Việt Nam đặt ra chủ trương quy hoạch mạng lưới trường đại học từ những năm 90

23/12/2018 06:00
Thùy Linh (ghi)
(GDVN) - Đó là thông tin mà Tiến sĩ Lê Viết Khuyến tiết lộ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Theo Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam thông tin, từ nay đến năm 2020, Việt Nam không thành lập, nâng cấp trường đại học nào nữa thì vẫn vượt mục tiêu Quyết định 37 (về việc điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, giai đoạn 2006-2020) đề ra 12 trường đại học.

Và vấn đề quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục theo tinh thần Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học vừa được Quốc hội thông qua một lần nữa là nội dung đang được dư luận quan tâm. 

Một số chuyên gia cho rằng, đưa vào luật việc quy hoạch mạng lưới trường đại học trong thời điểm hiện nay là cần thiết, nhằm tạo hành lang pháp lý để các trường đại học có thể bứt phá phát triển hoặc sáp nhập một số trường đại học tạo nên những đại học mạnh.

Số lượng và phân bố các trường đại học trên toàn quốc (Nguồn: Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2017)
Số lượng và phân bố các trường đại học trên toàn quốc (Nguồn: Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2017)

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đây không phải là lần đầu tiên đưa ra chủ trương quy hoạch mạng lưới các trường đại học mà đầu những năm 90 của thế kỷ trước vấn đề này đã được đưa ra.

Cụ thể, ông Khuyến cho hay, ngày 17/3/1992, lúc đó Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Hồng Quân đã có tờ trình Hội đồng Bộ trưởng về quy hoạch mạng lưới các trường đại học và cao đẳng trên quy mô toàn quốc. 

Theo đó, tờ trình nêu rõ: Thực hiện Quyết định 255/CT của Hội đồng Bộ trưởng, trong thời gia qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai xây dựng các phương án sắp xếp mạng lưới các trường đại học và cao đẳng trên quy mô toàn quốc với tinh thần khẩn trương nhưng cũng hết sức thận trọng. 

Việt Nam đặt ra chủ trương quy hoạch mạng lưới trường đại học từ những năm 90 ảnh 2Quy hoạch trường đại học chỉ nên áp dụng đối với hệ thống công lập

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng đây là một công việc cực kỳ quan trọng có tác dụng rất quyết định đến sự phát triển giáo dục, là cơ hội để thực hiện đổi mới hệ thống đại học một cách cơ bản, làm cho nó phù hợp với cơ chế kinh tế mới và hòa nhập dần vào cộng đồng đại học thế giới. 

Tuy nhiên việc sắp xếp này có tác dụng lâu dài, lại động chạm đến đông đảo đội ngũ cán bộ giảng dạy nên phải cân nhắc kỹ để chọn phương án tối ưu. 

Theo đó, các nhóm chuyên gia khác nhau của Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng  được 4 phương án sắp xếp lại mạng lưới các tường đại học và cao đẳng trên quy mô toàn quốc. Có thể gộp các phương án thành 2 nhóm: 

Nhóm 1 (bao gồm các phương án 1,2, 3) được thiết kế theo nguyên tắc sáp nhập các trường đại học và cao đẳng có ngành nghề đào tạo gần giống nhau và nằm trên cùng một địa bàn để hình thành những viện đại học chuyên ngành lớn hơn. 

Nếu thực hiện quy hoạch trường theo phương án này, chúng ta sẽ có một hệ thống các trường gần giống với hệ thống trường đã có trong những năm 60, khi chưa xảy ra chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc, tức là hệ thống trường được thiết kế cho nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung. 

Nhóm 2 (phương án 4) được thiết kế theo quan điểm hoàn toàn mới xuất phát từ: Thực tiến chỉ đạo triển khai quy trình đào tạo mới ở các trường đại học; Kết quả sơ bộ của giai đoạn 1 đề án nghiên cứu tổng thể giáo dục (VIE-89/022); Kinh nghiệm giáo dục đại học của các nước phát triển và các nước trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương.

Mạng lưới đại học và cao đẳng được sắp xếp lại theo phương án này nhằm đạt những mục tiêu sau: 

Thứ nhất,
bảo đảm tính hợp lý về đầu mối và quy mô của cơ sở đào tạo để tăng hiệu quả của các nguồn đầu tư, hiệu quả sử dụng cán bộ giảng dạy, cán bộ nghiên cứu và cơ sở vật chất và rút bớt biên chế đội ngũ cán bộ nhân viên hành chính sự nghiệp. 

Việt Nam đặt ra chủ trương quy hoạch mạng lưới trường đại học từ những năm 90 ảnh 3Việt Nam đã vượt số lượng trường đại học theo mục tiêu đề ra

Thứ hai, bảo đảm thuận lợi cho việc tổ chức và triển khai quy trình đào tạo mới trong các trường đại học và cao đẳng để quy trình này thể hiện tối đa những ưu việt của nó (đào tạo 2 giai đoạn, đảm bảo kiến thức cơ bản vững, liên thông giữa các trường, mở rộng tuyển sinh đầu vào…). 

Thứ ba, mạng lưới và hệ thống pháp quy kèm theo sẽ tạo được mối quan hệ hữu cơ giữa các cơ sở đào tạo với nhau nhằm phá vỡ thế khép kín ở từng trường, phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn bộ hệ thống trong việc đảm bảo chất lượng đào tạo, tạo điều kiện để sử dụng chung có hiệu suất cao đội ngũ cán bộ giảng dạy giỏi và thiết bị tốt.

Mạng lưới mới cũng sẽ giúp để thực hiện tốt việc quản lý hệ thống (vừa đảm bảo hiệu lực của quản lý nhà nước vừa phát huy được tính năng động của cơ sở). 

Thứ tư, tạo điều kiện thuận lợi để nhà trường gắn liền với xã hội, bám sát các địa bàn phục vục, gắn bó với các cộng đồng dân cư và trên cơ sở đó, huy động được sự tham gia đóng góp của toàn xã hội cho ngành. 

Thứ năm, tạo thuận lợi cho việc trao đổi hợp tác quốc tế nhờ có những trường đại học tương xứng về quy mô và chất lượng đào tạo so với các trường đại học của các nước trong khu vực nói riêng và trên thế giới nói chung. 

Sau khi xem xét kỹ những điểm mạnh và yếu của từng phương án Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức lựa chọn phương án 4 để trình Hội đồng Bộ trưởng. 

Ngoài ra, ông Khuyến cũng thông tin thêm, thời điểm đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ thêm một vài điểm về tính khả thi của phương án này. 

Một là, trong phương án 4 có đưa ra khái niệm “viện đại học” (University). Đây không phải là một cơ quan quản lý trung gian mà thực chất là một đơn vị đào tạo thật sự quan trọng, được lập ra trên cơ sở hợp nhất hàng loạt trường đại học và viện nghiên cứu khoa học để phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống, bảo đảm hiệu suất đào tạo cao, thích ứng với một xã hội có nền kinh tế thị trường.

Loại hình trường đa ngành này là phổ biến ở nhiều nước khác nhau trên thế giới. Riêng ở Thái Lan, trong tổng số 16 cơ sở đào tạo đại học công lập đã có 12 cơ sở được xây dựng theo mô hình viện đại học

Viện đại học cũng được tổ chức theo cơ chế quản lý 3 cấp: viện, trường (khoa) và bộ môn. Trong mỗi viện đại học có thể có một số viện nghiên cứu khoa học. Tùy theo quy mô, các viện này có thể trực thuộc viện đại học hoặc trực thuộc trường hay khoa. 

Hai là, phương án 4 có đưa ra bước đệm (3-5 năm) để chuyển dần cấu trúc của viện đại học từ hình thức liên hiệp giữa các trường đại học sang mô hình hiện đại. Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng đây là một giải pháp hết sức cần thiết nhằm: 

Không gây những xáo trộn quá đột ngột về tổ chức và nhân sự ở các trường, giữ được ổn định về chính trị.

Mặc dù vậy, với cơ chế chỉ đạo của Hội đồng quản trị viện đại học, với việc tổ chức đại học đại cương đào tạo chung giai đoạn 1 cho nhiều trường thành viên, chất lượng và hiệu suất đào tạo của viện đại học chắc chắn sẽ sớm thay đổi căn bản. 

Có thời gian để đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý của viện đại học – một mô hình đại học phổ biến của thế giới nhưng còn mới mẻ đối với Việt Nam. 


Thùy Linh (ghi)