Trung tâm Giáo dục thường xuyên và dạy nghề huyện đảo Lý Sơn sắp bị khai tử

13/03/2018 06:25
ĐỖ TẤN NGỌC
(GDVN) - Sự tồn tại của Trung tâm – Giáo dục thường xuyên và Hướng nghiệp, dạy nghề huyện Lý Sơn đã gây ra tình trạng lãng phí về cơ sở vật chất lẫn ngân sách nhà nước

Trung tâm Giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp, dạy nghề huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) chính thức đi vào hoạt động từ tháng 9/2013.

Sau hai năm đầu tư, xây dựng, trung tâm này có  được một cơ ngơi, cơ sở vật chất tương đối khang trang gồm: 4 phòng dạy nghề, 6 phòng học, dãy nhà hiệu bộ, tường rào cổng ngõ, trên diện tích 5000 m2 với tổng kinh phí đầu tư 14,8 tỷ đồng.

Tiếp theo đó, trung tâm lại được Sở Lao động – Thương Binh và Xã hội Quảng Ngãi đầu tư thêm hơn 2 tỷ đồng để mua sắm thiết bị dạy nghề và xây dựng nhà công vụ cho thầy cô giáo.

Sở Giáo dục Quảng Ngãi làm với huyện Lý Sơn về công tác phát triển giáo dục năm 2014 (Ảnh: tác giả cung cấp).
Sở Giáo dục Quảng Ngãi làm với huyện Lý Sơn về công tác phát triển giáo dục năm 2014 (Ảnh: tác giả cung cấp).

Trung tâm có chức năng đào tạo các ngành nghề như: Điện dân dụng, chăn nuôi, chế biến thủy sản, trồng trọt, nghiệp vụ du lịch, lễ tân nhà hàng.

Tuy vậy, gần 5 năm qua, trung tâm chỉ đào tạo được chưa tới 300 học viên (chủ yếu là nghiệp vụ du lịch). Riêng năm 2016 thì không có học viên nào đăng ký học.

Ông Trần Ngọc Bích, Giám đốc trung tâm cho biết nguyên nhân chính dẫn đến việc trung tâm này bị “ế” học sinh, học sinh:

Nhu cầu học nghề của người dân đảo không nhiều, nhiều ngành nghề đào tạo lại chưa phù hợp với thực tế địa phương.

 Do không sử dụng, thực hành nên nhiều trang thiết bị, dụng cụ dạy nghề của trung tâm bị xuống cấp, hư hỏng, gây lãng phí lớn”.

Như vậy, sự tồn tại của Trung tâm – Giáo dục thường xuyên và Hướng nghiệp, dạy nghề huyện Lý Sơn đã gây ra tình trạng lãng phí không hề nhỏ về cơ sở vật chất lẫn ngân sách của địa phương, nhà nước cấp trong nhiều năm qua.

Do đó, huyện đã có đề án kiến nghị với cơ quan chức năng của tỉnh xin giải thể hoặc sáp nhập trung tâm vào Trường trung học phổ thông Lý Sơn và mong sớm có chủ trương “khai tử” của cấp trên để bớt lãng phí hàng chục tỉ đồng đã đầu tư.

ĐỖ TẤN NGỌC