Tự chủ đại học- một chủ trương khả thi

17/03/2016 07:12
TS. Đặng Văn Định
(GDVN) - Chặng đường 30 năm đổi mới, các mô hình đại học mới như đại học quốc gia, đại học bán công, đại học dân lập, đại học tư thục đã ra đời.

LTS: Đến nay đại đa số những người quan tâm đến giáo dục đại học đều nhận thức tự chủ đại học là vấn đề quyết định sự phát triển của đại học. 

Những nỗ lực suốt hơn 1/4 thế kỷ qua của cơ quan nhà nước, của các trường đại học và nhân dân đã làm nên những điều kiện cần thiết bảo đảm triển khai các cơ chế tự chủ đại học trên diện rộng.

Bài viết dưới đây của TS. Đặng Văn Định, Trưởng Ban nghiên cứu và phân tích chính sách – Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam giúp độc giả có cái nhìn sâu hơn về tự chủ đại học.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Hành lang pháp lý được ban hành

Theo con số của Bộ Tài chính, nước ta có gần 30 nghìn đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các đại học công lập. Bộ Chính trị chủ trương “Đổi mới cơ chế hoạt động các đơn vị sự nghiệp công, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công”.

Chủ trương này được triển khai thông qua Nghị định cả Chính phủ quy định cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập (NĐ-16).

Bản chất của NĐ-16 là nhà nước giao tài sản công cho đơn vị sự nghiệp công lập tự quản Và đến năm 2020 đơn vị sự nghiệp công lập phải tự lo đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tếp, chi phí quản lý, chi phí khấu hao tài sản cố định. Đặc biệt NĐ-16 đã chỉ rõ:

Quyền tự chủ gồm 3 nhóm: (1) Cơ chế tự chủ thực hiện nhiệm vụ, trong đó có tự xác định kế hoạch theo chức năng nhiệm vụ, tự thực hiện kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường; (2) Cơ chế tổ chức và nhân sự, trong đó có tự chủ về tổ chức bộ máy, tự chủ về nhân sự; (3) Cơ chế tự chủ tài chính, trong đó có tự chủ nguồn kinh phí, sử dụng nguồn kinh phí và phân phối kết quả tài chính.
Tuyên bố rõ giá dịch vụ công gắn với thị trường. 

Tuyên bố các đơn vị dịch vụ công lập sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước phải thực hiện lộ trình tính giá: đến năm 2016 tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tếp; đến năm 2018 cộng thêm chi phí quản lý; đến năm 2020 cộng thêm chi phí khấu hao tài sản cố định.

Những khác biệt của giáo dục đại học được cụ thể hóa 

Cùng với việc thực hiện NĐ-16, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về tổ chức “thí điểm đổi mới cơ chế họat động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập 2014-2017” (NQ-77).

Đại học FPT là một trong những cơ sở giáo dục đại học thành công trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ảnh trên Website nhà trường.
Đại học FPT là một trong những cơ sở giáo dục đại học thành công trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ảnh trên Website nhà trường.

Điều 1 nghị quyết tuyên bố các cơ sở giáo dục đại học “được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện” kèm theo điều kiện về tự trang trải tài chính.

Những bài học rút ra từ các mô hình Đại học quốc gia, đại học bán công, đại học dân lập, đại học tư thục được cụ thể hóa trong NQ-77. 

Đáng lưu ý là cả những việc xưa nay “nhạy cảm” như mở ngành, xác dịnh chỉ tiêu, in và cấp phát văn bằng, liên kết đào tạo trong và ngoài nước, thương mại sản phẩm nghiên cứu, cung cấp dịch vụ công, học phí… đã được đưa vào nội dung tự chủ thực hiện nhiệm vụ của cơ sở giáo dục đại học.

Có những chuẩn bị ban đầu phục vụ sự giám sát xã hội

Chúng ta đều thống nhất tự chủ song hành với tự chịu trách nhiêm. Việc giám sát các cơ sở giáo dục đại học hoạt động tự chủ đòi hỏi có “công cụ”. Ví dụ bây giờ ngành giáo dục đại học đã cho áp dụng “học chế tín chỉ” rộng rãi.

Tự chủ đại học- một chủ trương khả thi ảnh 2

Tự chủ đại học - chặng đường ba mươi năm đổi mới

(GDVN) - Chặng đường 30 năm đổi mới, giáo dục đại học đã xuất hiện những mô hình mới gắn với các cơ chế tự chủ, gắn với loại hình sở hữu...

Học chế này làm thay đổi căn bản cách tổ chức đào tạo, thực hiện dân chủ trong nhà trường. Đồng bộ với việc này, Bộ giáo dục và Đào tạo đã có quy định chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học, quy định phải công khai các thông tin về hoạt động của nhà trường. 

Theo đó mỗi cơ sở giáo dục đại học phải công khai với xã hội về năng lực đào tạo và các điều kiện đảm bảo chất lượng của trường để người học, phụ huynh, nhà tuyển dụng biết và giám sát. Thêm vào đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã, thành lập các cơ sở kiểm định đánh giá chất lượng giáo dục để thực hiện đánh giá ngoài.

Nhà nước chủ động lo toan

Tư tưởng quản lý đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng “chuyển từ cơ chế cấp phát sang đặt hàng, từ hỗ trợ cho các đơn vị cung ứng sang hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng chính sách thụ hưởng” được quán triệt. 

Những nhiệm vụ trọng tâm của Nhà nước dành cho giáo dục đại học được được giao thông qua đề án, dự án hoặc được “đặt hàng”. Các dự án đại học xuất sắc Việt Pháp, Việt Đức và Việt Nhật là những ví dụ. 

Đối tượng diện chính sách được ưu tiên. Chính sách học phí, học bổng, chính sách tín dụng cho sinh viên được tăng cường. Nhà nước tiếp tục chăm lo GDĐH nhiều hơn nhưng bằng cách làm mới.

Áp dụng đòn bẩy kinh tế

Theo NĐ-16, việc tái đầu tư và thu nhập của người lao động và quyền lợi của người thụ hưởng dịch vụ được chú trọng. Bảng tóm lược phân phối khoản chênh lệch thu lớn hơn chi thường xuyên dưới đây chỉ ra điều đó:

Loại đơn vị SNCL

Qũy phát triển hoạt động SN (Q1)

Qũy bổ sung thu nhập (Q2)

Qũy khen thưởng, phúc lợi (Q3)

Đơn vị sự nghiệp công lập loại 1

Q1 >,= 25%

Q2 tăng không giới hạn

Q3 <, = 3 TL

Đơn vị sự nghiệp công lập loại 2

Q1 >,= 25%

Q2 <,=3 lần QTL

Q3 <, = 3 TL

Đơn vị sự nghiệp công lập loại 3

Q1 >,= 15%

Q2 <,= 2 lần QTL

Q3 <, = 2 TL

Đơn vị sự nghiệp công lập loại 4

Q1 >,= 5%

Q2 <,= 1 lần QTL

Nhỏ hơn 1 lần QTL

Loại 1: Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư;

Loại 2: Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; 

Loại 3: Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; 

Loại 4: Đơn vị sự nghiệp công lập  do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên; 

Q1 là quỹ Qũy phát triển hoạt động sự nghiệp; Q2 là qũy bổ sung thu nhập; Q3 là qũy khen thưởng, phúc lợi;

TL: Tiền lương, tiền công thực hiện trong năm của đơn vị;

QTL: Quỹ tiền lương ngạch bậc chức vụ và các phụ cấp lương do nhà nước quy định.

Kinh nghiệm thực tế 

Sự hiện diện của 88 trường đại học cao đẳng tư  thục khẳng định mỗi nhà trường đại học có thể “tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động chi thường xuyên và chi đầu tư” một điều kiện tiên quyết để thực hiện tự chủ toàn diện theo NQ-77.   

Mô hình đại học bán công chứng tỏ có thể giao tài sản nhà nước cho cán bộ nhà trường tự quản lý.

Tự chủ đại học- một chủ trương khả thi ảnh 3

Các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh theo nhóm phải chờ “lệnh” của Bộ GD&ĐT

(GDVN) - Cuối giờ chiều ngày 15/3, Bộ GD&ĐT chính thức ban hành Hướng dẫn chi tiết Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng 2016 dành cho các trường và thí sinh.

Mô hình đại học quốc gia chứng tỏ ở nhà trường đại học có thể tự quản lý toàn diện các hoạt động của mình theo quy định của pháp luật. 

Mặt khác, sau khi NQ-77 ra đời đã có hơn chục trường đại học tự nguyện làm thí điểm.

Tuy chưa có tổng kết cụ thể nhưng nhìn vào các đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì thấy: (1) mức học phí bình quân của năm đầu thực hiện đề án là 11,98 triệu đồng/năm; con số tương tự năm thứ hai là 14,2 triệu, năm thứ ba là 15,75 triệu.
 
Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định quy mô sinh viên bình quân của ba loại hình trường đại học từ 5 - 15 ngàn. Tin vào con số trên, bởi vì mới đây Bộ Gíao dục và Đào tạo công bố danh sách 18 trường vượt quy mô, trong đó có một số trường đang thuộc diện thí điểm thực hiện NQ-77. 

Ví dụ Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có quy mô sinh viên hệ chính quy là 21.737, con số tương tự của Học viện Nông nghiệp Việt Nam là 30.360, Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ chi Minh là 24.485, Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh là 22.274.

Lấy con số trên để tạm tính thì tổng thu nhập bình quân của một trường (đạt trần quy mô) vào năm học 2019-2020 đạt xấp xỉ 250 tỷ. Theo kinh nghiệm thực tế thì chi phục vụ đào tạo của Việt Nam thường là 70% trở lại. 

Như thế “chênh lệch thu lớn hơn chi thường xuyên” không nhỏ. Một lượng tiền như thế cộng với quyền tự chủ cao chắc nhà trường sẽ làm được nhiều việc để đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo và hội nhập quốc tế.

Một cầu nối cho tự chủ đại học đã được tạo dựng

Tại NĐ-16 Chính phủ quy định lộ trình đến năm 2020 các đơn vị sự nghiệp công lập trong đó có các đại học công lập sẽ phải tự lo đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định. 

Năng lực này là cầu nối vững chắc để nhà trường chuyển sang tự tìm nguồn lực để “chi đầu tư”. Điều này khác nào một cầu nối cho tự chủ đại học đã được tạo dựng để các trường đại học công lập chuyển sang nhận quyền tự chủ toàn diện.

Những thiếu hụt về pháp luật được nhận dạng

Đọc NQ-77, cái điều kiện tiên quyết để nhận quyền tự chủ toàn diện là trường đại học phải “bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động chi thường xuyên và chi đầu tư” khiến các trường đại học tư thục đặt câu hỏi. 

Tự chủ đại học- một chủ trương khả thi ảnh 4

Tự chủ đại học và nâng cao trình độ ngoại ngữ là hai vấn đề cấp thiết

(GDVN) - Hiệp hội các Trường ĐH, CĐ Việt Nam cùng các tổ chức giáo dục quốc tế có buổi làm việc với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam vào ngày 8/3 tại Văn phòng Chính phủ.


Bởi vì mỗi đại học tư thục sinh ra đều đã thỏa mãn điều kiện trên. Việc những người làm chính sách chưa đưa ra lời giải về vấn đề này là sự gián tiếp nhận ra sự thiếu hụt về pháp luật, bởi vì thực hiện tự chủ toàn diện đâu có phải chỉ có điều kiện về tài chính. 

Đây chỉ là một ví dụ, còn nhiều thiếu hụt về pháp luật. Có điều Nghị quyết Đại hội đảng lần thứ XII một lần nữa khẳng định đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, với tinh thần ấy, hoàn thiện thể chế chắc là việc được các nhà quản lý giáo dục đại học ưu tiên.

Quyền tự chủ đại học đang là sự mong đợi từ hai phía

Đến những ngày này, phía Nhà nước đã khẳng định chủ trương tăng quyền tự chủ chủ toàn diện cho các trường đại học.

Về phía xã hội, hầu hết các nhà quản lý đại học, đa số người lao động làm việc trong môi trường đại học đều trông chờ chủ trương trên. Một loại việc được Nhà nước và nhân dân mong, nó khác nào “Khoán 10” trong nông nghiệp ngày xưa.

Chặng đường 30 năm đổi mới, các mô hình đại học mới như đại học quốc gia, đại học bán công, đại học dân lập, đại học tư thục đã ra đời. 

Những mô hình này có sở hữu khác nhau và được quyền tự chủ ở những mức độ khác nhau. Một điều mà chúng ta đều nhìn thấy là vắng sự can thiệp trực tiếp của nhà nước thì nhà trường đại học vẫn có thể tự tìm đến với sứ mạng của mình.

Triển khai Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017 và Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập là cơ hội để mỗi cơ sở giáo dục đại học đến với quyền tự chủ toàn diện. 

Đây cũng là trách nhiệm của các nhà quản lý giáo dục - những công dân trí thức. Chắc rằng, mỗi người trên cương vị của mình sẽ có ứng xử đúng.

TS. Đặng Văn Định