Đại Công báo: "Việt Nam và Philippines sẽ giao lưu ở Trường Sa"

12/04/2014 09:17
Đông Bình
(GDVN) - Do tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc, các quan hệ song phương liên quan Biển Đông đang được thúc đẩy liên tục, đối thoại chiến lược được tăng cường.
Trung Quốc đã dùng các tàu bán vũ trang cướp bãi cạn Scarborough từ tay Phillipines, nay cũng tìm cách cướp bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam từ tay Philippines.
Trung Quốc đã dùng các tàu bán vũ trang cướp bãi cạn Scarborough từ tay Phillipines, nay cũng tìm cách cướp bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam từ tay Philippines.

Tờ "Đại công báo" Hồng Kông ngày 7 tháng 4 đưa tin, hãng tin Reuters Anh cho rằng, binh sĩ Hải quân Philippines sẽ đến một hòn đảo trên biển Đông do Việt Nam kiểm soát chủ quyền từ 40 năm trước, cùng binh sĩ Hải quân Việt Nam liên hoan, chơi bóng chuyền; đối mặt với những yêu sách chủ quyền (vô lý, vô hiệu) của Trung Quốc trên Biển Đông, hai nước Philippinese, Việt Nam đang tìm cách hợp tác với nhau.

Tờ "Đại công báo" nhận định: Xuất phát từ sự lo ngại đối với Trung Quốc và hoài nghi về cam kết của các nước như Nhật Bản, Mỹ đối với khu vực, quan hệ giữa các nước châu Á đang phát triển không ngừng. Các  nguồn tin ngoại giao và chuyên gia nhận định, hợp tác ban đầu giữa Philippines và Việt Nam đang là một dấu hiệu của quan hệ liên tục thay đổi này.

Theo bài báo, khi Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm châu Á vào cuối tháng này sẽ phát hiện, các nước có lợi ích khác nhau đang nhìn về tương lai, khi đó ông Obama sẽ tìm cách tăng cường lòng tin của các nước châu Á đối với sự quay trở lại châu Á của Mỹ.

Quan hệ mới xuất hiện ở châu Á bao gồm: Nhật Bản và Ấn Độ tăng cường hợp tác; Việt Nam tỏ thiện chí với Ấn Độ và Nga; Philippines và Việt Nam tăng cường hợp tác; Philippines và Việt Nam cũng đang bàn vấn đề Trung Quốc với Malaysia.

Bãi cạn Scarborough - Trung Quốc đã dùng sức mạnh để làm thay đổi hiện trạng Biển Đông, cướp từ tay Philippines.
Bãi cạn Scarborough - Trung Quốc đã dùng sức mạnh để làm thay đổi hiện trạng Biển Đông, cướp từ tay Philippines.

Chuyên gia an ninh khu vực Rory Medcalf của Viện  nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy, một cơ quan nghiên cứu độc lập của Australia cho rằng: "Chúng tôi đã nhìn thấy xu thế rõ rệt, hơn nữa rất có thể được tăng tốc".

Mặc dù quan hệ hợp tác mới không có nhiều khả năng lắm phát triển thành đồng minh quân sự, nhưng những nước này lại đang tăng cường đối thoại chiến lược với nhau, bao gồm chia sẻ đánh giá đối với sự trỗi dậy và ảnh hưởng của Trung Quốc.

Bài báo cho rằng, các quan chức ngoại giao khu vực này xác nhận, lòng tin ở cấp độ công tác giữa các nước đang tăng cường, bởi vì các nước phát hiện Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự ở các vùng biển của châu Á làm cho họ xích lại gần nhau.

Theo Đại công báo, vào đầu tháng 6, đoàn đại biểu Hải quân Philippines với trên 40 người sẽ đến đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, chúc mừng sự khởi đầu hợp tác hải quân hai nước.

Hoạt động chào mừng trong thời gian một ngày theo kế hoạch của hai bên gồm có thi đấu bóng chuyền bãi biển, tổ chức tiệc rượu và biểu diễn âm nhạc, thời gian tổ chức còn chưa xác định. Hải quân Trung Quốc không được mời.

Ý tưởng xây dựng cơ sở ở bãi Cỏ Mây (nguồn: Đại công báo, Hồng Kông)
Ý tưởng xây dựng cơ sở ở bãi Cỏ Mây (nguồn: Đại công báo, Hồng Kông)

Một quan chức cấp cao Hải quân Philippines giấu tên cho biết: "Năm 2013, chúng tôi đã có kế hoạch này, nhưng cơn bão Haiyan đã đến... Trong tương lai sẽ có nhiều hoạt động hơn".

Philippines, Malaysia và Brunei đều tuyên bố có chủ quyền đối với một phần đảo của quần đảo Trường Sa, trong khi đó Trung Quốc và Việt Nam đều tuyên bố có chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Trường Sa.

Tuy nhiên, các bằng chứng lịch sử và pháp lý của Việt Nam và của chính Trung Quốc xác nhận, khẳng định rằng Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Trường Sa.

Trước đây, Trung Quốc đã dùng vũ lực xâm lược quần đảo Hoàng Sa và một số đá ngầm trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đồng thời còn có ý đồ đòi hỏi những hòn đảo, đá ngầm còn lại, thậm chí muốn thôn tính cả bãi ngầm James, bãi cạn Scarborough và “những nơi có dấu chân Trịnh Hòa đi qua” (như cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu gần đây cảnh báo).

Bài báo dẫn "các quan chức ngoại giao và chuyên gia" cho rằng, Trung Quốc sẽ theo dõi chặt chẽ quan hệ Philippines-Việt Nam, trước đây họ từng phản đối (vô lý) kế hoạch tổ chức diễn tập quân sự ở đảo Song Tử Tây và đảo Song Tử Đông được Philippines và Việt Nam đưa ra vào năm 2012.

Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tổ chức tập trận trên Biển Đông ngày 26 tháng 7 năm 2013
Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tổ chức tập trận trên Biển Đông ngày 26 tháng 7 năm 2013

Quan chức hải quân Philippines cho biết, hải quân hai nước Philippinese và Việt Nam sắp tới đồng ý mở rộng hợp tác ở vùng biển mà báo Hồng Kông-Trung Quốc cho là "có tranh chấp", một tàu tên lửa của Việt Nam sẽ sớm thăm Manila.

Quan chức Philippines cho hay, lãnh đạo Quân đội Philippines Emmanuel Bautista có kế hoạch thăm Hà Nội vào tháng tới. Nhưng, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng cho biết, còn chưa nắm được thông tin có kế hoạch tổ chức giao lưu trên quần đảo Trường Sa (với Hải quân Philippines).

Bài  báo dẫn lời chuyên gia Rory Medcalf cho rằng, những hợp tác mới này tồn tại tính giới hạn rõ rệt. Tuy có tính toán trước, nhưng các nước đều hy vọng cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Vì vậy, ngoài Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Thái Lan hiện có hiệp ước với Mỹ, các nước khác đều không bàn về đồng minh quân sự mới.

Trung Quốc ưu tiên triển khai, bố trí lực lượng quân sự trên Biển Đông - nơi thực lực quân sự của các nước xung quanh yếu hơn, được truyền thông Trung Quốc cho là dễ đối phó hơn.
Trung Quốc ưu tiên triển khai, bố trí lực lượng quân sự trên Biển Đông - nơi thực lực quân sự của các nước xung quanh yếu hơn, được truyền thông Trung Quốc cho là dễ đối phó hơn.

 Hãy cho biết ý kiến của bạn về thông tin của bài báo ở box bình luận phía dưới

Đông Bình