LTS: Dành lời khuyên cho các bạn tân sinh viên, Thạc sĩ Trần Nguyên Hào (Trường Đại học Hà Tĩnh) mong muốn các em có thể nhận thức được giá trị của việc sống tự lập.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Khi chính thức bước vào giảng đường đại học, ngoại trừ số ít các bạn ở các thành phố lớn có cơ hội vào học các trường gần nhà và vẫn tiếp tục sống như thời phổ thông là ăn cơm nhà, ngủ giường nhà đi học thì đại đa số các bạn còn lại bắt đầu chính thức bắt đầu cuộc sống xa nhà.
Nếu bạn phải ở ký túc xá hay ở phòng trọ trong suốt quãng đời sinh viên, bạn cần phải chuẩn bị cho mình tâm thế sẵn sàng sống tự lập ngay trước khi nhập học và quyết tâm thực hiện các mục tiêu tự lập để thu nhận được nhiều giá trị cho sự trưởng thành và thành công trong tương lai.
Học đại học không chỉ là thay đổi môi trường học tập mà là thay đổi môi trường sống, ở đó bạn phải sống xa bố mẹ, người thân và thiếu thốn tình cảm.
Tự lập là bạn sẽ phải đối mặt với nỗi sợ… một mình. Ảnh minh họa: https://dongduong.edu.vn |
Cảm giác đầu tiên trong những ngày đầu của quãng đời sinh viên sẽ là thèm những bữa ăn do mẹ nấu sau bao buổi trưa tan học, thèm sự ấm áp trong các buổi tối có đủ cả ba mẹ và anh chị em.
Bạn sẽ thấy nghẹn trong họng khi hồi tưởng lại điều đó nếu bạn đang ăn bát cơm trong căng-tin hay ở quán cơm bụi bên đường mà những hạt cơm cứng ngắc hoặc nở bung như ngô mà sần sật như khoai sượng được đắp lên trên bởi chút đậu phụng, một vài lát thịt và rau được chan sẵn nước mắm.
Bạn sẽ thấy giấc ngủ quý giá đến nhường nào khi trong những đêm đầu tiên của cuộc đời sinh viên, bạn nằm trên giường tầng ký túc xá mà gần sáng vẫn không tài nào chợp mắt được vì đèn vẫn được ai đó bật lên, điện thoại ai đó vẫn vang lên các âm thanh của game và máy tính của ai đó vẫn đang phát ra các bản nhạc sôi động.
Tâm thế sẵn sàng học đại học - Sự cần thiết đối với tân sinh viên |
Những lúc đó chắc bạn ước có bóng mẹ hoặc cha bạn đi vào và nhắc nhở bạn tắt đèn, tắt nhạc đi ngủ hoặc lặng lẽ tắt đèn, tắt máy tính cho bạn hay kéo chăn đắp cho bạn mặc dù bạn đang giả vờ lên giường ngủ để ba mẹ khỏi phiền lòng.
Làm sinh viên là như vậy! Bạn phải dung hòa nhu cầu của nhiều người dù mình không thích, thậm chí dù nhu cầu của họ ảnh hưởng đến mình.
Bạn phải học cách thích nghi như vẫn có thể ngủ say trong khi đèn điện của phòng tập thể còn mở, nhạc trong phòng vẫn được phát to và nhóm bạn khác vẫn đang đánh bài với sự huyên náo không hề nhỏ.
Sẵn sàng sống tự lập là bạn phải quên đi cảm giác nhớ nhà, nhớ cha mẹ và người thân.
Là phải quên đi thói quen thích được quan tâm, vỗ về; quên đi những bữa ăn ngon đầm ấm thường xuyên được chuẩn bị bởi ba mẹ và anh chị.
Là bạn phải tự tổ chức đời sống cho bản thân như tự thuê phòng hoặc tự sắp xếp đồ đạc, trang trí, mua sắm các vật dụng cần thiết.
Là bạn phải tự đi chợ, nấu ăn hoặc tự lựa chọn quán ăn, các món ăn phù hợp vừa đủ dinh dưỡng, đủ độ an toàn, phù hợp với sở thích của mình và cả túi tiền của mình nữa.
Là bạn phải tự giặt là quần áo, tự tay khâu những mũi kim vào chiếc tất bị rách hay vào chiếc áo có đường sổ chỉ nho nhỏ.
Tự lập là bạn phải tự mình làm rất nhiều việc. Ảnh minh họa: https://dongduong.edu.vn |
Là bạn phải tự quản lý tài chính cá nhân, tự cân đối việc thu chi để trang trải chi phí cho học học tập, cho sinh hoạt và vui chơi giải trí hàng ngày trong 4 đến 5 năm đầy biến động với nhiều sự phát sinh không lường trước được.
Sẵn sàng cuộc sống tự lập là bạn phải trở nên chín chắn để tự giải quyết các vấn đề nảy sinh trong nhiều mối quan hệ, trong đó có nhiều vấn đề phức tạp chứa đựng cả những mâu thuẫn, xung đột.
Bạn phải tự mình tư vấn cho mình, tự mình đưa ra quyết định và nhanh chóng rút ra cho mình những bài học, những kinh nghiệm quý báu sau những ứng xử phù hợp và không phù hợp, tích cực và không tích cực...
Sống tự lập đối với những bạn sinh viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn là trong một vài tuần đầu tiên nhập học, các bạn phải tự đi tìm kiếm việc làm thêm cuối tuần, làm bán thời gian như gia sư, bán hàng cho các cửa hiệu, quán cà phê hay làm xe ôm… để đóng học phí và trang trải các chi phí của cuộc sống sinh viên cứ liên tục phát sinh, trong khi giá cả nhiều khi leo thang không ngờ tới.
Làm thêm không phải chỉ là việc làm bắt buộc, bất đắc dĩ của những sinh viên có gia đình khó khăn về tài chính để có thể tiếp tục học tập bình thường hay chia sẻ phần tài chính với bố mẹ đầu tư cho việc học của mình mà là cơ hội quý giá, bất cứ sinh viên nào cũng nên trải nghiệm để học được nhiều điều có ý nghĩa, giúp mình phát triển bản thân trong trường đời đầy biến động.
Làm thêm sẽ giúp các bạn hình thành ý thức, thái độ sống tự lập, sống có trách nhiệm với bố mẹ, với cộng đồng, xã hội và phát triển các kỹ năng mềm, trong đó đặc biệt là kỹ năng giao tiếp, ứng xử, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng kiềm chế cảm xúc, kỹ năng tự giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng quản lý thời gian và công việc hiệu quả...
Làm thêm giúp bạn biết quý trọng giá trị sức lao động, quý trọng đồng tiền được làm ra từ mồ hôi, nước mắt hay đôi khi cả từ sự nghẹn ngào, uất hận để từ đó biết yêu thương bố mẹ hơn, biết thấu hiểu, cảm thông hơn với những người lao động, các mảnh đời éo le, bần hàn, cơ cực.
Làm thêm đưa lại cho bạn cảm giác tự hào của người trưởng thành biết tự lực, tự cường vượt lên hoàn cảnh và niềm tin sẽ tự mình gây dựng sự nghiệp, thiết kế cuộc đời của mình trong tương lai...
Sẵn sàng sống tự lập là dù bạn không phải đi làm thêm, không đi làm thêm nhưng bạn biết tiết kiệm hay chi tiêu hợp lý nguồn tài chính mà cha mẹ bạn cung cấp cho bạn hàng tháng dù vừa đủ hay rủng rỉnh.
Bạn phải hiểu rằng với văn hóa Việt Nam, trong suy nghĩ, nhận thức của mọi người, việc bố mẹ cung cấp tiền để nuôi con ăn học lên đại học và việc con tiêu tiền của bố mẹ trong quá trình học mà là việc hiển nhiên nhưng với văn hóa phương Tây thì không phải như vậy.
Ở đại đa số các nước phương Tây, sinh viên được cha mẹ nuôi ăn học đại học đều nhận thức rằng họ đang vay tiền bố mẹ đi học và vì thế tất nhiên sau này ra trường phải hoàn trả lại bố mẹ bằng nhiều hình thức.
Tại nhiều nước phát triển tiến bộ, đã có quỹ của nhà nước cho đại đa số sinh viên vay để đi học nên dù là cha mẹ giàu có, thậm chí là tỷ phú thì sinh viên vẫn phải vay tiền nhà nước để đi học.
Số tiền đóng học phí và sinh hoạt tại các trường đại học có uy tín và có danh tiếng rất lớn, vì vậy khi ra trường đi làm, sinh viên phải trích tiền lương để trả khoản vay trong một khoảng thời gian rất dài lên tới 10, 20 năm.
Nếu thất nghiệp, không có tiền trả khoản vay khi học tập, cựu sinh viên ở các nước này có thể phải đi lính, làm công ích cho nhà nước để “gán nợ”.
So sánh như thế để thấy rằng các bạn sinh viên Việt Nam đi học sướng hơn nhiều so với sinh viên các nước phương Tây và nhiều nước khác trên thế giới.
Điều đó dẫn đến tình trạng rất nhiều sinh viên không có trách nhiệm đối với bố mẹ, thậm chí làm khổ bố mẹ; ăn bám, làm phiền bố mẹ ngay cả khi ra trường.
Vậy sẵn sằng sống tự lập khi bắt đầu bước vào cổng trường đại học là bạn phải xác định rằng bạn đang vay tiền bố mẹ đi học.
Điều đó đặt ra yêu cầu: bạn phải học tốt, có chuyên môn tốt, phát triển bản thân tốt và nhất định ra trường phải tìm được việc làm để giúp đỡ bố mẹ.
Việc trả tiền vay bố mẹ đi học như tôi đề cập không cần phải sòng phẳng như ở phương Tây mà là việc bạn phải có trách nhiệm gánh vác phần tài chính cho bố mẹ trong việc nuôi em ăn học, trong các công việc lớn của gia đình như mua đất, làm nhà, cưới hỏi, ma chay, làm mộ v.v...; là bạn phải luôn ý thức được đạo làm con, chữ Hiếu để đỡ đần, chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ khi về già...
Càng tự lập bạn càng thấy giá trị của nó. Bởi bạn sẽ ngày càng trưởng thành khi rèn luyện cho mình ý chí, nghị lực vượt qua khó khăn thử thách; biết làm chủ bản thân, làm chủ cuộc đời và vận mệnh của mình, đồng thời có trách nhiệm với gia đình và xã hội.
Tinh thần tự lập cao còn giúp bạn hình thành một trong những tố chất quan trọng của người lãnh đạo, quản lý đó là nghiêm khắc với bản thân, có trách nhiệm trước công việc trước tập thể; độc lập tự chủ trong tư duy và giải quyết vấn đề, đưa ra quyết định nhanh chóng, kịp thời nhưng phù hợp trong mọi tình huống.