"Nga tự phòng rủi ro với Trung Quốc bằng vũ trang cho Ấn Độ, Việt Nam"

15/12/2014 07:53
Hồng Thủy
(GDVN) - Shoigu ở Bắc Kinh nói, tăng cường và mở rộng quan hệ với Trung Quốc vẫn là ưu tiên hàng đầu của Nga. Bắc Kinh dùng con bài Pakistan mặc cả chiến lược với Nga.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thăm Pakistan.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thăm Pakistan.

Tờ The Dawn ngày 15/12 đăng bài phân tích của Moazzam Husain, một nhà phân tích chiến lược Pakistan bình luận, trong lúc cuộc chiến tại Afghanistan đã bắt đầu hướng tới một kết thúc có hậu và trục Pakistan - Afghanistan - Mỹ quan hệ hài hòa chưa bao giờ tốt hơn thì lúc này Nga đang lo lắng tiếp cận với Pakistan với những cách chưa từng có.

Nga tìm cách xâm nhập châu Á - Thái Bình Dương

Tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu dẫn đầu một phái đoàn 41 thành viên đến Islamabad khi Tư lệnh các lực lượng quân sự Pakistan đã đến thăm Washington. Một thỏa thuận quốc phòng cuối cùng cũng được ký kết. Một tuần trước đó Tổng thống Nga Vladimir Putin có mặt tại hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brisbane, Úc đã phải đối mặt với sự cô lập từ phương Tây. Thủ tướng Canadar nói với Putin: "Tôi nghĩ tôi sẽ bắt tay ngài. Nhưng tôi chỉ có một điều nói với ngài, ngài cần phải rút khỏi Ukraine".

Về phần mình có lẽ Nga đang cảm thấy bị uy hiếp bởi 3 yếu tố. Một là sự xâm nhập của phương Tây vào lãnh thổ Liên Xô cũ, các quốc gia vùng Baltic đã nằm gọn trong vòng tay của NATO. Từ quan điểm của Moscow, chiều sâu chiến lược của Nga đang bị giảm đi nhanh chóng và có thể điều đó đã thúc đẩy hành động sáp nhập bán đảo Crimea.

Thứ hai, trục quyền lực thế giới đang dịch chuyển từ châu Âu, trong đó Liên Xô từng thống trị một thời, sang châu Á với trọng tâm dồn vào Biển Đông. Trong lúc Nga đang phấn đấu cho một vai trò quan trọng hơn với châu Á thì Moscow lại đang bị hạn chế quyền truy cập vào một khu vực rộng lớn kết nối Á - Âu, trải dài từ vịnh Aden đến eo biển Đài Loan. Không giống như Mỹ, Nga không có một lực lượng hải quân có thể hiện diện trên một phạm vi rộng như vậy.

Yếu tố thứ ba là sự sụt giảm của giá dầu đã đánh một đòn hiểm vào nền kinh tế Nga cũng như đồng rúp. 3 yếu tố này tạo nên "một cơn bão hoàn chỉnh" quét qua Moscow.

Nga bán vũ khí cho Trung Quốc và đối thủ của Trung Quốc

Trung Quốc vốn đang chấn động bởi các cuộc biểu tình đòi tự chủ tại Hồng Kông cũng đã phải đối mặt với những lời khuyên nhủ tương tự như Thủ tướng Canada nói với Putin từ Tổng thống Mỹ Obama tại hội nghị thượng đỉnh G20. Washington tin rằng những động thái của hải quân Trung Quốc trên Biển Đông đang đe dọa hòa bình và an ninh khu vực, trong khi Bắc Kinh thao túng đồng nhân dân tệ càng làm chậm sự phục hồi kinh tế.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh.

Ngay sau hội nghị thượng đỉnh G20, Shoigu đã tới Bắc Kinh. Cả Nga và Trung Quốc đều mong muốn đuổi Mỹ khỏi châu Á - Thái Bình Dương, 2 bên có lợi ích chung khi chống lại Mỹ và các đồng minh của Mỹ. Trung Quốc phụ thuộc vào công nghệ hàng không vũ trụ của Nga đã phát triển mạnh mẽ máy bay tầm xa, tốc độ cao. Trung Quốc thiếu tàu sân bay nên có thể sử dụng các máy bay này để thực hiện yêu sách (vô lý, phi pháp) của họ ở Biển Đông.

Tuy nhiên ngay cả khi Moscow bán vũ khí cho Trung Quốc, Nga đã tự "bảo hiểm rủi ro" chống lại sức mạnh quân sự Trung Quốc bằng cách vũ trang cho Ấn Độ và Việt Nam với vũ khí thậm chí còn phức tạp hơn, để cho những đối tác sử dụng chúng chống Trung Quốc bành trướng. Bây giờ một sự thay đổi lớn có thể đang được thực hiện, Trung Quốc thúc giục Nga giải quyết nghịch lý này.

Ở mức độ nhất định, Ấn Độ gần đây đã dịch chuyển sang Mỹ để tìm kiếm nguồn cung vũ khí mới. Về mặt chiến lược, điều này có ý nghĩa với Trung Quốc để tạo thành một mặt trận chung với Nga chống lại sự hiện diện của hải quân Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương. Hãng thông tấn Nga TASS dẫn lời Shoigu ở Bắc Kinh nói, tăng cường và mở rộng quan hệ với Trung Quốc vẫn là ưu tiên hàng đầu của Nga.

Bắc Kinh dùng con bài Pakistan mặc cả chiến lược với Nga

Hai ngày sau khi rời Bắc Kinh, Shoigu và đoàn đại biểu quân đội Nga đã đến Islamabad. Chuyến thăm chỉ được công bố trước khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga tới Pakistan có 1 ngày. Có khả năng người Trung Quốc đã tạo điều kiện làm cầu nối cho chuyến thăm này. Kịch bản lý tưởng nhất là Nga muốn tàu chiến của mình được truy cập và hỗ trợ hậu cần từ các cảng của Pakistan. Tàu chiến của Nga đã đến thăm Karachi trong năm nay, một động thái chưa từng có trong nhiều thập kỷ gần đây.

Vì vậy điều gì sẽ xảy ra với tất cả chuyện này? Nga đang tìm cách để bán vũ khí. Đối với Pakistan, máy bay và tàu ngầm thế hệ mới của Nga sẽ là một sản phẩm hấp dẫn, nếu Islamabad có tiền. Càu tàu chiến hải quân Nga sử dụng dịch vụ hậu cần tại các cảng Pakistan trong thời bình cũng không có vấn đề gì đáng kể. Tuy nhiên một sự thay đổi chính sách đối ngoại lớn từ định hướng truyền thống của Pakistan về phía Tây và Ả Rập Saudi không phải là điều không thể, và không phải không mong muốn trong thời gian tới.

Trong khi Nga có thể có những tham vọng về tình trạng sức mạnh rất lớn, chiến tranh lạnh sẽ vẫn kéo dài và trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay, lợi ích kinh tế quan trọng hơn sự ganh đua quân sự và điều đó nên định hình chính sách đối ngoại của Pakistan.

Hồng Thủy