Thầy giáo Bùi Nam không ủng hộ thi tuyển Hiệu trưởng, Hiệu phó

02/02/2018 08:33
BÙI NAM
(GDVN) - Thầy Bùi Nam đề nghị người được bổ nhiệm lần đầu phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về bằng cấp, tiêu chuẩn chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống.

LTS: Bày tỏ quan điểm của mình về việc nên bổ nhiệm hay thi tuyển Hiệu trưởng, Hiệu phó, thầy giáo Bùi Nam ủng hộ phương án bổ nhiệm.

Tuy nhiên, thầy Bùi Nam cũng cho rằng cần có tiêu chuẩn rõ ràng, đảm bảo công khai, minh bạch.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Góp ý về việc nên bổ nhiệm hay thi tuyển hoàn toàn các chức danh Hiệu trưởng, Hiệu phó, là một giáo viên có thâm niên công tác, với hiểu biết của bản thân, tôi nhận thấy:

Thật sự việc thi tuyển chức danh lãnh đạo (có một số địa phương đã tổ chức như Đà Nẵng chẳng hạn) hay bổ nhiệm như hiện nay là Hiệu trưởng, Hiệu phó do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp Huyện (từ Mầm non đến Trung học cơ sở), Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp Tỉnh (Trung học phổ thông), phương án nào cũng có những ưu điểm và những hạn chế nhất định như nội dung bài báo trên đề cập.

Một kỳ thi tuyển Hiệu trưởng tại quận Hải Châu, Đà Nẵng. Ảnh: TT
Một kỳ thi tuyển Hiệu trưởng tại quận Hải Châu, Đà Nẵng. Ảnh: TT

Nhưng tôi thấy trong giai đoạn hiện nay nên vẫn để việc bổ nhiệm các chức danh trên vì các nguyên nhân sau:

Một số kỳ thi tuyển Hiệu trưởng, Hiệu phó lãng phí, vi phạm

Việc tổ chức kỳ thi cho một vị Hiệu trưởng hay Hiệu phó chúng ta cũng thành lập một hội đồng gồm hội đồng thi, chấm thi, hội đồng ra đề, hội đồng sát hạch, phỏng vấn,… tốn một nguồn kinh phí không nhỏ đa số từ ngân sách nhà nước.

Một số hội đồng thì làm việc qua loa, chiếu lệ hay do quen biết nên không làm hết trách nhiệm, một số thì tiêu cực như bán đề thi công, viên chức hay liên kết làm lộ đề dẫn đến kết quả không được khách quan, không nhận được sự đồng tình của nhiều người.

Các kỳ thi có kết quả hầu như “biết trước” ai sẽ là người sẽ đạt, nên khi thi xong chẳng có ai quan tâm.

Vì các kỳ thi chỉ mang tính hình thức, quyền quyết định cũng chỉ là chủ quan của lãnh đạo hội đồng.

Mọi người kể cả giáo viên hầu như không hề được tham dự, lắng nghe, nhiều trường hợp do “quen biết”, “gửi gắm” kiểu quan hệ - tiền tệ - hậu duệ - đồ đệ.

Một số Hiệu trưởng, Hiệu phó sau khi thi xong làm việc không hiệu quả

Thầy giáo Bùi Nam không ủng hộ thi tuyển Hiệu trưởng, Hiệu phó ảnh 2Nên bổ nhiệm Hiệu phó, Hiệu trưởng hay thi tuyển hoàn toàn chức danh này?

Phải thừa nhận, một số địa phương tổ chức các kỳ thi công khai, minh bạch, hội đồng tuyển Hiệu trưởng, Hiệu phó khách quan, công tâm thì cũng có thể tìm được vài vị Hiệu trưởng, Hiệu phó tốt, năng nổ, nhiệt tình và làm việc có hiệu quả.

Nhưng rất nhiều vị Hiệu trưởng, Hiệu phó khi thi thì điểm rất cao, có khi cao tuyệt đối nhưng khi về làm việc thì không hiệu quả, không được sự đồng thuận của giáo viên vì chúng ta biết các vị đó có thể “nói” rất hay, khi đứng trước hội đồng thi tuyển thì phát ngôn rành mạch, rõ ràng, mạch lạc, có định hướng cụ thể,… nhưng khi bắt tay vào làm thì không hiệu quả.

Chúng ta đều biết rằng những người đó thuộc tuýp “văn nói”, mà khoảng cách giữa nói và làm là rất cách xa nhau.

Có nhiều vị ít nói, diễn đạt chưa tốt lắm nhưng khi bắt tay vào làm Hiệu trưởng, Hiệu phó thì xông xáo nhiệt tình, nắm bắt tâm tư nguyện vọng và sự đồng thuận rất lớn của giáo viên, phụ huynh và được đánh giá rất cao từ các cấp lãnh đạo, từ đó hiệu quả công việc cao.

Nên bổ nhiệm Hiệu trưởng, Hiệu phó với tiêu chuẩn rõ ràng, công khai minh bạch

Khi mà các kỳ thi chưa phát huy được hiệu quả, còn quá nhiều vấn đề về hiệu quả, sai phạm và nhất là tốn nguồn ngân sách có thể gây lãng phí nên hiện nay, tôi đề nghị vẫn để việc bổ nhiệm như hiện nay nhưng phải làm sao cho tiêu chuẩn rõ ràng, công khai, minh bạch.

Để bổ nhiệm tôi đề nghị công khai tại cơ sở nào cần Hiệu trưởng, Hiệu phó với các tiêu chuẩn rõ ràng để giáo viên nào đảm bảo đủ các tiêu chuẩn trên có thể ứng cử chức danh trên.

Về tiêu chuẩn tôi đề nghị người được bổ nhiệm lần đầu phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về bằng cấp, tiêu chuẩn chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống.

Không ai hiểu và đánh giá năng lực người có thể giữ chức vụ Hiệu trưởng, Hiệu phó tốt bằng giáo viên tại cơ sở, nếu giáo viên tại cơ sở mà không đồng thuận thì dù vị Hiệu trưởng, Hiệu phó có tài giỏi như thế nào cũng khó mà làm tốt việc.

Thầy giáo Bùi Nam không ủng hộ thi tuyển Hiệu trưởng, Hiệu phó ảnh 3Chuyện "làm ăn" của các Hiệu trưởng ...lên quan nhờ thi tuyển

Do sự đồng thuận của giáo viên cực kỳ quan trọng, nên bước tiếp theo sau khi lựa chọn, sàng lọc còn lại tối đa 3 người đủ tiêu chuẩn phải tiến hành bỏ phiếu kín tại cơ sở;

Và phải công khai người đạt với số lượng phiếu cụ thể để làm các bước tiếp theo về quy trình bổ nhiệm (nếu người chưa đạt thì có thể không cần công khai), nếu có nhiều người cùng đạt thì có thể bỏ phiếu trong chi bộ, ban lãnh đạo nhà trường.

Tiếp theo trong thời gian 10 ngày kể từ lúc công bố thông tin về người đạt cả về tiêu chuẩn, năng lực và cả phiếu tín nhiệm của giáo viên để tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp của giáo viên hoặc nhân dân kể cả khiếu nại, tố cáo, nếu không gặp vấn đề gì thì có thể tiến hành bổ nhiệm.

Các vấn đề bổ nhiệm trên tôi nghĩ chỉ nên làm quy trình đó cho Hiệu trưởng là người giữ nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, quyết định sự thành bại của đơn vị.

Còn Hiệu phó chỉ là người giúp việc cho Hiệu trưởng nên tôi nghĩ khi đã tìm được vị Hiệu trưởng tốt, có tâm, có tầm xứng đáng làm Hiệu trưởng thì việc lựa chọn và bổ nhiệm Hiệu phó nên giao cho Hiệu trưởng có toàn quyền.

Tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” khi Hiệu trưởng, Hiệu phó bằng mặt mà không bằng lòng, hay Hiệu phó không chấp hành mệnh lệnh, phân công của Hiệu trưởng.

BÙI NAM