Rất khó hiểu, nhiều nơi vẫn kêu thiếu giáo viên

21/08/2018 06:55
An Nguyên
(GDVN) - Nhiều địa phương liên tục tổ chức thi tuyển giáo viên nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu các trường, trong khi hàng ngàn sinh viên sư phạm vẫn thất nghiệp.

Thi tuyển nhiều mà vẫn thiếu

Trước thềm năm học mới, nhiều địa phương ở miền Trung tổ chức thi tuyển giáo viên với số lượng lớn như: Đà Nẵng (thi tuyển 84 giáo viên cấp 3), Quảng Nam (thi tuyển 1.191 chỉ tiêu), Quảng Ngãi (thi tuyển 1.658 giáo viên).

Tuy thi tuyển nhiều nhưng nhiều nơi vẫn vẫn kêu thiếu giáo viên, phải cắt giảm từ học 2 buổi/ngày xuống còn 1 buổi/ngày, hợp đồng với giáo viên đứng lớp...

Các giáo viên hợp đồng ở Quảng Nam phản ánh bức xúc tại kỳ thi tuyển giáo viên của tỉnh này hồi đầu năm 2018. Ảnh: AN
Các giáo viên hợp đồng ở Quảng Nam phản ánh bức xúc tại kỳ thi tuyển giáo viên của tỉnh này hồi đầu năm 2018. Ảnh: AN

Sở Giáo dục Quảng Nam cho hay, trong năm học 2017 – 2018, địa phương này đã tổ chức kỳ xét tuyển đối với viên chức trung học phổ thông và thi tuyển đối với viên chức giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, giáo viên trung học cơ sở.

Kỳ thi đã tuyển chọn được 110 giáo viên trung học phổ thông và 1.315 giáo viên từ bậc mầm non đến trung học cơ sở.

Nhưng tại hội nghị tổng kết năm học 2017-2018 và triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 do sở Giáo dục Quảng Nam tổ chức mới đây thì hiện nhiều trường của địa phương này đang thiếu giáo viên trầm trọng.

Thắt ruột, bất an vì kết quả thi tuyển giáo viên ở Quảng Ngãi thay đổi

Cụ thể như huyện Thăng Bình đang thiếu 164 giáo viên, huyện Đại Lộc thiếu 153 giáo viên, huyện Duy Xuyên thiếu 122 giáo viên...

Theo Phòng Giáo dục các huyện này thì nguyên nhân thiếu hụt giáo viên là ngoài số thầy cô đến tuổi nghỉ hưu thì nhiều giáo viên hợp đồng khi tham gia đợt thi tuyển giáo viên vừa qua không đậu đã xin nghỉ việc.

Nhiều trường trung học phổ thông cũng kêu khó tìm được nguồn giáo viên nhiều năm qua như: trường trung học phổ thông Chu Văn An (Đại Lộc), trung học phổ thông chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Tam Kỳ)…

Ông Trần Văn Thức, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thăng Bình cho biết, do số lớp mầm non tăng cao nên địa phương thiếu 130 giáo viên mầm non và tiểu học.

Do đó, huyện phải hợp đồng với 130 giáo viên để đứng lớp. “Vấn đề ở đây là huyện vẫn còn 360 chỉ tiêu biên chế chưa sử dụng. Nên sắp tới, sẽ kiến nghị tỉnh tổ chức thi tuyển giáo viên”, ông Thức nói.

Tương tự, tại huyện Điện Bàn đang thiếu 109 giáo viên tiểu học, hiện phải hợp đồng thỉnh giảng với nhiều giáo viên để đáp ứng nhu cầu trước mắt. Trong khi số lượng biên chế của huyện vẫn chưa sử dụng hết.

Tại Quảng Ngãi, mặc dù kỳ thi tuyển dụng giáo viên đang xảy ra lùm xùm do các khiếu kiện, khiếu nại về điểm số nhưng mức chỉ tiêu đặt ra vẫn là 1.658 giáo viên cho  các cơ sở giáo dục trực thuộc sở Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

Đại diện Phòng giáo dục huyện Tây Trà (Quảng Ngãi) cho biết, năm học trước, huyện này đã phải ký hợp đồng với 167 giáo viên đứng lớp để “lấp chỗ trống”.

“Nếu đợt thi tuyển giáo viên 2017-2018 được phê duyệt thì sẽ có thêm 114 người nhưng vẫn không đủ giáo viên. Huyện vẫn còn thiếu 45 giáo viên, trong đó chủ yếu là bậc tiểu học, bậc mầm non và trung học cơ sở”, vị này cho hay.

Trong kỳ thi tuyển giáo viên vừa qua, 62 thí sinh của huyện Tây Trà phải chấm thẩm định lần 3 do đoàn của sở Nội vụ Quảng Ngãi chấm. Hiện danh sách điểm số của các thí sinh này đã được công bố.

"Thận trọng" với giáo viên hợp đồng

Hiện nhiều địa phương ở miền Trung đang siết chặt việc tuyển dụng giáo viên hợp đồng do các chính sách pháp luật về đối tượng này chưa hoàn thiện.

Ông Hà Thanh Quốc, giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam cho hay, chủ trương của địa phương này là không hợp đồng giáo viên mà sẽ tổ chức thi tuyển cạnh tranh để bổ sung cho số chỉ tiêu biên chế chưa sử dụng hết. 

Ông Quốc cũng khẳng định chủ trương cắt giảm biên chế của ngành giáo dục là giảm cán bộ quản lý chứ không cắt giảm giáo viên.

Quảng Ngãi chuẩn bị tuyển dụng 1.658 giáo viên

Tại buổi làm việc với 6 địa phương về tình hình đội ngũ giáo viên ngày 6/8, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam không đồng tình với việc nhiều địa phương tự ý hợp đồng giáo viên.

Bởi chủ trương của tỉnh là không còn hợp đồng giáo viên từ sau ngày 31/12/2015.

Hiện tỉnh này còn 1.200 giáo viên hợp đồng trong khi còn hơn 1.000 chỉ tiêu biên chế cho ngành giáo dục.

Do đó, ông Thu đề nghị các địa phương kiểm tra, rà soát lại 1.200 giáo viên hợp đồng, số nào không đi thi, số nào thi rồi không đậu, số hợp đồng sau 31/12/2015 để báo cáo tỉnh.

Tỉnh sẽ tổ chức thi tuyển viên chức giáo dục trong học kỳ 1 với tinh thần công bằng, khách quan đối tất cả mọi người tham gia như các kỳ thi vừa qua.

Liên quan đến giáo viên hợp đồng đã xảy ra nhiều vụ việc khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến quyền lợi của những giáo viên này.

Điển hình như trường hợp 104 giáo viên hợp đồng (trên 36 tháng) ở Quảng Nam cho rằng họ bị đối xử thiếu công bằng và Sở giáo dục đã chỉ đạo nhà trường ký hợp đồng sai luật lao động khiến họ không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…

Các thầy cô cũng chỉ ra những bất cập trong kỳ thi tuyển viên chức giáo dục của tỉnh vừa qua, đồng thời gửi các kiến nghị khẩn thiết để mong cơ quan chức năng xem xét.

Sau đó, qua rà soát, kiểm tra thì tỉnh không giải quyết các kiến nghị của số giáo viên hợp đồng này.

An Nguyên