Quan điểm của một Phó Hiệu trưởng về vấn nạn dạy thêm học thêm tràn lan

12/10/2017 07:24
HỮU SƠN
(GDVN) - Một trong các biện pháp căn cơ để giải quyết được tình trạng dạy học thêm tràn lan, nhất là bậc tiểu học hiện nay, nằm ở nhận thức của các bậc phụ huynh.

LTS: Vấn đề dạy thêm học thêm một cách tràn lan đã khiến dư luận xã hội và nhiều phụ huynh học sinh bức xúc.

Trẻ em phải học thêm tối ngày, không còn thời gian vui chơi, giải trí là điều khiến nhiều người lo ngại.

Trước thực tế này, một thầy giáo đang là Hiệu phó một trường Trung học phổ thông đã đưa ra một số biện pháp để giải quyết tình trạng này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Vào năm học mới này, vấn đề dạy học thêm trái phép tràn lan lại trở nên bức xúc, nhức nhối dư luận xã hội hơn bao giờ hết.

Một số ít thầy cô giáo tổ chức dạy học thêm “chui” ở các địa phương tiếp tục bị phụ huynh, báo chí và các cấp quản lý giáo dục phát hiện, xử lý và lên án gay gắt.

Trong thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các địa phương đã ban hành nhiều quy định, văn bản hướng dẫn về dạy thêm học thêm cùng với việc những đợt thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất.

Tuy nhiên, tình trạng dạy thêm trái phép vẫn không hề có dấu hiệu thuyên giảm, thậm chí có nơi bùng phát mạnh mẽ hơn.

Một số thầy cô giáo biện minh là bởi chuyện đồng lương, đời sống kinh tế của nhà giáo còn thấp, còn khó khăn mà sẵn sàng, bất chấp các quy định của Nhà nước mà làm việc sai trái này.

Những hệ lụy và tiêu cực của vấn nạn dạy học thêm trái phép tràn lan vô cùng lớn.

Những hệ lụy và tiêu cực của vấn nạn dạy học thêm trái phép tràn lan vô cùng lớn. Hình minh họa: Satế
Những hệ lụy và tiêu cực của vấn nạn dạy học thêm trái phép tràn lan vô cùng lớn. Hình minh họa: Satế

Nhiều học sinh luôn bị mệt mỏi, áp lực nặng nề bởi lịch học thêm dày đặc, đồng thời mất dần khả năng tự học, tư duy, sáng tạo do được giải sẵn các bài tập, dạy trước chương trình.

Hình ảnh thầy cô giáo dùng đủ chiêu chèn ép học sinh đi học thêm trở nên xấu xí, phản cảm trong con mắt học trò, phụ huynh và dư luận xã hội.

Giá trị của người thầy, uy tín của nhà trường ít nhiều cũng bị ảnh hưởng, tác động xấu.

Theo tôi, để giải quyết triệt để, tận gốc vấn nạn nhức nhối này cần có những giải pháp và hành động quyết liệt hơn nữa từ chính các bậc phụ huynh học sinh, nhà trường, các nhà biên soạn chương trình và các cấp quản lý giáo dục ở địa phương.

Thay đổi nhận thức của phụ huynh

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo từng thừa nhận vấn nạn dạy thêm học thêm nằm ngoài khả năng của ngành giáo dục, muốn giảm dạy thêm, phụ huynh cần thay đổi quan điểm về việc học.

Quan điểm của một Phó Hiệu trưởng về vấn nạn dạy thêm học thêm tràn lan ảnh 2

Đừng biến trường học thành “cái chợ bán chữ”!

Nguyên thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển chỉ rõ:

Phải tuyên truyền lại chất lượng giáo dục là thế nào.

Học sinh không chỉ cần các môn Toán, Tiếng Việt điểm cao mà còn nhiều yếu tố khác, cần giáo dục toàn diện. 

Giáo dục không chỉ đến trường mà ở mọi lúc, mọi nơi, chơi cũng là học, học trong từng câu chuyện hàng ngày.

Chẳng hạn, bà ngồi kể chuyện cho cháu nghe cũng là giáo dục. Nếu quan niệm thay đổi thì học thêm sẽ ít đi.

Để giải quyết dạy thêm không chỉ bằng biện pháp hành chính mà phải kết hợp nhiều giải pháp khác nhau”.

Chúng tôi cho rằng nhận định, phân tích trên của nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo là hoàn toàn xác đáng.

Một trong các biện pháp căn cơ để giải quyết được tình trạng dạy học thêm tràn lan, nhất là bậc tiểu học hiện nay, nằm ở nhận thức, hiểu biết của các bậc phụ huynh.

Đúng, phụ huynh cần thay đổi quan điểm về việc học của con em.

Cái tâm lý phổ biến của hầu hết phụ huynh là luôn muốn con mình phải học nhiều, phải tiến nhanh hơn các bạn cùng trang lứa, mới cảm thấy yên tâm, hài lòng.

Tâm lý này cần được gỡ bỏ, thay vào đó là tư tưởng, quan điểm để con trẻ phát triển tự nhiên, tự giác và hướng đến sự giáo dục toàn diện, kiến thức có thể tích lũy, học tập ở mọi lúc, mọi nơi.

Ngoài ra, nhà trường, thầy cô giáo và báo chí phải là những đối tượng đi tiên phong làm tốt chức năng tuyên truyền, tác động bằng nhiều hình thức đến mọi phụ huynh học sinh để họ hiểu được việc học, tương lai của con em không phụ thuộc quá lớn vào chuyện ngày đêm, liên tục đi học thêm ở thầy cô giáo.  

Đồng thời, mỗi phụ huynh cần bớt đi “bệnh” khoe mẽ, sính thành tích, ganh đua điểm số lẫn nhau, vốn là thói xấu cố hữu của nhiều người Việt ta.

Dạy học thêm tràn lan còn có căn nguyên từ nội dung, chương trình phổ thông hiện hành có nhiều đơn vị kiến thức hàn lâm, khó hiểu, xa lạ với nhận thức, tâm lý, năng lực của số đông học sinh

Ở trường lớp, thầy cô giáo giảng dạy không hết, không hiểu thì tất nhiên, học sinh phải cần thêm thời gian phụ đạo, học thêm trong trường, tại nhà giáo viên nhằm củng cố, bổ sung những kiến thức khó, còn thiếu hụt ấy.

Hơn nữa, phần lớn học sinh phổ thông của chúng ta luôn có mục tiêu thi vào các trường đại học sau khi học hết lớp 12.

Quan điểm của một Phó Hiệu trưởng về vấn nạn dạy thêm học thêm tràn lan ảnh 3

Cho phép dạy thêm trên tinh thần tự nguyện, nhưng thế nào là tự nguyện?

Nhiều thí sinh thi, tính cạnh tranh cao, cùng với các đề thi tuyển sinh thường có sự phân hóa cao, 40% câu ở mức độ nâng cao nếu chỉ học ở trường, ở sách giáo khoa bình thường thì khó đỗ.

Cho nên các em phải đi học thêm ngày đêm, hết cua này đến suất kia, mới đủ kiến thức, kỹ năng “chiến đấu” với các thí sinh khác.

Các nhà soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông mới (đang tiến hành) cần nhận thấy những hạn chế, tồn tại trên của chương trình, sách giáo khoa hiện hành để biên soạn, thiết kế chương trình, sách giáo khoa mới hay hơn, chất lượng hơn.

Theo đó, cần hướng đến việc giảm lý thuyết tăng thực hành, gắn với thực tiễn, gần với khả năng tiếp nhận của học sinh, loại bỏ những kiến thức hàn lâm, xa lạ, góp phần hạn chế tình trạng học sinh phổ thông mọi nơi, mọi nhà đua nhau đi học thêm.

Khâu kiểm tra, đánh giá, thi cử cũng cần phải tiếp tục cải tiến, đổi mới theo hướng nhẹ nhàng, đơn giản, coi trọng quá trình thực học, thực nghiệm hơn là mải mê với ứng thí, phân loại cao, thấp về điểm số.              

Công tác quản lý và kiểm tra không thể xem nhẹ

Các văn bản, quy định để chấn chỉnh tình trạng dạy học thêm tràn lan, trái phép về cơ bản đã đầy đủ, chặt chẽ.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn cả trong bối cảnh hiện nay, đó là công tác quản lý, kiểm tra của các cấp quản lý giáo dục ở địa phương thực thi như thế nào, cách giải quyết, xử lý những trường hợp vi phạm đến đâu.

Qua thực tế, chúng tôi nhận thấy, công tác này ở nhiều nơi đang có dấu hiệu lơ là, tháo khoán, chủ yếu “giơ cao đánh khẽ”, “đóng cửa bảo nhau” cho nên tính răn đe không có, nhiều giáo viên lại ngang nhiên hoặc lén lút dạy thêm trái phép.

Nếu công tác này tiếp tục bị lơ là, buông lỏng thì dù văn bản, quy định có đầy đủ, chặt chẽ đến đâu cũng khó có tính khả thi.

Vấn nạn dạy học thêm tràn lan, trái phép trên phạm vi cả nước còn bức xúc dài dài.

HỮU SƠN