LTS: Bày tỏ nỗi vất vả của giáo viên chủ nhiệm, cô giáo Đỗ Quyên cho rằng những ưu đãi dành cho giáo viên chủ nhiệm vẫn chưa tương xứng với số lượng công việc đồ sộ mà họ phải làm.
Theo đó, cô Đỗ Quyên cũng mong muốn những thay đổi trong ngành giáo dục sẽ hướng đến những chế độ đãi ngộ tốt hơn cho nhà giáo.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Người giáo viên chủ nhiệm lớp giống như một bảo mẫu cần mẫn, một người mẹ trẻ nuôi con mọn nhưng gia đình lại gặp khó khăn… công việc nhiều, áp lực lớn nhưng chế độ đãi ngộ lại chẳng thấm tháp vào đâu.
Bởi thế ngày nay, phần lớn giáo viên rất sợ phải làm công tác chủ nhiệm lớp.
Hàng trăm việc không tên
Nhiệm vụ chính của một giáo viên chủ nhiệm lớp là nghiên cứu, nắm vững tình hình học sinh của lớp; Xây dựng bộ máy tổ chức tự quản; Thiết lập tốt các mối quan hệ trong tập thể lớp;
Tổ chức các hoạt động đa dạng cho tập thể học sinh như hoạt động học tập, hoạt động của các đoàn thể, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao;
Phối hợp với giáo viên bộ môn và các lực lượng giáo dục khác để giáo dục học sinh…
Nghe tưởng chừng đơn giản là thế nhưng có hàng trăm công việc không tên chất chồng, bủa vây.
Giáo viên chủ nhiệm hàng ngày phải giải quyết rất nhiều việc không tên. (Ảnh minh họa: Vietnamnet.vn) |
Hàng ngày, mỗi việc giải quyết những vụ đánh nhau, những thắc mắc, bất đồng giữa các thành viên trong lớp giáo viên đã thấy bở cả hơi tai.
Chuyện học sinh không thuộc bài, vi phạm nội quy, vô lễ với thầy cô ngày nào mà chẳng có. Học sinh bỏ học, giáo viên gọi đến “cháy sim”, đi đến “mòn đường mỏi gối” để năn nỉ các em trở lại lớp cũng là một cực hình.
Học sinh học yếu, kém mời phụ huynh để phối hợp giáo dục nhưng không phải lúc nào cha mẹ các em cũng hợp tác.
Ngoài chuyện học, các hoạt động giáo dục khác cũng áp lực không kém như một số phong trào mũi nhọn thi violympic, chữ đẹp, vẽ tranh, sáng tạo khoa học, các hội thi giao lưu như kể chuyện, tìm hiểu Lịch sử, tìm hiểu Văn học, kể chuyện dưới cờ, các hoạt động ngoại khóa theo chủ điểm… đã lấy đi của giáo viên chủ nhiệm biết bao thời gian và công sức.
Rồi chuyện thi đua của lớp (nó gắn với chuyện thi đua của giáo viên chủ nhiệm), việc xếp loại lớp chủ nhiệm hàng tuần, xếp loại cuối năm về cả hai mặt, học tập và hạnh kiểm…
Nếu may mắn chủ nhiệm được lớp không có học sinh cá biệt còn đỡ, vớ phải lớp có học sinh ngồi nhầm lớp (tỉ lệ này khá cao) thì coi như thầy cô chẳng có giờ nghỉ bao giờ (chủ yếu ở cấp tiểu học).
Bởi những lúc nghỉ ngơi, giáo viên lại “đánh vật” với những học trò không biết đọc với hy vọng giúp các em ít nhiều vì dù sao các em cũng không được ở lại lớp.
Chuyện dạy, chuyện giáo dục đã nặng nề như thế, chuyện về hồ sơ sổ sách cũng mệt mỏi hơn nhiều. Đó là kế hoạch kèm học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi.
Lập danh sách, sơ yếu lý lịch để nhận xét, theo dõi từng em. Làm sổ chủ nhiệm với các nguyên nhân, biện pháp hàng tuần.
Sổ theo dõi tiến độ học tập của cả lớp, của những học sinh cá biệt, học sinh khá giỏi… Cuối năm vào học bạ, vào phần mềm venedu, vào sổ liên lạc…
Nhưng tất cả những chuyện ấy lại chưa thấm gì với chuyện giáo viên chủ nhiệm phải kiêm luôn vai trò người vận động, xin xỏ quyên góp và người “đòi nợ”.
Cứ vào đầu năm học, trong buổi họp phụ huynh đầu năm, những thầy cô chủ nhiệm sẽ “trình làng” một bảng những khoản phải chi trong năm học để vận động phụ huynh quyên góp.
Nói là tình nguyện nhưng thầy cô phải trổ hết tài ra năn nỉ, ỉ ôi mong được sự ủng hộ 100% để mình hoàn thành nhiệm vụ. Sau khi có được sự đồng ý của cha mẹ các em là chuỗi ngày “đòi nợ” dai dẳng.
Khổ nỗi hết khoản tiền này lại phát sinh khoản tiền khác nên hầu như quanh năm thầy cô luôn dính đến chuyện tiền bạc.
Giáo viên chủ nhiệm như cái kho việc, làm không xong thì phê bình(GDVN) - Giáo viên chủ nhiệm y như “cái kho” công việc, cứ tống hết vào đó, mặc sao họ hoàn thành thì thôi, không hoàn thành thì bị phê bình. Nội dung |
Có thể kể ra tiền 2 loại bảo hiểm, tiền học phí, hội phí, tiền vệ sinh, văn phòng phẩm, tiền mua sách tham khảo, vở luyện viết, tiền ủng hộ ghế đá, cây xanh, tiền bán tăm, bút viết cho hội người mù, tiền phụ thu buổi 2, bán đồ đồng phục…
Ngày nào cũng vậy, thầy cô bước vào lớp điệp khúc đầu tiên là “đòi nợ” xong xuôi mới bắt đầu bài học. Cứ nghe một học sinh lớp 3 tả về cô giáo chúng ta sẽ hình dung ra công việc hàng ngày của thầy cô:
“Cô giáo bước vào lớp. Cô mặc chiếc áo dài hoa rất đẹp. Cô đặt chiếc cặp lên bàn và hỏi “Hôm nay lớp ta có ai đóng tiền không?”.
Vất vả, áp lực là thế nhưng cuối năm học sinh bỏ học, lưu ban thì mọi nỗ lực của giáo viên chủ nhiệm trong năm sẽ đổ sông đổ biển.
Ưu đãi chưa tương xứng
Giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp bậc tiểu học một tuần được trừ 3 tiết dạy, bậc trung học là 4 tiết.
Với số tiết miễn giảm này là quá ít, không tương xứng với thời gian và công sức của họ bỏ ra. Đó là chưa kể sự bất hợp lý giữa các cấp học.
Với học sinh tiểu học, các em còn quá nhỏ nên mọi việc đều phải có giáo viên chủ nhiệm sát sao. Nhưng với 3 tiết giảm trừ như thế, thầy cô giáo chủ nhiệm thiệt thòi rất nhiều.
Công việc nhiều, áp lực cao nên giáo viên nào cũng sợ phải làm chủ nhiệm. Họ tìm đủ mọi lý do để thoái thác. Khi miễn cưỡng phải làm cũng chẳng thể hết mình.
Có không ít giáo viên chủ nhiệm đến giờ vào lớp, hết giờ bước ra, mọi công việc đều giao về lớp và cán bộ lớp phải thay giáo viên xử lý.
Giáo viên chủ nhiệm luôn được ví như linh hồn của lớp. Học trò ngoan, học chăm chỉ phần lớn đều nhờ thầy cô giáo chủ nhiệm có tâm.
Bởi thế hy vọng ngành Giáo dục cần thay đổi số tiết được miễn trừ cũng như cần có một chế độ ưu đãi tương xứng giúp cho thầy cô hào hứng mỗi khi giáo viên được phân công chủ nhiệm lớp mà không trốn tránh như hiện nay.