Thầy Trần Trí Dũng bàn về phẩm chất và năng lực học sinh trong chương trình mới

30/04/2017 07:00
Trần Trí Dũng
(GDVN) - Nhìn tổng thể vào chi tiết những phẩm chất và năng lực cần đạt được của học sinh đặt ra trong dự thảo vẫn còn những điểm cần làm rõ và trao đổi thêm.

LTS: Sau khi Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được công bố để lấy ý kiến dư luận, thầy giáo Trần Trí Dũng đưa ra một số góp ý về việc xây dựng phẩm chất, năng lực cho học sinh.

Tòa soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả.

Ngày 12/4/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới để lấy ý kiến dư luận và nhân dân trước khi chính thức ban hành vào tháng 9 tới. 

Đây được xem là một bước chính thức nhằm cụ thể hóa chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục được đề ra từ kỳ Đại hội Đảng lần thứ XI năm 2011 và Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 năm 2013.  
   
Nhìn vào nội dung dự thảo, có thể thấy một điểm mới mang tính căn cốt, nổi bật đó là việc xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được đặt ra với mục tiêu nhằm phát huy phẩm chất, năng lực của học sinh. 

Theo đó, dự thảo đã xây dựng 6 phẩm chính bao gồm: yêu đất nước, yêu con người, chăm học, chăm làm, trung thực, trách nhiệm. 

Cùng với đó là 8 năng lực cốt lõi và chuyên môn chủ yếu, bao gồm: năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo, năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mỹ, năng lực thể chất. 

Bên cạnh việc hình thành, phát triển các năng lực cốt lõi, chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng còn góp phần phát hiện, bồi dưỡng năng lực đặc biệt (năng khiếu) của học sinh.

Thầy Trần Trí Dũng nêu ý kiến về việc xây dựng phẩm chất, năng lực cho học sinh. (Ảnh minh họa: Tuoitre.vn)
Thầy Trần Trí Dũng nêu ý kiến về việc xây dựng phẩm chất, năng lực cho học sinh. (Ảnh minh họa: Tuoitre.vn)

Theo dự thảo, các yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi là căn cứ để xây dựng chương trình môn học; biên soạn sách giáo khoa và tài liệu hướng dẫn tổ chức dạy học; đánh giá kết quả giáo dục học sinh và chất lượng giáo dục phổ thông. 

Tuy nhiên, nhìn tổng thể vào chi tiết những phẩm chất và năng lực cần đạt được của học sinh đặt ra trong dự thảo vẫn còn những điểm cần làm rõ và trao đổi thêm.
    
Thứ nhất, xin được nói về phẩm chất yêu đất nước. Theo đó, dự thảo nói về những biểu hiện của phẩm chất đất nước của học sinh Tiểu học là yêu quê hương, đối với học sinh Trung học phổ thông là yêu đất nước một cách chung chung mà không nói rõ yêu cầu cần đạt như là thế nào.

Bởi lẽ tình yêu đối với quê hương, đất nước là một tình yêu lớn, con người không dễ thể hiện nó như một tình yêu đơn thuần.

Để có tình yêu này, con người cần phải phải có những cảm xúc và dung cảm thật sự trước những hiểu biết và thông tin có được về quê hương, đất nước.

Trên thực tế, phạm trù về quê hương, đất nước bao hàm nhiều những vấn đề lớn. Do đó, khi nhìn một cách thực tế, đối với những người lớn đã trưởng thành, tình yêu này cũng rất khó thể hiện.

Vì thế, chúng ta cần có ở học sinh tình yêu đối với đối với quê hương, đất nước là đúng nhưng chỉ nên cần chú trọng vào việc giáo dục để cho học sinh có được tình yêu đó.        

Thứ hai, về phẩm chất chăm làm. Theo đó, dự thảo đặt ra một trong những yêu cầu đối với học sinh Tiểu học là thường xuyên tham gia các công việc của trường lớp, cộng đồng vừa sức với bản thân.

Thầy Trần Trí Dũng bàn về phẩm chất và năng lực học sinh trong chương trình mới ảnh 2

Chuyên gia góp ý về thứ tự môn học trong chương trình mới

Đối với học sinh Trung học cơ sở là luôn cố gắng đạt kết quả tốt trong lao động ở trường lớp, cộng đồng.

Đối với học sinh Trung học phổ thông là tích cực tham gia và vận động mọi người tham gia các công việc phục vụ cộng đồng. 

Như thế, nếu nói gọn lại thì có thể hiểu là học sinh của chúng ta phải chăm tham gia lao động với các công việc của cộng đồng. 

Tuy nhiên, nhìn một cách thực tế, các công việc của cộng đồng hiện nay rất hiếm khi được tổ chức, mà khi có thì cũng do các đội ngũ lao động chuyên thực hiện, thí dụ: vệ sinh môi trường, trồng cây... 

Mặt khác, khi tổ chức các hoạt động lao động cộng đồng thì cũng hiếm khi nào phải huy động cả học sinh Tiểu học đang ở lứa tuổi nhỏ để tham gia. 

Hơn nữa, chủ trương của dự thảo đặt kế hoạch cho thời lượng giáo dục đối với học sinh Tiểu học là học 2 buổi/ngày và khuyến khích bậc Trung học cơ sở, Trung học phổ thông tổ chức cho học sinh học 2 buổi/ngày. 

Như thế, thời gian của học sinh chủ yếu là dành cho học tập ở trường, nên việc học sinh có thể tham gia lao động tại cộng đồng là ít. Bởi lẽ, nhiệm vụ chính của các em ở độ tuổi này vẫn là học. 

Do đó, dự thảo có lẽ chỉ nên khuyến khích các em tham gia khi có điều kiện thì hợp lý hơn.    
   
Cùng với đó, theo tôi, chúng ta đặt ra yêu cầu đối với học sinh cần phải có phẩm chất chăm học, chăm làm là đúng nhưng nên chăng chỉ nên quy định hai phẩm chất này thành một phẩm chất duy nhất là chuyên cần thì sẽ hay hơn và hợp lý hơn, vì khi đó phẩm chất chuyên cần đã bao hàm được cả hai phẩm chất chăm học và chăm làm.  

Thầy Trần Trí Dũng bàn về phẩm chất và năng lực học sinh trong chương trình mới ảnh 3

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng hỏi bao giờ “mỗi ngày đến trường là một ngày vui?”

Thứ ba, dự thảo đặt ra yêu cầu về phẩm chất trung thực đối với học sinh nhưng lại chưa đặt ra việc giáo dục cho học sinh phải sống thật. 

Sống thật ở đây bao hàm nhiều nghĩa. Có thể kể ra đây một vài yếu tố của sống thật như phải sống thật với bản thân mình và với mọi người, phải làm việc thật để nuôi bản thân mình, phải sống thật với điều kiện và hoàn cảnh của mình... . 
    
Khi con người sống thật sẽ có ý nghĩa rất quan trọng, đó là điều quyết định chất lượng cuộc sống và tình trạng xã hội được phản ánh đúng. 

Khi đó, các giá trị của cuộc sống được khai thác, con người hiểu nhau hơn và luôn có niềm tin vào cuộc sống. Từ đó, các biện pháp và chính sách của Đảng và Nhà nước cũng dễ thực hiện hơn. 

Cũng chính vì thế, cùng với sự thiếu đi giáo dục cho học sinh sống thật trong dự thảo là sự thiếu định hướng cụ thể cho học sinh sau giai đoạn Trung học cơ sở nên đã có ý kiến băn khoăn rằng liệu sau khi học xong chương trình giáo dục phổ thông thì học sinh có thể tự lập kiếm sống được không?
   
Một điểm cần lưu ý nữa là cùng với lối sống thật thì cần giáo dục cho học sinh sống tâm lý. Bởi lẽ tâm lý là yếu tố quan trọng giúp con người có thể thông cảm, chia sẻ cho với nhau trong cuộc sống. 

Nhờ có tâm lý mà con người sống hòa nhập với nhau hơn, thắt chặt tình đoàn kết, yêu thương, đùm bọc và cùng giúp đỡ nhau trong những lúc gian khó. 

Mặt khác, sống thiếu tâm lý là một trong những điểm yếu của con người trong nhịp sống hiện đại, do sự tác động của kinh tế thị trường. 

Do đó, cùng với sống thật, sống tâm lý sẽ làm cho học sinh luôn có được một cuộc sống bền vững, học sinh sẽ luôn cảm thấy tự tin trong cuộc sống. 

Vì thế, cần thiết bổ sung thêm những nội dung này trong các nội dung giáo dục tổng thể cho học sinh.       
   
Thứ tư, dự thảo đã đặt ra những yêu cầu về phẩm chất quan trọng đối với học sinh như trung thực, trách nhiệm... nhưng lại chưa thấy nói tới việc học sinh cần có đức tính khiêm tốn. 

Bởi lẽ những giá trị của cuộc sống và con người chỉ đạt được khi có sự tôn trọng, mà khiêm tốn chính là một những sự thể hiện để đạt được những giá trị đó. 

Khiêm tốn đi cùng với sự khiêm nhường là biết thể hiện mình đúng lúc và không tự tôn bản thân sẽ giúp cho con người tránh được những hệ lụy và rủi ro trong cuộc sống, con người nhờ đó không gặp thất bại. 

Khiêm tốn do đó là đức tính rất cần có ở con người, đặc biệt đối với học sinh đang trong giai đoạn học hỏi. Nhờ có khiêm tốn mà hoc sinh sẽ luôn có ý thức vươn lên và hoàn thiện mình trong cuộc sống.     
   
Thứ năm, trong tiêu chí xây dựng phẩm chất yêu con người, một trong những yêu cầu mà dự thảo đặt ra đối với học sinh Trung học cơ sở là tôn trọng văn hoá của các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam và các dân tộc khác.

Và đối với học sinh Trung học phổ thông là có ý thức học hỏi các nền văn hoá trên thế giới. 

Tuy nhiên, trong các nội dung giáo dục thì lại không có môn bọc nào có nội dung được giảng dạy về văn hoá của các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, của các dân tộc khác và các nền văn hoá trên thế giới. 

Bởi lẽ chúng ta dạy học sinh phải biết tôn trọng văn hóa thì chúng ta phải cho học sinh hiểu biết về những sắc thái và các nền văn hóa đó. 

Trên thực tế, các sắc thái văn hóa là sự thể hiện đặc trưng của các dân tộc, các quốc gia và đất nước, để cho ta có sự phân biệt được các dân tộc khác nhau.

Vì thế, đây cũng chính là sự khuyết thiếu trong nội dung giáo dục được giới thiệu trong dự thảo.

Trên đây là một số trao đổi và đóng góp ý kiến cho dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, rất mong Ban soạn thảo lắng nghe và có được thêm những ý kiến bình luận từ các độc giả.

Trần Trí Dũng