LTS: Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các trường học trên khắp cả nước lại bắt đầu bước vào thời gian cao điểm của học kỳ 2.
Để bước vào học kỳ mới nhiều động lực, thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc chỉ ra một số điểm cần lưu ý đối với các thầy cô giáo, học sinh cũng như Ban giám hiệu nhà trường.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Học kỳ 1 vừa đi qua, thầy cô giáo và học sinh ở bậc tiểu học cả nước thực hiện những điểm mới của Thông tư 22, Thông tư 03 với một tâm thế thoái mái, nhẹ nhàng hơn.
Các áp lực, căng thẳng, tốn kém thời gian của giáo viên để ghi ghi chép chép, đánh vật với các loại hồ sơ, sổ sách, nhận xét cũng được giảm tải đáng kể.
Nhà trường, phụ huynh và các em học sinh phấn khởi, không còn bị mơ hồ, khó hiểu với cách đánh giá, nhận xét, ghi điểm vừa định lượng vừa cụ thể theo quy định mới.
Học sinh lớp 4, 5 được trải nghiệm qua bài kiểm tra ở một số môn học ở cuối kỳ.
Học sinh và giáo viên ở bậc trung học cơ sở - được xem là bậc trung gian, có không khí dạy học khá yên ả, ít có xáo trộn, vẫn thực hiện chương trình cải cách ra đời cách đây mười mấy năm.
Sau Tết Nguyên đán, các trường bước vào thời gian cao điểm của học kỳ mới. (Ảnh minh họa: hoc.vtc.vn) |
Đầu năm học, trước những cải tiến, điều chỉnh về hình thức thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm nay, học sinh lớp 12 cũng như thầy, cô giáo và phụ huynh có phần hoang mang, lo lắng.
Với cách trấn an, hướng dẫn, thông tin cụ thể, kịp thời của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cấu trúc đề thi, dạng đề thi minh họa lần lượt được công bố rộng rãi, đầy đủ, thầy cô giáo, học sinh cảm thấy yên tâm.
Và ở học kỳ 1 vừa qua, hầu hết các em lớp 12 ( kể cả lớp 10, 11) được tiếp cận và thử sức rèn luyện mình qua các đề thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan đối với các môn Toán học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân lần đầu tiên được áp dụng trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017.
Sự nhiễu loạn các loại tài liệu, sách giải, luyện thi theo hình thức trắc nghiệm trên thị trường sách, trên dịch mạng internet hiện nay ít nhiều làm cho các em lớp 12 gặp bối rối, khó phân định, chọn lựa.
Những kết quả, số liệu, điểm số, đánh giá, nhận xét về tất cả môn học, học lực, hạnh kiểm, các mặt hoạt động… của từng học sinh, tập thể trường, lớp ở học kỳ 1 đã hiện hữu, là cơ sở quan trọng nhằm giúp nhà trường, giáo viên, học sinh và phụ huynh nhìn nhận, soi dõi lại chính mình.
Thầy, cô giáo có dịp nắm bắt cụ thể, tương đối chính xác năng lực, phẩm chất của từng em, có dịp đối chiếu, so sánh các lớp mình dạy, chủ nhiệm với các lớp cùng khối để từ đó biết cách điều chỉnh việc dạy học và giáo dục cho sâu sát, đạt hiệu quả cao hơn.
Qua phiếu, sổ liên lạc, họp phụ huynh học sinh sơ kết học kỳ 1, các bậc cha mẹ nhận diện được mức độ, khả năng học tập của con em mình.
Đà Nẵng sẽ tổ chức thi học kỳ 2 và thi thử tương tự kỳ thi quốc gia 2017 |
Theo đó, công tác phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh về việc giáo dục, nhắc nhở, uốn nắn những lệch lạc của con trẻ sẽ tốt hơn ở học kỳ 2.
Ban giám hiệu nhà trường cũng phải có những trăn trở, suy nghĩ, phân tích, đánh giá xác đáng và đặc biệt là các biện pháp, giải pháp khả thi để phát huy điểm mạnh, mặt tốt, khắc phục, đẩy lùi điểm yếu, mặt hạn chế của nhà trường, đội ngũ thầy cô giáo, các em học sinh do mình quản lý.
Đừng để giáo viên chê, các lãnh đạo nhà trường chỉ giỏi nói, làm ít, thiếu suy nghĩ, biện pháp hay, năm nào, học kỳ nào mọi thứ vẫn cứ như vậy.
Cuối cùng, bản thân từng em học sinh không thể chểnh mảng, chây lười việc học tập, rèn luyện, luôn xem những kết quả, điểm số chưa đạt ở học kỳ 1 là thất bại, là động lực phấn đấu vươn lên ở học kỳ 2.
Đối với học sinh chuyển cấp, từ lớp 5 lên lớp 6, từ lớp 9 lên lớp 10, nhiều em thường gặp khó khăn, trở ngại trong quá trình học tập ở một chương trình có một số điểm và cách đánh giá khác biệt.
Có thể nói, ăn Tết Nguyên đán xong, thầy và trò phổ thông trên phạm vi cả nước bước vào thời gian cao điểm của học kỳ 2.
Hàng loạt bài vở, các bài kiểm tra 15 phút, 1 tiết triền miên, nối đuôi nhau bắt buộc học sinh phải chuẩn bị, học bài nếu không muốn bị điểm thấp kém.
Kết quả hạnh kiểm, điểm số các môn học ở học kỳ 2 được tính hệ số đôi, có tính chất quyết định đến kết quả các mặt của cả năm học.
Học sinh cần biết chăm ngoan, nỗ lực, tăng tốc trên đường về đích cùng với vai trò, trách nhiệm dìu dắt, dạy dỗ nhiệt tình, hiệu quả của thầy cô giáo, nhà trường.
Học sinh cuối cấp, lớp 12 càng không thể chủ quan với cách tổ chức coi thi chặt chẽ, nghiêm túc của các địa phương và hình thức thi mới.
Theo đó, mỗi thí sinh có một mã đề thi riêng, 80% câu hỏi khác nhau, mỗi phòng thi tối đa chỉ có 24 thí sinh, không còn quá đông thí sinh trong một phòng thi như năm ngoái.