LTS: Qúy độc giả đang theo dõi bài viết của Ths Trương Khắc Trà nhìn nhận về sự đào tạo ồ ạt giáo dục Đại học hiện nay đã gây ra nhiều hệ quả nghiêm trọng, khiến tấm bằng cử nhân không còn là niềm tự hào mà nó đang dần trở thành gánh nặng không chỉ đối với sinh viên mà còn ảnh hưởng tới toàn xã hội.
Trong bài viết này, tác giả chỉ ra sự khác biệt giữa giáo dục Đại học xưa và nay. Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Tấm bằng cử nhân đang trở thành gánh nặng
Tôi còn nhớ như in câu nói và cũng là mệnh lệnh vô hình của bố tôi khi đang còn học phổ thông “phải thi đậu Đại học nghe con”, đó là những năm 2000, lúc giao thời của nhiều thứ trong đó có giáo dục.
Quả thật lúc đó Đại học là giấc mơ lung linh huyền ảo đến nỗi thế hệ chúng tôi có câu nói bất hủ “Cổng trường Đại học cao vời vợi/ Mười thằng leo đến chín thằng rơi!”.
Hết “chín thằng rơi” bởi trước đây để đỗ Đại học phải là những học sinh giỏi, xuất sắc của lớp, điểm số học tập thuộc dạng “khủng”, vậy nên hồi đó một lớp 50 học sinh họa hoằn lắm chỉ có 2, 3 người trở thành những tân sinh viên.
Nhiều anh chị lớp trước có người học thuộc loại khá, giỏi cũng trượt Đại học như thường, có người đeo bám giấc mơ Đại học đến nỗi đi thi 5, 6 lần, có người hoàn thành tâm nguyện cũng có người với giấc mơ Đại học.
Làn sóng “sùng bái” Đại học (Ảnh: giaoduc.net.vn) |
Bởi vậy mới có những câu chuyện hài như cùng học chung cấp phổ thông nhưng người tốt nghiệp kẻ mới…nhập học.
Khó khăn gian khổ với con đường Đại học là thế nhưng mọi thứ đều có giá trị của nó, những ai Đỗ đại học được cả làng, cả xã ngưỡng mộ, nhiều gia đình lấy đó để làm tấm gương cho con em mình và thực sự những cử nhân thời ấy đã trở thành tấm gương sáng, biểu tượng đổi đời, thoát nghèo bền vững của những thế hệ kế tiếp.
Một trong những điều làm nên sự hấp dẫn của cử nhân thời ấy là “Qúy hồ tinh bất quý hồ đa” số lượng trường Đại học không nhiều như bây giờ, chỉ có những trung tâm văn hóa giáo dục lớn như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh…mới có trường Đại học và dĩ nhiên những tân cử nhân được săn đón ngay từ năm cuối khóa.
Nguy cơ khủng hoảng thừa đại học(GDVN) - Đại học ở Việt Nam mấy chục năm dù đáp ứng được nhu cầu học tập của đại bộ phận người dân nhưng lại gặp phải phản ứng dữ dội từ thị trường lao động. |
Thế nhưng, thế hệ chúng tôi lớn lên trong những năm giao thời của giáo dục, những năm đầu tiên của Thiên niên kỷ thứ 2, bắt đầu được chứng kiến sự tụt dốc thảm hại về chất lượng của những tấm bằng cử nhân.
Trong khoảng 10 năm trở lại đây Đại học không còn sang chảnh, kiêu kỳ mà dường như được phổ cập cho mọi thế hệ đến nỗi học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông không biết làm gì hơn là tiếp tục...học Đại học!
Nếu ngày xưa để đỗ vào một Đại học bậc trung phải đạt số điểm 18, 20 nhưng từ khi các trường tư nở rộ số điểm để bước vào giảng đường Đại học đôi lúc chỉ còn phân nữa, không thể nào có cử nhân chất lượng cao nếu học lực ở phổ thông chỉ đạt mức trung bình.
Nói như vậy không phải người học lực trung bình là không có quyền học Đại học, nhưng ở đây thiếu sự phân luồng ngay từ đầu.
Sự nở rộ của giáo dục Đại học từ con số vài chục trường đến hơn 200 trường như hiện nay cộng với sự ra đời của hàng loạt hệ đào tạo như chuyên tu, từ xa, tại chức… khiến cử nhân rớt giá thảm hại.
Bác hàng xóm bên cạnh nhà tôi là một cán bộ xã gần về hưu, trước đây không biết Đại học là gì nhưng nay đã được phổ cập đến 2 bằng Đại học! Dĩ nhiên là học tại chức và từ xa.
Mới đây Viện khoa học Lao động xã hội đã công bố con số hơn 220.000 cử nhân và thạc sỹ thất nghiệp là minh chứng không thể chối cãi cho tình trạng bất cập trong đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực có bằng cấp.
Làn sóng “sùng bái” Đại học đã có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng con số thất nghiệp chưa thể giảm trong một sớm một chiều khi chất lượng đào tạo có vấn đề khiến nhiều tân cử nhân không thể đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.
"Giá cử nhân" chưa bao giờ rẻ như hiện nay!(GDVN) - Không khó để nhận thấy rằng học sinh Việt rất giỏi ở bậc phổ thông nhưng đuối dần khi bước qua cánh cổng đại học. |
Nếu ngày xưa các tân cử nhân được săn đón và dĩ nhiên họ bước đi bằng trí tuệ thì nay hậu duệ, quan hệ, tiền tệ đã đánh bật trí tuệ làm cho con số thất nghiệp ngày càng tăng.
Không ít câu chuyện đau lòng từ thất nghiệp khi dư luận bất ngờ trước hình ảnh một tân sinh viên treo bảng trước ngực “Tôi vừa tốt nghiệp, tôi đã là Bố. Tôi cần một công việc để mua sữa cho con….” đau lòng hơn là câu chuyện ở Huế khi một cử nhân thất nghiệp đã chọn cách lao vào đoàn tàu…để giải thoát bế tắc.
Xót xa thay, Đại học bây giờ chỉ là…học đại. Tấm bằng cử nhân không còn là niềm tự hào mà đã trở thành gánh nặng vô hình đè lên suy nghĩ của những người sở hữu nó là phải được coi trọng, được trọng dụng…nhưng thực tiễn xã hội đã dội những gáo nước lạnh vào suy nghĩ ấy khiến không ít bạn trẻ rơi vào khủng hoảng.
Để cử nhân, thạc sỹ trở về với giá trị vốn có của nó là tầng lớp trí thức, tinh hoa được tuyển chọn, thiết nghĩ phải cần sự nỗ lực của toàn xã hội trong đó ngành giáo dục đóng vai trò quyết định, nhưng trước hết các bạn trẻ và các bậc phụ huynh phải chấp nhận rằng Đại học bây giờ không phải là con đường tốt nhất cho tương lai, khởi nghiệp không nhất thiết phải vào Đại học.
Và những hệ quả tất yếu
Một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu để đánh giá một Đại học là chất lượng sinh viên ra trường. Nhưng đầu ra phụ thuộc rất nhiều đầu vào.
Nếu Đại học không lấy vào được sinh viên có trình độ và chất lượng đúng yêu cầu thì cũng giống như nhà máy không nhập được nguyên liệu đúng chuẩn, dù cố gắng kỳ công sản phẩm vẫn tồi.
Nhiều người thường có nhầm lẫn tai hại rằng Đại học là nơi đào tạo chuyên sâu về một ngành nghề nhất định mà quên rằng tri thức không bao giờ có tính khu biệt tuyệt đối.
Đại học là học đại, đủ đầy ý nghĩa xót xa!(GDVN) - Để đại học hết “học đại” cần rất nhiều nỗ lực từ ngành giáo dục và toàn xã hội, đã đến lúc phải quyết liệt hơn với “quốc sách hàng đầu”. |
Chịu ảnh hưởng của quan niệm ấy, các trường Đại học của ta, kể cả các trường gọi là “Đại học tổng hợp” cũng đào tạo chuyên sâu theo từng ngành.
Sản phẩm của lối đào tạo thiển cận ấy là những chuyên gia với nhãn quan hẹp, chỉ thông thạo một lĩnh vực chuyên môn nhỏ, với những kiến thức, kỹ năng cũng mau chóng lạc hậu trong tình hình công nghệ biến hoá nhanh.
Trong khi trên quốc tế lấy thành tích nghiên cứu khoa học làm tiêu chí hàng đầu để đánh giá các Đại học thì ở nước ta từ lâu các Đại học hầu như không quan tâm gì đến nghiên cứu khoa học, cái Đại học Việt Nam quan tâm chỉ là mở thật nhiều ngành nghề, càng đông số lượng sinh viên càng tốt.
Chỉ mấy năm gần đây, do nhu cầu hội nhập thúc đẩy, nhận thức về vấn đề này mới có ít nhiều chuyển biến.
Sau những thông tin thống kê cho thấy rõ sự tụt hậu nặng nề đến mức xấu hổ của các Đại học Việt Nam so với các Đại học Thái Lan, Malaysia, Singapore… chúng ta mới bắt đầu đặt ra nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cho các đại học.