LTS: Đằng sau niềm vui mừng, hạnh phúc của các bậc cha mẹ khi biết tin những đứa con thân yêu của mình đỗ đại học lại là nỗi niềm lo lắng khôn nguôi.
Chia sẻ về những gánh nặng mà các bậc cha mẹ sẽ phải trải qua khi các con bước chân vào giảng đường đại học, tác giả Phan Tuyết đã có bài viết về vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả.
Nghe tin con vào đại học hết thảy các bậc ba mẹ đều mững rỡ, vỡ òa trong niềm hạnh phúc khôn tả vì bao năm tháng nuôi con ăn học nay đã có thành quả.
Thế nhưng với không ít gia đình nghèo ở nông thôn, gia đình công chức có thu nhập thấp thì sau niềm vui là cả những năm tháng lo lắng, vất vả nhọc nhằn của các đấng sinh thành để chống chọi với bài toán tài chính mỗi tháng.
Vì thế, không ít gia đình đã rơi vào vòng xoáy nợ nần không lối thoát.
Gánh nặng học phí đè trên vai các bậc phụ huynh (Ảnh minh họa: nguoiduatin.vn) |
Nợ nần bủa vây gia đình
Gia đình chị Hòa - giáo viên ở Hàm Thuận Nam tỉnh Bình Thuận có cô con gái thi đại học đạt 23,5 điểm.
Cháu ước mơ được học khoa Dược nhưng ngoài Trường đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh là học phí ở mức vừa phải nhưng với số điểm đó cô bé không thể đỗ được.
Hầu như khoa dược của các trường đại học khác mức đóng học phí thường giao động ở mức khoảng 40 triệu đồng/năm. Hai năm cuối cùng có thể lên 60 triệu đồng/năm.
Nếu nhẩm tính, tiền học phí một tháng khoảng 4 triệu đồng, tiền ăn, trọ nếu tiết kiệm cũng khoảng 3 triệu, rồi tiền quần áo, sách vở, bảo hiểm… một năm gia đình cũng phải chi ra cả trăm triệu đồng. Đây là khoản tiền vô cùng lớn đối với một công chức nghèo như gia đình chị Hòa.
Đành gác ước mơ, chị khuyên con tìm một ngôi trường có học phí rẻ hơn. Khổ nỗi, học phí rẻ nhưng những ngành nghề đó cô bé không hề yêu thích.
Nhưng, do gia đình không đáp ứng nổi (lương của chị Hòa chỉ 7 triệu/tháng), chị đành tặc lưỡi “cứ để nó học đi rồi sau tính tiếp”.
Nuôi một con học đại học còn khốn đốn như thế. Không ít gia đình hiện cô chị chưa ra trường, cô em lại vào tiếp.
Thế là hàng tháng để nuôi hai con học đại học, ba mẹ phải dồn cả hai suất lương mới đủ gửi cho con, còn ở nhà đành “ăn mắm mút dòi” cho qua bữa.
Gia đình công chức nuôi con học đại học còn đổ mồ hôi. Gia đình nhà nông, thu nhập hàng tháng xem như không có vì một năm chỉ làm hai vụ mùa.
Chị Minh ở xã Tân Bình, thị xã La Gi cho biết: “Khi con bước chân vào giảng đường đại học, gánh nặng tiền học phí, phòng trọ, sách vở... ám ảnh từng giấc ngủ của vợ chồng tôi.
Phần vì để làm rạng danh tổ tiên, dòng họ, phần là để con thoát khỏi cảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau” nên chúng tôi phải nỗ lực từng ngày”.
Gia đình anh chị vốn làm nông, chị Minh cho biết: “có bán hết thảy lúa, mì, bắp thu được cả năm cũng chưa đủ tiền nộp học phí cho con”.
Anh chị đã phải làm nụng đủ nghề, vay mượn tiền sinh viên mới nuôi nổi đứa con đầu học đại học.
Nay chị chưa kịp ra trường, em lại sắp bước vào học. Số nợ cũ chưa kịp trả giờ lại chồng tiếp nợ mới. Và tiền lãi cứ tăng theo cấp số nhân khi lãi mẹ đẻ lãi con cứ nhiều lên hàng tháng.
Gia đình anh Thủy chị Nga ở phường Phước Lộc chia sẻ: “biết con đỗ đại học, vui một mà lo gấp mười lần. Lo vì không biết lấy tiền đâu cho con đi học”.
Chưa đến 50 tuổi nhưng do quanh năm đầu tắt mặt tối với công việc kiếm tiền khiến khuôn mặt chị Nga đầy vết chân chim trên làn da cháy nắng.
Chồng đi biển lênh đênh hàng tuần mới vào. Chị đi xẻ cá, làm mực từ 5 giờ sáng, có khi khuya lắc khuya lơ mới về đến nhà.
Tiền công kiếm được cả tháng của hai vợ chồng đều dồn hết để nuôi 2 chị em học đại học nhưng không đủ.
Mỗi lần con đóng học phí, hai vợ chồng lại chạy vạy đủ nơi để mượn. Giờ thì số nợ phải trả đã lên đến con số hàng trăm triệu đồng.
Nỗi lo tiền đóng học cho con chưa xong, ra trường lại lo con không có việc làm. Nhưng con đỗ đại học mà khuyên đi làm công nhân chị nói mình không nỡ.
Nhìn theo dáng lam lũ, tất bật của các bậc cha mẹ nghèo lo mùa tựu trường cho con để thấy được những sự hy sinh vô bờ bến ấy vẫn chưa chắc đổi lại được quả ngọt sau này.
Bởi, không ít em học đại học ra trường, lại phải giấu tấm bằng đại học để xin làm công nhân.
Nó cũng đặt ra vấn đề, nhà nước cần có chính sách chắt lọc, phân luồng ngay từ khâu tuyển sinh để tránh tình trạng phổ cập đại học như hiện nay.