Ngày 7/5/2018, đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội có cuộc làm việc với Công ty Cổ phần đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) về thực hiện luật xuất bản trong lĩnh vực sách giáo khoa.
VEPIC là công ty do một số lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã nghỉ hưu, thành lập để tham gia thị trường biên soạn sách giáo khoa mới theo chủ trương 1 chương trình, nhiều sách giáo khoa mà Nghị quyết số 88/2014/QH13 quy định.
Luật Giáo dục quy định một đằng, áp dụng một nẻo
Trao đổi với Đoàn khảo sát về vấn đề một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa và vấn đề chống độc quyền, ông Ngô Trần Ái cho biết:
"Tôi nói ra cái thực tiễn này luôn. Trước đây á, nói 1 chương trình 1 bộ sách, trước đây nói, luật ấy mà, nhưng mà thật sự là 1 chương trình có nhiều bộ sách.
VNEN này, Hồ Ngọc Đại này, rồi bộ của Bộ Giáo dục này, sau này có bộ của Cánh Buồm nữa, nó như thế.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam Ngô trần Ái giới thiệu bản thảo cuốn sách Tiếng Việt 1 mà Công ty đang biên soạn. Ảnh: Ng.Anh / daibieunhandan.vn. |
Lại còn tiếng Anh nữa, đủ thứ nhà xuất bản. Đủ thứ, một chương trình, nhiều bộ sách.
Bây giờ là 1 chương trình nhiều bộ sách, nhưng nếu mà giao cho một nhà xuất bản nào đó, A, B nào đó, giao tiền giao bạc anh làm, thì nó cũng trở lại giống như 1 chương trình, 1 bộ sách thôi, thiếu tính cạnh tranh.
Và Quốc hội thì khi đó, như chị vừa nói, tôi cũng biết có sự tranh cãi xung quanh vấn đề này. Nhưng rõ ràng thì, sau này không biết có xem lại không, nhưng nếu mà 1 chương trình 1 bộ sách mà giao cho, thì nó thành cái lợi ích."
Ông Ngô Trần Ái nói về cách chơi chữ của một số cựu lãnh đạo Bộ Giáo dục và đào tạo
Trưởng đoàn Giám sát đặt câu hỏi với lãnh đạo Công ty VEPIC rằng:
"VNEN có phải sách giáo khoa hay không? Sách công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại có phải sách giáo khoa hay không?"
Ông Ngô Trần Ái trả lời một cách chắc chắn:
"Nói VNEN không phải sách giáo khoa, không đúng. Nó là sách giáo khoa chứ, nhưng mà phương pháp của nó khác.
Thầy Đại, thầy Hiển có hưởng lợi từ tiền bán sách công nghệ giáo dục? |
Hầu hết nó lấy sách giáo khoa trong nhà trường rồi soạn lại theo cái phương pháp đó.
Nhưng phải nói một chuyện này, lúc đầu đông lắm, khoảng gần 1/3 học sinh tiểu học dùng rồi. Và giá nó, như chị biết, giá nó báo chí cũng đăng rồi, cao lắm.
Vả lại sau khi hết cái tiền cho rồi đó, nó bỏ hết. Nhiều tỉnh phản đối. Hà Tĩnh, nhiều nơi gay gắt. Bởi vì, tôi biết, tôi nghiên cứu cái này, nguồn gốc thế này chị ạ:
Ở bên Colombia đó, là cái nơi đất nước vùng núi, chiến tranh ác liệt, cho nên là lớp 30 đứa thì 5 đứa lớp 1, 5 đứa lớp 2, 5 đứa lớp 3, 10 đứa lớp 4...ghép lại.
Rồi bây giờ 4 lớp, cô giáo dạy 4 lớp thì lấy 4 cái bàn kê ra rồi...Cho nên là, mình làm như thế thì, nếu như nó tiến bộ thì Singapore, Trung Quốc hay Thái Lan nó cũng làm rồi chứ?
Thế thì mình làm như thế cho nên, tôi phản đối cái hồi Bộ trưởng Luận, Bộ trưởng trước, tôi cũng phải nói thẳng, cái này làm nó không đúng, vì cái chất lượng của nó không thể nào lên tốt được.
Vả lại, đứa nào giỏi thì nó cứ nói hoài, một hai nhóm nó cứ phát biểu. Đứa nào kém, nó cứ ngồi im, rồi nó chả biết cái gì hết.
Tôi khảo sát, cho nên, lấy thực tiễn mình đo chứ. Cái này tự nhiên giờ nó teo lại, nó giảm đi rất đáng kể, giảm rất nhiều.
Ngồi học theo "mâm" là dấu hiệu nhận diện đặc trưng của mô hình trường học mới VNEN, ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại. |
Tôi là người tôi vẫn nói với Bộ trưởng Nhạ là tôi phản đối cái này từ khi tôi còn làm Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục.
Cách làm cái này thích hợp với miền núi Colombia, thích hợp ở một đất nước còn chiến tranh thì người ta làm được. Bây giờ miền núi mình, những năm trước cũng có làm (chứ) sao không? Lớp ghép!
Nhưng bây giờ nó khá lên rồi, đời sống nó khá lên rồi thì mình không có lớp ghép. Thì cái này nhà khoa học chị nghiên cứu thêm, tôi chỉ thấy được khía cạnh mà tôi đang làm xuất bản tôi thấy."
"Thí điểm" tràn lan VNEN và Công nghệ giáo dục có phải lách luật / vi phạm Luật Giáo dục?
Luật Giáo dục hiện hành quy định, cả nước sử dụng "ổn định, thống nhất" sách giáo khoa theo 1 chương trình.
Nghị quyết số 40/2000/QH10 của Quốc hội quy định cụ thể hơn, cả nước thống nhất sử dụng 1 chương trình, 1 bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn.
Nhưng thực tế chính Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho lưu hành rộng rãi nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau và ít nhất 2 chương trình (Chương trình 2000 và Chương trình Công nghệ giáo dục do Giáo sư Hồ Ngọc Đại và cộng sự biên soạn).
Chương trình, sách giáo khoa mới và những con số nhảy múa |
Riêng môn tiếng Anh thì trăm hoa đua nở, và thông thường sách giáo khoa môn này rất đắt, do các nhà xuất bản chiết khấu rất cao cho các khâu phân phối.
Có điều, để tránh công khai "dẫm" lên Luật Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo không gọi sách VNEN là sách giáo khoa, mà là tài liệu hướng dẫn học; Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục cũng là "tài liệu"; Tiếng Anh thì dùng Đề án Ngoại ngữ 2020.
Nhưng bản thân Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, khi tại chức cũng như lúc về hưu, vẫn gọi "tài liệu hướng dẫn học VNEN" là sách giáo khoa [1], nhưng cũng có khi ông bảo nó chưa phải sách giáo khoa do đang thử nghiệm [2].
Chúng tôi rất băn khoăn không hiểu tại sao Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn toàn có quyền đề xuất với Quốc hội sửa luật, nhưng Bộ không làm, mà tìm cách "lách luật" bằng thí điểm (lời Giáo sư Hồ Ngọc Đại), và sáng tạo ra những khái niệm mới không có trong Luật Giáo dục (tài liệu tương đương sách giáo khoa).
Đáng lưu ý hơn nữa, ngoài sách của nhóm Cánh Buồm không sử dụng tiền thuế của dân, không sử dụng quyền lực và bộ máy quản lý nhà nước để triển khai áp đặt xuống các địa phương, thì các bộ sách còn lại đều đi theo hướng này.
Nhưng phải chăng vì "thân cô thế cô", nên bộ sách Cánh Buồm vẫn bị "người ta" đe nẹt bằng Luật Giáo dục ngay khi đương chức đương quyền, nhưng thấy Bộ sẵn sàng "lách" Luật Giáo dục bằng "thí điểm" để giúp các nhóm khác thì làm thinh vờ như không biết?
Hơn nữa, sách Công nghệ giáo dục hiện nay mới chỉ có 3 cuốn Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục là được Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận cho "thí điểm" đại trà, còn lại mới dừng ở thí điểm trong phạm vi hẹp, và biên soạn chưa hết lớp 5.
Sách VNEN thì sao chép lại sách giáo khoa 2000 vốn đã rất quá tải, nhưng có việc chép lại cũng sai, theo lời Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết trong bài "VNEN - rằng hay cũng lắm điều hay..."
Thực tế sống động này cho thấy, quy định về 1 chương trình 1 bộ sách giáo khoa, thậm chí 1 chương trình nhiều sách giáo khoa dường như đã lạc hậu.
Bởi vậy thiết nghĩ Quốc hội nên thành lập một ủy ban đánh giá độc lập, tổng kết lại các lần cải cách và đổi mới giáo dục, so sánh đối chiếu cách làm chính sách giáo dục của Việt Nam với các quốc gia phát triển về giáo dục, sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục;
Làm rõ các khái niệm về "chương trình", "sách giáo khoa", cụ thể hóa và pháp điển hóa quan điểm Giáo dục là Quốc sách hàng đầu thành các chính sách cụ thể, rồi hãy bắt tay triển khai, kẻo dân tộc lại lỡ thêm một nhịp.
Nguồn:
[1]https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/bai-hoc-bien-soan-sgk-tu-tai-lieu-huong-dan-hoc-vnen-3666055-v.html
[2]https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/bai-hoc-bien-soan-sgk-tu-tai-lieu-huong-dan-hoc-vnen-3666055.html