Thưởng Tết vẫn là từ xa xỉ đối với nhiều giáo viên

18/01/2019 06:40
NHẬT DUY
(GDVN) - Vẫn là câu chuyện buồn muôn thuở, vẫn là những tiếng thở dài ngậm ngùi, chạnh lòng của nhiều thầy cô đang công tác trong ngành giáo dục khi mùa Xuân đến.

Mỗi năm, cứ vào dịp gần những ngày Tết Nguyên đán thì trên các phương tiện thông tin đại chúng luôn có những bài viết bàn về chuyện thưởng Tết cho giáo viên.

Vẫn là câu chuyện buồn muôn thuở, vẫn là những tiếng thở dài ngậm ngùi, chạnh lòng của nhiều thầy cô đang công tác trong ngành giáo dục khi mùa Xuân đến.

Tuy nhiên, nghề giáo từ lâu nay đã vậy rồi nên phần lớn giáo viên ở một số địa phương cũng đã quen về việc thưởng Tết hàng năm của mình. Bởi có mong muốn cũng không được mà chỉ thêm phần ngậm ngùi…

Cuộc sống của thầy và trò nhiều trường còn khó khăn ( Ảnh minh họa: TTXVN)
Cuộc sống của thầy và trò nhiều trường còn khó khăn ( Ảnh minh họa: TTXVN)

Những ngày qua, có nhiều thông tin về giáo viên của một số trường học ở thành phố Hồ Chí Minh được thưởng Tết lên đến hàng chục triệu đồng thấy mà mừng.

Và đây có lẽ cũng là điểm chung của những giáo viên đang công tác tại các trường ở thành phố, các trường trung học phổ thông, các trường lớn của các huyện, thị lớn trên cả nước.

Bởi các trường này thường có nguồn kinh phí hoạt động hàng năm rất lớn và họ được phép chi tiền thu nhập tăng thêm cho giáo viên khi kinh phí hoạt động còn dư.

Vì thế, ngoài việc tiết kiệm được kinh phí hoạt động hàng năm thì họ còn có thêm một số khoản thu khác như tiền % dạy thêm trong năm của các giáo viên được trích lại, tiền căng tin, nhà xe và các dịch vụ khác của nhà trường.

Những khoản tiền đó cuối năm còn dư lại nhiều thì Ban Giám hiệu nhà trường chi thu nhập tăng thêm cho giáo viên trong trường.

Những khoản tiền này giúp cho giáo viên rất nhiều trong việc chi tiêu, trang trải cho những ngày Tết.

Và tất nhiên giáo viên những trường như vậy cũng có thêm niềm vui cho những ngày đón Xuân sắp tới.

Thưởng Tết vẫn là từ xa xỉ đối với nhiều giáo viên ảnh 2Bài thơ "Thưởng Tết" - nỗi niềm và lời cảnh tỉnh đối với nghề giáo

Nhưng đối với những trường cấp 1-2 ở nông thôn, miền núi thì chuyện thu nhập tăng thêm gần như là chuyện xa xỉ, hoặc có cũng chỉ mang tính tượng trưng mà thôi.

Sau một năm công tác, phần thưởng Tết của họ là những gói bột ngọt, bột nêm, tờ lịch treo tường…

Phần lớn là kinh phí thưởng Tết được lấy từ kinh phí hoạt động của Công đoàn nhà trường (tiền giáo viên đóng hàng tháng) tiết kiệm được để chi một phần quà nhỏ khoảng một vài trăm ngàn động viên cho các thầy cô giáo- thế cũng đã gọi là vui đối với nhiều giáo viên rồi.

Bởi càng trường nhỏ, càng khó khăn thì kinh phí hoạt động càng ít mà việc xã hội hóa giáo dục cũng khó khăn, hạn chế.

Khi mà trường không thể vận động xã hội hóa được thì nhiều khoản bắt buộc nhà trường phải chi từ nguồn kinh phí hàng năm của mình.

Và khoản kinh phí hoạt động cũng teo tóp lại đủ để trang trải những hoạt động cần thiết của đơn vị.

Vậy nên, nếu nói tiền thưởng Tết quan trọng đối với giáo viên thì cũng đúng mà nói không quan trọng thì cũng chẳng sai. 

Bởi vì ngày Tết, ai cũng mong mình có những khoản thu nhập ngoài lương để trang trải thêm cho cuộc sống gia đình, nhất là đối với những thầy cô giáo- những người chỉ có một khoản lương và ít khi có thu nhập từ các nguồn khác.

Thế nhưng, một số trường công lập của ngành giáo dục cũng giống như bao nhiêu những cơ quan sự nghiệp khác, tất cả đều thực hiện khoán kinh phí hoạt động hàng năm.

Nên đơn vị nào tiết kiệm được, Hiệu trưởng và Kế toán nhà trường có kế hoạch chi tiêu tiết kiệm, không hoang phí, không tư lợi thì cuối năm giáo viên trong trường cũng được một món tiền thưởng Tết gọi là.

Thưởng Tết vẫn là từ xa xỉ đối với nhiều giáo viên ảnh 3Thưởng tết của giáo viên bám đảo là hộp mứt, gói trà

Tuy nhiên, trên thực tế, tiền kinh phí hoạt động hàng năm luôn được nhiều Hiệu trưởng và Kế toán tính toán rất rất “hợp lí” nên thường là sẽ hết gọn gàng vào cuối tháng 12 hàng năm.

Có lẽ, đối với đa số các thầy cô hiện nay cũng chẳng bao giờ so sánh với ngành này, ngành kia về chuyện thưởng Tết làm gì.

Mỗi người đều có một lựa chọn cho riêng mình về con đường đi riêng. Kể từ khi đã lựa chọn và theo nghề sư phạm cũng đồng nghĩa sẽ luôn vui vẻ, bằng lòng và trân trọng với những gì mình đã và đang có.

Thực tế, những người được thưởng Tết cao đều đang làm việc trong các đơn vị hạch toán kinh doanh. Vì họ kinh doanh nên khi làm ra nhiều lợi nhuận thì ắt sẽ được thưởng nhiều cũng là điều dễ hiểu.

Nghề giáo là đơn vị sự nghiệp, là những người đang thực hiện thiên chức “trồng người” thì có lẽ chúng ta không thể thấy được lợi nhuận hàng năm mà đó là lợi nhuận cho tương lai của người thầy.

Cho dù, những “lợi nhuận tương lai” không được quy về vật chất mà đó chỉ là về mặt tinh thần nhưng có lẽ không có người thầy nào lại không vui mừng khi những thế hệ học trò của mình lớp lớp trưởng thành và thành đạt.

Đó chính là những khoản “thưởng” xứng đáng nhất mà thầy cô được nhận. Và, chính từ món quà tinh thần này đã giúp cho nhiều thầy cô giáo luôn biết vươn lên trong công việc của mình.

Vẫn biết cuộc sống của người thầy- nhất là những thầy cô ở vùng thôn quê, những thầy cô đang công tác xa nhà ở những vùng khó khăn còn nhiều vất vả, thiếu thốn.

Nhưng có lẽ điều đó cũng đã quá quen thuộc với cuộc sống của người giáo viên. Vì vậy, điều mà thầy cô mong muốn hơn cả trong những ngày Tết là được hơn một tuần nghỉ xả hơi sau hơn một học kì giảng dạy vất vả.

Ngày Tết để có thể đi thăm thú bạn bè, người thân và vui hơn cả là được quây quần trọn vẹn bên gia đình.

Cuộc sống dù đạm bạc, đơn sơ, dù không được thưởng nhiều, thậm chí là không được thưởng Tết, nhưng không sao cả bởi phía trước là cả bầu trời của mùa Xuân tươi đẹp.

Và đó cũng là hạnh phúc của người thầy đang đứng trên bục giảng ở những trường còn nhiều khó khăn.

NHẬT DUY