Câu chuyện thi giáo viên dạy giỏi nên bỏ hay giữ vẫn chưa có hồi kết.
Tất cả vẫn đang chờ đợi vào quyết định chính thức từ Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thế nhưng tại thời điểm này, ở các địa phương đã, đang tổ chức rầm rộ hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp.
Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường đã kết thúc trước học kì 1 để giáo viên tiếp tục chinh chiến hội thi cấp huyện, cấp tỉnh.
Có nên tồn tại những hội thi dạy giỏi nữa hay không? (Ảnh minh họa VOV) |
Và sau 4 năm (vòng quay của cấp tỉnh), năm nay tại địa phương tôi, Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh đã quay trở lại.
Vậy là, giáo viên huyện tôi có người cùng lúc phải trải qua 2-3 hội thi . Thầy cô lại tiếp tục quay cuồng từ 6-9 vòng thi (mỗi hội thi 3 vòng).
Hội thi này vừa dứt, hội thi khác bắt đầu. Lại vẫn là 3 vòng thi như cấp trường, cấp huyện nhưng thi cấp tỉnh gian nan hơn nhiều.
Ngày thi vòng năng lực, thi vòng giảng dạy, tất cả giáo viên ở các huyện xa trung tâm phải thuê xe đi từ khá sớm tập trung về tỉnh.
Ngoài người dự thi còn có thêm người đi hỗ trợ.
Mấy ngày vật vã nơi phố thị với tâm lý thi vô cùng áp lực và căng thẳng, với cảnh “cơm hàng cháo chợ” khiến ai nấy cũng mệt rã rời.
Người đi thi đã khổ, người ở trường cũng chẳng sung sướng gì.
Thi giáo viên giỏi chỉ để nâng lương, thăng hạng thì nên sớm dẹp đi |
Hàng chục thầy cô đi thi bỏ lớp không ai dạy. Thế là, giáo viên ở nhà cùng lúc phải dạy nhiều lớp, phải đóng nhiều vai nên cuối ngày cũng mệt không kém.
Nhà trường được vinh danh, báo cáo được “chói sáng”
Trong ngành ai cũng biết thi là “diễn”, ai cũng biết kết quả đạt được của những cá nhân đi thi giáo viên dạy giỏi hôm nay, là công sức rất lớn của cả một tập thể.
Đó là kết quả của sự chung tay, hợp tác, sự giúp đỡ không chỉ về công việc mà còn cả về trí tuệ.
Thế nhưng, trường học nào có số lượng giáo viên đậu nhiều, trường học ấy cũng được cấp trên vinh danh, khen ngợi chuyên môn tốt.
Trong các bản báo cáo đọc lên từng kì hoặc gửi lên cấp trên, tỉ lệ giáo viên dạy giỏi cấp này, cấp nọ cũng luôn được nêu lên ngay phần đầu tiên.
Và những cái được coi là thành tích ấy sẽ luôn được nhắc mãi tới 3-4 năm sau.
Lên chức, nâng lương và thăng hạng
Một số đồng nghiệp trở về sau những cuộc chinh chiến dạy giỏi (hội thi cuối cùng là cấp tỉnh) như đã trút được gánh nặng ngàn cân đeo bám mấy tháng trời.
“Thế là xong một việc lớn”, nghe thế ai cũng hiểu “việc lớn” đã xong và giờ là những tháng ngày tận hưởng “trái ngọt”, chờ đợi những bổng lộc sẽ tới.
Người sẽ lên chức sau hội thi (phó hiệu trưởng, cốt cán bộ môn, tổ trưởng chuyên môn).
Người được xét nâng lương trước thời hạn, người sẽ có thêm điều kiện để thăng hạng, người sẽ được công nhận danh hiệu dạy giỏi cả đời (giáo viên đạt 3 lần danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh sẽ được công nhận giáo viên dạy giỏi vĩnh viễn), người sẽ là chiến sĩ thi đua...
Những bổng lộc kia chính là động lực để nhiều thầy cô giáo sẵn sàng bước vào cuộc “chinh chiến” săn danh hiệu mệt mỏi và nhiều nhiêu khê.
Những học sinh giỏi luôn được các thầy cô chú ý trong hội thi giáo viên giỏi |
Trải qua những tháng ngày ‘chinh chiến” danh hiệu ấy, khoảng thời gian tiếp theo, không ít thầy cô tự cho phép mình nghỉ ngơi, thư giãn trên tinh thần khá thoải mái.
Giờ thì có danh khoác lên người chẳng lo bị ai dự giờ làm khó.
Đổi lại, còn luôn là giám khảo trong các tiết dự giờ của giáo viên.
Sự viên mãn này kéo dài ít nhất 4 năm (chờ hội thi lần khác) nhiều nhất là hết đời làm giáo viên (đối với người được bảo lưu vĩnh viễn).
Có thể nói, bổng lộc đem lại cho giáo viên có danh hiệu sau những Hội thi giáo viên dạy giỏi (từ cấp huyện thị trở lên) là khá lớn.
Còn học sinh sẽ được gì?
Các em chẳng được gì ngoài việc được học với khá nhiều thầy cô trong một thời gian ngắn.
Được ngồi chơi thoải mái nhiều tiết học vì chẳng có ai dạy thay.
Ít bị kiểm tra, khảo bài khi thầy cô đang bận nghĩ tới bài thi của mình.
Ít bị rầy la vì bao sức lực thầy cô giành để lo cho bài dạy…học sinh vui vì thầy cô thoải mái, dễ chịu hơn rất nhiều.
Vì thế, nề nếp học tập, sinh hoạt của học sinh trong lớp bị phá vỡ.
Thế nên, có giáo viên sau kì thi trở về đã nói, bỏ lớp cả thời gian dài, giờ về phải thiết lập lại từ đầu cũng mệt đây.
Ngay từ đầu, tổ chức những hội thi dạy giỏi, không nằm ngoài mục đích nâng cao chất lượng dạy của giáo viên. Từ đó, nâng cao chất lượng học tập của học sinh.
Thế nhưng, những gì chúng ta có được sau những hội thi là hoàn toàn ngược lại. Lợi ích thì giáo viên hưởng còn "lợi hại" thì chính học sinh phải gánh chịu.
Chỉ lý do này, những hội thi giáo viên dạy giỏi có nên tồn tại nữa hay không?