Trường làng nay học thêm còn nhiều hơn thành phố

14/07/2018 08:43
Đỗ Quyên
(GDVN) - Bây giờ, học sinh trường làng học hành đôi khi còn áp lực, nặng nề hơn học sinh thành phố gấp nhiều lần.

LTS: Đằng sau những kết quả đáng ngưỡng mộ của các thủ khoa trường làng là bao nỗ lực vất vả, thậm chí các em còn phải học thêm ngày đêm nhiều hơn học sinh thành phố.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết của cô giáo Đỗ Quyên về chủ đề này.

Sau mỗi kỳ thi, chúng ta dễ dàng bắt gặp những tít bài “học sinh trường làng…” nào là đỗ thủ khoa, điểm cao nhất tỉnh, nhất nước, hay nhận học bỗng danh giá…

Ai cũng hiểu ngầm ý của bài viết muốn tôn vinh những học sinh trường làng điều kiện học tập thua kém học sinh thành phố nhưng lại đạt được thành tích cao.

Nếu chục năm về trước thì sự so sánh này là đúng.

Nhưng bây giờ, học sinh trường làng học hành đôi khi còn áp lực, nặng nề hơn học sinh thành phố gấp nhiều lần.

Học sinh dù thành phố hay nông thôn đều nỗ lực tập trung học tập để đạt kết quả cao trong thi cử. Ảnh mang tính minh hoạ: TTXVN
Học sinh dù thành phố hay nông thôn đều nỗ lực tập trung học tập để đạt kết quả cao trong thi cử. Ảnh mang tính minh hoạ: TTXVN

Nếu như những năm trước đây, học sinh trường làng hay còn được gọi là học sinh vùng quê chỉ biết học một buổi trên trường, buổi còn lại về nhà phụ ba mẹ những công việc nhà, việc đồng áng.

Thì nay, học sinh vùng thôn quê cũng đã đi học thêm suốt cả ngày đêm.

Cũng do các em luôn được cha mẹ “nhồi sọ” ngay từ nhỏ "muốn thoát khỏi cuộc sống vất vả cơ cực nơi làng quê, muốn nở mày nở mặt với thiên hạ chỉ còn mỗi con đường học tập".

Thế nên phần lớn các em đã lao vào học, học ngày rồi cả học đêm, học không biết mệt và cũng chẳng dám mệt.

Áp lực học hành từ gia đình, từ bản thân khá lớn nên nhiều em hầu như không còn chút thời gian nào giải trí, nghỉ ngơi.

Danh sách thí sinh có điểm thi quốc gia 2018 cao nhất cả nước 

Hết học thêm trong trường, lại “tầm sư học đạo” ở nhiều thầy cô có tên tuổi.

Học đến độ thèm một giấc ngủ ngon mà chẳng được, thèm được ăn một bữa cơm cùng gia đình cũng không thể có.

Vì khi các em đi học, gia đình đã vào bữa ăn. Khi các em về, gia đình đã vào giấc ngủ.

Nhiều học sinh bậc Trung học phổ thông ở địa phương tôi cho biết, có một số giáo viên dạy học ở thành phố Hồ Chí Minh về quê mở lớp dạy thêm.

Quãng đường từ vùng quê của tôi đi thành phố gần 200 cây số nhưng hàng tuần, những giáo viên này vẫn tranh thủ về làng chạy xô dạy thêm hết ca này đến ca khác.

Phải có thu nhập khủng từ việc dạy thêm những giáo viên ấy mới chấp nhận chạy xô như vậy.

Bởi, thường xuyên phải di chuyển cả một đoạn đường dài, đôi khi phải vội vã cho kịp giờ dạy đồng nghĩa với việc hiểm nguy vẫn luôn rình rập trên đường.

Trường làng nay học thêm còn nhiều hơn thành phố ảnh 2Nam sinh giành trọn điểm 10 môn Hóa học, đạt điểm cao nhất tỉnh Phú Thọ

Bên cạnh đó, hàng chục trung tâm dạy thêm, hàng chục cơ sở bồi dưỡng văn hóa của các giáo viên mở ra nhưng nơi nào cũng đông kín học trò theo học.

Cùng với việc học thêm ở trường, ở nhiều trung tâm, học sinh vùng thôn quê còn rủ nhau học chung trên một số trang mạng.

Từng nhóm vài em góp tiền để đăng ký học một số môn trọng điểm.

Có thể nói, việc học ở làng quê và thành phố hiện nay đã không còn khoảng cách nữa.

Nhiều người còn dám tự tin khẳng định “ở vùng quê, việc quản lý dạy thêm học thêm còn lỏng lẻo nên việc học sinh ở làng quê phải học thêm có khi còn nhiều hơn cả học sinh thành phố nữa”.

Đỗ Quyên