Bộ giáo dục không được độc quyền biên soạn sách giáo khoa ở nước Pháp

21/04/2017 08:49
Phạm Anh Tuấn
(GDVN) - Bộ Giáo dục không có chức năng ĐỘC QUYỀN biên soạn sách giáo khoa, đây là điều được tuân thủ như một nguyên tắc ở Pháp, cũng như các nền giáo dục phát triển.

LTS: Trăn trở trước thực trạng giáo dục nước nhà và cách làm chương trình sách giáo khoa vừa làm đã hỏng, phải làm lại, dịch giả - nhà giáo Phạm Anh Tuấn gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam một số bài viết của ông phân tích tư duy và cách làm sách giáo khoa, cách quản lý giáo dục vĩ mô ở các nước tiên tiến.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết đầu tiên này của ông và trân trọng cảm ơn tác giả. Văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm của dịch giả Phạm Anh Tuấn.

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố bản dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (sau đây gọi tắt là bản Dự thảo) chúng tôi thấy không có nhiều ý kiến góp ý. 

Tôi hoàn toàn không ngạc nhiên. Điều này, theo tôi là có ba lý do. 

Thứ nhất, việc gọi là “công bố” được thực hiện rất hình thức (thông qua một cuộc họp báo), không có bất cứ một tài liệu nào tóm tắt TƯ TƯỞNG dẫn đạo sự nghiên cứu, chuẩn bị và soạn thảo bản Dự thảo này.

Đó là còn chưa kể gần như xã hội hoàn toàn không có bất cứ Ý NIỆM nào về cái quan trọng nhất của mọi cuộc đổi mới giáo dục: hình hài bộ sách giáo khoa sẽ được dùng cho chương trình này. 

Dịch giả, nhà giáo Phạm Anh Tuấn, ảnh do tác giả cung cấp.
Dịch giả, nhà giáo Phạm Anh Tuấn, ảnh do tác giả cung cấp.

Thứ hai, công luận đã quá mệt mỏi vì các cuộc góp ý nối tiếp nhau triền miên, qua các siêu dự án nối tiếp nhau: 

Chương trình sách giáo khoa hiện hành (Chương trình 2000) tiêu 32 ngàn tỉ [1], năm 2009 mới xong cuốn sách cuối cùng [2], thì năm 2011, tức chỉ 2 năm sau Bộ Giáo dục và Đào tạo lại đòi làm một “Chương trình” mới.

Lần thay Chương trình này có số tiền làm cả xã hội, trong đó có Quốc hội, đột nhiên hoảng loạn – 70 ngàn tỉ đồng (đó chính là chương trình Bộ đang “xin ý kiến” xã hội sau khi "xin ý kiến" lần 1 vào ngày 5/8/2015 và đã thay người phụ trách, bây giờ gọi là Tổng chủ biên).

Sau đó Bộ tự nguyện rút xuống thành 34 ngàn tỉ, mà vẫn không thôi gây sốc, và Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khi đó đã tự chống chế là do “anh em ra cuộc họp bị khớp” nên mới có con số 34 ngàn tỉ! [3]

Rồi siêu dự án Trường học mới (VNEN), và bây giờ là một siêu dự án mới toanh: 77 triệu đô la Mỹ. Lại bị khống chế góp ý trong một thời gian quá ngắn: NỬA THÁNG, chính xác là 17 ngày, từ 12/4 đến 29/4!

Phải chăng là do lần trước "xin ý kiến" từ 5/8/2105 đến 30/8/2015 không xuôi, bị xã hội phản đối và Quốc hội từ chối và sau đó người ta đã phải thay Thường trực ban chỉ đạo đề án bằng Tổng chủ biên, lần này Bộ quyết phải phê duyệt gấp gáp sau 17 ngày "xin ý kiến" lần 2?

Lý do thứ ba, lý do quan trọng hơn cả, đó là muốn góp ý được thì phải có đầy đủ thông tin và lý luận, thậm chí muốn góp ý đúng và trúng vấn đề đòi hỏi người góp ý lý luận cao hơn người làm ra bản Dự thảo. 

Muốn góp ý đích đáng đâu có dễ dàng gì! 

Cho nên quả thật dù khổ tâm nhưng cũng buộc phải nói ra, hầu hết các ý kiến cho tới lúc này đều có tính lặt vặt, thậm chí “hão huyền”, “vô bổ”. 

Chẳng hạn, một vị hiệu trưởng một trường có tiếng là “tiến bộ” ở Hà Nội đã có ý kiến rằng Chương trình phổ thông mới dạy nhiều tiết thế này thì lấy đâu thời gian dành cho tiết chào cờ và sinh hoạt lớp!

Trong bài này chúng tôi sẽ thử xới lên để thảo luận về hai khái niệm xưa nay vẫn được cho là cốt yếu, đó là thế nào là SÁCH GIÁO KHOA.

Bộ giáo dục không được độc quyền biên soạn sách giáo khoa ở nước Pháp ảnh 2

Vay 77 triệu đô la Mỹ cho đổi mới giáo dục Phổ thông và Quyền được thông tin

Bài tiếp theo sẽ thử gợi ý về CÁCH HIỂU ĐÚNG thế nào CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG - căn cứ để viết sách giáo khoa theo cách nói của Bộ.

Nói dân dã dễ hiểu là CHƯƠNG TRÌNH KHUNG (cadre, frame) hay “chương trình cốt lõi” (core curriculum – theo cách dùng của Giáo dục Hoa Kỳ) hay “nền tảng chung về tri thức, năng lực và văn hóa” (un socle commun de connaissances, de compétences et de culture - theo cách dùng của Giáo dục Pháp). 

Và bài tiếp theo nữa sẽ bàn về cơ sở triết học và tâm lý học chứng minh sự chắc chắn thất bại của cung cách làm giáo dục theo kiểu LIỆT KÊ HÀNG NGANG VÀ CỤ THỂ CÁC PHẨM CHẤT VÀ NĂNG LỰC ÁP ĐẶT CHO NGƯỜI HỌC.

Hãy bắt đầu từ vấn đề sách giáo khoa. 

Theo người viết, tư tưởng bao trùm công việc làm sách giáo khoa ở MỌI THỜI KỲ của nền giáo dục ở các nước tiên tiến trên thế giới được dựa trên ba nguyên tắc bất di bất dịch:

(i) Truyền thống tự do học thuật (ra đời từ thời Trung đại); (ii) đề cao tự do sư phạm (khởi đầu từ bản Tuyên ngôn phổ quát về nhân quyền năm 1948); và (iii) sự phân cấp rõ ràng và minh bạch trong nền giáo dục.

Ba nguyên tắc này được thể hiện RÕ RÀNG trong sơ đồ tổ chức, tuyên bố tầm nhìn và phân công trách nhiệm cho Bộ Giáo dục tại các quốc gia này.

Và nó được PHẢN ÁNH RÕ RÀNG trong HIỆN THỰC của những nền giáo dục tiên tiến ấy, trong quy trình làm ra sách giáo khoa, xuất bản sách giáo khoa và cuối cùng là đến tay người sử dụng là người dạy và người học.

Hãy bắt đầu từ nền giáo dục của nước Pháp. 

Tôi chọn nền giáo dục Pháp vì đây là một nền giáo dục điển hình của châu Âu hiện nay (hay đúng hơn là của Liên minh châu Âu).

Và quan trọng hơn là ý tưởng về 6 phẩm chất và 10 năng lực của bản Dự thảo rất rõ là được lấy cảm hứng từ các năng lực được liệt kê bởi tổ chức “thuần” kinh tế là OECE (organisation européenne de coopération économique). 

Đây là một tổ chức ra đời năm 1948 trong khuôn khổ Kế hoạch Marshall nhuốm màu sắc bá quyền kinh tế.

Bởi trong phần tài liệu tham khảo của bản dự thảo cũng như khi trả lời thắc mắc của báo chí thì chính Tổng chủ biên Chương trình giáo dục mới đã hé lộ tên của tổ chức này. [4] [5]

OECE và Kế hoạch Marshall, hình minh họa: slideshare.net/ChrisCbsSan/guerra-fra-cold-war
OECE và Kế hoạch Marshall, hình minh họa: slideshare.net/ChrisCbsSan/guerra-fra-cold-war

Về câu chữ thì giáo dục Pháp cũng sử dụng cụm từ tương tự như của giáo dục Việt Nam. Song cách diễn giải hay cách hiểu của họ thì khác hẳn (vấn đề này sẽ được đề cập trong bài viết sau).

Cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục quốc dân, Giáo dục đại học và Nghiên cứu (Le ministère de l'Éducation nationale, de l'Enseignement supérieur et de la Recherche, sau đây gọi tắt là Bộ Giáo dục Pháp), như sau:

Xin được thưa trước là toàn bộ những gì cần biết về nền giáo dục Pháp đều có thể được tìm thấy cụ thể và được cập nhật trên trang nhà của Bộ Giáo dục, kể các tờ công báo ra hàng ngày và các đường dẫn tới những địa chỉ chính thức: www.education.gouv.fr.

Ngoài Bộ trưởng hiện nay là bà Najat Vallaud-Belkacem, viên chức cao cấp thứ hai duy nhất là một Thứ trưởng. 

Làm việc hằng ngày cùng Bộ trưởng là một Nội các gồm các chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau. Hiện tại Nội các có 15 chuyên gia, trong đó có một chuyên gia chuyên trách các vấn đề liên quan đến Nghị viện.

Ngoài Nội các (xin được bỏ qua các bộ phận có tính chất hành chính), còn có hai bộ phận giữ trọng trách về chuyên môn giáo dục.

Đó là bộ phận điều phối giữa Bộ và các đối tác chuyên gia bên ngoài Bộ (đối tác độc lập và đối tác được tài trợ của Bộ giáo dục); và bộ phận công bố các báo cáo chuyên gia gửi về Bộ Giáo dục. 

Đơn cử, tháng 3 năm 2017, Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục (Cniré) đã gửi cho Bộ Giáo dục một bản báo cáo nhan đề Đổi mới vì một Nhà trường công bằng hơn và hiệu quả hơn (Innover pour une École plus juste et plus efficace). 

Đây chính là mô hình lý tưởng và hiệu quả cho điều chúng ta vẫn quen hô hào là “huy động bộ óc chuyên gia của toàn xã hội”.

Và điều quan trọng hơn, đó là: Bộ Giáo dục Pháp có thể không chịu trách nhiệm trả lời cụ thể, song phải có trách nhiệm công bố các nghiên cứu, các đề án hoặc kiến nghị mà mình nhận được, một cách công khai, minh bạch.

Nhiệm vụ của Bộ Giáo dục Pháp là gì?

Bộ giáo dục không được độc quyền biên soạn sách giáo khoa ở nước Pháp ảnh 4

Giáo sư Phạm Vũ Luận, Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển và những siêu đề án ngàn tỉ

Thứ nhất là thay mặt đất nước chấp bút bản tuyên bố sứ mệnh giáo dục. Đây chính là cái “khung” số một, bao trùm lên tất cả, và nó hầu như bất di bất dịch.

Nó làm chức năng định hướng nền giáo dục Pháp, ngoài ra không có cái nào là Chương trình giáo dục phổ thông (gồm chương trình tổng thể, chương trình bộ môn) áp đặt trên toàn quốc như của ta. 

Thứ hai là đề xuất những sửa đổi bộ Luật Giáo dục để Thượng viện (Sénat) thông qua và Tổng thống ban hành. 

Xin được lưu ý là Bộ Giáo dục Pháp không có chức năng xây dựng dự thảo Luật Giáo dục (Code de l’éducation) mà chỉ làm các quy định (Loi) chịu sự điều chỉnh của bộ Luật Giáo dục. 

Việc sửa đổi Luật Giáo dục được làm theo cách như các tu chính án Hiến pháp (nhất là như ở các tu chính án của Hoa Kỳ). 

Tức là: sửa đổi không có nghĩa là “viết lại” mà mọi sửa đổi, thay thế đều phải ghi rõ sửa đổi, thay thế cho chỗ nào ở phiên bản Luật cũ ngay trước đó. 

Như thế, nhìn vào Luật sửa đổi là ta biết ngay đã có sửa đổi, thay thế cái gì, ở chỗ cụ thể nào.

Cách làm này ngăn chặn ngay từ đầu nhóm lợi ích nào đó có thể dùng “ảo thuật ngôn từ” để làm “biến mất” nội dung cũ, khoác cho nó một cái vỏ bọc nào đó để phục vụ ý đồ riêng.

Như vậy, Bộ Giáo dục không có chức năng ĐỘC QUYỀN biên soạn sách giáo khoa, đây là điều được tuân thủ như một nguyên tắc ở Pháp, cũng như các nền giáo dục phát triển. 

Điều này ngăn chặn ngay từ đầu não trạng thâm căn cố đế cho rằng chỉ có người của Bộ mới có đủ tư cách biên soạn sách giáo khoa. 

Bộ Giáo dục Pháp kiểm soát việc biên soạn sách giáo khoa hay là Bộ ngăn chặn độc quyền làm sách giáo khoa bằng cách nào? 

Bằng bản tuyên bố sứ mệnh tầm nhìn, bằng các “khung” và bằng các “cahier de charges”, hiểu nôm na là bản tham chiếu các nhiệm vụ (tương đương với bản Terms of References dùng cho việc đấu thầu dự án).

Và bằng các quy định của Luật Giáo dục, trong đó Luật Giáo dục Pháp không chấp nhận việc độc quyền làm sách giáo khoa!

Ai là người xuất bản sách giáo khoa? Các nhà xuất bản. Ở Pháp, có thể kể tên các nhà xuất bản có truyền thống lâu đời trong xuất bản sách giáo khoa: Bélin, Bordas, Didier, Hachette.

Bộ giáo dục không được độc quyền biên soạn sách giáo khoa ở nước Pháp ảnh 5

Không làm rõ, nắm chắc triết lý, mục tiêu giáo dục, đổi mới sẽ mất phương hướng

(Thật hài hước là rất nhiều sách giáo khoa của Hachette đã được du nhập vào Việt Nam từ rất, rất lâu rồi! và trớ trêu thay, chính người viết bài này đã đóng góp công sức không nhỏ cho việc đưa Hachette vào Việt Nam).

Ngoài ra còn Hatier, Le Livre Scolaire, Margnard, Sésamath và Nathan, trong đó Nathan cũng đã vào Việt Nam từ lâu. 

Hiện nay các nhà xuất bản này cạnh tranh nhau rất ghê, chủ yếu là cạnh tranh về giá cả, nhất là trong xu hướng giáo dục ngày càng bớt sử dụng sách dưới dạng in giấy.

Sách giáo khoa đến với các trường học bằng cách nào? Bằng cách các trường, thậm chí các thầy cô có quyền chọn sách giáo khoa. 

Đừng lo như vậy sẽ xảy ra tình trạng hỗn loạn, như những người của Bộ hiện nay vẫn lớn tiếng đe nẹt! Thực tế là bằng chứng hiển nhiên nhất. Không có sự hỗn loạn nào cả. 

Vì, thứ nhất, có sự tách rời minh bạch giữa chức năng quản lý Nhà nước của Bộ và công việc chuyên môn - vốn chỉ có giới chuyên gia làm được. 

Thứ hai, “chuyên gia” nào rởm, bất tài sẽ lộ rõ ở sản phẩm do mình làm ra và không có nhà xuất bản nào dám liều lĩnh in một sản phẩm rởm. 

Thứ ba, việc thi đua soạn sách giáo khoa, tự chứng minh thực lực của chính mình qua việc đáp ứng bản tham chiếu các nhiệm vụ (cahier de charges) của Bộ, qua sự phán xét của các nhà xuất bản và qua chính người dùng là các thầy cô giáo đứng lớp, học sinh và các bậc phụ huynh.

Tất nhiên còn phải kể đến Thanh tra của Bộ nữa, và tất cả những điều này chỉ có lợi cho nền giáo dục và ngăn chặn được lối làm giáo dục theo kiểu làm dự án và “nóng đâu xoa đấy” chủ yếu bị thao túng bởi các nhóm lợi ích.

(Còn tiếp) 

Tài liệu tham khảo:

[1]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Tuyen-sinh/Lam-sach-giao-khoa-Ai-la-nguoi-loi-nhat-post5150.gd

[2]http://www.bentre.edu.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=532:nhin-li-3-nm-i-mi-chng-trinh-a-sach-giao-khoa-trung-hc-ph-thong&catid=69:i-mi-phng-phap-dy-hc&Itemid=96

[3]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Giao-su-Pham-Vu-Luan-Tien-si-Nguyen-Vinh-Hien-va-nhung-sieu-de-an-ngan-ti-post173521.gd

[4]https://tapchigiaoduc.moet.edu.vn/Tin-tuc-su-kien/gs-nguyen-minh-thuyet-chuong-trinh-moi-dao-tao-lop-nguoi-moi-co-du-pham-chat-nang-luc-197.html

[5]http://www.moet.gov.vn/content/vanban/Lists/VBDT/Attachments/1330/CT%20t%E1%BB%95ng%20th%E1%BB%83_12.4.17_k%C3%A8m%20CV%201496.pdf

Phạm Anh Tuấn