Đó là khẳng định của Chánh Văn phòng UBND TP.Hồ Chí Minh – ông Võ Văn Hoan vào trưa ngày 29/9, tại buổi họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2016 trên địa bàn của thành phố.
Theo ông Hoan cho biết, Thành ủy và UBND TP.Hồ Chí Minh từ năm học này ra chủ trương tăng cường quản lý việc dạy thêm học thêm trong nhà trường, khắc phục và hạn chế những mặt tiêu cực, phát huy những mặt tích cực của việc dạy thêm học thêm.
Chánh Văn phòng UBND TP.Hồ Chí Minh – ông Võ Văn Hoan chia sẻ: Dạy thêm học thêm là một nhu cầu có thật của phụ huynh, học sinh để nhằm tăng cường kiến thức, nhất là đối với học sinh cuối cấp tham gia vào các kỳ thi quan trọng.
Dạy thêm học thêm còn nhằm bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho học sinh yếu, đào tạo và nâng cao trình độ cho học sinh giỏi để tham dự các kỳ thi lớn của thành phố, quốc gia và quốc tế, còn có thêm một nguyên nhân là do tâm lý chủ quan của phụ huynh muốn con em học, tránh bị các yếu tố bên ngoài tác động.
Dần dần, dạy thêm học thêm đã trở thành một loại hình dịch vụ trở nên phổ biến, rộng rãi hơn. Từ đó, mới nảy sinh ra việc dạy thêm học thêm tràn lan, phát sinh những tiêu cực.
UBND TP.Hồ Chí Minh họp báo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9, 9 tháng đầu năm 2016 (ảnh: P.L) |
Đại diện UBND TP.Hồ Chí Minh đã giải thích: Dạy thêm học thêm tràn lan có nghĩa là ai cũng có thể dạy thêm được, ai cũng có thể mở lớp dạy thêm được và ai cũng phải đi học thêm.
Dạy thêm học thêm tràn lan, phát sinh tiêu cực sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, sức khỏe của học sinh khi đến trường, nên chắc chắn phải thực hiện nhiều biện pháp chấn chỉnh.
Chính vì thế, Chính phủ cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều chỉ đạo, thông tư chấn chỉnh ngay việc dạy thêm học thêm theo kiểu như vậy.
Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên, TP.Hồ Chí Minh quyết tâm thực hiện nhiều biện pháp, làm nhanh, làm mạnh chấn chỉnh việc này.
Thế nhưng, sau vài tháng triển khai đã bộc lộ ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết khi thực hiện chủ trương này, chưa thể lường hết những bức xúc, tâm lý của xã hội, của phụ huynh, học sinh khi thực hiện chủ trương này.
Xã hội căng thẳng hơn khi nghe đến chủ trương này, đan xen giữa cả vấn đề được và chưa được, khi xử lý mạnh tay cái nào chưa được đã tạo ra những ức chế cho cộng đồng.
TP.Hồ Chí Minh hoàn toàn không cấm dạy thêm học thêm, mà chỉ cấm nếu tràn lan và tiêu cực (ảnh: P.L) |
“Đây sẽ là bài học kinh nghiệm cần phải rút ra cho TP.Hồ Chí Minh trong công tác quản lý, cần phải xem xét chủ trương này tác động và ảnh hưởng như thế nào đến xã hội, kể cả tâm lý cho cả nhà quản lý trường học” – ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.
Các mốc thời gian cụ thể để ngưng việc dạy thêm học thêm trong trường học |
Một lần nữa, đại diện cho lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh nhấn mạnh: TP.Hồ Chí Minh không cấm hoạt động dạy thêm học thêm, mà chỉ cấm hoạt động này diễn ra tràn lan, tiêu cực theo đúng tinh thần của thông tư 17 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
Tuy nhiên, việc triền khai này cũng cần phải có thời gian, lộ trình , kiên trì và kiên quyết chắc chắn rằng, không thể nào có thể chủ trương thực hiện việc cấm này chỉ vài tuần, vài tháng là cấm ngay được.
Giải pháp thực hiện, ông Võ Văn Hoan cho rằng, trước hết, cần thực hiện ngay việc chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước trong việc dạy thêm học thêm tại trường học, kiểm tra, xem xét, đánh giá toàn bộ các yếu tố được, chưa được.
Tương tự như vậy cũng phải chấn chỉnh công tác quản lý dạy thêm học thêm ngoài trường học, kiểm tra kỹ về trình độ của giáo viên đứng lớp cùng với toàn bộ các yếu tố khác có liên quan.
Xây dựng cơ chế, chính sách, chăm lo tốt cho đời sống của giáo viên, nhất là công tác nhà ở xã hội.
Tiếp tục đầu tư nhiều hơn nữa về mặt cơ sở vật chất cho trường học, tăng cường mạnh hơn nữa số trường học 2 buổi/ngày, tăng cường hoạt động giao lưu bên ngoài.
Giải pháp cuối cùng, cần phải đổi mới chương trình, sách giáo khoa cũng như các cải cách chế độ thi cử ở các cấp.