Vị trí của "Thủ đô gió ngàn" với Cách mạng Tháng 8/1945

19/08/2018 07:54
THẠC SĨ LƯƠNG ĐỨC HIỂN
(GDVN) - Tân Trào là một vị trí quan trọng, góp phần không nhỏ trong thắng lợi của Cách mạng Tháng 8/1945.

LTS: Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị trí đặt cơ quan kháng chiến phải “gần dân không gần người”, nghĩa là có sự chở che, bao bọc, giúp đỡ của nhân dân, đảm bảo tuyệt đối an toàn, bí mật, tiến thoái dễ dàng… Và Tân Trào là một vị trí quan trọng, góp phần không nhỏ trong thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945.

Vị trí của Tân Trào

Nhắc đến Việt Bắc là chúng ta nhớ đến cái nôi của cách mạng Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp, được nhà thơ Tố Hữu hình tượng hóa với nhiều tên gọi Thủ đô gió ngàn, Thủ đô giải phóng, Thủ đô kháng chiến…

Trung tâm căn cứ cách mạng Thủ đô kháng chiến được chọn là xã Tân Trào, Sơn Dương, Tuyên Quang; nơi đặt cơ quan đầu não chỉ huy cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa.

Trước đó, khi trở về nước năm 1941, Nguyễn Ái Quốc đã chọn Pác Bó – Cao Bằng làm địa điểm dừng chân, trực tiếp chỉ đạo cách mạng trong nước.

Tuy nhiên, từ tháng 5/1945 tình hình thế giới và trong nước chuyển biến hết sức mau lẹ, có lợi cho cách mạng Việt Nam. Lúc này, căn cứ địa Cao Bằng không còn thích hợp vì cách xa các tỉnh đồng bằng và thành phố. Do đó, Người chỉ thị đồng chí Võ Nguyên Giáp tìm một địa điểm mới làm trung tâm chỉ đạo cách mạng.

Địa điểm đó phải hội đủ các điều kiện: nằm trong căn cứ địa Việt Bắc, phong trào mạnh, quần chúng giác ngộ cao, địa thế thuận cả tiến công lẫn phòng ngự, giao thông thuận lợi và nhất là gần Trung ương.

Đình Tân Trào - nơi diễn ra Đại hội đại biểu Quốc dân năm 1945. Ảnh của Báo Hà Nội mới.
Đình Tân Trào - nơi diễn ra Đại hội đại biểu Quốc dân năm 1945. Ảnh của Báo Hà Nội mới.

Thực hiện chỉ thị của Người, đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí trong Phân khu ủy Nguyễn Huệ đã chọn xã Tân Trào.

Theo Hồ Chí Minh, Tân Trào nằm dưới chân núi Hồng, xung quanh là rừng đại ngàn che phủ. Dãy núi Bòng vách đứng ở phía Tây như bức thành thiên nhiên trấn giữ ngõ vào Tân Trào.

Phía Đông có dãy núi Hồng sừng sững, tạo nên ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang; núi Thia nhỏ hơn cũng ở phía Đông liền dải và chạy gần như vuông góc với núi Hồng. Vây quanh thôn xóm còn có các núi nhỏ: Pù Màng án ngữ phía Nam; Nản Đeng - một dải núi đá hiểm trở.

Thêm vào đó là hệ thống sông ngòi chằng chịt: dòng sông Phó Đáy cắt ngang địa hình, cùng với nhiều khe suối nhỏ đổ về: Ngòi Thia, Khuôn Ních, Khuôn Qui, Khuôn Pén, Khe Cả, Khe Bòng…

Hình sông thế núi đó đã tạo cho Tân Trào vừa hiểm trở vừa kín đáo.

Trước đây, đường vào khu căn cứ Tân Trào chỉ có một con đường độc đạo liên xã từ huyện Yên Sơn, qua nhiều chỗ vòng tránh, vượt dốc, vượt đèo, đặc biệt là phải quan đèo Chắn cao hiểm trở, nhiều đoạn chạy ven theo các chân núi, cạnh sông suối, khe sâu, vực thẳm.

Tuy nhiên, trong nội địa khu căn cứ có một hệ thống đường mòn xuyên rừng chằng chịt, dọc ngang nối liền các làng xã, thôn bản với nhau.

Từ những con đường xuyên núi, vượt đèo đó có thể đi khắp mọi hướng: Men theo triền núi ngược theo hướng Bắc qua Bắc Kạn lên Cao Bằng hoặc đi sang các huyện Chiêm Hóa, Hàm Yên (Tuyên Quang), Bắc Quang, Vị Xuyên (Hà Giang), ra biên giới Việt Trung;

Vị trí của "Thủ đô gió ngàn" với Cách mạng Tháng 8/1945 ảnh 2Cách mạng tháng Tám qua hồi ức của các tướng lĩnh

Vượt qua các dãy núi phía Đông sang Đại Từ, Định Hóa (Thái Nguyên); phía Nam dọc theo chân núi Hồng xuống các huyện Tam Đảo, Lập Thạch (Vĩnh Phúc)…

Hệ thống giao thông này chính là đường liên lạc của các đoàn quân cách mạng Nam tiến, Bắc tiến trong thời kỳ tiền khởi nghĩa.

Cơ sở cách mạng trong vùng được xây dựng từ những năm 1939-1941; nhân dân hăng hái gia nhập Việt Minh. Sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp, Phân khu ủy Nguyễn Huệ đã lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giải phóng huyện lỵ Sơn Dương.

Chính quyền cách mạng được thành lập ở tất cả các xã trong khu căn cứ. Nhân dân được hưởng quyền tự do dân chủ và bình đẳng. Suốt một dải hữu ngạn sông Cầu, từ Thái Nguyên đến Tuyên Quang do chính quyền cách mạng làm chủ.

Tân Trào trở thành hình ảnh thu nhỏ của nhà nước công nông kiểu mới.

Như vậy đến cuối tháng 5/1945 Tân Trào trở thành căn cứ địa cách mạng, Thủ đô gió ngàn, Thủ đô kháng chiến của cả nước.[1]

Tân Trào - nơi phát động Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945

Đầu tháng 6/1945, tại Tân Trào Hồ Chí Minh chỉ đạo thành lập Khu giải phóng, xây dựng chính quyền và quân đội cách mạng.

Tân Trào trở thành Thủ đô Khu giải phóng và sau đó là Thủ đô lâm thời của nước Việt Nam mới, trái tim và khối óc cách mạng của cả nước.

Cũng từ đây những chủ trương, chỉ thị của Người, của Đảng đã tỏa đi khắp miền đất nước. 

Tại Tân Trào, những địa danh như Đình Hồng Thái, Lán Nà Lừa, Đình Tân Trào… gắn liền với những quyết định trọng đại của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền cả nước.  

Đình Hồng Thái, nơi dừng chân đầu tiên của Hồ Chí Minh khi Người từ Pác Bó – Cao Bằng đến căn cứ địa cách mạng Tân Trào, ngày 21/5/1945.

Lán Nà Lừa, nơi Hồ Chí Minh về ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 8/1945 để chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa.

Nơi đây, trên cơ sở những căn cứ địa cách mạng đã lần lượt hình thành ở Việt Bắc và căn cứ vào những báo cáo nghị quyết của Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ (15/4/1945), Hồ Chí Minh đã ra chỉ thị:

“Nay vùng giải phóng đã bao gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên và một số vùng lân cận của các tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Vĩnh Yên, địa thế nối liền nhau, nên lập thành một khu căn cứ cách mạng rộng lớn lấy tên là khu giải phóng”.

Thực hiện chỉ thị của Người, ngày 4/6/1945, Tổng bộ Việt Minh tuyên bố chính thức thành lập Khu giải phóng Việt Bắc bao gồm hai căn cứ lớn trên địa bàn 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên và một số vùng thuộc các tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Yên, Phú Thọ, Yên Bái.

Cuối tháng 7/1945, trong lúc đang ốm thập tử nhất sinh, Người đã nói một câu sắt đá: “Lúc này, thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.

Dưới bóng cây Đa của làng Tân Lập, chiều ngày 16/8/1945, đội Việt Nam Giải phóng quân làm lễ xuất quân, cũng là nơi đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc bản quân lệnh số 1 để Việt Nam Giải phóng quân lên đường qua Thái Nguyên rồi tiến về giải phóng Hà Nội.

Tại Đình Tân Trào, trong 2 ngày 16 và 17/8/1945, diễn ra Đại hội đại biểu Quốc dân. Tại Đại hội lịch sử này, nhiều vấn đề quan trọng đã được quyết định với sự nhất trí cao của các đại biểu và Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam.

Đại hội quyết định lấy cờ đỏ sao vàng làm Quốc kỳ, bài Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao làm Quốc ca, thực hiện "Mười chính sách của Việt Minh" làm chính sách căn bản.

Việc Quốc dân Đại hội Tân trào quyết định lấy “Mười chính sách của Việt Minh” thi hành, được xem như một "Hiến pháp tạm thời" đã thể hiện rõ tính linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta.

Mười chính sách của Việt Minh rất cô đọng, ngắn gọn nhưng bao quát những quyền dân chủ cơ bản của con người, những phương hướng của chính thể dân chủ cộng hòa mà bất cứ người dân Việt Nam nào cũng dễ chấp nhận được, dễ nhớ và dễ làm.

Đại hội quyết định thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm chủ tịch.     

Ngày 17/8/1945, trước đình Tân Trào, đứng bên Hòn đá thề, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời thề kiên quyết lãnh đạo nhân dân chiến đấu chống quân thù, giành lại độc lập cho Tổ quốc.

Như vậy, trước tháng 8/1945, Khu giải phóng thực sự là “hình ảnh một nước Việt Nam mới”, cùng với hệ thống các chiến khu, tạo thành hậu phương vững chắc cho thế trận Tổng khởi nghĩa sau này.

Trong những ngày tháng đó, cơ quan đầu não của cách mạng tập trung hoàn toàn tại Tân Trào – Tuyên Quang, từ đây chỉ đạo thành công cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.

Vì thế, Tân Trào không chỉ là “Quê hương cách mạng dựng nên cộng hòa”, mà còn là Thủ đô Khu Giải phóng.

Như phát biểu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hội thảo tổ chức tại Thái Nguyên, ngày 12/5/1997: “ Tân Trào được coi là Thủ đô Khu Giải phóng (trước Cách mạng Tháng 8/1945 gồm 6 tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên”.[2]

Tài liệu tham khảo:

1. https://baonghean.vn/tan-trao-noi-khoi-nguon-cach-mang-thang-tam-110464.html

2. http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Chinh-tri/787679/vi-the-cua-quoc-dan-dai-hoi-tan-trao-trong-cach-mang-thang-tam

THẠC SĨ LƯƠNG ĐỨC HIỂN