Những nhận xét đầu tiên về Thông tư 22 thay đổi cách đánh giá học sinh

29/09/2016 11:01
Đỗ Tấn Ngọc
(GDVN) - Việc ban hành Thông tư 22 thay thế hướng đến khắc phục những bất cập trong Thông tư 30 trước hết thể hiện thái độ cầu thị, lắng nghe nhân dân của Bộ Giáo dục.

LTS: Qua lắng nghe ý kiến của nhiều giáo viên, phụ huynh, mới đây Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định ban hành Thông tư 22, giúp bổ sung 13 trong 20 điều của Thông tư 30.

Thông tư 22 sẽ bắt đầu triển khai từ ngày 6/11/2016 thay thế Thông tư 30, trên cơ sở điều chỉnh, khắc phục những bất cập trong Thông tư 30 cho phù hợp với thực tiễn, phát huy hiệu quả giáo dục.

Đánh giá về những chỉ đạo này, thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc (giáo viên trường Trung học Phổ thông Huỳnh Thúc Kháng, Quãng Ngãi) có bài viết thể hiện quan điểm của mình.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!             

Thông tư 30 ra đời tạo áp lực nặng nề cho giáo viên Tiểu học

Có thể nói, Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thay đổi cách đánh giá đối với học sinh Tiểu học, thay việc chấm điểm học sinh bằng nhận xét được xem là một sự đổi mới, bước tiến bộ đáng ghi nhận.

Nó đem lại nhiều lợi ích cho người học, giảm bớt được áp lực học tập, tranh đua nhau về điểm số, thành tích.

Đặc biệt, Thông tư này giúp nhìn nhận học sinh một cách toàn diện, từ nhiều đối tượng khác nhau; thêm tự chủ, tự tin, sáng tạo khi tham gia các hoạt động tập thể…

Nhưng sau hai năm thực hiện đại trà phạm vi cả nước, cách đánh giá mới này đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ các giáo viên trực tiếp giảng dạy và quản lý giáo dục.

Đi đâu cũng gặp những lời than vãn, kêu khó của những người trong cuộc.

Giáo viên bộc bạch rằng điều kiện cơ sở vật chất chưa đảm bảo; sĩ số học sinh trên lớp đông; thói quen cho điểm bằng số khó bỏ; lương bổng thấp trong khi lượng sổ sách phải ghi chép lại quá nhiều.

Ảnh minh họa trên thethaovanhoa.vn.
Ảnh minh họa trên thethaovanhoa.vn.

Công bằng mà nói, sự thất bại, chưa trọn vẹn của Thông tư 30 còn do nhiều nguyên nhân khác.

Thứ nhất, là cơ quan chủ quản, người ban hành Thông tư chưa đánh giá được những khó khăn, bất cập của cơ sở và giáo viên bậc Tiểu học.

Thứ hai, một bộ phận cán bộ quản lý và giáo viên ở bậc học này chưa đáp ứng được nhiệm vụ, yêu cầu mới trong đổi mới giáo dục.

Nhiều giáo viên vì lượng công việc ôm không xuể đã dùng biện pháp khắc chữ, nhân bản lời nhận xét… trở thành những câu chuyện dở khóc dở cười trước mặt các phụ huynh, học sinh.

Trước tình hình đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra quyết định chỉnh sửa, thay đổi Thông tư 30 và cao hơn là quyết định ra Thông tư mới để bổ sung cho Thông tư này phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn.

Bộ Giáo dục đã bổ sung, thay thế Thông tư 30 bằng Thông tư 22

Mới đây, Thông tư 22 được ban hành giúp bổ sung 13 điều (trong tổng số 20 điều của Thông tư 30) về đánh giá học sinh Tiểu học, có hiệu lực từ 6/11.

Xem xét 13 điều sửa đổi, bổ sung trong Thông tư 22, là một nhà giáo, tôi đánh giá cao thái độ cầu thị, tinh thần trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo do đã kịp thời điều chỉnh, bổ sung với mục đích khắc phục bất cập trong Thông tư 30.

Trao đổi với nhiều giáo viên đang trực tiếp dạy học bậc Tiểu học, họ rất phấn khởi và hoan nghênh bước tiến tích cực của Thông tư 22.

Cô giáo Lê Thanh Hà (giáo viên trường Tiểu học số 2, xã Tịnh Bình, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) cho biết:

“Giáo viên chúng tôi đồng tình với chủ trương Bộ Giáo dục và Đào tạo là vẫn giữ  cách  đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, đánh giá định kì bằng điểm số kết hợp với nhận xét; kết hợp đánh giá của giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh.

Chúng tôi cũng tâm đắc với ý bổ sung trong Thông tư 22 mới ra là “đánh giá của giáo viên là quan trọng nhất”, đúng là vai trò của giáo viên trong đánh giá học sinh vẫn là chính thống và quyết định hơn cả”.

Lâu nay, điều khiến giáo viên “kêu than” nhiều nhất khi thực hiện Thông tư 30 là việc đánh giá học sinh. Có 2 mức để đánh giá học sinh: hoàn thành và chưa hoàn thành. Cách đánh giá như thế được cho là nặng về định tính, không khơi dậy được tinh thần phấn đấu và nỗ lực của học sinh.

Thông tư 30 ra đời khiến giáo viên "mệt mỏi" nhận xét học bạ (Ảnh: vtc.vn).
Thông tư 30 ra đời khiến giáo viên "mệt mỏi" nhận xét học bạ (Ảnh: vtc.vn).

Thông tư 22 ra đời khắc phục nhận xét bằng 3 mức đánh giá: Hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành.

Mặt khác, quá trình đánh giá thường xuyên đến giữa và cuối mỗi học kì, lượng hóa năng lực, phẩm chất học sinh thành ba mức: tốt, đạt, cần cố gắng (thay cho 2 mức: đạt và chưa đạt trước đây).

Về những điều chỉnh này chúng tôi rất đồng tình, vì 3 mức này giúp giáo viên, phụ huynh lượng hóa, nhìn nhận rõ ràng hơn kết quả rèn luyện, phấn đấu của học sinh.

Đồng thời, cách đánh giá này cũng giúp học sinh nhận ra mình thiếu hụt những gì so với chuẩn kiến thức, kỹ năng hay yêu cầu bài học để cả giáo viên và học sinh cùng điều chỉnh hoạt động, phương pháp tiếp cận kiến thức”, cô Hà nói thêm.

Những nhận xét đầu tiên về Thông tư 22 thay đổi cách đánh giá học sinh ảnh 3

Bộ Giáo dục sửa Thông tư 30, khắc phục những hạn chế, bất cập

Theo quy định trong Thông tư 22, sổ theo dõi chất lượng giáo dục sẽ được thay bằng bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục, đồng thời không quy định cứng nhắc bất kì loại sổ nào sử dụng trong quá trình đánh giá học sinh.

Giáo viên được trao quyền tự chủ theo dõi sự tiến bộ của học sinh, ghi chép những lưu ý với học sinh có nội dung chưa hoàn thành hoặc có khả năng vượt trội nhằm tự mình nắm bắt thông tin và sử dụng khi cần.

Khi nói về thay đổi này, cô giáo Bùi Thị Nhàn (giáo viên trường Tiểu học Nguyễn Nghiêm, thành phố Quảng Ngãi) vui mừng phân trần:

Nói thật, hai năm qua chúng tôi rất mệt vì việc có quá nhiều loại sổ sách, nhiều lúc phải đánh vật, ngồi còm lưng ghi ghi, viết viết triền miên. Nay cắt sẽ giúp cho thầy cô thuận lợi hơn khi thực hiện đánh giá và có nhiều thời gian quan tâm các em trong quá trình học.

Hơn nữa, quy định cụ thể hơn về khen thưởng sẽ giúp nhà trường tiện lợi hơn mà vẫn đảm bảo không gây áp lực, hạn chế bệnh thành tích trong giáo dục”.

Thông tư 22 với nhiều điều chỉnh, bổ sung chắc chắn sẽ khắc phục được những bất cập, thiếu khả thi của Thông tư 30, từ đó, giúp giáo viên đỡ gánh nặng, kêu khó và toàn tâm, toàn ý thực hiện Thông tư mới.

Tôi luôn luôn đặt niềm tin vào giáo viên trong quá trình thực thi sắp tới!

Đỗ Tấn Ngọc