Là ngành “công nghiệp không khói” giàu tiềm năng phát triển với nhu cầu tuyển dụng nhân lực cao và cơ hội việc làm rộng mở, ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành luôn giữ vị trí đầu bảng các ngành nghề có số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển lớn nhất trong mỗi mùa tuyển sinh đại học.
Ngành học được tiếp cận những kiến thức phong phú về văn hóa, đời sống, lịch sử
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Vân, Phó Trưởng khoa Du lịch, Trường Ngoại ngữ Du lịch, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội chia sẻ, sinh viên học ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành sẽ được cung cấp những kiến thức cơ bản và học những kiến thức cơ sở khối ngành, cơ sở ngành và chuyên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành.
Tuy nhiên, đi theo định hướng ứng dụng nên các môn học cơ sở khối ngành, cơ sở ngành và chuyên ngành sẽ tập trung vào những môn có tính ứng dụng, được thể hiện ngay từ tên gọi các môn học như: Tham quan tuyến điểm du lịch; Nghiệp vụ lữ hành; Thiết kế chương trình du lịch; Quản trị kinh doanh lữ hành; Điều hành chương trình du lịch; Nghiệp vụ trưởng đoàn du lịch; Tư vấn và bán sản phẩm trong du lịch; Quản trị sự kiện…
Ngoài ra, sinh viên theo học ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành của Trường Ngoại Ngữ - Du lịch, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội còn được trang bị các kỹ năng quản lý, điều hành và giám sát các nghiệp vụ cơ bản trong các đơn vị kinh doanh du lịch, tham gia điều chỉnh và thực hiện các chiến lược, dự án, kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như các chính sách tại các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, thực hiện các nghiên cứu độc lập có tính thực tiễn trong du lịch, đặc biệt sinh viên được tham gia nghiên cứu khoa học về lĩnh vực du lịch và lữ hành.
Chương trình đào tạo và công tác giảng dạy được thiết kế và thực hiện theo định hướng ứng dụng của nhà trường. Vì vậy, sinh viên có khả năng thích ứng cao với thực tế công việc tại doanh nghiệp.
Đồng thời, chương trình đào tạo định hướng hội nhập quốc tế, theo nhu cầu của thị trường lao động và xu hướng du lịch thông minh nên chương trình có tính thực tế và hiệu quả cao.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Vân, ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành là ngành học bao gồm các kiến thức về quá trình quản lý và điều hành du lịch, chịu trách nhiệm phân công công việc cho các hướng dẫn viên du lịch, nhận thông tin để phối hợp với các bộ phận, cơ quan chức năng giải quyết phát sinh, thiết kế chương trình du lịch…
Theo học ngành này, sinh viên sẽ được tiếp thu những kiến thức phong phú về văn hóa, đời sống, lịch sử, được làm việc trong môi trường năng động nhưng cũng đầy thử thách.
Chính vì vậy sinh viên cần có tố chất phù hợp với ngành như: Sự chín chắn và tính kế hoạch; Mạnh mẽ - chịu được áp lực cao trong công việc; Có trách nhiệm; Trung thực, lịch sự, tế nhị; Có tính kiên nhẫn; Tận tâm, chu đáo; Có lòng yêu nghề (đam mê).
Chỉ ra những điểm thuận lợi khi đào tạo ngành này, cô Vân cho biết, hiện nay, trong bối cảnh xã hội và ngành nghề du lịch có nhiều thuận lợi về số lượng khách du lịch, tốc độ tăng trưởng về khách du lịch, doanh thu,...khoa và Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội có cơ hội hợp tác với nhiều đơn vị, doanh nghiệp du lịch, lữ hành trong công tác phối hợp giảng dạy thực hành, đưa sinh viên đi thực tế, thực tập tại doanh nghiệp.
Cùng với đó, các chương trình đào tạo được định kỳ rà soát, cập nhật theo mục tiêu đào tạo của nhà trường và nhu cầu, sự thay đổi của thị trường lao động giúp công tác đào tạo có tính thực tế, cập nhật và hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, ngành học này cũng còn gặp phải một số khó khăn, theo cô Vân, bối cảnh chung của đào tạo du lịch hiện nay là thiếu giảng viên có kinh nghiệm nghề nghiệp và trình độ cao.
Điều này cũng đưa đến những khó khăn nhất định chung cho các đơn vị đào tạo du lịch nói chung và Khoa Du lịch - Trường Ngoại ngữ Du Lịch – Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội nói riêng. Chính vì vậy, khoa và nhà trường đã khắc phục điều này bằng cách đưa các chuyên gia đến từ các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh du lịch, đơn vị quản lý du lịch các cấp tham gia cùng giảng viên trong quá trình đào tạo.
Sinh viên tốt nghiệp ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành có thể làm việc ở vị trí nào?
Nói về những hoạt động nhằm gia tăng cơ hội thực tập và cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi ra trường, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Vân chia sẻ, chủ trương chung của nhà trường, của khoa là tăng cường kết nối với các đơn vị/ doanh nghiệp sử dụng nhân sự ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành để tạo cho sinh viên cơ hội thực tập và làm quen với công việc khi ngồi trên ghế nhà trường và giúp sinh viên tự tin, có thêm kiến thức, rèn luyện kỹ năng thực tế giúp tăng cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.
Cách thức kết nối doanh nghiệp du lịch, lữ hành với hoạt động đào tạo được triển khai với nhiều hình thức khác nhau: Tổ chức toạ đàm theo các chủ đề gắn với các học phần có sự tham gia chính của các diễn giả đến từ các doanh nghiệp du lịch và lữ hành; tham quan, học tập tại doanh nghiệp du lịch, lữ hành; Thực hiện liên kết, ký kết hợp tác lâu dài giữa Khoa Du lịch, Nhà trường với các doanh nghiệp.
Nhà trường và khoa cũng tổ chức ngày hội việc làm với sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch, lữ hành để định hướng việc làm và tạo cơ hội việc làm đúng ngành nghề cho sinh viên.
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm các vị trí tại doanh nghiệp lữ hành như: Nhân viên kinh doanh khách lẻ, khách đoàn; Điều hành tour quốc tế, nội địa; Hướng dẫn viên du lịch, MC sự kiện; các công ty truyền thông, giải trí và sự kiện; Điều hành hay quản lý dịch vụ phương tiện vận chuyển khách du lịch; Chuyên viên tại các sở, ban ngành du lịch...
Phạm Minh Phương, sinh viên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội chia sẻ, ngành này rất hợp với các bạn sinh viên yêu thích sự trẻ trung,năng động.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên được đi thực hành, thực tập để có thêm kinh nghiệm cho công việc sau này. Trong chương trình học sinh viên được thực tập trải nghiệm thực tế bên cạnh các bài học lý thuyết và được tiếp thu những kiến thức phong phú về văn hóa, đời sống, lịch sử.
Chia sẻ về cách để giúp sinh viên có thể đạt được kết quả tốt trong học tập , theo Phương, sinh viên đang theo học ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành nên rèn luyện vốn ngoại ngữ ngay từ năm nhất. Nếu muốn trở thành một người hướng dẫn viên du lịch cần có thêm kiến thức về các địa phương và rèn luyện các kỹ năng giao tiếp.
Bạn Vũ Thị Huế, sinh viên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết, khi bước vào chương trình học, sinh viên được tiếp cận đến các phong tục tập quán sinh hoạt đời thường của các quốc gia khác nhau.
Sinh viên được học và thực hành ngay tại lớp, cùng với đó, trường và khoa cũng tạo điều kiện đi trải nghiệm thực tế ngay từ năm nhất để phần nào hình dung và tiếp cận gần hơn đến công việc của mình sau này.
Theo Huế, trước khi bước vào chương trình học, sinh viên nên chuẩn bị vốn tiếng Anh tốt cho bản thân, tiếp thu thêm kiến thức về lịch sử và văn hoá để tiếp thêm kiến thức cho ngành nghề khi học và cho công việc.