Phép vua thua lệ… trường

22/10/2017 07:13
Thanh An
(GDVN) - Ban giám hiệu tự đề cao mình và cho mình cái quyền ban phát, cấm đoán và đưa ra những mệnh lệnh một cách tùy hứng không theo một nguyên tắc nào cả.

LTS: Nhiều trường học hiện nay đang tự xây dựng ra những nguyên tắc, quy định riêng, thậm chí chồng chéo không đúng với quy định, chỉ đạo của ngành giáo dục.

Trong bài viết này, thầy giáo Thanh An chia sẻ những bức xúc khi "phép vua phải thua lệ... trường".

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Chúng ta đều biết, trong một nhà nước pháp quyền thì mọi công dân đều phải thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi theo luật pháp.

Sống trái luật, làm việc trái luật là vi phạm phạm pháp luật.

Thế nhưng, trong ngành giáo dục hiện nay có những địa phương, những đơn vị đang chỉ đạo công việc hoặc đưa ra những qui định chưa đúng với tinh thần chỉ đạo của ngành, không phù hợp với môi trường giáo dục và sai cả luật pháp.

Nhiều hiệu trưởng luôn lấy quyền hạn của mình để chỉ đạo những việc gây nên nhiều sự bất bình cho giáo viên…

Môi trường giáo dục cần đảm bảo minh bạch, rõ ràng. (Ảnh minh hoạ: Báo Quân đội nhân dân)
Môi trường giáo dục cần đảm bảo minh bạch, rõ ràng. (Ảnh minh hoạ: Báo Quân đội nhân dân)

Bài viết "Vì sao lại cản trở giáo viên ghi âm, ghi hình cuộc họp?" của tác giả An Nguyên đề cập đến việc một trường trung học cơ sở ở Quảng Nam ra nghị quyết:

Giáo viên muốn ghi âm, ghi âm tại các cuộc họp của nhà trường thì phải xin phép và được sự đồng ý của chủ trì mới thực hiện”.

Bài viết cho chúng ta thấy một sự thật đáng buồn ở một số đơn vị trường học hiện nay.

Tình trạng này không phải là một hiện tượng cá biệt mà chúng ta cũng đã chứng kiến những sự việc tương tự từng xảy ra.

Cách đây chưa lâu, trong một cuộc họp tại Trường Mầm non phường An Đông (thành phố Huế), Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hồng Thanh đã nghi ngờ cô giáo Tống Thị Phương Thảo dùng điện thoại cá nhân ghi âm nên bà Thanh đã rượt đuổi cô Thảo ra tận cổng trường để giằng co lấy chiếc điện thoại.

Rồi, sự việc Trường Trung học phổ thông chuyên Bạc Liêu ra thông báo cấm cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và du khách chụp ảnh, quay phim trong trường khi chưa có sự đồng ý của Ban giám hiệu…

Phép vua thua lệ… trường ảnh 2

Không cho giáo viên ghi âm cuộc họp là để ngăn ngừa ý đồ xấu

Những sự việc như đã nêu ở trên khiến cho chúng ta nghĩ đến qui chế làm việc của một số Ban giám hiệu nhà trường hiện nay chưa phù hợp với luật pháp.

Vì thế, đã gây ra sự bất bình cho giáo viên trong đơn vị bởi họ đã tự tạo ra một qui định rất khác thường.

Thời đại ngày nay mà cấm ghi âm và quay phim, chụp hình là điều không phù hợp và không hề khả quan một chút nào.

Bởi giáo viên nào cũng có điện thoại và đa số đều có chức năng ghi âm, chụp hình.

Trong hội họp, người ta muốn ghi âm chỉ cần một thao tác rất nhỏ thì không thể nào Ban giám hiệu biết để giám sát.

Mà cấm mấy việc đó để làm gì, nếu Ban giám hiệu làm đúng chức năng của mình, không sai phạm, không độc đoán, không gia trưởng?

Hơn nữa, bây giờ người ta chụp ảnh bằng vệ tinh rồi thì việc cấm chụp hình, quay phim có còn ý nghĩa gì nữa đâu?

Nhiều Ban giám hiệu nhà trường hiện nay thể hiện tính gia trưởng, độc đoán trong đơn vị mà mình quản lí, lãnh đạo.

Họ tự đề cao mình và cho mình cái quyền ban phát, cấm đoán và đưa ra những mệnh lệnh một cách tùy hứng không theo một nguyên tắc nào cả.

Ngay cả khi đánh giá, xếp loại, xét thi đua cho giáo viên, nhân viên trong trường thì đều đã có các Nghị định, Thông tư, các văn bản hướng dẫn cụ thể.

Phép vua thua lệ… trường ảnh 3

“Môi trường giáo dục cần công khai, minh bạch, sao lại cấm ghi âm, ghi hình”

Thế nhưng nhiều trường lại không căn cứ vào hệ thống văn bản đó mà “đẻ” ra vô vàn những luật lệ chẳng giống ai để ép giáo viên phải thực hiện.

Nhiều hiệu trưởng nhà trường hiện nay đang lợi dụng cơ chế thủ trưởng để ra lệnh một cách cứng nhắc, áp đặt để ép giáo viên phải thực hiện.

Nơi chúng tôi công tác, trong ngày đại hội viên chức đầu năm, Ban giám hiệu còn yêu cầu các tổ chuyên môn muốn cuối năm được xét thi đua phải đáp ứng rất nhiều những yêu cầu, chỉ tiêu vô lí.

Theo qui định hiện nay thì tổ chuyên môn muốn được xét các danh hiệu tập thể lao động tiên tiến phải đáp ứng được chất lượng giảng dạy, phải có sáng kiến kinh nghiệm và 2/3 giáo viên trong tổ đạt danh hiệu lao động tiên tiến.

Chỉ cần như vậy là đủ yêu cầu để xét thi đua cho tập thể.

Thế nhưng, Ban giám hiệu lại yêu cầu mỗi tổ phải có thêm ít nhất là 1 sản phẩm đồ dùng dạy học đạt giải huyện hoặc tỉnh, phải có bài thi về dạy học theo chủ đề tích hợp, phải có học sinh đạt giải cấp tỉnh về văn hóa…

Nhiều giáo viên không tán đồng và nêu ý kiến là những cái đó chỉ là cơ sở để ưu tiên trong khi xét thi đua.

Nhưng Ban giám hiệu nhất quyết không chịu và cương quyết đưa thêm nhiều những yêu cầu vô lí vào nghị quyết nhà trường và bắt buộc giáo viên phải tuân theo.

Việc thanh tra toàn diện giáo viên thì ngành giáo dục đã bỏ mấy năm nay nhưng nhiều nhà trường vẫn thực hiện công việc này.

Phép vua thua lệ… trường ảnh 4

Muốn đổi mới giáo dục, trước hết phải thay Ban giám hiệu

Chỉ có điều là Ban giám hiệu không thanh tra giáo viên mà bắt các tổ trưởng chuyên môn phải làm.

Công việc thanh tra toàn diện giáo viên thì rất nhiều việc.

Ngoài kiểm tra hồ sơ sổ sách thì phải thực hiện dự giờ một số tiết và phải ghi biên bản.

Cho nên việc thanh tra một giáo viên mất rất nhiều thời gian, công sức mà không hề có chế độ gì nhưng các vị lãnh đạo vẫn yêu cầu phải làm.

Trong đánh giá, xếp loại giáo viên thì hiện nay các văn bản đã thể hiện rất rõ.

Đánh giá viên chức có Nghị định 56 và mới đây là Nghị định 88 sửa đổi; xếp loại chuẩn giáo viên cấp phổ thông có Thông tư 30; xét các danh hiệu thi đua thì có nhiều Thông tư, nhiều hướng dẫn của Bộ, của Sở.

Nhưng, trường tổ chức xét thì lại không lấy những văn bản đó làm cơ sở để đánh giá, xếp loại viên chức mà nhiều trường cứ “nhìn mặt đặt tên” để xét và xếp loại.

Ai ưng thì Ban giám hiệu xét rất nhanh để thông qua, ai không ưng thì phân tích kĩ lưỡng những hạn chế, những khuyết điểm để xếp loại thấp hoặc không xét thi đua.

Tiếng nói của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng là mệnh lệnh của đơn vị nên họ nói thì tất cả hội đồng thi đua phải tuân theo, nhiều người có ý kiến thì cũng chẳng có giải quyết được việc gì.

Nói nhiều thì họ ghét nên riết rồi chẳng ai buồn nói nữa.

Những qui định áp dụng trong đơn vị trái với các hướng dẫn của ngành hay chuyện làm việc theo cảm tính, tùy hứng của một bộ phận hiệu trưởng đang hiện hữu trong nhiều đơn vị.

Và, dĩ nhiên là đa số giáo viên đều biết bởi các văn bản ngày nay đâu còn là bí mật hay khó tìm như ngày trước.

Chỉ cần một vài thao tác máy tính là những văn bản đã được ban hành đều có đầy đủ.

Nhưng, dù nắm rõ những qui định thì giáo viên đôi lúc vẫn phải thực hiện những chỉ đạo phi lí của các thành viên Ban giám hiệu.

Làm thì không sao nhưng nếu không làm là hãy coi chừng sóng gió đang chờ ở phía trước.

Người xưa có câu: “phép vua thua lệ làng” nhưng bây giờ có lẽ gọi là “phép vua thua lệ… trường” thì mới đúng và phù hợp hơn.

Vì thế, thỉnh thoảng chúng ta lại thấy những điều phi lí được các phương tiện thông tin đại chúng đề cập.

Chỉ tiếc, những cái sai trái đó không dừng lại mà ngày càng có biểu hiện nhiều hơn!

Thanh An