PGS.Trần Xuân Nhĩ: Cháu tôi thuộc 1800 từ tiếng Anh dù chưa vào lớp 1

11/07/2013 07:09
Ngọc Quang
(GDVN) - "Cháu của tôi, trước khi vào lớp 1 đã thuộc tới 1800 từ tiếng Anh. Nhưng gia đình không hề ép cháu học, mà đó là do cháu thích thú với các trò chơi, xem tranh, xem truyện… từ đó cháu nhớ được các từ mới tiếng Anh...".

"Vậy một đứa trẻ tiếp nhận được 1800 từ tiếng Anh trước khi vào lớp 1 liệu có gì xấu? Tất nhiên là không! Vấn đề đặt ra ở đây là phương pháp giúp cho trẻ tiếp cận với kiến thức, làm sao cho chúng thấy thích thú, chứ không thể áp đặt". PGS Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ GD & ĐT
 nhận định.

Cách đây một tuần, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã có chỉ thị yêu cầu Sở giáo dục, nêu rõ: Các trường tiểu học thực hiện nghiêm túc việc tuyển sinh đầu cấp theo quy định; tuyệt đối không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 1.

Chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non phối hợp với các cấp, các ngành huy động tối đa trẻ 5 tuổi đến trường; thực hiện nghiêm túc Chương trình giáo dục mầm non dành cho trẻ theo từng độ tuổi; tuyệt đối không tổ chức dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ; không yêu cầu trẻ tập tô, tập viết chữ; đồng thời, hướng dẫn, tư vấn cho các bậc cha mẹ về các biện pháp chăm sóc, giáo dục trẻ phát triển toàn diện, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đi học lớp 1.

Câu chuyện “cho trẻ học trước chương trình lớp 1” đã được nhắc tới rất nhiều năm qua, và theo khảo sát của các chuyên gia giáo dục thì hàng năm, tỷ lệ trẻ biết viết trước khi vào lớp 1 vẫn chiếm tới gần 50%.

Ông Phạm Ngọc Định - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho hay: “Cha mẹ có con chuẩn bị vào lớp 1 phải rất lưu ý, nếu trẻ đi học trước mà phương pháp dạy sai thì sau đó rất khó sửa, điều đó có thể  dẫn tới hậu quả đáng tiếc.

Mặt khác, các bậc cha mẹ cũng cần hiểu rằng, không phải ngẫu nhiên mà chúng ta đưa ra quy định lứa tuổi nào thì học mầm non, lứa tuổi nào thì học tiểu học… Vì vậy, nếu nhà trường, cá nhân nào dạy trước lớp 1 là có tội với trẻ em, không nên làm ảnh hưởng tới sự phát triển tư duy và thể chất tự nhiên của trẻ”.

PGS Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
PGS Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của PGS Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐHCĐ Ngoài Công lập (Nguyên Thứ trưởng Bộ GD & ĐT) thì hãy để trẻ tự do phát huy khả năng của chúng, vấn đề không phải là cứ 6 tuổi mới được học chữ, mà tùy vào khả năng và sự hứng thú của trẻ.

PGS Nhĩ chia sẻ: “Ngày nay, trẻ được chăm sóc tốt hơn, rất thông minh và lại có điều kiện tiếp cận nhanh với khoa học hiện đại, do đó nếu tư duy theo cách không cho trẻ học bất cứ thứ gì và vào lớp một như tờ giấy trắng thì cần xem xét lại.

Tôi lấy thí dụ như cháu của tôi, trước khi vào lớp 1 đã thuộc tới 1800 từ tiếng Anh. Nhưng gia đình không hề ép cháu học, mà đó là do cháu thích thú với các trò chơi, xem tranh, xem truyện… từ đó cháu nhớ được các từ mới tiếng Anh.

Vậy một đứa trẻ tiếp nhận được 1800 từ tiếng Anh trước khi vào lớp 1 liệu có gì xấu? Tất nhiên là không! Vấn đề đặt ra ở đây là phương pháp giúp cho trẻ tiếp cận với kiến thức, làm sao cho chúng thấy thích thú, chứ không thể áp đặt bắt trẻ ngồi vào bàn học một cách máy móc như thời xa xưa được”.

PGS Trần Xuân Nhĩ cũng cho biết, cách dạy của ta vẫn đang còn bất cập. Ông chia sẻ: “Năm ngoái, tôi có đi cùng đoàn kiểm tra của các chuyên gia giáo dục lên tỉnh Lạng Sơn, vào một trường chuẩn mà thấy có tới 60 cháu học một lớp, khi cô giảng bài thì chia đôi lớp, 30 cháu học còn 30 cháu ngồi im.

Và điều đáng nói là 30 cháu được học cũng rất thụ động, cô đọc gì thì đọc theo, cô làm gì thì làm theo, tôi cho rằng phương pháp giáo dục như vậy là không còn phù hợp nữa. Trong khi đó, các trường mầm non của nhiều nước tiên tiến hoặc trường mầm non quốc tế trong nước thì họ áp dụng phương pháp giáo dục rất khoa học, họ cho trẻ tự do lựa chọn học và chơi những gì chúng thấy thích trong một không gian chung.

Việc giáo dục trẻ chủ động tìm tòi, phát huy những gì đam mê giúp chúng có sự chủ động hơn khi học lên các cấp cao hơn, rất thực tế và bắt nhịp với cuộc sống nhanh. Còn ở ta, dạy trẻ đồng loạt như nhau, nhiều khi học xong rồi cũng không biết để làm gì?”

Đồng quan điểm với PGS Trần Xuân Nhĩ, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hiệp hội Tâm lý giáo dục Hà nội, bày tỏ: “Lâu nay, chúng ta cứ loay hoay với chuyện dạy trước chương trình khi trẻ vào lớp 1, rồi hết lệnh cấm này tới lệnh cấm khác, thế nhưng phụ huynh thì không nghĩ giống nhà quản lý, vì ai cũng lo sợ con mình học kém, dễ sinh tâm lý chán nản khi bạn tiếp thu nhanh hơn, điểm cao hơn (mà thực chất là đã được học trước).

Vì lẽ đó, người ta âm thầm cho con đi luyện chữ, học toán, học ngoại ngữ… thậm chí học trước một lượt chương trình lớp 1 nhằm để con cái không thua bạn. Theo tôi, lệnh cấm của Bộ Giáo dục là cần thiết, phụ huynh nào lo sợ con cái thua thiệt bạn bè vì chữ viết không đẹp bằng, hoặc kết quả bài kiểm tra kém hơn thì đó là suy nghĩ ấu trĩ, rất lạc hậu”.

TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hiệp hội Tâm lý giáo dục Hà Nội. Ảnh: Ngọc Quang
TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hiệp hội Tâm lý giáo dục Hà Nội. Ảnh: Ngọc Quang

Tuy nhiên, TS Lâm cũng cho rằng, hiểu một cách máy móc là không cho trẻ học bất cứ gì trước khi vào lớp 1 là không đúng, mà hãy tạo điều kiện cho chúng tiếp nhận kiến thức tùy theo sở thích.

“Cháu nào thích thú với toán học thì cứ cho cháu tiếp cận dần, cháu nào thích học chữ, thích đọc, thích vẽ thì cứ tạo điều kiện cho các cháu phát triển. Chỉ xin lưu ý một điều, đừng ép con trẻ làm những điều không đúng với tâm lý lứa tuổi của chúng, đừng ép trẻ phải học để trở thành nhà khoa học, hay bác sĩ, kỹ sư như tâm nguyện của các ông bố bà mẹ, mà hãy giúp trẻ tiếp cận kiến thức theo cách chúng thích.

Và nếu chúng ta thấy một cháu nhỏ chỉ 3 tuổi đã đọc được báo hoặc làm được nhiều phép tính khó thì xin đừng ảo tưởng cho đó là thần đồng, mà đơn giản là vì chúng có khả năng và thích thú với những điều ấy nên chúng tập trung và làm được”, TS Lâm cho hay.

Ngọc Quang