LTS: Bày tỏ những bức xúc trước vấn nạn dạy thêm, học thêm và những hệ luỵ ảnh hưởng nghiêm trọng đến học sinh, thầy giáo Bùi Nam cho rằng nhiều nhà giáo đang đưa ra những lý do thiếu thuyết phục để bao biện cho hành động của mình.
Đồng thời, thầy Nam cũng cho rằng cần phải xử lý thật nghiêm những trường hợp vi phạm quy định để lấy lại hình ảnh tốt đẹp của giáo viên trong xã hội.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Việc giáo viên vi phạm quy định dạy thêm, học thêm đã trở nên nghiêm trọng, cấp bách.
Các biện pháp nhắc nhở, xử lý hành chánh, kỷ luật,… đã không mang lại hiệu quả như mong muốn.
Vì đồng tiền, lợi nhuận mà nhiều giáo viên bất chấp quy định của ngành, bất chấp quy định pháp luật để dạy thêm để thu tiền bất chính.
Đã là dạy thêm trái quy định của pháp luật thì việc thu tiền của phụ huynh cũng trái quy định.
Nếu vi phạm phải xử lý nghiêm, thu hồi tiền hưởng sai quy định.
Nếu đủ căn cứ thì xử lý theo pháp luật cũng là điều nên làm để lập lại trật tự kỷ cương, sự nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo mọi đối tượng đều phải thượng tôn pháp luật.
Hình ảnh một lớp học thêm tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: P.L) |
Tôi là tác giả bài viết “Đa số giáo viên dạy thêm vì…tiền” đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
Sau khi bài báo được đăng, có rất nhiều bình luận, phản hồi về bài báo.
Vì cũng là giáo viên, thật lòng tôi rất mong nhận được nhiều bình luận phản biện về bài viết hơn ủng hộ.
Tôi cũng không muốn phơi bày sự thật đáng sợ của việc dạy thêm trái quy định, nên tôi rất mong nhận sự phản biện nhiều hơn.
Qua đó, tôi hy vọng những suy nghĩ của cá nhân mình sai, có những phản biện hợp lý, biết đâu tôi sẽ có cái nhìn khác về tình hình dạy thêm hiện nay.
Nhưng thật tình gần 150 bình luận nhưng hầu hết đều đồng tình về những mặt trái của dạy thêm - mảng tối làm ảnh hưởng tình hình giáo dục hiện nay, chỉ có số rất ít bình luận phản biện (không tới 10 bình luận).
Tôi xin phân ra phản biện có ba luồng ý kiến chính là: bác sĩ làm thêm, công nhân tăng ca,… sao giáo viên không được dạy thêm;
Việc nhiều quan chức cố ý làm trái sai phạm hàng nghìn tỉ, hay nhiều quan chức khai làm giàu từ buôn chổi đót, nuôi lợn,… giáo viên dạy thêm có là bao?;
Một số giáo viên nêu có con nhỏ, mẹ già,… không dạy thêm làm sao sống với mức lương hiện tại.
Tôi không nhận thêm phản biện nào khác về bài viết và ba luồng phản biện trên là hết sức vô cảm, tùy tiện.
Vì mỗi người, mỗi nghề có đặc thù riêng không thể đem so sánh giáo viên bác sĩ, công nhân, quan chức…
Bên cạnh đó, việc nào ra việc đó không thể thấy người khác làm sai như ăn trộm, cướp,…mình là giáo viên mình cũng làm sai.
Xin lưu ý tác giả chỉ nêu việc dạy thêm trái quy định của ngành, của pháp luật.
Học thêm tràn lan ảnh hưởng nhiều đến học sinh. (Ảnh: P.L) |
Dạy thêm dạy thêm trái quy định là trái pháp luật, trái lương tâm, giáo viên là người thực hiện việc dạy cho học sinh kể cả kiến thức chuyên môn, kỹ năng và cả kiến thức pháp luật, nhưng cố ý làm trái pháp luật thì cũng không còn xứng đáng làm giáo viên.
Nếu dạy phải dạy theo quy định.
Còn tư tưởng có con nhỏ, mẹ già,… không dạy lấy gì sống là tư tưởng của kẻ hèn nhát, ích kỷ vì làm giàu cá nhân, gia đình mà sẵn sàng làm điều sai trái.
Biết bao nhiêu mảnh đời bất hạnh hơn chúng ta rất nhiều.
Chúng ta làm giáo viên đang hưởng lương nhà nước, khoan đừng nói lương cao hay thấp, chấp nhận công việc thì phải làm sao cho xứng đáng với đồng lương, với sứ mệnh là nhà giáo.
Đừng đổ lỗi hoàn cảnh rồi làm điều sai trái, bất chấp quy định pháp luật, của ngành ảnh hưởng tới phụ huynh, học sinh, tới nền giáo dục nước nhà,…
Là giáo viên, tôi thật sự thất vọng với các bình luận trên.
Không được ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm |
Vì thật sự trong bài viết trước tôi đã nêu, tôi không thấy có giáo viên nào dạy thêm nêu lý do dạy thêm chính đáng như mang lại điều tốt đẹp cho học sinh, mang lại kiến thức lâu dài, mang lại kỹ năng ứng xử để trở thành công dân tốt, có ích cho xã hội.
Trong quá trình tôi dạy học cũng chưa từng thấy học sinh ra trường quay lại cám ơn vì giáo viên đã dạy thêm lấy tiền của mình!?
Đa số ý kiến bình luận đều đồng tình với bài viết của tác giả, tôi thấy thấp thoáng hình dáng của nhiều phụ huynh gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống mưu sinh.
Nhiều phụ huynh phải đánh đổi cả mồ hôi, nước mắt, đôi khi có cả máu để có tiền cho con đến trường vì nhiều lý do khác nhau như “bị đì”, “o ép”, “điểm số thấp”, “bất công”,… mà phải cho con học thêm.
Nhìn cảnh tượng nhiều phụ huynh hàng ngày lao động bới từng đống rác để tìm vài đồng nát, nhiều phụ huynh dầm mưa dãi nắng để cắt rau, lượm cá,… (mỗi tiếng đồng hồ chưa tới mười ngàn đồng).
Nhiều phụ huynh chạy xe ôm, phụ hồ,… có nhiều người đã đổ bệnh hoặc ra đi mãi mãi!!!
Nhưng phải đóng số tiền khá lớn cho con học thêm.
Có phụ huynh đi vay để đóng tiền học thêm cho con. Giáo viên dạy thêm trái quy định nhận những đồng tiền đó có vui không? Có xót xa không?
Giáo viên dạy thêm trái quy định nhận tiền dạy thêm cũng trái quy định có còn lương tâm không?
Có độc giả bình luận giáo viên dạy thêm thu tiền trái quy định là “giáo tặc” các giáo viên nghĩ gì?
Chúng ta còn xứng đáng để xã hội gọi là thầy không? Có xứng đáng đứng trên bục giảng không?
Quan điểm của một Phó Hiệu trưởng về vấn nạn dạy thêm học thêm tràn lan |
Hãy nhìn lại chúng ta đã đem lại gì cho giáo dục, có phải chính chúng ta đang hạ thấp giá trị đạo đức của mình, làm bôi nhọ thanh danh nhà giáo, chúng ta đang làm mất đi sự thiêng liêng, cao quý của nghề giáo,…
Có phải chúng ta đang góp phần làm cho nhưng em học sinh “bơ phờ, mệt mỏi”, có phải chúng ta góp phần làm cho các em mất đi sự tự học, tự tin,… mất đi thời gian học tập vốn sống, kinh nghiệm, kỹ năng sống, kỹ năng vào đời không?
Chúng ta đang góp phần giúp cho học sinh mất đi động cơ học tập, thái độ đúng đắn trong học tập không?
Những em học thêm quá sức kiệt sức có cả em bị bệnh tâm thần, có em đi học thêm rồi bị tai nạn nằm một chỗ có trách nhiệm của chúng ta không? Và những hệ lụy khác…
Câu trả lời xin dành cho các giáo viên dạy thêm trái quy đinh.
Bây giờ dạy thêm là vấn nạn, nếu không có những biện pháp căn cơ, quyết liệt chắc chắn nó có thể trở thành quốc nạn.
Nó sẽ cản trở việc đổi mới căn bản và toàn diện của ngành giáo dục, hạn chế sự hội nhập của giáo dục Việt Nam với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.
Do đó mong các cấp các ngành quyết liệt, triệt để hơn nữa trong việc dẹp bỏ dạy thêm trái quy định trong cả nước.
Tôi xin khẳng định lại, việc dạy thêm trái quy định của ngành, của pháp luật phải được xử lý triệt để, tận gốc.
Vậy dạy thêm như thế nào là trái quy định của ngành, pháp luật?
Hiện tai từ năm 2012 đến nay, căn cứ để giáo viên dạy thêm là Thông tư 17/2012/TT- BGDĐT, nên giáo viên dạy thêm không tuân theo Thông tư 17, Hướng dẫn của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh là trái quy định pháp luật.
Hoạt động dạy có thu tiền là dạy thêm.
Tôi xin liệt kê các trường hợp như sau là dạy thêm trái quy định để phụ huynh, giáo viên, độc giả, người quan tâm nắm bắt để phản ánh kịp thời các sai phạm của giáo viên dạy thêm:
- Cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để dạy thêm
- Dạy trước chương trình giáo dục phổ thông chính khóa (đa số giáo viên vi phạm – kiểm tra vở học sinh sẽ biết)
- Học sinh học thêm là tự nguyện, không o ép (Có rất nhiều giáo viên o ép học sinh học thêm, xem thêm trong bài viết “Đa số giáo viên dạy thêm vì…tiền”)
- Học sinh được xếp học thêm có học lực không tương đương nhau
- Dạy thêm học sinh đã được học 2 buổi/ngày
- Dạy thêm với học sinh tiểu học - trừ bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao năng khiếu,…
(vi phạm này tràn lan, không thể đổ lỗi bất cứ lý do gì, nếu cả nước giáo viên tiểu học không dạy thêm thì chắc chắn giáo viên trên lớp sẽ dạy nhiệt tình hơn, gánh nặng, áp lực học hành, thi cử, thi đua theo đó sẽ không còn)
- Chỉ được tham gia dạy thêm ngoài nhà trường nhưng không được đứng ra tổ chức dạy thêm.
Vấn đề này theo tôi nghĩ giáo viên đang dạy tại cơ sở giáo dục có hưởng lương nhưng dạy thêm tại nhà là sai, vì một số giáo viên trên thường “mượn” tên giáo viên nghỉ hưu khác để đứng ra tổ chức cho mình dạy thêm tại nhà mình!?!
Mà thật ra mọi hoạt động dạy thêm, thu tiền,... đều do giáo viên dạy đó thực hiện, giáo viên về hưu chỉ đứng tên, đây là việc lách luật.
Theo tôi nghĩ nên dẹp bỏ việc này, giống như nhà mình cho người khác mướn nhà mình vẫn ở nhà đó, và không có hợp đồng nào khác,…
Tuy Thông tư 17 không quy định nhưng trong một số văn bản tôi có thấy cấm giáo viên dạy thêm ngày chủ nhật và dạy thêm sau 20 giờ. Theo tôi điều này là hợp lý.
Con quay như chong chóng, tối mắt tối mũi vì lịch học, có cha mẹ nào biết không? |
Dựa trên các quy định trên, bất kỳ giáo viên nào vi phạm dạy thêm là dạy thêm trái quy định pháp luật, do dạy thêm trái quy định nên chắc chắn đồng tiền nhận được từ cha mẹ học sinh cũng trái quy định của pháp luật.
Do đó mong chính phủ chỉ đạo các ban ngành, các cấp như giáo dục, thuế, công an quyết liệt vào cuộc kiểm tra, xử lý.
Nếu phát hiện tổ chức cá nhân dạy thêm vi phạm nhẹ, thì thu hồi tiền dạy thêm bất hợp pháp trả lại cho phụ huynh, rút giấy phép, cho thôi việc.
Nếu vi phạm nghiêm trọng, có tổ chức, liên tục thì ngoài việc thu hồi tiền dạy thêm trái quy định phải chuyển cơ quan công an khởi tố hình sự nếu đủ căn cứ pháp lý.
Đã có sự việc cơ quan công an khởi tố một Hiệu trưởng vì lạm thu, thì giáo viên thu tiền trái quy định theo tôi cũng có thể khởi tố.
Chỉ có quyết liệt như trên mới mong chấn chỉnh nạn dạy thêm tràn lan như hiện nay như lời Tổng bí thư đã phát biểu:
“Đề nghị từng đồng chí Ủy viên Ban chấp hành Trung ương và mọi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa, tự răn mình, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng tránh đi vào vết xe đổ, để tay nhúng chàm”.
“Từ nay trở đi, bất cứ trường hợp nào vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại, củng cố lòng tin và tình thương yêu quý trọng của nhân dân” - Trích phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phiên họp bế mạc hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
Phát biểu trên được toàn thể nhân dân nhiệt liệt hoan nghênh và hy vọng ngành giáo dục cũng làm nghiêm.
Mỗi giáo viên vi phạm, mất đi một giáo viên vì kỷ luật hay khởi tố là một nỗi đau không chỉ của bản thân giáo viên, đồng nghiệp mà còn cả ngành giáo dục.
Nhưng pháp luật phải nghiêm minh, nếu giáo viên cứ bất chấp pháp luật o ép học sinh học thêm trái quy định, nhận tiền từ phụ huynh trái quy định thì việc khởi tố, tạm giam, xét xử là một ngày không xa.
Mong mọi giáo viên dạy thêm đều căn cứ quy định của pháp luật về dạy thêm, sẽ không có giáo viên nào ra khỏi ngành vì dạy thêm, cũng như lấy lại hình ảnh của giáo viên trong cả nước.