Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, (Công văn số 1212/MTTW-BTT ngày 14 tháng 9 năm 2015 về tổng hợp ý kiến nhân dân đóng góp vào các văn kiện Đại hội XII của Đảng), ngày 26 tháng 10 năm 2015 tại Cung Trí thức Hà Nội, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã tổ chức hội nghị đại biểu nghiên cứu và góp ý cho các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng.
Tham dự hội nghị có: Chủ tịch và các Phó Chủ tịch, Trưởng các Phòng Ban, Ủy viên Ban Thường vụ, Thường trực Hiệp hội. Chủ trì hội nghị GS Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội.
Ý kiến tóm tắt của các đại biểu góp ý cho Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhìn chung, các đại biểu cho rằng văn kiện dự thảo quá dài, thiếu tập trung, đánh giá tình hình chưa khách quan, phương hướng phát triển chưa rõ nét, chưa thấy rõ ý đồ chiến lược của nhiệm kỳ tới là gì?
Ngay cả mục tiêu xây dựng xã hội tới đâu cũng chưa rõ, văn kiện nêu “sớm” đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện - là đến bao giờ, và hình thù xã hội công nghiệp đó ra sao?
Thực tế sau 40 năm thống nhất đất nước, trong đó có 30 năm đổi mới, chúng ta đã cố gắng trong nửa đầu giai đoạn đổi mới, nửa sau lại rơi vào trì trệ. Do đó, dù đạt được sự bứt phá nhất định, nhưng so với các nước phát triển trong khu vực thì ta càng về sau ta càng tụt hậu càng xa.
Trong phần đánh giá, chúng ta chưa chỉ ra được nguyên nhân tại sao, chưa đánh giá đúng tình hình đất nước khi đặt trong bối cảnh của khu vực và quốc tế, đặt trong môi trường cuộc cách mạng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin phát triển như vũ bão. Do đó phần phương hướng của Văn kiện cũng khó đưa ra được chiến lược, sách lược, giải pháp đột phá hữu hiệu để đưa nước nhà tiến lên.
Phương châm chỉ đạo của Đại hội XII
Kế thừa phương châm chỉ đạo của Đại hội XI (Đổi mới - Trí tuệ - Dân chủ - Đoàn kết) và để sát hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mới, Trung ương nêu 3 phương án về phương châm chỉ đạo của Đại hội XII để đại hội Đảng các cấp thảo luận, là: 1) "Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đổi mới";2) "Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Phát triển"; 3) "Bản lĩnh - Dân chủ - Kỷ cương - Đoàn kết".
Hiệp hội chúng tôi đề nghị phương án 2: "Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Phát triển".
Tiêu đề Đại hội XII
Các đại biểu nhất trí cao với nội dung 4/5 thành tố thể hiện trong tiêu đề Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XII , đó là: "Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định".
Riêng thành tố thứ 5 “xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”- các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nên đề ra mục tiêu cụ thể hơn, ví dụ đến năm 2025, không nên dùng từ “sớm” , vì sớm là bao nhiêu năm?
Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam góp ý cho Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 12, ngày 26/10 vừa qua. Ảnh Xuân Trung |
Viết như vậy, một mặt thể hiện mục tiêu, mô hình nước công nghiệp do Đảng đề ra và lãnh đạo nhân dân thực hiện là chưa rõ; Mặt khác, dễ có suy nghĩ cho rằng tầm nhìn và năng lực lãnh đạo của Đảng trong điều kiện CNH, HĐH còn yếu kém, chưa theo kịp yêu cầu phát triển.
5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI
Khi đánh giá thành tựu, chúng tôi cho rằng nhiều đánh giá còn mang tính “nói nước đôi”, nghiêng về “an toàn” né tránh yếu kém, khuyết điểm. Các đại biểu cũng đồng tình với dự thảo văn kiện khi nêu những yếu kém: “Đổi mới chưa đồng bộ và toàn diện; Kinh tế tăng trưởng thấp hơn 5 năm trước, không đạt mục tiêu đề ra; năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp;
Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chậm được hoàn thiện, chưa có cơ chế đột phá để thúc đẩy phát triển; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp; kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, tiếp tục là những yếu tố cản trở phát triển; Thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm; Nhiều hạn chế, yếu kém trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hoá, xã hội chậm được khắc phục….”.
Về nguyên nhân: Nhất trí với dự thảo cho rằng, Nguyên nhân khách quan là do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu; thiên tai, dịch bệnh; những diễn biến mới phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, tình hình căng thẳng do tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông; sự chống phá của các thế lực thù địch. Song nguyên nhân chủ quan là trực tiếp và quyết định nhất.
Nhìn lại 30 năm đổi mới
Chúng tôi nhất trí cần nhìn lại 30 năm đổi mới để rút ra những bài học, những vấn đề có tính lý luận – thực tiễn để hướng tới tương lai tránh được những sai lầm không đáng có.
Sau 20 năm, chúng ta đã có điều kiện đánh giá khách quan, khoa học quá trình đổi mới đất nước. Những bài học của 20 năm đổi mới là rất quan trọng, nhưng những gì đòi hỏi sau 20 năm thì chúng ta chưa nhìn thấu đáo, chưa nhìn xa rộng hơn, chưa đưa ra những chủ trương chính sách mới, mà vẫn say sưa với “bệnh thành tích”, hài lòng với những gì đã đạt được.
Trong 10 năm gần đây, mặc dù thực tiễn quốc tế và trong nước vận động khá nhanh, nhưng chúng ta chưa tích cực tổng kết để tiếp tục bổ sung, phát triển lý luận đổi mới, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới tiến lên giành những thắng lợi mới.
Giáo dục là quốc sách, nhưng xếp thứ mấy?(GDVN) - Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy: "Báo cáo của ngành giáo dục nói rằng kỳ thi vừa qua giảm áp lực cho thí sinh, nhưng thực ra đâu có giảm được tí nào". |
Chúng tôi nhất trí với dự thảo, cho rằng “Có những chủ trương chính sách phát huy tích cực trong 20 năm đầu đổi mới, nhưng nếu kéo dài thì càng về sau càng hết tác dụng. Kinh tế phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, yêu cầu và thực tế nguồn lực được huy động. Trong 10 năm gần đây, kinh tế vĩ mô thiếu ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm, phục hồi chậm.
Chất lượng, hiệu quả, năng suất lao động xã hội và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Phát triển thiếu bền vững cả về kinh tế, văn hoá, xã hội và môi trường. Nhiều vấn đề bức xúc nảy sinh, nhất là các vấn đề xã hội và quản lý xã hội chưa được nhận thức đầy đủ và giải quyết có hiệu quả; còn tiềm ẩn những nhân tố và nguy cơ mất ổn định xã hội.
Trên một số mặt, một số lĩnh vực, một bộ phận nhân dân chưa được thụ hưởng đầy đủ, công bằng thành quả của công cuộc đổi mới. Đổi mới chính trị chưa đồng bộ với đổi mới kinh tế; năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị chưa ngang tầm nhiệm vụ".
Đó là yêu cầu về đổi mới thể chế chính trị, mở đường cho kinh tế xã hội phát triển hơn nữa. Vấn đề này đến nay chúng ta mới quan tâm, nhưng chưa chuyển biến được bao nhiêu, làm chưa quyết liệt. Đại hội XII cần phải quan tâm nhiều hơn trong nhiệm kỳ tới.
Mục tiêu tổng quát và động lực phát triển 5 năm tới
Về phát hiện và phát huy động lực để phát triển đất nước, chúng tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm trong dự thảo: “Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, cần nhận thức đúng và xử lý tốt các nhân tố tạo thành động lực: hài hoà lợi ích; phát huy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc; phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy nhân tố con người, vai trò của khoa học - công nghệ..., tạo thành động lực tổng hợp để đổi mới và hội nhập.
Động lực lợi ích. Lợi ích thúc đẩy con người hành động. Lợi ích bao gồm cả lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần, lợi ích kinh tế và lợi ích chính trị,...
Cần có cơ chế và chính sách giải quyết mối quan hệ lợi ích, kết hợp hài hoà các lợi ích chung và riêng, lợi ích cá nhân, tập thể và Nhà nước...; quan tâm lợi ích thiết thân của người lao động; bảo đảm lợi ích và phương thức thực hiện lợi ích công bằng, hợp lý cho mọi người, cho các chủ thể, nhất là lợi ích kinh tế. Đồng thời kiên quyết đấu tranh chống các lợi ích bất chính, phi pháp, "lợi ích nhóm".
Động lực lòng yêu nước, tinh thần dân tộc. Nhân dân ta có lòng yêu nước nồng nàn, cần phát huy cao độ lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, ý thức tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí và bản lĩnh dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ vì sự nghiệp phát triển, phồn vinh của đất nước, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Động lực dân chủ. Dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển đất nước. Dân chủ là một động lực to lớn có tác dụng thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của cá nhân và cộng đồng. Phải đẩy mạnh thực hành dân chủ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, trước hết là dân chủ trong Đảng, coi trọng dân chủ ở cơ sở.
Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ: Đi học phải trả tiền, bất kể công - tư(GDVN) - Đó là quan điểm và nhận định của ông Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. |
Cần hoàn thiện các quy định, quy chế về phát huy dân chủ. Bảo đảm tốt các quyền làm chủ, quyền dân chủ, quyền công dân, quyền con người của nhân dân theo Hiến pháp năm 2013. Dân chủ phải gắn với kỷ cương, kỷ luật.
Động lực đoàn kết, đại đoàn kết. Đoàn kết là truyền thống quý báu và là nguồn sức mạnh to lớn của cách mạng nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công".
Không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Đặc biệt phải giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Đoàn kết, thống nhất trong Đảng có vai trò quyết định bảo đảm đoàn kết dân tộc và sự đồng thuận xã hội”.
Để phát huy hài hòa các động lực, cơ chế lợi ích nói trên cần: Tiếp tục đổi mới tư duy, đổi mới tổ chức, cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi để phát triển nhanh và bền vững.
Cần kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm khơi gợi mọi tiềm năng của đất nước, xóa bỏ các rào cản, cơ chế kìm hãm sản xuất kinh doanh để huy động các nguồn lực vật chất và tinh thần trong nhân dân.
Phát triển nền kinh tế thị trường
Những năm gần đây, về nhận thức chúng ta đã khẳng định kinh tế thị trường không phải là “đặc sản” của kinh tế TBCN hay XHCN mà là của chung nhân loại. Kinh tế thị trường là sự điều tiết khách quan với mục tiêu đem lại sự cạnh tranh lành mạnh, sự minh bạch cho bất cứ nền kinh tế nào muốn phát triển không ngừng.
Dự thảo văn kiện đã xác định đặc trưng cơ bản của nền kinh tế thị trường của Việt Nam “là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường”. “Tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.
Hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế, chính sách, thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển, vận hành thông suốt, hiệu quả các loại thị trường và bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch. Việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, phân bổ nguồn lực cho sản xuất kinh doanh và quản lý giá phải theo cơ chế thị trường”.
“Thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường; bảo đảm tính đúng, tính đủ và công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá đối với hàng hoá, dịch vụ công thiết yếu; đồng thời có chính sách hỗ trợ phù hợp cho đối tượng chính sách và người nghèo. Không lồng ghép các chính sách xã hội trong giá. Hoàn thiện pháp luật về phí, lệ phí; rà soát, chuyển đổi chính sách phí, lệ phí đối với một số dịch vụ công sang áp dụng chế độ giá dịch vụ”.
Nếu thực hiện được như vậy, đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế;
Về định hướng XHCN, theo chúng tôi, khi đã nhận thức như trên thì không cần gắn tính chất XHCN vào nền kinh tế thị trường. Nếu gắn thêm vào thì các nước có chế độ chính trị khác nhau sẽ công nhận thế nào?
Khi xem xét họ phải cân nhắc xem tại sao thị trường của Việt Nam lại khác với thị trường của cộng đồng quốc tế? có phải Đảng và Nhà nước VN sẽ can thiệp vào giá thành sản phẩm, bù lương cho người lao động trong dây chuyền sản xuất để hạ giá thành sản phẩm?
Đây là yếu tố gây nghi ngờ không đáng có cho các nước khi xem xét công nhận kinh tế thị trường cho Việt Nam. Chính vì vậy, cho đến nay nhiều nước đang lấn cấn chưa công nhận kinh tế thị trường của Việt Nam là vì chỗ này.
Thực chất toàn bộ đường lối phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của chúng ta đều hướng tới mục tiêu xây dựng CNXH ở Việt Nam. Đó là vấn đề đã được các nước trong các văn bản hợp tác với Việt Nam ghi rõ, hai bên đều có nghĩa vụ tôn trọng chế độ chính trị của nhau.
Vậy để hội nhập khu vực và quốc tế, đề nghị không cần thiết gắn thêm định hướng XHCN vào kinh tế thị trường để gây khó dễ cho bạn bè quốc tế.
Trong Văn kiện Đại hội XII chúng ta đã không gắn định hướng XHCN vào tất cả các lĩnh vực: văn hóa, thể thao, du lịch…thì lĩnh vực kinh tế thị trường cũng nên như vậy. Chúng tôi đề nghị chỉ nêu vấn đề định hướng XHCN trong mục tiêu chung phát triển tất cả các mặt của đất nước là đủ.
Giáo dục, đào tạo và dạy nghề
Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI trình Ðại hội XII của Ðảng có 15 mục lớn. Trong đó có riêng Mục 5 cho giáo dục với tiêu đề: “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực”.
Về hoàn chỉnh hệ thống giáo dục quốc dân và xóa bỏ cơ chế cơ quan chủ quản, Dự thảo Báo cáo viết: “Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hôi học tập”.
Chúng tôi đề nghị viết lại là “Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng thực hiện phân luồng từ sau trung học cơ sở, đảm bảo sự đồng bộ hai hướng: ứng dụng-thực hành và nghiên cứu; thực hiện một hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời; sớm xóa bỏ cơ quan chủ quản đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học của các bộ, ủy ban nhân dân”. Đặt vấn đề trên vì:
Thứ nhất, NQ số 29-NQ-TW khẳng định rõ phân luồng sau THCS, định hướng nghề nghiệp ở THPT.
Giáo sư Trần Hồng Quân: Chẳng lẽ nền giáo dục cứ tụt hậu mãi?(GDVN) - “Ta phải sớm vươn lên một nền kinh tế tri thức bằng dùng mọi giải pháp xây dựng và phát triển sức mạnh trí tuệ của dân tộc”. |
Thứ hai, thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng XI, Bộ Chính trị có Thông báo kết luận số 37-TB/TW ngày 26/05/2011 về Đề án “Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị SNCL, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công”.
Nối tiếp, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt. Một trong những văn bản quan trọng là Nghị định số 16/2015/NĐ-CP về quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong đó có lĩnh vực giáo dục đào tạo (NĐ-16).
Theo đó, đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được thành lập Hội đồng quản lý để quyết định những vấn đề quan trọng trong quá trình hoạt động của đơn vị, được vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp (công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ). Đây là tổ chức thay mặt Nhà nước quản lý tài sản của nhân dân, không có cơ quan chủ quản.
Thứ ba, nó đồng bộ với chủ trương “sớm xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu của Nhà nước của các Bộ, UBND đối với vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp” được nêu trong Điểm 2, Mục “Hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN” của Dự thảo báo cáo chính trị của Đại hội XII.
Thứ tư, khắc phục tâm lý tiểu nông đã khiến mảng giáo dục đại học bị phân chia thành những “mảnh đất 5%” của các bộ, ngành, địa phương, thậm chí các tổ chức đoàn thể xã hội (Phụ nữ, Thanh niên, Công đoàn…); khắc phục tình trạng nền giáo nước nhà bị chi phối bởi nhiều đạo luật (Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học, Luật Giáo dục Nghề nghiệp), đang có sự chồng chéo, xung đột mà những đơn vị soạn thảo đã đưa vào luật theo ý muốn chủ quan của mình; khắc phục tình trạng xin cho.
Thứ năm, khắc phục tình trạng”Hệ thống giáo dục và đào tạo thiếu liên thông giữa các trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo” đem đến sự thiệt hại cho người học, người dân.
Về chủ trương xã hội hóa giáo dục, Dự thảo Báo cáo viết: “Đẩy mạnh xã hội hóa, trước hết đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”.
Theo chúng tôi, nên bỏ hai từ “trước hết”, bởi vì xã hội hóa giáo dục là chủ trương lớn, đã trải qua chặng đường hơn 20 năm. Suốt những năm qua, việc xã hội hóa giáo dục được Đảng, Nhà nước chỉ đạo đồng bộ cho cả hệ thống: từ giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục nghề nghiệp đến đại học.
Chính các trường phổ thông ngoài công lập đã góp phần rất quan trọng trong việc giải tỏa áp lực cho trường công lập, đặc biệt, các trường mầm non tiểu học ở hầu hết các thành phố, thị xã, thị trấn.
Với cách nghĩ như vậy, chúng tôi đề nghị viết lại là: “Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, thu hút sự đầu tư của các thành phần kinh tế ”.
Một vài lưu ý
Nhận định về khiếm khuyết của giáo dục ở Mục 5 không ăn khớp với nhận định trong đánh giá tổng quát. Cụ thể, ở Mục I đã nhận định giáo dục có “ Nhiều hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực giáo dục đào tạo … chậm được khắc phục”. Mặt khác, gần đây, Nghị quyết số 29-NQ/TW ghi rõ “Quản lý giáo dục và đào tạo còn nhiều yếu kém”.
Thế nhưng, ở Mục 5 dự thảo báo cáo lại nhận định “Quản lý giáo dục và đào tạo có mặt còn yếu kém”. Như vậy có gì đó không thống nhất, vả lại chỉ “có mặt còn yếu kém” thì cần gì phải “Đổi mới căn bản và toàn diện”. Có lẽ đây là sự nhầm lẫn, nên rà soát lại.
Ai cũng thừa nhận quan điểm “Giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ là Quốc sách hàng đầu” được nhắc đi nhắc lại trong nhiều kỳ Đại hội là quan điểm hết sức đúng đắn, không cần phải thêm từ ngữ nào nữa.
Nhưng cần chỉ rõ tại sao trên thực tế quan điểm đó lại không biến thành hiện thực? Nếu chúng ta không có tư duy đột phá, hành động quyết liệt thì giáo dục lại rơi vào tình trạng như cũ, tiếp tục trì trệ, tụt hậu.
Giáo dục Việt Nam không thể chậm trễ hơn được nữa, chúng ta đã bỏ lỡ nhiều cơ hội để cải cách giáo dục một cách căn bản, theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế. Muốn vậy, chúng ta cần cơ cấu lại hệ thống giáo dục quốc dân theo xu hướng hiện đại. Chúng tôi nhất trí với các quan điểm tiến bộ trong Dự thảo Báo cáo chính trị :
“Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập”. “Quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực”.
“Tăng tỷ lệ trường ngoài công lập đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.” “Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục, đào tạo.”,… “bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch”.
Ngoài ra, theo chúng tôi, điều có ý nghĩa cực kỳ quan trọng là cần tìm ra khâu đột phá trong hệ thống giáo dục đào tạo để tác động, để tập trung cải cách mạnh, bứt phá lên theo kịp với xu thế thời đại. Từ khâu đột phá đó sẽ kéo theo nhiều chuyển động khác.
Chúng tôi cho rằng, trong hệ thống giáo dục đào tạo của ta hiện nay thì giáo dục đại học là khâu đột phá để phát triển. Đột phá vào giáo dục đại học có hai mục tiêu: Trước mắt để nhanh chóng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho nhu cầu CNH, HĐH, hội nhập quốc tế về lao động và đáp ứng yêu cầu bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới.
Thứ hai, sự chuyển động mạnh của giáo dục đại học sẽ tác động vào các khâu khác, đòi hỏi các lĩnh vực khác cũng phải đổi mới, thúc đẩy tiến trình cải cách đồng bộ và phát triển mạnh mẽ toàn bộ hệ thống giáo dục đào tạo Việt Nam từ phổ thông đến giáo dục nghề nghiệp, từ đội ngũ nhà giáo đến cán bộ quản lý giáo dục, từ phân luồng học sinh đến hướng nghiệp…tất cả sẽ chuyển động, đổi mới.
Có ý kiến băn khoăn, vậy nguồn lực cho đột phá giáo dục đại học lấy ở đâu?
Trên thực tế, nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục đại học của nước ta là không thiếu. Nguồn lực tài chính còn rất dồi dào trong nhân dân và từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Nguồn nhân lực giảng dạy và quản trị đại học cũng không thiếu, trên các giảng đường của trường đại học lớn trên thế giới đều có người Việt Nam giảng dạy, nhiều thế hệ sinh viên giỏi của Việt Nam tốt nghiệp đại học trong và ngoài nước chưa được sử dụng, chưa thu hút vào dạy đại học.
Để phát triển mạnh giáo dục đại học, Nhà nước cần thiết lập hệ thống chính sách thông minh, hành lang pháp lý thông thoáng, tạo điều kiện hỗ trợ về đất đai, cơ sở vật chất ban đầu cho các trường đại học kể cả công lập và ngoài công lập, không đánh thuế đối với trường ngoài công lập, hỗ trợ sinh viên theo đầu người thực học, giao quyền tự chủ đầy đủ và tự chịu trách nhiệm cho các trường đại học.
Ngoài ra, khuyến khích hợp tác quốc tế, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, tạo môi trường cạnh tranh đại học lành mạnh, trên cơ sở kiểm định chất lượng giáo dục khách quan của các tổ chức kiểm định độc lập.
Trước mắt Nhà nước tập trung hỗ trợ đầu tư xây dựng một số Khu Đô thị Đại học (Làng Đại học) hiện đại tại các địa bàn trọng yếu của đất nước, trao quyền tự chủ cao cho các trường đại học tham gia hoạt động tại Khu Đô thị Đại học.
Yêu cầu các khu đô thị đại học phải sớm trở thành các trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học hàng đầu, thu hút sinh viên giỏi trong nước và quốc tế đến học. Khuyến khích tạo điều kiện các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề kêu gọi đầu tư từ các nguồn lực để hợp tác và cạnh tranh cùng phát triển.
Từ những bứt phá mạnh của giáo dục đại học, sẽ đặt ra những yêu cầu về chất lượng đầu vào của đại học. Chất lượng đầu vào đại học sẽ tác động trực tiếp đến nội dung chương trình và toàn bộ công việc dạy và học ở phổ thông.
Do đó đổi mới giáo dục ở phổ thông, nâng cao chất lượng dạy và học là nhu cầu tự thân của nhà trường và của mỗi học sinh, nếu muốn có đủ hành trang kiến thức để vào học đại học, cao đẳng và nghề nghiệp phù hợp.