Triết lý giáo dục trong năm điều Bác Hồ dạy

17/02/2019 06:09
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Giáo dục “trồng” được những thế hệ học sinh thực hiện năm điều Bác dạy, chắc chắn đất nước sẽ có thế hệ cán bộ đưa nước ta sánh vai được với các cường quốc...

LTS: Bàn về triết lý giáo dục, thầy giáo Sơn Quang Huyến đưa ra những triết lý trong Năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Là học sinh, đã là học sinh, (của miền Bắc từ năm 1965, miền nam từ năm 1975 đến nay), mấy ai không thuộc Năm điều Bác Hồ dạy.

Những năm tháng chiến tranh, biết bao thanh niên, học sinh đã sẵn sàng vì nước quên thân, vì dân phục vụ; hi sinh xương máu của mình, dành tự do cho dân tộc.

Hàng triệu anh hùng liệt sĩ cống hiến máu xương mình cho mảnh đất hình chữ S, thắm sắc xuân hôm nay.

Những nghĩa trang liệt sĩ, đang hàng ngày khói hương nghi ngút, ghi nhớ công ơn họ, trong đó không ít người trưởng thành trong nền giáo dục Cách mạng.

Chúng ta đang loay hoay đi tìm triết lý giáo dục, cũng như một thời chúng ta tổ chức đi tìm Quốc ca!

Có cần đi tìm triết lý giáo dục không? Cần lắm chứ, cần tìm ra sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình giáo dục, để chúng ta có sản phẩm giáo dục tốt nhất, một con người tử tế.

Thực hiện được Năm điều Bác Hồ dạy, là một học sinh tuyệt vời trong mắt bạn bè, thầy cô, gia đình, xã hội.

Sản phẩm của giáo dục, đạt được các phẩm chất, năng lực mà Bác Hồ mong muốn trong Năm điều Bác Hồ dạy, đó là nền giáo dục tiên tiến, hoàn mĩ. Vậy, tại sao ta không bám vào những lời dạy của Bác để xây dựng nên một triết lý giáo dục cho chúng ta?

Bác Hồ với các cháu thiếu niên, nhi đồng (Ảnh: Tư liệu/ Bqllang.gov.vn)
Bác Hồ với các cháu thiếu niên, nhi đồng (Ảnh: Tư liệu/ Bqllang.gov.vn)

Yêu tổ quốc, yêu đồng bào

Yêu tổ quốc, sẵn sàng hi sinh để bảo vệ từng tấc đất cha ông để lại, đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ, non sông. Không bị ngoại bang mua chuộc, đặt lợi ích tổ quốc, dân tộc trên tất cả.

Chính nhờ yêu tổ quốc mà biết bao nhân sĩ trí thức, bỏ cuộc sống giàu sang ở nước ngoài, theo chân Bác về giải phóng đất nước; người dân đóng góp của cải trong “Tuần lễ vàng” không đắn đo.

Yêu đồng bào, là mình vì mọi người, tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, trong học tập, trong công tác. Cán bộ, công chức, yêu đồng bào sẽ làm hết việc chứ không phải hết giờ, không “hành là chính”.

Học tập tốt, lao động tốt

Học tập tốt, xác định đúng động cơ và thái độ học tập, chăm chỉ học. Không chỉ học trong sách, vở; học bất cứ đâu, bất cứ nguồn nào, khi nào.

Lao động tốt, trong đó có học tập tốt. Biết yêu lao động, biết quý trọng các thành quả và giá trị của lao động mà bản thân hoặc người khác mang lại; Từ đó yêu quý người lao động, đồng bào của mình.

Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt

Triết lý giáo dục trong năm điều Bác Hồ dạy ảnh 2Để có triết lý thì phải trả lời được bản chất của nền giáo dục Việt Nam là gì?

Tình đoàn kết dược thể hiện trong mối quan hệ giữa bạn bè, anh, chị, em trong gia đình, trong tập thể và xa hơn nữa là trong cộng đồng, trong cơ quan.

Tình bạn bè là phải biết quan tâm giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, cùng bạn cố gắng khắc phục khó khăn, cùng nhau tiến bộ trong học tập, công tác.

Kỷ luật tốt, đơn giản nhất là thể hiện ở việc chấp hành tốt nội quy, quy định của trường lớp, cũng như những quy định chung ở nơi cộng cộng. Rộng ra là thực hiện đúng hiến pháp và pháp luật.

Giữ gìn vệ sinh thật tốt

Giữ vệ sinh ở trường, ở nhà, nơi công cộng cũng như giữ gìn vệ sinh cá nhân của mỗi người; rộng ra, là bảo vệ môi trường.

Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm

Khiêm tốn, không tự kiêu tự đại, biết lễ phép với ông bà, thầy cô và cha mẹ. Biết tôn trọng người lớn tuổi, biết nói năng nhẹ nhàng, biết dạ, thưa khi được người lớn tuổi hỏi. Khiêm tốn, biết giữ lễ, nghĩa trước người khác; không tranh công, đoạt lợi dành riêng cho mình.

Thật thà, trung thực, không gian dối trong cuộc sống, trong học tập; không tham ô, tham nhũng, lấy của công làm của riêng.

Dũng cảm, một đức tính cao quý của con người, người dũng cảm là người biết nhìn nhận những khuyết điểm, thiếu sót của mình.

Người dũng cảm, thật thà, dám từ chức khi không đủ năng lực, dám từ chối cám dỗ vật chất, quyền lực.

Như vậy, năm điều Bác dạy với học sinh vẫn mang đầy đủ tính nhân văn, tính thời đại. Chỉ tiếc rằng, vì những “lệch lạc” trong thời gian đã qua, năm điều Bác dạy chỉ là câu khẩu hiệu trang trí trong lớp học.

Giáo dục “trồng” được những thế hệ học sinh thực hiện năm điều Bác dạy, chắc chắn đất nước sẽ có thế hệ cán bộ đưa nước ta sánh vai được với các cường quốc năm châu.

Sơn Quang Huyến