Giải thiêng sách giáo khoa

21/09/2018 14:20
Hồng Thủy
(GDVN) - Muốn thế hệ trẻ phát triển phẩm chất năng lực, phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, trước hết cần bỏ việc "nhai lại" sách giáo khoa.

Ngày 12/9 thảo luận về dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe nhiều ý kiến băn khoăn, sốt ruột của các Đại biểu trước thực trạng bất cập của chương trình, sách giáo khoa phổ thông hiện nay.

Dự thảo luật mới nhất quy định, mỗi môn học có thể có nhiều sách giáo khoa; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa. Cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập. [1]

1 bộ sách giáo khoa "quốc doanh" mới loạn

Xin được nói ngay rằng, đây là nhận định của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết trong bài viết "Bộ Giáo dục sản xuất sách giáo khoa là vô lý" mà thầy Thuyết trả lời phỏng vấn Báo VnExpress, đăng ngày 24/9/2014, khi thầy còn chưa làm Tổng chủ biên.

Thầy Nguyễn Minh Thuyết cho hay:

"Ở hầu hết các nước, người ta áp dụng nguyên tắc "một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa". 

Giải thiêng sách giáo khoa ảnh 1

Thầy Nguyễn Minh Thuyết nắm chắc Nghị quyết 88, nhưng có hiểu cái khổ của Dân?

Tôi thấy ở Anh, giáo viên không dạy hẳn theo một bộ sách giáo khoa nào mà căn cứ vào tình hình thực tế của lớp, họ chọn bài phù hợp nhất trong những cuốn sách giáo khoa đã có để dạy. 

Bài thì chọn ở sách này, bài chọn ở sách khác, thậm chí có khi họ photo một trang sách nào đó đem dạy cho học sinh.

Dĩ nhiên, muốn làm được như vậy phải có chương trình chi tiết, giáo viên có quyền tự quyết cao và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Đồng thời nhà trường phải có tiền mua sách để trong thư viện hoặc trong lớp cho học sinh sử dụng.

Việc có nhiều tổ chức, cá nhân soạn sách giáo khoa sẽ huy động được nguồn trí tuệ và tài chính của xã hội, đồng thời tạo ra một cuộc thi đua để không ngừng nâng cao chất lượng sách giáo khoa. 

Như vậy là có lợi cho người học, người dạy, đồng thời cũng san sẻ gánh nặng cho Nhà nước nếu như Nhà nước tiếp tục đầu tư ngân sách tổ chức biên soạn, xuất bản một bộ sách giáo khoa "quốc doanh". [2]

Trong bài viết "Bốn câu hỏi về đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa" mà Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết gửi cho Báo VnExpress, đăng ngày 10/11/2014, thầy Thuyết nhận xét:

"Cơ quan chuyên môn của Bộ đã bận tổ chức thi cử, làm dự án, nay kiêm cả việc biên soạn sách giáo khoa nữa thì còn thời giờ đâu thực hiện chức năng quản lý nhà nước? 

Hãy tưởng tượng sự phi lý của việc Bộ Công Thương đứng ra sản xuất máy cày, Bộ Y tế trực tiếp khám, chữa bệnh ngoài da, sẽ thấy phương án Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp sản xuất sách giáo khoa vô lý như thế nào." [3]

Danh mục "sách giáo khoa" còn thiếu mà vị cha mẹ học sinh phải lùng mua mỗi đầu năm học mới, thực chất là các loại vở bài tập sử dụng một lần. Ảnh chụp màn hình phóng sự VTV.
Danh mục "sách giáo khoa" còn thiếu mà vị cha mẹ học sinh phải lùng mua mỗi đầu năm học mới, thực chất là các loại vở bài tập sử dụng một lần. Ảnh chụp màn hình phóng sự VTV.

Trên thực tế, trước khi có Nghị quyết số 40/2000/QH10 về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, quy định cả nước sử dụng thống nhất 1 chương trình 1 bộ sách giáo khoa, đã từng tồn tại nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau.

Tuy nhiên lúc đó hoàn toàn không có chuyện "loạn" sách tham khảo ăn theo, bám sách giáo khoa vào trường học và năm nào cũng in lại sách giáo khoa như hiện nay.

Sự ra đời của 1 chương trình 1 bộ sách giáo khoa không đến từ nhu cầu thực tiễn của giáo dục, mà đến từ mối lo do chưa hiểu giáo dục.

Cố nhà giáo Văn Như Cương lúc sinh thời đã cho biết:

"Cần chú ý rằng trên thế giới, việc có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau là chuyện bình thường và tự nhiên vì nó đáp ứng được trình độ tiếp thu khác nhau của học sinh có trình độ khác nhau, ở những vùng miền khác nhau."

Nhà báo Vũ Hùng của Thời báo Kinh tế đặt câu hỏi tiếp với thầy Văn Như Cương:

"Thế nhưng, thưa Giáo sư, hình như cái việc "độc cương, đa bản" mà ông cho là rất bình thường ấy đã gặp phải sự phản ứng “bất thường” và rồi nó đã không diễn ra?".

Thầy Cương tiết lộ:

"Đúng vậy. Việc làm nói trên đã bị nhiều vị đại biểu Quốc hội lên án gay gắt. Trong các kì họp Quốc hội, vấn đề có nhiều bộ sách giáo khoa được thảo luận khá kĩ.

Giải thiêng sách giáo khoa ảnh 3

Ai đang bòn rút từng đồng từ túi dân nghèo đằng sau những cuốn sách giáo khoa?

Một lần, theo dõi trên chương trình truyền hình, tôi được nghe một vị đại biểu Quốc hội nói đại ý:

Đất nước thống nhất đã được 25 năm, thế mà mỗi miền lại dùng một bộ sách giáo khoa khác nhau, phải chăng người ta lại muốn chia cắt đất nước một lần nữa?

Là tác giả của một trong ba bộ sách Toán, tôi hoàn toàn bất ngờ và quả thật có phần... hoang mang.

Đấy là chỉ mới có 2 hoặc 3 bộ sách, chứ sau này có đến 10 bộ sách khác nhau thì không còn là tội “chia cắt đất nước” nữa, mà sẽ là tội “băm vằm đất nước” chăng?

Thế là, sau đó Quốc hội quyết định: chỉ có một bộ sách mà thôi. Để thực hiện quyết định đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể chọn một trong hai giải pháp sau đây: 

Một là trong ba bộ sách giáo khoa toán hiện hành sẽ chọn lấy một bộ dùng cho toàn quốc, hai bộ còn là xem như “vứt”. Hai là viết một bộ mới.". [4]

Sau đó chương trình 2000 ra đời, với 1 tỉ USD vay vốn ODA phục vụ việc thay chương trình sách giáo khoa và 14 nghìn tỷ đồng (xấp xỉ 1 tỉ USD) mua sắm thiết bị dạy học từ 2002 đến 2007.

Nhưng nguyên nhân và động lực sâu xa hơn của những lần thay sách giáo khoa, có lẽ là vì Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã phát hiện ra "mỏ vàng lộ thiên" này kể từ lần thay sách giáo khoa kéo dài từ 1981 đến 1993.

Bởi thế cho nên, vừa thay xong cuốn sách cuối cùng của lớp 12 năm 1993 thì tháng 10 cùng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xúc tiến việc đàm phán với Ngân hàng Thế giới vay 78 triệu USD để viết sách giáo khoa mới.

Nghị quyết số 40/2000/QH10 đến năm 2000 mới có, sau phát biểu lo ngại "chia cắt đất nước một lần nữa", để quy định 1 chương trình 1 bộ sách giáo khoa, nhưng thực tế các dự án ODA để thay sách giáo khoa mới đã bắt đầu đàm phán từ 1993, vay tiền thay sách chính thức thành chủ trương từ 1996.

Những băn khoăn, chất vấn của Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga về sách giáo khoa sử dụng 1 lần ngày 12/9 và 19/9 chính là sách giáo khoa 2000.

Thay vì sử dụng vở ô ly, vở thếp như trước đây, nhiều cơ sở giáo dục yêu cầu cha mẹ học sinh phải mua những loại vở in sẵn có hình thức bên ngoài khá giống với sách giáo khoa tương ứng. Không ít cha mẹ học sinh đều quan niệm đấy là "sách giáo khoa", nhà trường bảo mua loại nào thì phải mua loại ấy.
Thay vì sử dụng vở ô ly, vở thếp như trước đây, nhiều cơ sở giáo dục yêu cầu cha mẹ học sinh phải mua những loại vở in sẵn có hình thức bên ngoài khá giống với sách giáo khoa tương ứng. Không ít cha mẹ học sinh đều quan niệm đấy là "sách giáo khoa", nhà trường bảo mua loại nào thì phải mua loại ấy.

Chúng ta đã và đang phải trả giá vì 1 chương trình 1 bộ sách giáo khoa, với ít nhất 2 tỉ USD nợ công, còn người dân hiện nay mỗi năm đang mất cả nghìn tỷ đồng vì những cuốn sách giáo khoa 2000 mà học sinh có thể làm bài tập vào đó, chưa kể sách tham khảo, sách bổ trợ, sách bài tập, sách VNEN, sách Công nghệ giáo dục.

Đáng lẽ ra Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nên giải trình rõ vấn đề này trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếc rằng Bộ trưởng lại chọn cách im lặng.

"Muốn phát biểu về giáo dục phải hiểu giáo dục"

Đó là thông điệp của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết trong buổi tọa đàm trực tuyến với Báo VietnamNet ngày 15/9, khi trả lời đề nghị bình luận của nhà báo Phạm Huyền về cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12/9;

Trong phiên họp này, đã có những ý kiến tỏ ra rất bỡ ngỡ, ngỡ ngàng trước câu chuyện, tại sao lại có chuyện một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, cần phải hết sức cân nhắc quy định một chương trình nhiều sách giáo khoa, nhất là với tiểu học trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho hay, vấn đề này cử tri theo đuổi nói rất nhiều, Đại biểu Quốc hội, bản thân bà đã đề xuất cả với Bộ trưởng khóa trước, khóa này rất nhiều lần, nhưng hiện nay vẫn bức xúc như vậy.

Giải thiêng sách giáo khoa ảnh 5

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ muốn xóa độc quyền sách giáo khoa, không khó

Sửa luật lần này, nếu tới đây một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa nữa thì theo bà Hải việc nhà xuất bản giáo dục chiếm độc quyền in ấn và xuất bản đối với thị trường xuất bản sẽ tăng lên rất nhiều

Và cử tri sẽ tiếp tục nhắn tin, gọi điện, viết thư... bày tỏ bức xúc. Phân tích của đại biểu Nguyễn Thanh Hải nhận được sự đồng tình của nhiều ý kiến sau đó.

Không thể để nhà trường chọn sách giáo khoa vì có thể dẫn đến tiêu cực rất lớn, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh và cho rằng cần có sự thống nhất, tuỳ thuộc vào đặc điểm địa phương có thể loại bớt nội dung nhưng phải đảm bảo sự tổng thể.

Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định, trẻ con bây giờ học hành khổ quá; cải cách, đổi mới nhưng sau đó phải có tính ổn định, thống nhất, đồng bộ.

Do đó Chủ tịch Quốc hội nêu ý kiến, không thể có sách giáo khoa tự chọn được. [4]

Tất cả các hiện tượng, vấn nạn mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu ra hoàn toàn đúng.

Đó chính là bức xúc của cử tri, đó cũng chính là ung nhọt của 1 chương trình 1 bộ sách giáo khoa - chương trình 2000, của việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam độc quyền sách giáo khoa mấy chục năm nay.

Chỉ có phá bỏ độc quyền xuất bản sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải rút khỏi việc kinh doanh sách giáo khoa và thiết bị dạy học mới giải quyết được tận gốc vấn đề này.

Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo là xây dựng sân chơi và hành lang pháp lý công bằng, minh bạch cho các nhà khoa học tham gia; để học sinh, cha mẹ học sinh và giáo viên được quyết định sử dụng học liệu nào cho hiệu quả nhất và đạt được mục tiêu giáo dục.

Nghị quyết số 88/2014/QH13 ban hành đã được 5 năm nhưng chưa đi vào thực tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa ban hành nổi chương trình, thì đó là lỗi của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chứ không phải giải pháp này sai và cần quay lại 1 chương trình 1 bộ sách.

Đã đến lúc "giải thiêng" sách giáo khoa

Trong phiên thảo luận ngày 12/9, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, thời ông học sách giáo khoa 10 năm vẫn dùng được và dù là ở Hà Nội hay lên miền núi vẫn học được. Nay nếu mỗi trường tự chọn sách giáo khoa thì sẽ là sự tốn kém rất lớn cho xã hội. [5]

Giải thiêng sách giáo khoa ảnh 6

Thầy Hồ Ngọc Đại bàn về chương trình mới: cơ bản là để chia tiền

Có thể nói rằng đây không chỉ là băn khoăn của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, mà còn là thắc mắc của rất nhiều người, nếu không muốn nói là đại đa số.

Sự lãng phí của việc năm nào cũng in lại sách giáo khoa là thực tế rõ ràng, nhưng bên cạnh còn một thực tế khác, đó là sách giáo khoa đã bị xem như thánh điển.

Thực tế khoa học công nghệ và đời sống xã hội thay đổi từng ngày, những cuốn sách giáo khoa 10 năm vẫn còn dùng được, dùng theo kiểu thầy đọc trò chép như chúng ta hiện nay, không phải con đường các nền giáo dục tiên tiến đã và đang đi.

Chúng tôi từng đặt câu hỏi với Tiến sĩ Vũ Quang Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia thuộc Cục Thống kê Liên Hợp Quốc:

1. Nước Mỹ có "chương trình giáo dục phổ thông" do Bộ Giáo dục soạn cho cả nước để làm căn cứ viết sách giáo khoa hay không? Nếu có thì khái niệm của họ là gì? Nếu không thì họ làm sách giáo khoa như thế nào?

2. Công việc chính của Bộ Giáo dục Hoa Kỳ là gì, họ có tham gia soạn sách giáo khoa không, họ có quản lý các hoạt động soạn, xuất bản sách giáo khoa hay không? Nếu không, cơ quan nào làm việc này?

Do bận nhiều việc, thầy Vũ Quang Việt có trả lời vắn tắt chúng tôi thế này:

"Ở Mỹ, không có việc chính phủ ở bất cứ cấp nào, kể cả học khu, soạn sách giáo khoa cả. Họ chỉ soạn chương trình khung, tức là Core Curriculum [6], học sinh ở cấp nào thì phải chủ động hiểu được cái gì thôi. 

Hệ thống của UNIS, trường của UN (trường học của Liên Hợp Quốc) ở khắp các nước, cho nhân viên Liên Hợp Quốc và ngoại giao cũng thế. [7]

Trên website có chương trình khung từ mẫu giáo đến lớp 12.

Con tôi học ở đây và sau đó cũng học trường chọn của chính phủ, họ cũng theo cùng nguyên tắc.".

Thực tế Hoa Kỳ không có sách giáo khoa như cách hiểu và cách sử dụng của chúng ta hiện nay, thày và trò họ dạy và học như thế nào, thầy Nguyễn Minh Thuyết đã phân tích rõ phía trên.

Giải thiêng sách giáo khoa ảnh 7

Thầy Đại, thầy Hiển có hưởng lợi từ tiền bán sách công nghệ giáo dục?

Ở Anh quốc cũng vậy, không khác. Theo BBC, từ từ 2015 đến 2017 có cuộc tranh luận ở Anh nói liệu có cần đem sách giáo khoa trở lại lớp học hay không.

Bộ trưởng Giáo dục Lizz Truss (sinh năm 1975) muốn học sinh Anh dùng lại sách giáo khoa toán như ở Đức, Hàn Quốc. Nhưng chính Chủ tịch Hội đồng Khoa học Anh Katherin Mathieson phản đối điều này. Bà cho rằng: 

"Khoa học không phải là một tập hợp các số liệu, công thức mà là phương pháp đi đến các số liệu, tìm đến sự thật và điều chỉnh làm mới các ý tưởng liên quan.".

Bà Mathieson ví dạy học như đá bóng - không ai đọc sách giáo khoa để biết cách đá bóng ra sao, mà cứ chạy ra sân, vừa học vừa đá.

Nói cách khác, các nền giáo dục phát triển đã "giải thiêng" sách giáo khoa từ lâu, thay vào đó là nguồn học liệu vô cùng dồi dào và phong phú trong thư viện nhà trường cũng như trên Internet.

Người thầy sẽ là người hướng dẫn học sinh tìm đọc tài liệu và chinh phục tri thức nhân loại. 

Đây cũng là tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục hướng tới: chuyển giáo dục từ truyền thụ kiến thức một chiều sang phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh.

Tuy nhiên, do quán tính suốt mấy chục năm qua luôn coi sách giáo khoa là khuôn vàng thước ngọc, do Luật Giáo dục hiện hành xem nó như pháp lệnh, do ảnh hưởng của nền giáo dục khoa cử từ chương với Tứ thư, Ngũ kinh của hàng ngàn năm phong kiến, không dễ để thay đổi trong một sớm, một chiều.

Cách tốt nhất theo chúng tôi, là Bộ Giáo dục và Đào tạo rút khỏi việc biên soạn sách giáo khoa và trả việc này về cho các nhà khoa học.

Trước mắt, hãy để các nhóm biên soạn sách giáo khoa được quyền thỏa thuận với nhà trường và cha mẹ học sinh về việc thí điểm, thử nghiệm sách giáo khoa mới của họ trên tinh thần đồng thuận, công khai, minh bạch và có sự giám sát của xã hội.

Bộ Giáo dục và Đào tạo không nên đài thọ cho bất kỳ nhóm nào, mà tập trung cải cách bộ máy quản lý tinh gọn, hiệu quả, đồng thời cải cách hệ thống đào tạo sư phạm, đề xuất các chính sách phát triển giáo dục để giảm tải sĩ số trường công, giảm biên chế và tăng lương giáo viên...

Như vậy, chúng ta hoàn toàn có được những bộ sách giáo khoa tốt mà không tốn ngân sách, như người Mỹ đã và đang làm, nhân dân cũng không phải tốn tiền mua sách giáo khoa hay đi học thêm, nếu thay thế chúng bằng các học liệu có sẵn trên internet.

Hãy lấy kết quả làm thước đo, đừng tìm cách "quản lý" quá trình giáo dục của các nhà sư phạm. Người đánh giá tốt nhất chất lượng sản phẩm giáo dục chính là cha mẹ học sinh và người sử dụng lao động, chứ không phải các chuyên gia phòng lạnh.

Nguồn:

[1]http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/DT_DUTHAO_LUAT/View_Detail.aspx?ItemID=1396&LanID=1526&TabIndex=1

[2]https://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/gs-nguyen-minh-thuyet-bo-giao-duc-san-xuat-sach-giao-khoa-la-vo-ly-3083932.html

[3]https://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/bon-cau-hoi-ve-de-an-doi-moi-chuong-trinh-sach-giao-khoa-3104517.html

[4]http://vneconomy.vn/moi-nam-chi-ngan-ty-mua-sach-giao-khoa-roiban-dong-nat-20180912104701099.htm

[5]http://toquoc.vn/giao-duc/khong-the-co-sach-giao-khoa-tu-chon-duoc-363624.html

[6]http://www.corestandards.org/

[7]http://www.unis.org/site-map

Hồng Thủy