Mới đây, sự việc cô Đ.T.T.N (giáo viên lớp 1 của Trường tiểu học Bành Văn Trân, quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh) bị xử lý vi phạm dạy thêm, vì hành vi luyện thi chứng chỉ Cambridge cho 9 học sinh lớp 4,5, thu 500.000 đồng/tháng/học sinh.
Hành vi dạy thêm ở nhà của cô N. đã vi phạm vào điều cấm dạy thêm học thêm đối với học sinh tiểu học, được quy định trong thông tư 17 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bất nhất trong việc cung cấp thông tin
Trả lời phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam vào sáng ngày 23/9, được sự chấp thuận của ông Trần Khắc Huy – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Bình, ông Phan Văn Quang – Phó Trưởng phòng xác nhận, sự việc cô N. được nhà trường đưa ra hội đồng kỷ luật của trường.
“Người ta sẽ phải quyết định hình thức kỷ luật là cắt thi đua hay như thế nào đó…” – ông Phan Văn Quang nhấn mạnh (trích nguyên văn băng ghi âm lời nói ông Quang).
Sau khi xác minh thêm thông tin qua điện thoại với thầy Nguyễn Tấn Nghiệp – Hiệu trưởng Trường tiểu học Bành Văn Trân, ông Phan Văn Quang thông báo thêm với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam rằng, cô N. còn không được xét thi đua (hay còn gọi là cắt) trong năm học 2016 – 2017, do đã có vi phạm trong việc dạy thêm học thêm.
Từ ngày 24/9, ông Trần Khắc Huy – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Bình, cả thầy Nguyễn Tấn Nghiệp – Hiệu trưởng Trường Bành Văn Trân đã trả lời rất nhiều cơ quan báo chí rằng, cô N. bị kỷ luật khiển trách, đồng thời cắt thi đua năm học này.
Học sinh Trường tiểu học Bành Văn Trân, quận Tân Bình trong giờ học (ảnh minh họa: P.L) |
Thế nhưng, trong 2 ngày 27 và 28/9, chúng tôi ghi nhận có 3 cơ quan báo chí đăng tải phỏng vấn ông Huy về sự vụ này nhưng lại cho rằng: Cô N. không bị xử lý kỷ luật gì, chỉ bị phê bình, nhắc nhở và không xét thi đua năm hoc.
Cô giáo đầu tiên ở TP.Hồ Chí Minh bị kỷ luật vì vi phạm dạy thêm |
Theo lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Bình, do hiện nay Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có hướng dẫn cụ thể với trường hợp giáo viên vi phạm dạy thêm học thêm, nên giao cho trường tự xử lý, rút kinh nghiệm chung để nhắc nhở giáo viên khác.
Cả Trưởng phòng Giáo dục Tân Bình và Hiệu trưởng Trường Bành Văn Trân đều nói rằng, các báo đăng cô N. bị kỷ luật, hay bị khiển trách là không đúng.
Tới đây, xem ra ngay trong phát biểu của mình, lãnh đạo ngành giáo dục Tân Bình có sự không thống nhất, mâu thuẫn quan điểm nghiêm trọng.
Xét trên quy định hiện hành, cộng với chủ trương nghêm cấm giáo viên dạy thêm và có thể xem xét kỷ luật đến đuổi việc nếu giáo viên vi phạm của thành phố Hồ Chí Minh thì quận Tân Bình lại làm khác.
Trường hợp của cô giáo N., vi phạm đã rõ, cô cũng đã thừa nhận, giả dụ nhà trường, ngành giáo dục quận không tiến hành xử lý kỷ luật theo quy định có phải là coi thường pháp luật về dạy thêm, chống lại chủ trương của thành phố trước nạn dạy thêm trái phép tràn lan hay không?
Phải chăng quận này đang có ý bao che, hoặc tìm cách câu chữ cho giảm nhẹ đi vi phạm của giáo viên?
Có ý kiến cho rằng phát biểu của ông Trần Khắc Huy là thiếu hiểu biết pháp luật về quy định dạy thêm, học thêm của Bộ giáo dục ở Thông tư 17.
Phê bình, nhắc nhở có phải là bị kỷ luật không?
Về các thắc mắc nêu trên, một đại diện cho lãnh đạo Trường trung học cơ sở Lê Anh Xuân, quận 11, TP.Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng: Phê bình, nhắc nhở cũng có thể được coi là một hình thức kỷ luật nhẹ nhất, nhưng nó không nằm trong khung kỷ luật viên chức (khiển trách, cảnh cáo, buộc thôi việc).
Nếu giáo viên sau khi bị nhắc nhở, phê bình bằng văn bản của nhà trường một vài lần, mà vẫn còn vi phạm thì sẽ tiến tới hình thức kỷ luật viên chức theo nghị định 27/2012 của Chính phủ về hình thức kỷ luật viên chức (giáo viên hầu hết đều là viên chức).
Đối với việc cắt hay không xét thi đua trong năm học đối với giáo viên, là hình thức thi đua của giáo viên tại trường, có từng khung vi phạm ứng với từng mức điểm khác nhau, tùy theo mức độ vi phạm nhẹ hay nặng sẽ có hướng xử lý mức thi đua khác nhau.
“Thực ra nếu có dùng từ kỷ luật cũng không sai...” – vị Hiệu trưởng này giải thích tiếp.
Cũng theo vị đại diện này thì, việc xem xét các vi phạm của giáo viên, trường phải thành lập hội đồng kỷ luật để xem xét, làm rõ hành vi sai phạm của giáo viên, coi ở mức nào, quyết định hình thức xử lý kỷ luật giáo viên ở mức nào, chứ không thể gọi là hội đồng sư phạm được.
Đồng quan điểm này, cô Nguyễn Thị Kim Hương – Hiệu trưởng Trường tiểu học Lạc Long Quân, quận 11 cũng đã nói rằng, phê bình – nhắc nhở cũng có thể được gọi là bị kỷ luật mức nhẹ nhất, có thể là dựa vào nội qui, qui định hay điều lệ nhà trường mà tiến hành.
Còn nếu giáo viên vi phạm ở mức nặng hơn, thì nhà trường có thể áp dụng hình thức xử lý kỷ luật theo 3 mức áp dụng cho viên chức.
Sẽ đuổi việc nếu giáo viên vi phạm về dạy thêm(GDVN) - Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hồ Chí Minh vừa đưa ra hàng loạt các biện pháp xử lý rất nghiêm khắc, nếu phát hiện giáo viên và Hiệu trưởng vi phạm về dạy thêm. |
“Việc không xét thi đua cho giáo viên trong cả một năm học là nặng, là coi như không có mức thi đua nào để đánh giá cho giáo viên, coi như là giáo viên đó ở mức không hoàn thành nhiệm vụ. Hay nói cách khác là trường không biết phê gì, đánh giá như thế nào vào hồ sơ viên chức, gửi sang cho Phòng Nội Vụ” – cô Hương nhấn mạnh.
Theo cô Nguyễn Thị Kim Hương, việc khác nhau chỉ là do cách dùng từ, chứ bản chất và nội dung của câu chuyện hoàn toàn giống nhau.
Nhằm tìm hiểu và làm rõ thêm hình thức đã xử lý, áp dụng với cô N., phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã 2 lần liên lạc bằng điện thoại với ông Trần Khắc Huy – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Bình trong ngày 28/9 nhưng không thấy ông Huy nghe máy.
Còn thầy Nguyễn Tấn Nghiệp – Hiệu trưởng Trường Bành Văn Trân một lần nữa khẳng định rằng, cô N. bị phê bình – nhắc nhở trước hội đồng sư phạm. Ngoài ra, cô N. còn bị không xét thi đua trong cả năm học 2016 – 2017.