Ý kiến của giáo viên và phụ huynh về một chương trình, nhiều sách giáo khoa

30/12/2018 12:29
SÔNG TRÀ
(GDVN) - Hầu hết thầy cô giáo rất đồng tình với cách làm một chương trình, có nhiều bộ sách giáo khoa do nhiều nhà xuất bản phát hành để người học được hưởng lợi...

LTS: Trích dẫn những ý kiến của một số giáo viên và phụ huynh học sinh, thầy giáo Sông Trà cho thấy mọi người đều rất đồng tình ủng hộ với cách làm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Sau khi ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức tập huấn cho tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa, đồng thời ban hành văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh. 

Như vậy, các tổ chức, cá nhân hội đủ điều kiện và năng lực sẽ dựa vào chương trình môn học để biên soạn sách giáo khoa. 

Việc nhiều nhà xuất bản cùng biên soạn, phát hành sách giáo khoa để các trường học có quyền lựa chọn bộ sách phù hợp, chất lượng nhất phục vụ công tác giảng dạy. 

Từ đó, các nhóm tác giả, nhà xuất bản cùng cạnh tranh về chất lượng... 

Chương trình giáo dục phổ thông mới được công bố ngày 27/12. (Ảnh chụp tài liệu)
Chương trình giáo dục phổ thông mới được công bố ngày 27/12. (Ảnh chụp tài liệu)

Ông Nguyễn Quốc Vương, giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội là người nhiều năm kinh nghiệm trong việc dịch và viết nhiều sách về giáo dục nêu quan điểm của mình trên báo Đại đoàn kết: 

Việc thực hiện một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa là cần thiết nhằm thu hút đông đảo giới tri thức, nhà nghiên cứu cùng tham gia viết sách. 

Cùng với đó, các nhà xuất bản cũng sẽ cho ra đời những bộ sách chất lượng phục vụ người học.

Theo ông Vương, trước kia Nhà Xuất bản Giáo dục độc quyền xuất bản sách giáo khoa thì sắp tới trên thị trường có nhiều bộ sách giáo khoa do nhiều nhà xuất bản phát hành. 

Đây sẽ là sự cạnh tranh tất yếu giữa các nhà xuất bản để phục vụ người học.”

Nếu không có cơ chế quản lý tốt thì có thể dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh khi có sự ‘đi đêm’, ‘thỏa thuận ngầm’ giữa nơi sử dụng, người viết sách và nhà xuất bản. 

Tới đây cần xây dựng cơ chế rõ ràng về việc ai có quyền lựa chọn sách giáo khoa ở nhà xuất bản nào. 

Việc lựa chọn sách có thể do hiệu trưởng, phụ huynh, giáo viên hay hội đồng chuyên môn của địa phương nhưng phải có sự công khai, minh bạch, tránh trường hợp hiệu trưởng có thể tự thỏa thuận với nhà xuất bản mua sách giáo khoa của nơi không đảm bảo chất lượng.”, ông Vương nhấn mạnh. 

Ý kiến của giáo viên và phụ huynh về một chương trình, nhiều sách giáo khoa ảnh 2Nhà trường được quyền lựa chọn sách giáo khoa

Hầu hết thầy cô giáo rất đồng tình với cách làm một chương trình, có nhiều bộ sách giáo khoa do nhiều nhà xuất bản phát hành để người học được hưởng lợi nhiều nhất về chất lượng, giá cả…

Thấy những cuốn sách ra đời sau có thể tốt hơn, hình thức in ấn đẹp hơn, cách sử dụng thuận lợi hơn sách giáo khoa xuất bản trước.

Trong trường hợp đó, có thể các cơ sở giáo dục sẽ phải thay đổi hoặc bổ sung lựa chọn của mình.

Tuy nhiên họ vẫn còn không ít băn khoăn, lo ngại về tình trạng một số đơn, cán bộ quản lý giáo dục từ Bộ Giáo dục và Đào tạo đến nhà trường vì lợi nhuận, lợi ích nhóm, hoa hồng mà bất chấp quy định, luật lệ, tìm mọi cách dàn xếp, thỏa hiệp, “tác động” thậm chí chèn ép giáo viên, học sinh và phụ huynh trong việc lựa chọn phải mua loại sách giáo khoa này, không mua sách giáo khoa kia, không xuất phát từ yêu cầu, mong muốn của người học, người trực tiếp giảng dạy. 

Một cô Hiệu trưởng ở một trường Trung học cơ sở thuộc thành phố Đà Nẵng phân trần:

Nhiều quy định, văn bản của ngành ban hành ra thì hay lắm nhưng tới khi thực hiện thì rối như tơ vò, đầu voi đuôi chuột, nói một đằng làm một nẻo, rất thiếu tính khả thi. 

Giao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho phụ huynh, học sinh, giáo viên và các cơ sở giáo dục là đúng rồi. 

Song trên hiệu trưởng, nhà trường là phòng, sở giáo dục, các sếp lớn cả. 

Nếu cấp dưới (hiệu trưởng, nhà trường) không chọn theo gợi ý, tác động của các sếp trên thì nhà trường, hiệu trưởng sẽ khó “ăn, ở” với cấp trên đấy. 

Để làm vừa lòng cấp trên, nhiều khi hiệu trưởng phải dùng “chiêu” với giáo viên, phụ huynh và học sinh của mình.

Các mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới trong ngành giáo dục bây giờ cũng đủ thứ rắc rối, phức tạp, mệt mỏi lắm.” .

Ý kiến của giáo viên và phụ huynh về một chương trình, nhiều sách giáo khoa ảnh 3Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nêu điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông 

Các phụ huynh học sinh cũng tán thành, ủng hộ với chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo: 

Bộ sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục vận động phụ huynh học sinh tặng lại sách giáo khoa đã sử dụng nhằm xây dựng tủ sách giáo khoa cho các lớp giúp học sinh không phải mua sách mới mà vẫn có sách mới hơn để học, trong lúc kinh phí từ ngân sách nhà nước không đủ để mua sách giáo khoa cho học sinh sử dụng tại lớp học như ở các nước phát triển. 

Vận động và quản lý tốt, sau từ 3 đến 5 năm, mỗi lớp sẽ có một tủ sách giáo khoa để học sinh sử dụng.

Như vậy thì học sinh mới thật sự được sử dụng nhiều sách giáo khoa cho một môn học, đồng thời cũng không phải đem sách đi học hằng ngày.” (Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam). 

Phụ huynh Nguyễn Bạch Dương, ở quận Bình Thạch, thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị: “Muốn làm được vậy, các nhà biên soạn sách giáo khoa phải chú ý thiết kế bài học, bài tập mà không có hoặc hạn chế tối đa chỗ học sinh viết, ghi vào trong đó. 

Mặt khác, các địa phương, các trường, nhất là cấp tiểu học và trung học cơ sở tiến tới tổ chức học bán trú, học 2 buổi/ ngày vừa giảm áp lực cho các em vừa hạn chế được tình trạng dạy học tràn lan và trái phép. 

Học xong ở trường, giáo viên không giao bài tập  và không yêu cầu học sinh phải đem sách vở về nhà

Kể cả cách dạy, cách học và kiểm tra, đánh giá học sinh cần phải thay đổi mạnhkhác với hiện nay thì mới đạt được mong muốn ấy.”

SÔNG TRÀ