LTS: Càng ngày vấn đề dạy thêm học thêm càng tạo ra nhiều áp lực cho những đứa trẻ.
Cô giáo Thuận Phương chỉ ra những câu chuyện buồn liên quan thực trạng dạy thêm học thêm.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Chị V.T.H (37 tuổi, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) chia sẻ trên trang facebook cá nhân của mình đã vô tình đọc được nhật ký của con gái là L.N học lớp 9, ở Quảng Ngãi.
Chị nghẹn ngào: “Tôi không kìm được cảm xúc cũng như sự bình tĩnh khi đọc được những dòng nhật ký của con mình.
Con tôi tâm sự chỉ vì không đi học thêm mà bị đối xử khác với học sinh khác, bị hắt hủi.
Con rất áp lực và chỉ muốn 'đi theo' ông bà nội”.
Cháu viết là nhiều lúc muốn thoát khỏi cuộc sống này, và khi lên lớp thường vào nhà vệ sinh để khóc cho thỏa lòng.
Nhiều lúc cháu giơ tay phát biểu nhưng cô không bao giờ gọi, tại vì con chỉ là đứa... không đi học thêm tại nhà cô.
Ảnh minh hoạ về dạy thêm học thêm, nguồn: ndh.vn |
Theo lời chị H., N. là học sinh có học lực khá, nhất là môn ngoại ngữ.
Định hướng của gia đình chị H. là mong con phát triển kỹ năng sống, trải nghiệm những hoạt động thực tế chứ không muốn con phải căng thẳng với những giờ học thêm sau giờ học chính…
Đó là lý do chị H. không đăng ký cho con đi học thêm nhưng “Tôi không ngờ con gái mình lâu nay đang đối mặt với điều khủng khiếp về chuyện điểm số, ranh giới cư xử của giáo viên về dạy thêm học thêm đối với học sinh. May mắn là tôi phát hiện kịp”.
Chẳng biết rồi khi đọc được những dòng tâm sự nhói lòng trên của học sinh, của phụ huynh những giáo viên ở Quảng Ngãi nơi trường em học sẽ nghĩ gì?
Và những thầy cô giáo trên khắp mọi miền đang dạy thêm bằng những chiêu trò ép buộc, trù dập có cảm thấy động lòng?
Chuyện giáo viên trù dập học sinh vì tội không đi học thêm cũng không chỉ xảy ra ở Quảng Ngãi, không xảy ra với riêng con của chị H.
Đây có thể nói là tình trạng xảy ra khá phổ biến trong nhiều trường học hiện nay khi mà giáo viên chỉ “tối mắt vì tiền”.
Những tâm hồn trẻ bị tổn thương
Nghỉ hè mà, nhà trường kéo học sinh đến trường để làm gì nữa? |
Cô con gái học cấp 3 đã không ít lần về nhà với vẻ mặt đầy bức xúc “con ghét học cái ông thầy hói (biệt danh học trò dùng gọi thầy) ấy vô cùng.
Ngay từ đầu, nghe tin học với ông ấy, tụi con biết ngay mình sẽ khốn đốn thế nào”.
Chưa nghe hết câu chuyện, tôi đã kịp chỉnh ngay vì cách con gọi thầy dạy của mình như thế.
Tôi bảo “dù gì cũng là thầy dạy học của tụi con. Lễ phép, kính trọng thầy là đạo đức đầu tiên của người học sinh”.
Dù không gọi nữa nhưng con vẫn ấm ức “bạn con ai cũng gọi thế cả vì thầy mà chẳng đáng làm thầy”.
Chúng thi nhau kể những chiêu trò thầy dùng để ép học sinh phải đi học thêm như gọi lên bảng thình lình, mắng chửi không thương tiếc khi trả lời sai, khi không làm đúng bài, không ghi nhận kết quả học tập dù tiến bộ, thường xuyên chì chiết, hạ thấp danh dự nếu lỡ vi phạm lỗi… con nói cứ đến giờ thầy là áp lực, căng thẳng.
Có bạn cũng vì không chịu được những ánh nhìn khinh khi thiếu thiện cảm đã bỏ tiết, trốn học.
Có những cựu học sinh nói rằng “có lẽ suốt đời không bao giờ quên được khi bị thầy đòi tiền giữa lớp học thêm chỉ vì đóng chậm”.
Càng giàu càng tìm mọi cách dạy thêm
Nói đến dạy thêm phần lớn giáo viên đều cho rằng “vì nghèo, vì lương thấp nên phải cô dạy thêm để có ít đồng trang trải cuộc sống”.
Thế nhưng trong thực tế những giáo viên thuộc diện nghèo khó như thế lại dạy thêm khá đàng hoàng.
Nhiều thầy cô sẵn sàng dạy không công cho những học sinh yếu kém, học sinh mồ côi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Có giáo viên dạy thêm gần hai chục em suốt cả tháng trời nhưng thu nhập chỉ được khoảng 2 triệu đồng.
Bởi trong số đó, phân nửa thầy cô nói rằng “dạy từ thiện”.
Ngược lại những thầy cô gia đình khá giả, tiền dạy thêm một tháng phải tính gần nửa trăm triệu đồng lại vô cùng hà khắc với học sinh.
Họ thường tìm đủ mọi cách để buộc các em phải đi học thêm dù trò không có nhu cầu.
Có người nói rằng “họ luôn phải sống trong vòng luẩn quẩn. Dùng thủ thuật để có học trò. Khi có học trò lại muốn có nhiều hơn và tiếp tục dùng thủ thuật để níu giữ”.
Giữa những người thầy chân chính với những thầy cô chỉ biết làm tiền trên mồ hôi công sức của phụ huynh lại có cuộc sống quá khác xa nhau một trời một vực.
Cùng là giáo viên dạy Toán, Lý, Hóa cấp 3 nhưng thầy C, thầy Đ, cô T, cô D nhà lầu xe hơi, con cái du học nước ngoài.
Những mảnh đất đắc địa của thị xã đều nằm trong tay những thầy cô này cả.
Hàng năm cứ vào ngày hè, cả gia đình của những thầy cô ấy đều có những chuyến du lịch khắp mọi miền đất nước có năm lại đi nước ngoài tham quan hàng chục ngày.
Chi phí của chuyến đi được bật mí lên đến hàng trăm triệu đồng.
Dù giàu như thế, họ vẫn sẵn sàng dùng thủ đoạn để mỗi tháng ngửa tay cầm những đồng bạc lẻ mà không ít phụ huynh phải chắt bóp hàng ngày, phải nhịn ăn nhịn mặc gom góp cho đủ để con mua sự bình an (chưa hẳn là mua kiến thức).
Ngược lại thầy T., thầy M., cô H. lại sống khá chật vật trong căn nhà cấp 4, kinh tế đôi khi thiếu trước hụt sau.
Thầy T dạy Lý cho biết “Tôi không bao giờ dạy thêm, học sinh cần học thường đến nhà em lập nhóm ngồi tự học. Khi các em cần, tôi sẽ giảng bài giúp các em cho tiện”.
Cô H. cũng chỉ dạy phụ đạo học sinh mà không đặt nặng chuyện tiền bạc. Phụ huynh có điều kiện hỗ trợ vài trăm, người không có cũng chẳng sao.
Cô nói tiền dạy thêm chỉ phụ thêm tiền sữa cho con hàng tháng. Có người thấy thế lại chì chiết “những thầy cô ấy sống lập dị vì ở đời có ai chê tiền bao giờ đâu”.
Trong môi trường giáo dục hiện nay vẫn còn không ít thầy cô dạy thêm không trong sáng.
Đây chính là nguyên nhân để nạn dạy thêm khó chấm dứt dù đã có nhiều biện pháp được đưa ra.
Cách làm duy nhất chỉ là giáo viên trong trường học không được dạy thêm dưới bất cứ hình thức nào.