Ngày 02/08/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2017-2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019.
Tới dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo các bộ, ban ngành.
Phát biểu mở đầu hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – Phùng Xuân Nhạ cho hay, năm học 2017 - 2018, ngành Giáo dục tiếp tục nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trực tiếp là Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, sự phối hợp có hiệu quả của các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố; sự ủng hộ, chia sẻ của các tầng lớp nhân dân;
Đặc biệt là sự tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp.
Bên cạnh những thuận lợi, ngành Giáo dục cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi toàn ngành phải quyết tâm, nỗ lực, phấn đấu hơn nữa để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Nghị quyết 44 của Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo;
Nghị quyết 88, Nghị quyết 51 của Quốc hội, Quyết định 404 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và các nhiệm vụ quan trọng khác được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: “Tình trạng lạm thu đầu năm học trong các cơ sở giáo dục còn diễn ra ở nhiều địa phương”. (Ảnh: Thùy Linh) |
Phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn, trong năm học 2017-2018 vừa qua, ngành Giáo dục đã nỗ lực thực hiện có hiệu quả 09 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 05 nhóm giải pháp cơ bản đã đề ra và đạt được một số kết quả nổi bật:
Chất lượng các hoạt động giáo dục đào tạo ở tất cả các bậc học từng bước được cải thiện, nâng cao.
Mạng lưới trường, lớp mầm non phát triển, tỷ lệ trường, lớp ngoài công lập tăng nhanh.
Tỷ lệ huy động trẻ ra lớp vượt chỉ tiêu ở tất cả các độ tuổi. Mạng lưới, quy mô giáo dục phổ thông tiếp tục ổn định, từng bước được rà soát, sắp xếp.
Chất lượng giáo dục phổ thông đại trà có nhiều tiến bộ, chất lượng giáo dục mũi nhọn đạt được nhiều thành tựu quan trọng với kết quả nổi bật của các đoàn học sinh Việt Nam tham dự Olympic quốc tế và khu vực, thi khoa học kỹ thuật quốc tế.
Công tác xây dựng xã hội học tập từng bước đã lan tỏa và phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Nhiều trường đại học của nước ta đã có tên trong bảng xếp hạng khu vực và thế giới.
Bộ trưởng Nhạ cho hay, kết quả đổi mới giáo dục của Việt Nam được các nước, tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao như đánh giá của Ngân hàng Thế giới: 7 trong số 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, trong đó sự phát triển thực sự ấn tượng là ở hệ thống giáo dục của Trung Quốc và Việt Nam (hai quốc gia tiên phong trong đổi mới giáo dục).
Đây là những giải pháp của Bộ Giáo dục để hoàn thiện kỳ thi quốc gia 2019 |
Tuy nhiên, Tổng tư lệnh ngành giáo dục cũng thừa nhận, bên cạnh những kết quả nổi bật trên, vẫn còn những hạn chế, yếu kém cần phải nghiêm túc xem xét rút kinh nghiệm như:
Vẫn còn tình trạng thiếu trường lớp ở các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, đặc biệt là các trường mầm non.
Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh còn hạn chế; cá biệt có một số giáo viên, học sinh có hành vi ứng xử thiếu văn hóa gây mất niềm tin của cha mẹ học sinh, bức xúc trong xã hội.
Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, trong đó có một số địa phương để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng trong công tác tuyển dụng, sử dụng giáo viên.
Tình trạng lạm thu đầu năm học trong các cơ sở giáo dục còn diễn ra ở nhiều địa phương. Đổi mới chương trình, sách giáo khoa chưa đạt tiến độ đề ra.
Công tác tổ chức Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 còn một số hạn chế, thiếu sót.
Tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm còn nhiều; chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước. Cơ chế, chính sách về tự chủ đại học còn thiếu và chưa đồng bộ.
Tại Hội nghị này, Bộ trưởng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế chủ yếu trong công tác quản lý giáo dục các cấp trong năm học vừa qua, trong đó, làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành và địa phương trong từng vấn đề cụ thể.
Đồng thời, dành thời gian thỏa đáng để thảo luận về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp của ngành Giáo dục trong năm học tới, trên cơ sở đó chúng ta cùng nhau tập trung thực hiện cho hiệu quả, đặc biệt là các định hướng lớn đối với các bậc học sau đây:
- Đối với giáo dục mầm non: Tập trung phát triển trường, lớp ở khu công nghiệp, khu chế xuất; đẩy mạnh các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với giáo dục mầm non, giảm bạo hành trẻ và giải quyết tình trạng thiếu giáo viên.
- Đối với giáo dục phổ thông: Tiếp tục chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, nhất là đối với lớp 1; nâng cao chất lượng công tác tổ chức thi, kiểm tra đánh giá đặc biệt là kỳ thi trung học phổ thông quốc gia; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; triển khai đổi mới cơ chế quản lý trong các trường phổ thông.
- Đối với giáo dục đại học: Tiếp tục đẩy mạnh việc tự chủ của các trường đại học, nâng cao chất lượng đào tạo phù hợp với bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng nhu cầu của xã hội để tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo ngày càng tăng.