LTS: Thạc sĩ Trần Nguyên Hào, giảng viên Trường Đại học Hà Tĩnh chia sẻ đôi điều tâm sự, nhắn nhủ với các tân sinh viên chuẩn bị nhập trường.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Trước khi bước vào giảng đường đại học hay trong quá trình học đại học, đã bao giờ các bạn tân sinh viên tự hỏi các câu hỏi:
Học đại học để cho ai và học đại học để làm gì? Mình đã sẵn sàng học đại học chưa?
Bạn nào chưa tự hỏi những câu hỏi trên và bạn nào đã hỏi nhưng vẫn muốn trốn tránh trả lời chúng một cách thật nghiêm túc và thật lòng mình?
Chắc chắn là khi đọc những dòng này nhiều bạn đang là sinh viên kỳ cựu đã giật mình và tự nhận:
Thì ra là mình vẫn chưa thật sự nghiêm túc với những câu hỏi thật bình thường này.
Đã bao giờ các bạn tân sinh viên tự hỏi các câu hỏi: Học đại học để cho ai và học đại học để làm gì? Mình đã sẵn sàng học đại học chưa? Ảnh mang tính minh họa: nydailynews.com |
Vậy có thật sự bạn là người đã lựa chọn con đường vào đại học hay là bố mẹ bạn, người thân của bạn?
Tôi biết nhiều bạn rất chán học dù đã là năm thứ hai, thứ ba bởi các bạn đó vào đại học là do bố mẹ muốn thế.
Bố mẹ để bạn gánh giùm giấc mơ đại học dang dở ngày xưa của họ hay là bố mẹ muốn bạn là cử nhân, là kỹ sư để gia đình bạn được nở mày nở mặt với hàng xóm láng giềng và dòng họ.
Dẫu biết rằng bạn là phận làm con, bạn phải nghe lời bố mẹ, bạn không được làm bố mẹ phiền lòng nhưng lẽ ra nếu bạn không thích, không muốn học đại học thì trước khi nhập học, bạn phải nói cho bố mẹ biết mong muốn của bạn;
Phân tích cho bố mẹ hiểu nhiều cơ hội thành công hơn đối với bạn ngoài con đường học đại học như bạn sẽ đi học nghề, bạn sẽ tự khởi nghiệp hay bạn sẽ đi xuất khẩu lao động.
Có phải bạn vào đại học là vì sau khi tốt nghiệp phổ thông, bạn chưa có con đường nào khác để lập nghiệp nên tạm thời làm sinh viên?
Hay bạn muốn trở thành sinh viên cho có vị thế ngang bằng với bạn bè của mình để tự hào rằng ít ra mình cũng đậu đại học - mốc thành công đầu tiên sau 12 năm đèn sách ở trường phổ thông, còn tương lai sau 4 đến 5 năm nữa sẽ tính tiếp?
Nếu như vậy thì bạn học là vì bạn bè chứ không phải vì bản thân.
Bạn học đại học vì cái danh hão, vì sĩ diện với bạn bè chứ không phải vì cuộc đời bạn.
Bạn sẽ không thành công với tâm lý như vậy bởi bạn đang có một tầm nhìn hạn hẹp và thiếu bản lĩnh để khẳng định mình.
Vậy điều đầu tiên khi lựa chọn học đại học là bạn xác định rõ: học cho bản thân bạn, cho mục tiêu cuộc đời của bạn.
Tất nhiên trong đích đến cuối cùng của cuộc đời con người là thành công và hạnh phúc thì mục tiêu trước hết mà người trẻ nào cũng mong muốn đạt đến là nghề nghiệp, là có thu nhập càng cao, càng nhanh càng tốt và sau đó là tình yêu và hạnh phúc gia đình...
Bạn có thể đạt được những mục tiêu đó trong 3 - 5 năm sau khi tốt nghiệp phổ thông nếu bạn lựa chọn con đường đi làm ngay, con đường học nghề và đi làm, con đường xuất khẩu lao động hoặc con đường tự khởi nghiệp.
Lựa chọn học đại học cũng hướng tới tới mục tiêu trên nhưng không thể đạt được chúng nhanh chóng được.
Đó là cách đi chậm nhưng bền vững không chỉ sau 4 đến 5 năm mà có thể là sau 10 năm.
Lựa chọn con đường vào giảng đường đại học trước khi ra đời tìm kiếm việc làm hay khởi nghiệp tức là bạn đang lựa chọn con đường học thuật với nguồn tri thức phong phú, có giá trị và môi trường đào tạo chuyên nghiệp giúp bạn thực hành kỹ năng nghề nghiệp có tính chuyên môn cao cùng với cơ hội phát triển lối tư duy hiệu quả và rèn luyện các kỹ năng mềm cần thiết.
Vì thế để có cơ hội việc làm tiến tới thành công trong sự nghiệp của mình sau khi ra trường thì các bạn phải mất 4 đến 5 năm học tập, rèn luyện trong môi trường đại học.
Nếu bạn chưa được ai tư vấn nghề nghiệp trong thời phổ thông thì bạn hãy nên nhớ kỹ điều này trước khi quyết định làm thủ tục nhập học vào một trường đại học.
Bạn nào đang là sinh viên năm thứ nhất, thứ hai mà vẫn không thích học, chán học trong khi có cơ hội khác ngoài học đại học để thay đổi cuộc đời theo hướng phù hợp hơn với mong muốn của bản thân và thành công hơn thì nên thống nhất với bố mẹ để xin ngừng học.
Không nên lãng phí 4 đến 5 năm trong môi trường đại học nhưng ra trường lại thất nghiệp lâu dài và phải mất thêm vài năm nữa với nhiều chi phí để học nghề, để tu nghiệp mới có thể đi làm kiếm thu nhập mà không sử dụng những kiến thức, kỹ năng mình đã được học và trang bị, thực hành trong trong quãng đời sinh viên.
Nước ta đang có 5 triệu lao động trình độ đại học, 200 ngàn thất nghiệp |
Đồng thời thực tế cho thấy hầu hết người trẻ đều khó thành công trong bất cứ môi trường công việc nào nếu như họ không đam mê hoặc không có động lực để tìm hiểu, học tập, thực hành về nó.
Tâm thế sẵn sàng học đại học cũng đi liền với tâm thế sẵn sàng học ngành học mà mình đã đăng ký lựa chọn.
Nhiều bạn trước khi đăng ký làm hồ sơ thi hoặc dự tuyển đại học đã không phân tích kỹ các ngành học, cơ hội nghề nghiệp của mình sau khi ra trường nếu học ngành A hay B, C và sự phù hợp về sở thích, sở trường, khả năng của mình đối với ngành học mà mình lựa chọn.
Tất nhiên là ngày nay tương lai rất bất định và khó đoán trước được các xu thế thay đổi, phát triển của các nghề nghiệp trong tương lai hoặc đã có một số người thành công sau khi ra trường ở một lĩnh vực, một môi trường không liên quan đến ngành nghề mình đã được đào tạo ở bậc đại học nhưng việc tìm hiểu kỹ càng và lựa chọn ngành học một cách nghiêm túc là hết sức cần thiết.
Tâm thế sẵn sàng học đại học, nhất là học ngành mình đã lựa chọn sẽ cho bạn một nguồn sức mạnh tinh thần hết sức to lớn đó là sự tự tin, là niềm tự hào, là niềm đam mê khám phá và sáng tạo trong quá trình được đào tạo.