Tại sao nhiều thầy cô giáo sợ làm chủ nhiệm?

02/09/2018 07:00
Thảo Ly
(GDVN) - Trong khi giáo viên dự khuyết, giáo viên bộ môn đến giờ vào lớp, hết giờ bước ra. Còn các thầy cô chủ nhiệm phải làm việc bằng hai mà chế độ đãi ngộ quá thấp.

LTS: Trước nỗi vất vả, nhọc nhằm và đôi khi là cả những bất công mà các thầy cô giáo làm công tác chủ nhiệm lớp đang phải thực hiện, cô giáo Thảo Ly thẳng thắn đưa ra quan điểm thông qua bài viết.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Nếu làm cuộc thăm dò tất cả giáo viên ở 3 cấp học về việc đồng ý hay không đồng ý đảm nhận vai trò giáo viên chủ nhiệm lớp, tôi dám chắc không ít thầy cô sẽ chẳng ngần ngại gì mà không đánh vào ô “không đồng ý”.

Nếu ở tiểu học, giáo viên không chủ nhiệm lớp hay được gọi là giáo viên dự khuyết, ở cấp trung học gọi là giáo viên bộ môn.

Giáo viên chủ nhiệm đương nhiên sẽ được học sinh và phụ huynh coi trọng hơn.

Thế nhưng vì sao nhiều giáo viên lại không muốn điều đó? Vì sao họ lại muốn chỉ làm giáo viên dự khuyết, giáo viên bộ môn?

Giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp (Ảnh minh hoạ: Báo Giáo dục và Thời đại).
Giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp (Ảnh minh hoạ: Báo Giáo dục và Thời đại).

Quyền lợi ít, nhiều áp lực đè nặng

Quyền lợi duy nhất họ nhận được của ngành là giáo viên chủ nhiệm bậc tiểu học được giảm 3 tiết/tuần, bậc trung học phổ thông giảm 4 tiết/tuần.

Thế nhưng áp lực giảng dạy và giáo dục học sinh lại quá lớn. Hàng chục nỗi lo cứ bao quanh và đè nặng.

Ở bậc tiểu học, giáo viên dạy ít nhất 20 tiết/tuần lớp mình làm chủ nhiệm. Vì thế, họ phải chịu trách nhiệm đầu tiên về chất lượng giáo dục của học sinh.

Trong khi không ít trường vì việc duy trì chuẩn, vì việc giữ chuẩn đã lùa học sinh lên lớp.

Giáo viên chủ nhiệm phải kèm cặp những học sinh (ngồi học lớp 5 nhưng kiến thức chỉ lớp 2, lớp 3).

Nỗi vất vả, đeo đẳng hàng năm trời, cho dù rất cố gắng, thầy cô cũng khó cải thiện nổi lực học của các em vì những học sinh này đã mất căn bản từ lâu.

Ngoài chỉ tiêu lên lớp thẳng còn chỉ tiêu học sinh tiên tiến, học sinh giỏi… vẫn là một thách thức.

Tại sao nhiều thầy cô giáo sợ làm chủ nhiệm? ảnh 2Giáo viên chủ nhiệm như cái kho việc, làm không xong thì phê bình

Nỗi lo về việc duy trì sĩ số

Ngộ nhỡ học trò trong lớp có em nào bỏ học thì xem như thầy cô chủ nhiệm lãnh đủ.

Có trường giao chỉ tiêu số học sinh cả năm phải đạt 100%. Trò nghỉ, phụ huynh đồng tình thì thầy cô giáo ấy gặp xui rồi.

Hết gọi điện thoại lại đến nhà năn nỉ, vận động. Hết đi một mình lại đi cùng địa phương…

Học trò lớn thầy cô chủ nhiệm cứ nơm nớp các em đánh nhau hoặc vi phạm nội quy trường lớp để bị hạ hạnh kiểm.

Có trường khống chế mỗi lớp không quá 1% học sinh xếp loại hạnh kiểm trung bình (mà 1 học sinh trong lớp đã chiếm 3% rồi).

Ngoài việc học, việc duy trì sĩ số căng thẳng, giáo viên chủ nhiệm còn phải cùng lớp tham gia tất cả các phong trào của trường, của nhiều cấp liên quan.

Có những phong trào mất thời gian, công sức dẫn đến lơ là chuyện học hành như các hội thi giao lưu cấp này cấp nọ. Đặc biệt là những hội thi phải “đem quân đi đánh xứ người”.

Hay những phong trào thi học sinh giỏi, các hội thi trạng nguyên, thi violympic… một số phong trào trong đó còn phải dùng đến cả kế của “ma phi a”…

Nhưng tất cả những điều đó chưa mệt bằng việc buộc giáo viên phải đảm bảo kêu gọi phụ huynh ủng hộ tiền nhiều, thu đủ các khoản theo quy định…

Nhiều giáo viên chủ nhiệm việc đầu tiên lên lớp không phải dạy mà là nhắc nhở, đòi nợ và thu tiền.

Tại sao nhiều thầy cô giáo sợ làm chủ nhiệm? ảnh 3Thầy Đỗ Tấn Ngọc - tôi rất hạnh phúc khi được làm chủ nhiệm

Cần khuyến khích hơn là chế tài   

Có Ban giám hiệu thấu hiểu và đồng cảm luôn động viên khuyến khích thì giáo viên chủ nhiệm bớt đi áp lực.

Nhưng số này khá ít, đa phần nhiều Ban giám hiệu nhà trường vì thành tích  của bản thân đã “ép giáo viên như ép dầu ép mỡ’ (cách nói của nhiều thầy cô).

Họ đưa ra một bảng điểm khống chế chỉ đọc thôi cũng chóng hết mặt mày. Ví như 1 học sinh bỏ học trừ thi đua giáo viên chủ nhiệm một bậc. Có học sinh đạt hạnh kiểm trung bình, học sinh ở lại lớp trừ 5 điểm, học sinh đánh nhau trừ 3 điểm, thất thu trừ 7 điểm…

Có giáo viên chủ nhiệm cả năm xếp loại giảng dạy Tốt nhưng bị quá nhiều điểm trừ nên xếp loại công chức chỉ đạt mức trung bình.

Trong khi giáo viên dự khuyết, giáo viên bộ môn đến giờ vào lớp, hết giờ dạy bước ra. Họ không vướng bận nhiều những điều thầy cô chủ nhiệm đang làm. Và như thế cuối năm chuyện xếp loại thi đua không bị khống chế.

Trong khi các thầy cô chủ nhiệm phải làm việc bằng hai mà chế độ đãi ngộ còn quá thấp. Đã thế liên tục bị đe dọa trong việc xếp loại. Thử hỏi như thế còn ai muốn làm giáo viên chủ nhiệm nữa không?

Thảo Ly