Nhà máy Gang thép Thái Nguyên nguy cơ "vỡ trận", mỗi tháng trả lãi 30 tỷ đồng

28/07/2016 07:10
Phan Trang/chinhphu.vn
(GDVN) - Đến thời điểm hiện nay, Tisco đã chi cho dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên 4.565 tỷ đồng và mỗi tháng đang phải chịu riêng tiền lãi vay là 30 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết việc có bán hay không Nhà máy Gang thép Thái Nguyên chưa có kế hoạch cụ thể. Bộ Công Thương mới đang xây dựng các phương án, trước mắt hướng đến việc khắc phục khó khăn cho nhà máy này.

“Đội vốn” hơn 5.000 tỷ đồng sau 11 năm

Sau khi thực hiện dự án cải tạo kỹ thuật giai đoạn 1 năm 2002 hoàn thành đưa vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco) được Chính phủ cho phép đầu tư dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 (trước khi cổ phần hóa) để nâng công suất sản xuất phôi thép đạt trên 1 triệu tấn/năm, sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước.

Dự án đã được Hội đồng quản trị Tổng Công ty Thép Việt Nam phê duyệt tại Quyết định số 684/QĐ-ĐT, ngày 5/10/2005. Theo đó, tổng mức đầu tư của dự án được phê duyệt là 3.843 tỷ đồng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án đã chịu sự ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới và trong nước cùng nhiều nguyên nhân khách quan đã dẫn đến chậm tiến độ thi công, đồng thời tăng tổng mức đầu tư của dự án.

Nhà máy Gang thép Thái Nguyên. Ảnh minh họa.
 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên. Ảnh minh họa. 

Được sự đồng ý của Chính phủ, ngày 15/5/2013, chủ đầu tư đã phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án tăng từ 3.843 tỷ đồng lên 8.104 tỷ đồng, nhưng do chưa thu xếp được vốn vay bổ sung, nên dự án vẫn tạm ngừng thi công từ đó đến nay.

Đến đầu tháng 3/2016, Bộ Công Thương có Văn bản số 1926/BCT-CNNg ngày 8/3/2016 báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết các nội dung liên quan đến dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 để làm cơ sở pháp lý tái khởi động lại dự án.

Nhà máy Gang thép Thái Nguyên nguy cơ "vỡ trận", mỗi tháng trả lãi 30 tỷ đồng ảnh 2

Dự án nghìn tỷ “đắp chiếu” thuộc Bộ Công Thương: Đâu thể phủi tay là xong!

(GDVN) - Ông Trần Quốc Thuận cho rằng: Kể cả cán bộ nghỉ hưu mà có sai phạm gây hậu quả nhiêm trọng vẫn phải bị truy cứu trách nhiệm, đâu thể phủi tay đứng dậy là xong.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Tisco, tổng mức đầu tư của dự án sau khi được rà soát lại đã nâng lên 9.030 tỷ đồng. Con số này dựa trên việc Tisco thuê Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam (VNCC) lập dự toán và Viện Kinh tế xây dựng thẩm tra trên cơ sở kết quả đàm phán và các báo giá tạm tính của nhà thầu là Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC).

Với tổng mức đầu tư này, tỉ suất sinh lời nội tại (IRR) và thời gian thu hồi vốn đều không đạt.

Ngoài ra, trong các điều khoản mà Tisco thương thảo với MCC, để Dự án tiếp tục được triển khai, có khoản chi phí bồi thường thời gian kéo dài dịch vụ kỹ thuật từ tháng 6/2012 đến khi tái khởi động lại Dự án là 105 tỷ đồng. Thêm nữa, khoản tiền 86,4 tỷ đồng là chi phí bàn giao, bảo quản, kiểm tu, sửa chữa tại hiện trường cũng được MCC đặt ra với Tisco.

MCC còn liệt kê các khoản chi hàng chục tỷ đồng đến hàng trăm tỷ đồng tăng thêm khác trong việc vận hành lại Dự án này như: 27,6 tỷ đồng tăng thêm để khắc phục khuyết tật phần xây dựng đã thi công do Dự án kéo dài tiến độ; 41,5 tỷ đồng phát sinh của dịch vụ sau bán hàng...

Cứu hay bán?

Đến thời điểm hiện nay, Tisco đã chi cho dự án 4.565 tỷ đồng và mỗi tháng đang phải chịu riêng tiền lãi vay là 30 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Vũ Hồng Bắc cho rằng, nếu không giải quyết đồng bộ và kịp thời các cơ chế, nguy cơ đổ bể của dự án là khó tránh, 6.000 người lao động có khả năng mất việc làm, hàng trăm doanh nghiệp vệ tinh gặp khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình xã hội của khu vực phía nam TP. Thái Nguyên.

Trước tình hình này, ngày 26/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, giao Bộ trưởng Bộ Công Thương thành lập tổ công tác; thuê tư vấn độc lập; tiếp thu, giải trình ý kiến các bộ, cơ quan liên quan; đánh giá toàn diện dự án, trong đó có phương án bán và phương án kêu gọi doanh nghiệp góp vốn đầu tư.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc phải làm rõ khả năng đàm phán với đối tác Trung Quốc để có thể hoàn thiện nhà máy, vận hành và có sản phẩm. Trên cơ sở đó, đề xuất phương án xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/7.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Bộ Công Thương vẫn chưa có phương án cụ thể trình lên Chính phủ để “cứu” dự án này.

Liên quan đến thông tin Công ty cổ phần Hòa Phát (HPG) đang quan tâm và muốn mua lại Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HPG cho biết, Công ty mới dừng ở giai đoạn “xem xét, nghiên cứu còn mua thì chưa... bởi chưa có thông tin chính thức từ Nhà nước”.

Mặc dù vậy, theo ông Trần Đình Long, HPG cũng không quá hứng thú vì “Gang thép Thái Nguyên giờ không còn nhiều ưu thế nữa. Lợi thế của nhà máy này về cảng biển cũng không có. Trước đây khai thác than nhưng than giờ cũng nhập khẩu nhiều rồi...".

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, việc có bán hay không Nhà máy gang thép Thái Nguyên chưa có kế hoạch cụ thể, Bộ Công Thương mới đang xây dựng các phương án, trước mắt hướng đến việc khắc phục khó khăn cho nhà máy này.

Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (tiền thân là Công ty Gang thép Thái Nguyên) thành lập từ năm 1959. Đây là khu công nghiệp đầu tiên tại Việt Nam có dây chuyền sản xuất liên hợp khép kín từ khai thác quặng sắt đến luyện gang, luyện thép và cán thép.

Năm 2015, Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên có giá trị sản xuất công nghiệp: 2.698,70 tỷ đồng, đạt 142% so với năm 2014; tiêu thụ: 681.511 tấn, đạt 143% so với năm 2014; tổng doanh thu: 7.956,40 tỷ đồng, đạt 143% so với năm 2014; lợi nhuận: 87,053 tỷ đồng, đạt 514% so với năm 2014 (-21 tỷ); nộp ngân sách: 446,8 tỷ đồng, đạt 118% so với năm 2014. Toàn công ty có 5.413 người lao động với thu nhập 6,5 triệu đồng/người/tháng.

Phan Trang/chinhphu.vn