LTS: Sau bài viết "Nên bỏ trường chuyên" của tác giả Hữu Sơn đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, tiếp tục bàn luận về mô hình trường chuyên, trường năng khiếu ở các tỉnh, nhà giáo Thanh An đã có bài viết chia sẻ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Đọc bài "Nên bỏ trường chuyên" của tác giả Hữu Sơn đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 26/12/2018, chúng tôi cơ bản tán thành với nhận định của tác giả.
Bởi, thực tế các trường chuyên của các địa phương không chỉ tạo áp lực cho thầy và trò mà đang gây nên rất nhiều lãng phí cho xã hội khi một số tỉnh nhỏ cũng có tới 2 trường chuyên.
Mỗi năm tuyển được vài chục học sinh mà điểm đầu vào lại thấp hơn các trường không chuyên ở các huyện khác thì trường chuyên có thật sự là đào tạo nhân tài cho địa phương và đất nước?
Cần đánh giá lại mô hình trường chuyên, trường năng khiếu ở các tỉnh (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại). |
Áp lực cho học sinh
Ngay từ khi các em học sinh đang học cấp trung học cơ sở đã bắt đầu được cha mẹ định hướng để thi vào trường chuyên của tỉnh.
Vì thế, áp lực học thêm cực kỳ lớn, các em không chỉ học ngày, học đêm mà thường phải chọn học thêm với các thầy cô ở trường chuyên để hy vọng sau này làm bài thi theo “gu” của các thầy cô trường chuyên.
Nên, khi bước vào lớp 9 thì mật độ học thêm ngày càng tăng thêm sự căng thẳng không chỉ về thời gian mà tiền học thêm cũng là một gánh nặng rất lớn cho phụ huynh.
Tốn kém vô cùng, càng thầy cô trường chuyên thì học phí càng cao bởi đó đã là “thương hiệu” của họ.
Nhưng, vì tỉ lệ chọi vào trường thường chuyên rất cao nên việc đậu vào trường học này bắt buộc học sinh phải học tập cật lực hơn nhiều so với thi vào các trường khác.
Khi vào trường chuyên rồi thì áp lực học tập trên lớp, học thêm càng áp lực hơn nữa. Bởi, trong trường chuyên thì áp lực về điểm số rất lớn nếu học sinh không đạt được kết quả tốt thì ắt phải chuyển từ lớp chuyên sang lớp đại trà.
Khi ở lớp đại trà mà vẫn không theo được thì nhà trường sẽ làm tư tưởng để học sinh chuyển sang các trường công lập không chuyên nhằm đảo bảo “uy tín” cho nhà trường.
Nhiều phụ huynh và học sinh thường có tâm lý bị hẫng khi cố lao vào trường chuyên bởi hy vọng lúc đầu bao nhiêu thì lại thất vọng, ngậm ngùi bấy nhiêu khi bắt buộc phải chuyển con sang trường không chuyên sau này. Từ đó, dẫn đến mặc cảm cho học sinh và chính với cả phụ huynh học sinh nữa.
Những lãng phí cho ngân sách
Đối với các trường trung học phổ thông không chuyên khác thì cơ sở vật chất không nhất thiết phải đầu tư đủ đầy, hiện đại.
Bởi, thực tế đó là khó khăn chung của các địa phương hiện nay. Nhưng, đối với hệ thống trường chuyên thì chắc chắn phải khang trang bởi được chú trọng đầu tư về mọi mặt.
Các phòng bộ môn phải đầy đủ, trang thiết bị dạy học phải tốt và hiện đại hơn các trường học khác cùng cấp học.
Vì thế, không chỉ tốn kém về ngân sách mà phụ huynh khi có con học tập ở các trường chuyên cũng tốn kém thêm rất nhiều trong các khoản vận động xã hội hóa.
Khác với các trường chuyên, giáo viên dạy cùng cấp học chỉ được hưởng phụ cấp lương là 35 % đứng lớp thì giáo viên các trường chuyên có chế độ ưu đãi đặc biệt hơn rất nhiều.
Giáo viên dạy ở đây được hưởng 70% phụ cấp, chế độ thưởng, phúc lợi khác cũng cao hơn. Học sinh học tốt cũng được cấp học bổng, được cấp thêm một số chế độ ưu đãi khác nữa.
Phải nói rằng mục đích ban đầu khi thành lập trường chuyên cách đây mấy chục năm về trước là đúng. Thế nhưng, mục đích này dần bị nhạt nhòa khi các địa phương đều được thành lập các trường chuyên.
Nhiều tỉnh hiện nay có số trường chuyên, trường năng khiếu trực thuộc địa phương hoặc trực thuộc các trường đại học nhiều như Hà Nội (7 trường), thành phố Hồ Chí Minh (6 trường).
Nhưng, nhiều tỉnh dân số không đông, mỗi năm, số học sinh lớp 9 chỉ khoảng vài chục nghìn học sinh thi tuyển vào lớp 10, vậy mà có tới 2 trường chuyên như An Giang, Bình Định, Bình Phước, Quảng Nam, Đồng Tháp…
Có những trường chuyên mà năm học 2018-2019 này lấy điểm đầu vào lớp 10 bình quân chỉ 5 điểm/môn là đã vào được thì chuyên để làm gì?
Chúng tôi vào Website của Trường trung học Phổ thông chuyên Thủ Khoa Nghĩa (An Giang) thấy điểm tuyển đầu vào lớp 10 chuyên cho năm học 2018-2019 này như sau:
Môn Tin học 25.50 điểm (tuyển 7 học sinh); Môn Văn 25 điểm (tuyển 17 học sinh); Môn Địa lý 25.25 điểm (tuyển 9 học sinh)...
Trong khi đó, môn chuyên nhân điểm hệ số 2, các môn còn lại (Toán, Văn, Anh) thi đề chung với lớp đại trà trong toàn tỉnh.
Rõ ràng, với số điểm này, đề thi này mà gọi là lớp chuyên thì thật chưa đúng với bản chất của trường chuyên. Tốn kém về cơ sở vật chất, lãng phí về nhân lực vô cùng!
Giáo viên trường chuyên có thực sự là giáo viên giỏi
Tất nhiên, đa số giáo viên ở các trường chuyên là những giáo viên ưu tú, họ làm việc cật lực hơn, trách nhiệm cũng nhiều hơn khi phải thích ứng với guồng quay thành tích, chỉ tiêu.
Nhưng, trong thực tế trường chuyên cũng có những giáo viên rất…bình thường. Thậm chí, họ phải nhờ các mối quan hệ để được tuyển vào các trường học này.
Chuyện tuyển dụng nhân sự của Trường trung học Phổ thông chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) suốt mấy tháng qua vẫn đang là đề tài tranh cãi cho nhiều người.
Nhưng, có lẽ đây cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, thực tế còn nhiều chuyện tương tự đã và đang xả ra nhưng họ làm kín đáo, không có đơn thư khiếu nại mà thôi.
Nếu cứ lần đầu mối lý lịch của một số giáo viên trong các trường chuyên, chắc chắn chúng ta sẽ thấy lý lịch của một số giáo viên có “nguồn gốc xuất thân” rất… hoành tráng.
Đa số độc giả không ủng hộ sự tồn tại trường chuyên, lớp chọn |
Có “nên bỏ trường chuyên”?
Theo chúng tôi, mô hình trường chuyên vẫn có những ưu điểm nhất định. Thực tế, nhiều trường chuyên là đã và đang khẳng định được vị trí, thương hiệu của mình.
Nhiều trường là địa chỉ đáng tin cậy cho việc đào tạo nhân tài cho đất nước ở các địa phương như Nam Định, Nghệ An, Hà Nội, Thanh Hóa…và một số trường chuyên trực thuộc các trường đại học uy tín.
Những trường chuyên như vậy thì nên giữ lại để phát triển. Những trường chuyên mà lèo tèo một số ít học sinh, thành lập hàng chục năm nhưng chưa mang lại thương hiệu cho địa phương thì nên chuyển đổi về mô hình trường không chuyên để đỡ lãng phí ngân sách cho nhà nước.
Học sinh cũng không còn mang ảo tưởng “học trường chuyên” mà kiến thức lại thua các trường không chuyên.