Đối đầu Trung-Mỹ biến Biển Đông thành thùng thuốc súng mới ở châu Á

27/12/2015 06:42
Đông Bình
(GDVN) - Tổng thống mới của Mỹ sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc, cuộc đối đầu Trung-Mỹ ở Biển Đông sẽ là cuộc đối đầu chiến lược lâu dài.

Tờ Vượng báo Đài Loan ngày 27/12 có bài bình luận cho rằng, các nước lớn tranh đoạt không ngừng sẽ trở thành nhân tố quyết định chủ đạo xu hướng diễn biến của tình hình Biển Đông.

Tàu khu trục tên lửa USS Lassen DDG-82 Hải quân Mỹ từng tuần tra Biển Đông vào ngày 27/10/2015
Tàu khu trục tên lửa USS Lassen DDG-82 Hải quân Mỹ từng tuần tra Biển Đông vào ngày 27/10/2015

Năm nay, Quân đội Mỹ thực hiện kế hoạch tuần tra Biển Đông, đưa Mỹ từ "hậu trường" đi ra trước "sân khấu" trong vấn đề Biển Đông. Australia là nước luôn không lựa chọn đứng về bên nào trong vấn đề này, nay cũng tiến hành can thiệp một cách hiếm thấy.

Những sự can thiệp này cộng với vụ kiện Biển Đông của Philippines chống lại tham vọng "đường lưỡi bò" vô lý và bất hợp pháp thì chắc chắn Biển Đông đã trở thành “thùng thuốc súng mới” của châu Á.

Cuối tháng 10/2015, Quân đội Mỹ lần đầu tiên điều động tàu khu trục tên lửa USS Lassen tiến hành tuần tra trong 12 hải lý của đá Xu Bi, Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Biển Đông.

Sau đó, Mỹ còn điều máy bay ném bom chiến lược B-52 xâm nhập vùng biển 2 hải lý của đá Châu Viên (Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam, một thực thể khác bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp từ năm 1988). Trung Quốc ngang nhiên chỉ trích những hoạt động này, có ý đồ khẳng định chủ quyền bất hợp pháp.

Máy bay ném bom chiến lược B-52 của Không quân Mỹ đã hai lần bay trên vùng trời Biển Đông thời gian gần đây, từng bay vào vùng biển 2 hải lý của đá Châu Viên, tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam, hiện do Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp.
Máy bay ném bom chiến lược B-52 của Không quân Mỹ đã hai lần bay trên vùng trời Biển Đông thời gian gần đây, từng bay vào vùng biển 2 hải lý của đá Châu Viên, tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam, hiện do Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp.

Ngoài ra, Mỹ thậm chí còn tuyên bố có thể tiếp tục tiến hành tuần tra Biển Đông vào tháng 1/2016. Mỹ liên tiếp nâng cấp các hành động quân sự nhằm vào Trung Quốc làm cho giữa Trung Quốc và Mỹ xuất hiện cuộc đối đầu quân sự nghiêm trọng nhất sau Chiến tranh Lạnh.

Đồng thời, năm nay, Australia cũng bày tỏ thái độ một cách hiếm thấy, rằng họ sẽ cùng Mỹ và các nước khác đáp trả kế hoạch xây dựng (bất hợp pháp) đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông.

Luật bảo đảm an ninh mới của Nhật Bản cũng sẽ có hiệu lực vào năm 2016, trong khi đó, Mỹ đã chính thức mời Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản hiệp đồng trong việc tuần tra Biển Đông. Nhật Bản chưa tỏ thái độ qua lời nói, nhưng đã dùng hành động để phản hồi lời mời của Mỹ, thậm chí đi xa hơn.

Ngày 17/12/2015, Nhật Bản và Indonesia đã tổ chức Tham vấn Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng (Tham vấn 2+2) lần đầu tiên ở Tokyo, cho biết, Nhật Bản và Indonesia sẽ tăng cường hợp tác kiềm chế Trung Quốc.

Hơn nữa, trong năm nay, Nhật Bản cũng cùng Philippines yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hoạt động xây dựng đảo nhân tạo bất hợp pháp.

Năm 2016 là năm bầu cử Tổng thống Mỹ. Theo Vượng báo, hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ tiềm năng đều thuộc phái cứng rắn đối với Trung Quốc – dấu hiệu này hết sức rõ ràng.

Hillary Clinton - một ứng cử viên Tổng thống Mỹ năm 2016
Hillary Clinton - một ứng cử viên Tổng thống Mỹ năm 2016

Tân Tổng thống Mỹ sẽ cứng rắn hơn

Phó giáo sư Lâm Nhược Vu thuộc khoa ngoại giao và quan hệ quốc tế, Đại học Đạm Giang, Đài Loan cho rằng, trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm tới, bất kể ứng cử viên của đảng nào chiến thắng, chắc chắn sẽ thực thi chính sách cứng rắn hơn đối với Trung Quốc.

Tờ Financial Times Anh cũng cho rằng, Mỹ cần thận trọng duy trì sự cân bằng, mặc dù hiện nay Mỹ thông qua tận dụng mâu thuẫn giữa Trung Quốc với các nước xung quanh để giành được ưu thế chiến lược tạm thời. Việc Chính phủ Mỹ khởi động chiến lược "quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương", đã khuyến khích các nước như Việt Nam và Philippines liên tiếp hành động.

Bài báo cuối cùng cho rằng, nếu tình hình Biển Đông tiếp tục xấu đi, thậm chí gây ra xung đột, e rằng cũng không phải là thứ mà Mỹ muốn nhìn thấy.

Thực tế cho thấy, nếu Trung Quốc cố tình theo đuổi bành trướng lãnh thổ và bành trướng quân sự thì chắc chắn họ sẽ phải đối mặt với sự đáp trả liên tục, ngày càng mạnh mẽ của cả cộng đồng quốc tế.

Các biện pháp này có thể bằng con đường pháp lý như Philippines đang làm, cũng có thể bằng cách tăng cường năng lực tự vệ, được tất cả các nước ven Biển Đông cùng làm. Chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng như máu thịt, không bao giờ cho phép ngoại bang xâm chiếm, khi đã bị xâm chiếm thì chắc chắn phải đòi lại.

Ngoài ra, cả cộng đồng quốc tế đều có lợi ích chung trong cuộc đấu tranh bảo vệ hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông, trong đó có tự do và an toàn hàng hải, hàng không.

Trung Quốc là nước có truyền thống chơi cờ, nhưng trong bàn cờ Biển Đông hiện nay, họ chắc chắn đang đi những nước cờ sai lầm, xác định lợi ích sai lầm, nhận định sai lầm, từ đó dẫn tới sai lầm về hành động.

Đông Bình