở cho giới giáo chức, trong bối cảnh mà vật giá leo thang theo từng ngày.

Nghề dạy học lại chưa có một quy chuẩn nào về thưởng tết, nên đã dẫn đến một tình trạng, cùng chung ngành nhưng mỗi nơi lại thưởng tết khác nhau, trường cao, trường thấp sẽ khiến cho người vui, người lại buồn.

Căn cứ vào các quy định của Chính phủ, trường học công lập sẽ hoàn toàn được tự chủ về tài chính.

Trong suốt cả một năm học, từ Ban Giám hiệu nhà trường cho đến giáo viên đều cố gắng gói ghém, “khéo co thì ấm” trong tất cả các khoản chi, để mong tới cuối năm có thể kết dư, chia cho các thành viên trong nhà trường một khoản thu nhập tăng thêm.

Câu chuyện tiền thưởng tết luôn được các thầy cô quan tâm khi tết đến, xuân về (ảnh: VOV)
Câu chuyện tiền thưởng tết luôn được các thầy cô quan tâm khi tết đến, xuân về (ảnh: VOV)

Tùy vào điều kiện của từng trường, mà các khoản thu nhập tăng thêm này của giáo viên có sự chênh lệch khác nhau.

Không có một quy định chung nào của ngành trong việc chia thu nhập tăng thêm. Có trường thì lại chia cho tất cả các thành viên trong toàn trường, do đây là khoản tiết kiệm được của tất cả mọi thành viên, nên chia đều cho tất cả, từ Ban Giám hiệu cho đến bảo vệ.

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giáo viên Sài Gòn có tiền Tết vài chục triệu đồng

Có trường thì lại chia theo hệ số chức vụ tương ứng, ví dụ như chia cho Hiệu trưởng cao nhất, xong đến Phó Hiệu trưởng và Kế toán, Bí thư Đoàn trường, tổ trưởng chuyên môn rồi mới tới giáo viên, nhân viên.

Đây chính là điều gây nên bức xúc cho giới giáo viên, vì mỗi vị trí lãnh đạo trong nhà trường đã được hưởng phụ cấp chức vụ theo quy định của ngành. Ngoài ra, trong trường vẫn còn có một số chức vụ khác, nhưng cũng không được hưởng hệ số chức vụ khi chia thu nhập tăng thêm.

Ở mỗi tỉnh, thành phố đều dành cho ngành giáo dục sự quan tâm đặc biệt khác nhau, nhất là khoản chi, thưởng tết, chia thu nhập tăng thêm cho giáo viên.

Hàng năm, ngoài việc được chia thu nhập tăng thêm, đội ngũ giáo viên của Thành phố Hồ Chí Minh đều có quà, tiền thưởng tết.

Bên cạnh đó, tùy theo tình hình thực tế của từng địa phương, mỗi quận huyện cũng đều có mức thưởng, hỗ trợ khác nhau cho giáo viên trong dịp tết, thể hiện sự động viên tinh thần, quan tâm khác nhau của chính quyền đối với ngành giáo dục.

Đối với nhiều ngành nghề khác, chắc mọi người đã quá quen thuộc với câu thưởng tết bằng tháng lương thứ 13, còn đối với giáo dục là một ngành nghề đặc thù, cụm từ tháng lương thứ 13 hoàn toàn không tồn tại trong tâm thức của những người làm trong ngành.

Thưởng tết luôn là một điều gì đó “vượt tầm với” của những “người làm nghề đưa đò”.

Khi nghe tôi nói về các khoản thưởng tết, thu nhập tăng thêm cuối năm của giáo viên ở Sài Gòn, một đồng nghiệp ở tại Lai Châu buồn rười rượi, ngậm ngùi nói về câu chuyện thưởng tết của các giáo viên ở vùng sâu, vùng xa.

Cô giáo này cho hay: “Thưởng tết luôn là một điều gì đó quá xa xỉ đối với những giáo viên ở vùng sâu, vùng xa như tụi em. Ở đây, học sinh còn không có đủ tập để học, giáo viên phải luôn là nhà tài trợ cho các em, thì lấy đâu ra tiền để thưởng tết hả anh?”

Ngày tết, ai cũng muốn được thưởng sau một năm làm việc mệt nhọc, vất vả cật lực. Mong muốn được có ba ngày tết ấm no, sum vầy luôn là mong ước chính đáng của các thầy cô, nên chuyện thưởng tết luôn là điều được giáo viên trông ngóng nhất khi năm hết, xuân về.

Câu chuyện thưởng tết của giáo viên mỗi năm, luôn là điều chứa đựng biết bao sắc thái vui buồn đan xen với nhau.

Bản thân tôi, với tư cách là một nhà giáo có hàng chục năm cống hiến cho ngành, không mong rằng giáo viên sẽ được thưởng tết cao như những ngành nghề khác, mà chỉ mong lãnh đạo ngành luôn quan tâm đến đời sống của anh chị em giáo viên nói chung, các giáo viên ở vùng sâu, vùng xa nói riêng, để mỗi khi tết đến, xuân về, các thầy cô không còn cảm thấy tủi thân.

Thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn