Kỹ thuật đổi mới giáo dục phổ thông của ta chưa mạch lạc, thống nhất

22/09/2017 13:37
Trinh Phúc
(GDVN) - Ông Phạm Văn Hùng: "Đổi mới chương trình phổ thông của chúng ta thời gian qua về mặt kỹ thuật chưa thật mạch lạc, thống nhất".

Trong bài tham luận của mình tại Hội thảo giáo dục 2017 của Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội tổ chức vào sáng 22/9, ông Phạm Văn Hùng Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ ra nhiều khó khăn thách thức khi áp dụng chương trình phổ thông mới. 

Theo ông Phạm Văn Hùng, “Công tác triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới còn nhiều khó khăn”.

Ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế (ảnh Trinh Phúc).
Ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế (ảnh Trinh Phúc).

Cụ thể, Đổi mới chương trình phổ thông của chúng ta thời gian qua về mặt kỹ thuật chưa thật mạch lạc, thống nhất.

Điều đó, có ảnh hưởng đến niềm tin của một bộ phận cha mẹ học sinh, giáo viên.

Điều kiện liên quan tổ chức thực hiện Chương trình mới còn thiếu nhiều và không đồng bộ như: Năng lực nghề nghiệp của một bộ phận đội ngũ còn yếu, thiếu động lực đổi mới, sáng tạo và tự học, tự đồi dưỡng.

Giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số nhiều tỉnh chưa có, loại hình giáo viên tư vấn hướng nghiệp cơ bản là chưa có, hoặc có nhưng chưa được đào tào, bồi dưỡng một cách bài bản, khoa học.

Giáo viên dạy bộ môn “Giáo dục kinh tế và pháp luật” cũng chưa có. Tương tự, loại hình giáo viên nghệ thuật ở Trung học phổ thông chưa có, trong lúc đố số trường Đại học, Học viện đào tạo loại hình giáo viên này không nhiều.

Biên chế giáo viên được cấp gần như cố định theo quy mô lớp học sinh, trong lúc đó học sinh đăng ký học tự chọn là một biến số.

Khả năng xây dựng tổ hợp môn học từ các nhóm môn học và chuyên đề của nhiều trường nhất là trường vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo rất khó khăn vì quy mô trường nhỏ, đội ngũ giáo viên ít, điều kiện làm việc thiếu, khả năng hình thành các đề cương chi tiết và chuyên đề đảm bảo tính khoa học không cao.

Kỹ thuật đổi mới giáo dục phổ thông của ta chưa mạch lạc, thống nhất ảnh 2Quốc hội đang Hội thảo về Giáo dục phổ thông

Ngoài những thách thức liên quan đến vấn đề con người, giáo viên, ông Phạm Văn Hùng còn chỉ ra những bất cập liên quan đến cơ sở vật chất chưa đáp ứng được chương trình phổ thông mới.

Cụ thể, tỷ lệ trường học 2 buổi/ngày, trường đạt chuẩn quốc gia thấp, phòng học, phòng thực hành  - thí nghiệm, phòng bộ môn, nhà đa chức năng, sân chơi, bãi tập còn thiếu nhiều. Thiết bị đồ dùng dạy học tối thiểu chưa đảm bảo.

Phòng học hiện nay nhiều nơi đang thiếu, triển khai dạy học tự chọn sẽ dẫn đến tăng sức ép và thiếu phòng học.

Tổ chức day học tự chọn nhưng gắn với điều kiện của các nhà trường hiện nay thì thực chất học sinh không có nhiều cơ hội để lựa chọn. Khả năng học sinh đăng ký học tự chọn ở một cơ sở giáo dục khác rất hiếm.

Một số khó khăn gặp phải nữa để thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông mới theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế, đó chính là:

“Định mức chi cho Giáo dục và Đào tạo nhiều địa phương không đảm bảo theo tỷ lệ; xã hội hóa giáo dục lúng túng;

Cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo công lập theo Nghị định 16 – 2015 chưa được hình thành trên thực tế.

Các sở Giáo dục và Đào tạo lúng túng trong tổ chức bộ máy nhân sự, khó khăn thiếu thốn trong đảm bảo nguồn lực để thực hiện.

Phân cấp quản lý giáo dục còn chồng chéo, thiếu thống nhất. Mỗi tỉnh, mỗi huyện, mỗi nơi có một kiểu khác nhau.

Nhìn chung, vai trò chức năng của nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo và phòng Giáo dục và Đào tạo không rõ; thiếu các quyền điều phối, quản lý quan trọng về con người và tài chính”.

Kỹ thuật đổi mới giáo dục phổ thông của ta chưa mạch lạc, thống nhất ảnh 3Tại sao cứ mãi phân biệt sinh viên trường công với trường tư?

Với những bất cập trên, để thực hiện được việc đổi mới giáo dục mà cụ thể chương trình phổ thông mới, ông Phạm Văn Hùng đã có một số đề xuất như sau:

“Chỉ đạo đẩy mạnh công tác truyền thông về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông tạo sự đồng thuận trong xã hội, nhân dân.

Triên khai chương trình giáo dục phổ thông mới có thể phải chấp nhận quy luật phát triển không đều trong giáo dục và đào tạo.

Đối với những trường đảm bảo điều kiện thì có thể triển khai ngay từ năm học 2019 – 2020. Đối với những trường chưa đảm bảo điều kiện thì tiến hành theo lộ trình riêng, chậm hơn để có thời gian hoàn chỉnh các điều kiện…

Đối với giáo viên dạy tiểu học, trung học cơ sở phải là những người có trình độ đại học. Khẩn trương đào tạo giáo viên theo chương trình mới.

Phải có chương trình quốc gia về bồi dưỡng giáo viên thống nhất trong toàn quốc.

Phải ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về trường học 2 buổi/ngày, về phân cấp quản lý giáo dục nhằm tăng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cho Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo;

Quy định sĩ số học sinh/lớp/ Quy định mức biên chế giáo viên cho trường 2 buổi/ngày…”

Cuối cùng ông Phạm Văn Hùng nhấn mạnh: “Nên lùi thời gian triển khai đại trà chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới vào năm học  2019 – 2020, để các tỉnh, thành có thời gian, vật chất để chuẩn bị, hoàn thiện các điều kiện.

Tạo sức hút về tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo các trường sư phạm là việc quan trọng”.

Qua tham luận của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế có thể thấy để đưa áp dụng chương trình phổ thông mới một cách đại trà cần phải có chiến lược về con người, cơ sở vật chất, văn bản pháp lý.

Do đó, nếu nóng vội áp dụng chương trình phổ thông mới sẽ lợi bất cập hại. Đặc biệt, ở những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để đưa được chương trình phổ thông mới vào áp dụng là cả một thách thức lớn.

Trinh Phúc