Thầy Nguyễn Cao nêu rõ 4 nguyên nhân gây ngộ nhận học thêm là nhu cầu cần thiết

07/08/2016 08:05
Nguyễn Cao
(GDVN) - Giải quyết hết các vấn đề này, chắc chắn sẽ không còn học thêm, dù nó đã hình thành và tồn tại 20 năm nay.

LTS: Một số giải pháp đã được thầy giáo Nguyễn Cao đưa ra nhằm hạn chế “vấn nạn” dạy thêm, học thêm đang tràn lan như hiện nay.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Chuyện học thêm đã xuất hiện ở nước ta khoảng gần 20 năm qua nhưng đến nay vẫn là một đề tài tranh luận sôi nổi trên báo chí.

Người thì lên án, người thì ủng hộ nhưng cuối cùng chuyện học thêm vẫn tồn tại và nhu cầu của người học vẫn nhiều, nhất là ở các thành phố lớn.

Thầy Nguyễn Cao nêu rõ 4 nguyên nhân gây ngộ nhận học thêm là nhu cầu cần thiết ảnh 1

Cấm dạy thêm ở trường, giáo viên cũng không được phép dạy thêm tại nhà

Nhiều trung tâm gia sư được cấp phép, nhiều giáo viên và cả các em sinh viên vẫn coi việc dạy thêm, đi gia sư là một việc làm chân chính và là một nguồn thu nhập để nuôi sống bản thân và gia đình mình.

Vì sao chuyện học thêm vẫn có đất sống và tồn tại được? Đó là nhu cầu của các gia đình và của các em học sinh.

Có cung thì ắt có cầu, trong nền kinh tế thị trường thì bất cứ ngành nghề nào trong xã hội nếu có cơ hội thì họ đều làm thêm, vì sao lại cứ nặng nề với việc học dạy thêm của giáo viên, xem dạy thêm là lỗi của giáo viên.

Nhiều người sẽ lấy lí do có nhiều em không học thêm vẫn đỗ Đại học, thậm chí nhiều em còn có điểm cao và đỗ Thủ khoa nhưng thử hỏi có mấy em được như vậy.

Hiện nay, cả nước ta có tới khoảng 22 triệu học sinh, phần lớn những em học khá, giỏi vẫn phải học thêm dù ở trường, nhà thầy cô, trung tâm gia sư hay thuê gia sư kèm học tại nhà.

Vậy có cấm học thêm được hay không?

Đâu là nguyên nhân khiến năm học nào cũng nói cấm mà tình trạng dạy thêm, học thêm không giảm?

Vì sao không cấm được tình trạng dạy thêm, học thêm? (Ảnh: anninhthudo.vn).
Vì sao không cấm được tình trạng dạy thêm, học thêm? (Ảnh: anninhthudo.vn).

Thứ nhất là xã hội chúng ta luôn coi trọng thành tích, coi trọng bằng cấp và tư tưởng không muốn thua kém người khác.

Trong nhà trường thì cấp trên giao chỉ tiêu chất lượng, tổ chức rất nhiều cuộc thi: thi học sinh giỏi ở cuối cấp; thi toán trên mạng; thi văn hay, chữ tốt; thi tiếng Anh qua mạng; thi hùng biện…

Mỗi cuộc thi kết thúc lại nhìn vào những trường có thành tích cao để ca ngợi, trường có thành tích thấp để nhắc nhở, phản bác, đánh giá.

Trong tuyển dụng, bổ nhiệm thì coi trọng bằng cấp, học vị.

Đối với các dòng họ, gia đình thì luôn có tư tưởng “con gà tức nhau tiếng gáy” không muốn con cháu mình thua kém người khác nên luôn đốc thúc, kèm cặp và đầu tư con em mình phải hơn người khác hoặc chí ít cũng phải bằng.

Chính từ những tư tưởng này đã dẫn đến nguyên nhân tình trạng học thêm tràn lan hiện nay.

Thứ haisách giáo khoa hiện hành ở tất cả các cấp học của chúng ta quá nặng lí thuyết và mang tính hàn lâm.

Thầy Nguyễn Cao nêu rõ 4 nguyên nhân gây ngộ nhận học thêm là nhu cầu cần thiết ảnh 3

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hồ Chí Minh đăng đàn, trả lời dạy thêm

Với thời gian trên lớp thì lượng kiến thức nhiều, thầy cô cũng chỉ cố gắng giảng dạy hết những đơn vị kiến thức cơ bản và giải một vài bài tập đại khái rồi lo hoàn thành các thủ tục hành chính mà thôi.

Nhất là mỗi khi thao giảng, dự giờ thì người này góp ý, người kia chê bai, muốn mở rộng kiến thức cho học trò thì bị góp ý là kiến thức cao quá, học sinh trung bình, yếu kém không tiếp thu được, giáo viên chưa chú trọng đến học sinh yếu kém.

Và, có rất nhiều những thủ tục nhiêu khê khác mà giáo viên rất khó tự ý truyền đạt những kiến thức ngoài sách giáo khoa cho học trò.

Thứ ba là vì cấp trên giao chỉ tiêu đầu năm, cuối năm; khi thi thì đảo lộn lớp và xếp theo số báo danh nên giáo viên nào cũng sợ lớp mình có điểm số thấp hơn lớp khác đành phải tìm cách để dạy thêm cho học sinh mình nếu không lại bị phê bình lên, xuống, cắt thi đua, đánh giá mức hoàn thành nhiệm vụ thấp.

Mà trong một tập thể, người ta cũng rất ngại mình bị đánh giá thấp.

Hơn nữa, như trên đã nói với rất nhiều cuộc thi mà ngành Giáo dục đang tổ chức thì việc dạy thêm để học sinh đạt giải và khẳng định “thương hiệu” của mỗi giáo viên là vấn đề ai cũng phải hướng tới.

Thứ tư là nhu cầu của phụ huynh cho con em học thêm là có thật.

Mỗi gia đình chỉ có 1-2 con, điều kiện kinh tế gia đình được nâng lên thì ai cũng hướng tới một tương lai tốt đẹp cho con em mình, ai cũng muốn đầu tư cho dù là tốn kém, cho dù là cha mẹ có vất vả hơn nhưng mục đích của cha mẹ nào không phải là con cái thành đạt và trưởng thành sau này.

Hơn nữa, một bộ phận cán bộ công chức Nhà nước đi làm cả ngày không có người trông nom con cái thì việc chi mỗi tháng vài trăm ngàn gửi thầy cô kèm cặp dù sao vẫn tốt hơn để con mình ở nhà một mình để chơi các trò chơi vô bổ khác.

Thứ năm là nếu thầy cô không tổ chức dạy thêm cho các em ở trường hay ở nhà thì một bộ phận phụ huynh vẫn cho con em mình đến các trung tâm gia sư để học thêm.

Thầy Nguyễn Cao nêu rõ 4 nguyên nhân gây ngộ nhận học thêm là nhu cầu cần thiết ảnh 4

Giáo viên mượn danh nghĩa nhà trường và trung tâm để dạy thêm

Hiện nay, ở các thị xã, thành phố đều có các trung tâm gia sư và được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động.

Khi đã mở trung tâm thì các chủ  trung tâm này tìm cách quảng cáo và lôi kéo học sinh đến với trung tâm của mình mới tồn tại được.

Muốn chấm dứt được tình trạng dạy thêm, học thêm không có cách cách nào khả quan hơn là cần giảm tải chương trình sách giáo khoa, giảm các kì thi học sinh giỏi, quản lí tốt các hoạt động vui chơi giải trí và tổ chức nhiều các hoạt động giáo dục trong nhà trường.

Ngoài ra cần loại bỏ bệnh thành tích và cả sự háo danh của các cấp lãnh đạo, quản lí nhà trường, của giáo viên và các bậc cha mẹ học sinh.

Nếu làm được như vậy thì mới trả lại được tuổi thơ, sự hồn nhiên cho học trò.

Nguyễn Cao