Để có triết lý thì phải trả lời được bản chất của nền giáo dục Việt Nam là gì?

10/12/2018 07:11
Thùy Linh
(GDVN) - Để xây dựng triết lý giáo dục Việt Nam hiện nay, trước hết chúng ta phải trả lời được câu hỏi: Bản chất của nền giáo dục Việt Nam là gì?

Câu hỏi triết lý giáo dục Việt Nam là gì không phải là vấn đề mới được đặt ra gần đây mà trước đó khá lâu nhiều nhà nghiên cứu và học giả Việt Nam đã trăn trở về vấn đề này. 

Thậm chí một số nhà nghiên cứu đã đi tìm triết lý giáo dục trong ca dao, tục ngữ Việt Nam nhằm để minh định cho dân tộc Việt một triết lý giáo dục mang tính hệ thống và có tính kế thừa làm nền tảng cho việc định hướng phát triển nền giáo dục Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa.

Điều đó cho thấy, vai trò của triết lý giáo dục quan trọng như thế nào đối với sự nghiệp phát triển nền giáo dục nước nhà. 

Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra vậy hiện nay Việt Nam đã có triết lý giáo dục chưa? Nhiều nhà nghiên cứu đều cho rằng Việt Nam đã có triết lý giáo dục. 

Họ cho rằng triết lý giáo dục Việt Nam từ xưa đã được thể hiện đơn giản qua các câu:  “Không thầy đố mày làm nên”; “ Học thầy không tày học bạn”; “Học đi đôi với hành”; hay “Tiên học lễ hậu học văn” hay "Vì lợi ích mười năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người”… 

Một số người còn cho rằng triết lý giáo dục Việt Nam được thể hiện qua Nghị quyết 29 của Trung ương.

Theo chuyên gia giáo dục Nguyễn Sóng Hiền, để xây dựng triết lý giáo dục Việt Nam hiện nay, trước hết chúng ta phải trả lời được câu hỏi: Bản chất của nền giáo dục Việt Nam là gì? (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Theo chuyên gia giáo dục Nguyễn Sóng Hiền, để xây dựng triết lý giáo dục Việt Nam hiện nay, trước hết chúng ta phải trả lời được câu hỏi: Bản chất của nền giáo dục Việt Nam là gì? (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Tuy nhiên, khi trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia giáo dục Nguyễn Sóng Hiền - nghiên cứu sinh chuyên ngành giáo dục, thành viên Hiệp hội các nhà giáo dục quốc tế NAFSA, Đại học Newcastle, Australia cho rằng, để trả lời cho câu hỏi Việt Nam đã có triết lý giáo dục Việt Nam hay chưa thì trước tiên cần tìm hiểu triết lý giáo dục là gì?

Cụ thể, nghiên cứu sinh Nguyễn Sóng Hiền chia sẻ, theo nhà nghiên cứu giáo dục Harvey Siegel (2009), triết lý giáo dục là một phần của triết lý nói chung giải quyết các vấn đề mang tính triết lý liên quan đến: Bản chất, mục đích và các vấn đề của nền giáo dục đó.  

Các vấn đề cơ bản nhất của triết lý giáo dục tập trung vào trả lời các câu hỏi: Mục đích và các lý tưởng dẫn dắt của nền giáo dục đó là gì? 

Tiêu chuẩn nào để đánh giá những nỗ lực giáo dục, các cơ sở giáo dục, quá trình thực thi nó và sản phẩm đầu ra của nền giáo dục đó? 

Trách nhiệm của nhà nước, của giáo viên, quyền của học sinh và của phụ huynh trong nền giáo dục đó là gì? 

Triết lý giáo dục của cố Bộ trưởng Vũ Đình Hòe là gì?

Các đặc điểm lý tưởng giáo dục dẫn dắt nền giáo dục đó như tư duy phản biện, óc sáng tạo, phẩm chất đạo đức… các vấn đề liên quan đến dạy, học và chương trình nội dung giảng dạy …cần phải được khái quát và định hình rõ trong hệ thống triết lý giáo dục đó. 

“Soi chiếu với các câu hỏi trên cho thấy cho đến nay Việt Nam thật sự chưa có một triết lý giáo dục rõ ràng, mang tính hệ thống để định hướng cho nền giáo dục nước nhà. Tất cả chỉ đang tồn tại dưới dạng những phát biểu, tuyên bố, hay đường lối chung chung”, chuyên gia giáo dục Nguyễn Sóng Hiền khẳng định. 

Do đó, theo vị này, để xây dựng triết lý giáo dục Việt Nam hiện nay, trước hết chúng ta phải trả lời được câu hỏi: Bản chất của nền giáo dục Việt Nam là gì? Đó là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa hay nền giáo dục Dân chủ, Nhân văn? 

Triết lý giáo dục Việt Nam phải đề cao pháp trị và sự tử tế

Đồng thời, chúng ta phải phân định rõ mục đích của nền giáo dục Việt Nam là gì?

Đào tạo ra con người xã hội chủ nghĩa vừa hồng vừa chuyên hay đào tạo ra những công dân toàn cầu với tri thức và kỹ năng đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế? 

“Nếu làm rõ và cùng đi đến thống nhất câu trả lời cho hai câu hỏi trên thì việc xây dựng một triết lý giáo dục làm nền tảng cho mọi hoạt động giáo dục Việt Nam hiện nay cũng như tương lai không còn phải bàn cãi”, chuyên gia giáo dục Nguyễn Sóng Hiền khẳng định. 

Thùy Linh