LTS: Sau khi đỗ đại học rồi, một số em sinh viên thường có tâm lý cho phép bản thân mình xả hơi, buông lỏng, không kiểm soát chuyện học hành, từ đó dẫn đến những hệ lụy đáng buồn sau này.
Chia sẻ về vấn đề trên, tác giả Thanh An đã có bài viết.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Những ngày này, hàng trăm ngàn thí sinh vừa mới tham gia kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia chắc đang hân hoan khi biết mình đã đỗ vào trường đại học mà mình yêu thích.
Một số trường đã đang làm thủ tục nhập học cho những sinh viên đỗ nguyện vọng 1. Tuy nhiên, chuyện đỗ đại học của các em và bắt đầu bước vào giảng đường cũng chỉ là bước khởi đầu cho một tương lai sau này.
Nếu, các em sinh viên không phấn đấu, không biết trân trọng những thành quả ban đầu thì đến một lúc nào đó sẽ rơi vào bi kịch của cuộc đời mà nhiều sinh viên lớp trước đã vấp phải.
Đỗ đại học mới chỉ là bước khởi đầu cho một tương lai sau này (Ảnh minh họa: anninhthudo.vn). |
Đã từ lâu, tâm lý của một số em sinh viên năm nhất xem đỗ đại học là một thành công lớn nhất của đời người nên đã bắt đầu tự mãn với thành quả mà mình đã đạt được.
Một số em quan niệm, sau 12 năm đèn sách vất vả, nhất là vừa trải qua một kì thi quan trọng với nhiều áp lực thi cử nên khi đỗ vào đại học là phải “xả hơi” để bù lại những tháng ngày ôn luyện căng thẳng đã qua.
Cũng có những em có hoàn cảnh khó khăn nên ngay từ những năm đầu đại học đã phải bắt đầu làm thêm để trang trải việc học.
Có em vì không còn bị gia đình quản lí, giám sát nên bắt đầu làm quen và mải mê với những trò chơi vô bổ.
Vì thế, hậu quả là nhiều em không coi trọng việc học ngay từ khi mới bước vào giảng đường đại học và sa sút việc học hành so với thành quả của thời học phổ thông.
Kiến thức bài vở bị bỏ bê, một số em không theo kịp bạn bè lúc nào không hay.
Khác với thời trung học phổ thông, đào tạo ở đại học thường là đề cao tinh thần tự học, tự nghiên cứu của sinh viên.
Vì vậy, có những môn thầy cô không coi trọng việc kiểm diện sĩ số hàng ngày.
Chính vì vậy, nhiều em sinh viên chủ quan và có cả tư tưởng “nước đến chân mới nhảy” nên kiến thức nền tảng ban đầu bị hẫng dần.
Trong khi, học đại học đòi hỏi phải nghiên cứu chuyên sâu và thường mỗi môn chỉ thi 1 lần làm điểm hoàn thành môn học ở cuối kỳ nên không có điểm gỡ như học ở cấp học phổ thông với rất nhiều cột điểm.
Vậy nên, nếu không được 5 điểm thì ắt phải thi lại, học lại, thậm chí là khi kết thúc khóa học vẫn còn một số sinh viên phải ở lại trả nợ môn thêm một vài năm nữa.
Có một thực tế nữa là nhiều em từ các vùng nông thôn khi nhập học vào các trường ở những thành phố lớn thường bị choáng ngợp với những điều hoàn toàn mới mẻ và xa lạ với chốn thôn quê.
Môi trường sống hoàn toàn thay đổi nên nhiều em cũng thay đổi theo. Những cám dỗ ở phố phường cũng không thể nào lường trước được. Nhất là một số em lâu nay được cha mẹ bao bọc, cưng chiều quá mức, chỉ biết mải mê vào việc học.
Các kĩ năng sống còn hạn chế nên khi vào học ở các thành phố lớn dễ bị bạn bè lôi kéo vào những cám dỗ của cuộc sống phố phường nhưng lại không có kĩ năng để xa lánh rồi dẫn sa ngã.
Trong khi chương trình đào tạo của nhiều trường đại học rất nặng, các giảng viên yêu cầu sinh viên phải tập trung cao độ mới đáp ứng được yêu cầu môn học.
Vì thế, những năm qua đã có rất nhiều em có kết quả học tập thấp bị nhà trường cảnh cáo và cuối cùng là bị buộc thôi học.
Chuyện sinh viên bị đuổi học đã xảy ra từ nhiều năm, đây rõ ràng là một tiếng chuông cảnh tỉnh cho nhiều sinh viên, nhất là những em vừa mới bước vào giảng đường đại học.
Chuyện không tập trung học tập và dẫn đến kết quả học tập thấp hay vi phạm nội quy của nhà trường thì việc bị buộc thôi học là lẽ đương nhiên.
Nếu các nhà trường không làm nghiêm thì tương lai những cử nhân đó khi ra trường không thể đáp ứng được nhu cầu công việc, ảnh hưởng đến uy tín nhà trường đào tạo.
Khi đi làm, có ngồi vào vị trí công tác nào cũng làm tổn hại đến uy tín và ảnh hưởng đến công việc chung của đơn vị.
Chính tình trạng sinh viên bị buộc thôi học hàng năm nhiều đã dẫn đến rất nhiều những hệ lụy.
Nhà trường cũng lãng phí công sức đào tạo, các em sinh viên mất đi tuổi trẻ và những hoài bão, cha mẹ sinh viên mất tiền của, sự hy vọng vào con em mình…
Rồi đây, nếu các em có làm lại cuộc đời thì cũng mất thêm mấy năm học tập, tốn thêm bao tiền của.
Hơn nữa, những em khi bị buộc thôi học thường có tư tưởng chán nản, không dám nói sự thật với gia đình, không dám về quê, tương lai thì mờ mịt nên rất dễ sa vào những thói hư, tật xấu của xã hội. Từ đó, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Hơn lúc nào hết, trước khi nhập học thì cha mẹ cần hướng dẫn cho con em mình những kĩ năng cần thiết để thích nghi và hòa nhập với môi trường mới.
Bởi thực tế, khi xa cha mẹ là các em sinh viên phải tự thân vận động để sống và học tập.
Có lẽ hơn lúc nào hết, mỗi em sinh viên cần phải biết ý thức về tương lai của mình để tự giác phấn đấu và rèn luyện.
Chuyện học là của mình, tương lai là của mình, vì vậy mà các em cần đề cao ý thức, trách nhiệm, bổn phận của mình.
Phía trước cũng có thể là con đường hy vọng nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều cạm bẫy đòi hỏi các em sinh viên phải đối mặt để vượt qua.