LTS: Trong bài viết trước, tác giả Hà Dung đã chỉ rõ hợp đồng thỉnh giảng của các giáo viên hợp đồng ở Quảng Nam (104 giáo viên hợp đồng có thời gian làm việc trên 36 tháng tại các trường trung học phổ thông) phải được xem là hợp đồng lao động.
Theo đó, các chế độ như bảo hiểm xã hội cho các thầy cô phải được đảm bảo bởi quy định của pháp luật.
Trong bài viết này, tác giả tiếp tục đề cập đến loại hình hợp đồng mà các Hiệu trưởng đã ký với số giáo viên này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả.
Ba tháng nghỉ hè là đặc thù của ngành giáo dục, vậy đây có được xem là khoảng thời gian gián đoạn hợp đồng để hợp đồng tiếp theo được coi như ký lần đầu?
Bộ luật Lao động đã quy định không được ký hợp đồng có thời hạn (hoặc mùa vụ) quá hai lần. Hợp đồng lao động ký lần thứ 3 nghiễm nhiên phải là hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Không giao kết hợp đồng mùa vụ quá 2 lần
Theo khoản 2 điều 22 Bộ luật Lao động [1] thì khi hợp đồng lao động xác định thời hạn và hợp đồng mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký hợp đồng lao động mới.
Đời sống của các giáo viên hợp đồng gặp rất nhiều khó khăn, vất vả. Ảnh: TT |
Nếu không ký kết hợp đồng lao động mới mà người lao động vẫn đi làm thì hợp đồng lao động xác định thời hạn đã giao kết sẽ trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn, còn hợp đồng mùa vụ đã giao kết sẽ trở thành hợp đồng lao động xác định thời hạn với thời hạn là 24 tháng.
Ngoài ra, Bộ luật này cũng quy định, trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng lao động xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm một lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Giáo viên hợp đồng và chuyện...giá như! |
Tức chỉ được ký tối đa hai lần hợp đồng mùa vụ hoặc hợp đồng xác định thời hạn. Vậy ở đây, cần làm rõ sau 9 tháng hết hạn hợp đồng các thầy cô giáo có tiếp tục tham gia giảng dạy hay không?
Nếu vẫn tiếp tục giảng dạy thì sau 30 ngày dù hai bên không ký kết hợp đồng thì bản thân hợp đồng đã giao kết trước đó (hết hạn) sẽ tự động “nhảy” sang loại hợp đồng xác định thời hạn với thời hạn hợp đồng là 24 tháng.
Nếu hết hạn hợp đồng 9 tháng mà trường không có nhu cầu ký tiếp thì phải thông báo cho các thầy cô trước 15 ngày.
Trong trường hợp này, hợp đồng bị gián đoạn bởi ba tháng hè. Tức là việc giảng dạy của các giáo viên hợp đồng bị tạm ngưng.
Chiếu theo Luật, việc ký hợp đồng mùa vụ của các Hiệu trưởng này khi vào năm học mới là đúng. Nhưng việc lấy lý do vì nghỉ ba tháng hè để ngừng hợp đồng cũng là vấn đề cần xem xét bởi đó là quyền lợi của giáo viên.
Cần có cơ chế đặc thù
Riêng với hợp đồng mùa vụ, Bộ luật Lao động cũng quy định rất rõ rằng “không được giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên”.
Đặc thù của ngành giáo dục là sẽ có khoảng thời gian ba tháng nghỉ hè. Với lý do này thì tất thảy hợp đồng thỉnh giảng đều không đảm bảo được nguyên tắc “tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên”. Vì vậy, việc sử dụng hợp đồng thời vụ cho đối tượng giảng dạy là không sai.
“Ký hợp đồng thỉnh giảng nhiều lần để giáo viên khỏi mai một kiến thức” |
Bởi ba tháng hè nghiễm nhiên giáo viên được nghỉ. Vấn đề này áp dụng cho cả giáo viên cơ hữu, công chức chứ không riêng gì thỉnh giảng.
Kèm theo đó, vì đặc thù tính chất công việc không thường xuyên (ba tháng nghỉ hè) nên hợp đồng 9 tháng hết hạn các giáo viên thỉnh giảng sẽ nghỉ không có hợp đồng.
Khi năm học mới bắt đầu, lúc đó ký lại hợp đồng thì hợp đồng thỉnh giảng đó được xem là hợp đồng ký lần 1.
Trên nguyên tắc đó thì hợp đồng dành cho đối tượng thỉnh giảng sẽ mãi mãi là “ký lần đầu” dù thâm niên giảng dạy có “dày” đến bao nhiêu đi chăng nữa (có giáo viên hợp đồng đã ký đến 5-10 lần liên tục với cùng một trường) .
Và việc người sử dụng lao động ký nhiều hợp đồng thời vụ nhưng không trái luật (vì ba tháng gián đoạn trên được xem là hợp đồng đã thanh lý).
Bởi thực tế, như phía người sử dụng lao động (trong trường hợp này là Hiệu trưởng các trường) thì bản thân họ cũng không biết phía trường có nhu cầu ký tiếp hợp đồng trong năm học tiếp theo hay không?
Tất nhiên, chiếu theo Luật thì điều này không sai. Nhưng căn cứ thực tiễn thì thiết nghĩ sẽ là vô cùng thiệt thòi cho người lao động.
Bởi, nguyên tắc nghỉ hè là đặc thù của nghề nghiệp, dù là công chức, viên chức hay ký hợp đồng không xác định thời hạn thì các thầy cô giáo cũng được nghỉ khoảng thời gian nghỉ hè này.
Vậy, liệu nên chăng có một hướng dẫn đối với ngành nghề đặc thù này để đảm bảo quyền lợi cho người lao động là các giáo viên, để họ yên tâm đứng trên bục giảng. Có như vậy, mới đảm bảo sự tâm huyết với nghề và khả năng truyền tải kiến thức đến thế hệ học sinh.
Tài liệu tham khảo
[1]http://moj.gov.vn/vbpq/lists/vn%20bn%20php%20lut/view_detail.aspx?itemid=27800