LTS: Sau khi đọc bài viết “Nên đưa tác phẩm "Chí Phèo" ra khỏi chương trình Ngữ văn 11?" của tác giả Nguyễn Sóng Hiền trên Báo VietnamNet, thầy giáo Khánh Văn có bài viết chia sẻ góc nhìn của mình.
Tòa soạn trân trọng mời quý bạn đọc theo dõi.
Việc anh Nguyễn Sóng Hiền, hiện là nghiên cứu sinh Trường Đại học Newcastle (Australia) đưa ra ý kiến bỏ tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao trong chương trình Ngữ văn lớp 11 đã nhận được nhiều ý kiến tranh luận trong mấy ngày qua.
Bởi từ lâu, tác phẩm Chí Phèo đã trở nên quen thuộc trong lòng bạn đọc và biết bao nhiêu thế hệ học trò.
Mặc dù rất tôn trọng ý kiến của anh Nguyễn Sóng Hiền, nhưng theo chúng tôi đây là một ý kiến chưa hợp lí khi đánh giá một tác phẩm văn học.
Vì nếu bỏ tác phẩm Chí Phèo bởi nó không hợp với xã hội hiện nay thì cũng có vô vàn những tác phẩm văn học khác không hợp với xã hội hiện đại.
Điều cốt lõi nhất của tác phẩm văn học là thông qua những văn bản này giúp chúng ta hiểu hơn về một giai đoạn văn học mà ở đó nhà văn, nhà thơ đóng vai trò là “thư kí trung thành” của thời đại để phản ánh một cách trung thực nhất.
Chuyện đúng - sai từ đề xuất của anh Nguyễn Sóng Hiền chúng tôi không bàn luận bởi đây là một ý kiến, nhận thức của một cá nhân.
Vì thế, trong bài viết này chúng tôi chỉ bàn thêm về quan điểm nghệ thuật của nhà văn Nam Cao và vì sao tác phẩm Chí Phèo đã “sống” trong lòng bạn đọc hơn 7 thập kỉ qua.
Hình ảnh Chí Phèo trong phim "Lãng Vũ Đại ngày ấy" (Ảnh minh họa: vietnamnet.vn). |
Với bất kì một văn nghệ sĩ nào, họ cũng ý thức được trách nhiệm của người cầm bút.
Bởi người nghệ sĩ ngoài việc thông qua những chất liệu cuộc sống để viết thì còn có một thiên chức cao hơn là hướng người đọc, người nghe đến nhiều chức năng khác nhau.
Vì thế mà nhà văn Nguyễn Đình Thi đã viết trong văn bản Tiếng nói văn nghệ như sau:
"Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ.
Anh gửi vào tác phẩm một lá thư, một lời nhắn nhủ, anh muốn đem một phần của mình góp vào đời sống chung quanh".
Chỉ thế thôi, chúng ta đã thấy được chức năng của văn học, của thiên chức người cầm bút khi sáng tác ra những tác phẩm gửi tới cuộc đời.
Có lẽ vì thế mà nhà văn Nam Cao rất ý thức được con đường nghệ thuật mà ông đã gắn bó và theo đuổi nó suốt cả cuộc đời của mình. Bởi ông - một nhà văn hiện thực tiêu biểu và chân chính suốt đời chỉ khát khao sáng tác ra những tác phẩm phải sâu sắc, không hời hợt với đời.
Chính vì vậy mà ông quan niệm mỗi tác phẩm phải “khơi được những nguồn chưa ai khơi” và sau đó mới khám phá “những gì chưa có”.
Trong cách nói của Nam Cao cho ta thấy ông muốn ví cuộc đời như một dòng sông có biết bao nhiêu những mạch ngầm tiềm ẩn khác nhau. Nhiệm vụ của nhà văn là phải khai thác những “mạch nguồn” ấy để nó hòa chảy vào dòng chảy của cuộc đời.
Vì thế mà ta thấy được hàng loạt những tác phẩm tiêu biểu của ông được ra đời trong dòng văn Hiện thực phê phán lúc bấy giờ.
Những tác phẩm văn học của Nam Cao trong giai đoạn này đã phản ánh được hiện thực xã hội và phát hiện ra quá trình thức tỉnh lương tâm của bao phận người.
Nếu môn Văn không từ từ chết thì xã hội ít phải chứng kiến những chuyện đau lòng |
Chúng ta thấy có biết bao nhân vật trong sáng tác của Nam Cao từ chỗ tha hóa về nhân cách đều hướng về con đường lương thiện, trở về với cái "nhân chi sơ, tính bản thiện" trong mỗi con người.
Và, Chí Phèo là một nhân vật như thế - anh đã thức tỉnh lương tâm của mình sau những năm tháng triền miên trong men rượu.
Anh khát khao được làm người lương thiện và muốn đứng lên đòi lại cái quyền lương thiện của mình mà chính Bá Kiến và xã hội đương thời đã vùi dập và cướp mất.
Chúng ta cứ hình dung cái hoàn cảnh xuất thân của Chí bắt đầu từ cái hài nhi bị bỏ rơi, trần truồng xám ngắt bên cái lò gạch cũ.
Không cha, không mẹ, không họ hàng thân thích, lớn lên không nhà cửa, không một tấc đất cắm dùi thì thử hỏi con người ấy liệu có thể tồn tại như một con người bình thường được hay không?
Chính cái hoàn cảnh xuất thân ấy đã báo hiệu một cuộc đời không yên ổn cho Chí sau này.
Và tất nhiên là tấn bi kịch cuộc đời của Chí sẽ xảy ra bởi đây cũng là đáp án chung của biết bao nhân vật trong dòng văn hiện thực phê phán lúc bấy giờ như anh Pha, chị Dậu...
Phải nói rằng với một hoàn cảnh xuất thân đặc biệt như vậy nhưng khi lớn lên Chí Phèo vẫn là một con người - một người nông dân lương thiện đúng nghĩa.
Chí được Nam Cao miêu tả là một người “hiền như đất”. Anh cũng có nhiều ước muốn cho cuộc đời của mình sau này, đó là: Có một mái nhà nho nhỏ. Chồng cày thuê, cuốc mướn, vợ dệt vải, khá thì kiếm dăm ba sào ruộng…
Chỉ thế thôi cũng cho ta thấy được cái khát khao, ước nguyện chân thành của một người nông dân trước Cách mạng tháng Tám như thế nào.
Thế nhưng, cái ước mơ nho nhỏ và chính đáng đó đã bị xã hội đương thời bóp nát khi Chí mới vừa trưởng thành.
Chỉ vì cái sự ghen tuông vu vơ của một kẻ có quyền hành trong làng lúc bấy giờ là Bá Kiến mà Chí bị giải lên huyện và phải ở tù.
Những năm tháng ở tù sau đó đã biến Chí hoàn toàn thay đổi từ một con người lương thiện, chất phác trở thành một con “quỷ dữ” của làng Vũ Đại, Chí đã thay đổi từ nhân tính đến nhân hình: “Cái đầu cạo trọc lóc, cái răng cạo trắng hớn, hai mắt gườm gườm trông gớm chết…”.
Chí đã không còn là Chí nữa. Những cảm xúc, những ước nguyện khát khao thuở nào của Chí đã hoàn toàn bị tiêu diệt để nhường chỗ cho những sự phá phách, đó là “rạch mặt ăn vạ và đâm chém”.
Cuộc đời Chí từ đó về sau là chuỗi ngày chìm trong những cơn say dài mênh mông, bất tận.
Bao nhiêu những tội ác, bao nhiêu điều xấu xa trong làng đều được những kẻ đại diện cho chính quyền lúc bấy giờ sai Chí làm và Chí đều thực hiện tốt trong những lúc say xỉn.
Thầy cô giáo tâm đắc với những thay đổi, định hướng mới ở môn Ngữ văn |
Chí không còn là người mà đã biến thành một “con quỷ” và biến thành một công cụ lợi dụng đắc lực cho những kẻ có chức quyền tranh giành quyền lực, quyền lợi trong làng.
Nam Cao đâu chỉ có miêu tả thói ăn vạ sau những cơn say của Chí Phèo, mà ông đã cho bạn đọc thấy rõ cái ngọn nguồn đẩy anh đến chỗ bần cùng.
Và rồi tác giả cũng thật tài tình khi thể hiện những biến chuyển tâm lý, những hạt giống lành trong tàng thức Chí Phèo trỗi dậy khi được tưới tẩm bởi sự xuất hiện của Thị Nở.
Phải là người xấu “ma chê quỷ hờn” như thị Nở, dở hơi như thị Nở thì mới có thể cúi xuống nỗi đau của Chí Phèo để cùng chia sẻ và đồng cảm với cuộc đời Chí.
Cho dù nó có thể là bản năng, là sự “dở người" của thị Nở thì đây chính là “tia sáng” để thức tỉnh trái tim con người trong Chí mà bấy lâu đã bị dập vùi và biến mất.
Những tháng ngày chìm đắm trong men rượu chưa có lúc nào tỉnh thì bây giờ, sau cái đêm “gặp gỡ” với thị Nở ở cái vườn chuối và bát cháo hành của thị ban cho đã hoàn toàn thay đổi tâm tính trong con người Chí Phèo.
Chí được thị Nở chăm sóc và thấy mình đau nhức toàn thân mới biết mình tuổi già của mình đã đến mà lâu nay Chí không biết hoặc không có lúc nào đủ tỉnh táo để biết.
Chí nghe tiếng chim hót, nghe tiếng người đi chợ lao xao bàn tán, tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá trên sông…Chính vì thế mà Chí bâng khuâng buồn và thèm muốn được làm người lương thiện.
Nhưng, chính sự “suy nghĩ lại” của thị Nở khi chối từ tình cảm của Chí Phèo đã khiến Chí hẫng hụt và rơi vào tuyệt vọng.
Cánh cửa cuộc đời vừa mới mở ra đã đóng sầm lại trước mặt Chí Phèo. Chí khóc rưng rức và lại tìm đến men rượu để quên nỗi buồn hiện tại.
Chí đã tìm đến kẻ thù của mình đó là Bá Kiến để đòi quyền sống, câu nói: “Ai cho tao lương thiện?” như một lời vang vọng của bao kiếp người lúc bấy giờ.
Đó là tiếng kêu than là một con người thức tỉnh lương tâm mà lâu nay đã bị xã hội vùi dập.
Chí muốn lương thiện, muốn được làm hòa với mọi người nhưng không ai cho Chí lương thiện, đây chính là tấn bi kịch của xã hội đương thời.
Khi người dân thấy mình khổ, biết kẻ thù của mình mà không tìm được lối thoát cho mình.
Từ đây, cho ta thấy rằng một bi kịch của cuộc đời, một vấn đề mang ý nghĩa nhân sinh đã được đặt ra: Hãy cứu lấy con người, hãy ngăn chặn tội ác đang làm tha hóa và biến chất con người, không cho con người được sống một cuộc sống của con người!
Chúng tôi trộm nghĩ, mỗi người có thể có góc nhìn, quan điểm riêng của mình về các vấn đề trong cuộc sống, cũng như những tác phẩm văn học được đưa vào sách giáo khoa.
Tuy nhiên việc lựa chọn đưa vào hay đưa ra một tác phẩm văn học là một việc hết sức hệ trọng. Nó giúp cho thế hệ sau hiểu được thế hệ trước, bởi có hiểu được quá khứ mới rõ ràng hiện tại, và vững chắc tương lai.
Nếu chỉ thấy được những biểu hiện tức thời như chuyện nát rượu, rạch mặt ăn vạ của nhân vật Chí Phèo mà không thấy được nguyên nhân, hoàn cảnh nào đã xô đẩy một sinh linh, một đứa bé sinh ra vốn lương thiện thành con người như vậy, thì quả là hời hợt.
Quan trọng hơn, khi không thấy được những hạt giống tốt lành trong tâm thức những con người vì lý do nào đó lầm đường lạc lối, để tưới tẩm và nuôi dưỡng nó lớn lên, xã hội sẽ khó có nổi ngày bình yên.
Cảm thụ văn học có thể mỗi người mỗi khác, nhưng tác phẩm văn học nào đã trở thành biểu tượng của một giai đoạn, một thời kỳ của lịch sử dân tộc, thì cần được trang bị cho học sinh để các em hiểu cuộc sống, trải nghiệm, nghĩ suy của thế hệ đi trước.
Chí Phèo là một tác phẩm như vậy, rất đặc biệt và tiêu biểu cho một thời kỳ lịch sử đặc biệt của dân tộc.
Chăm lo cho đời sống tinh thần và giữ gìn mạch nguồn dân tộc không thể xem thường. Xin được mượn lời một vị cao tăng đương đại của Phật giáo Việt Nam để nói lên suy nghĩ của mình: "Đó cũng là chăm lo đến dòng chảy từ quá khứ đến hiện tại và do vậy, thấu đến vị lai".