Ngày cuối năm nói đôi lời tri ân bạn đọc

31/12/2016 07:21
TS Trần Công Trục
(GDVN) - Bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam thì luôn hiểu, kiên nhẫn lắng nghe và chia sẻ cùng chúng tôi.

Vậy là năm 2016 chuẩn bị khép lại với nhiều sự kiện, nhiều đổi thay trong nước, khu vực cũng như toàn cầu. Lẽ thường, những ngày này giới nghiên cứu và truyền thông thường hay có bài tổng kết lại những dấu ấn năm qua trong lĩnh vực mình theo dõi.

Bản thân tôi cũng không ngoại lệ. Nhưng tối muốn dành ngày đặc biệt này, ngày cuối cùng của một năm để nói đôi lời tri ân quý bạn đọc gần xa cùng Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, nơi tôi gắn bó và có rất nhiều bạn, dù phần lớn trong số họ tôi chưa từng gặp mặt.

Tôi cũng sẽ có món quà nhỏ gửi đến các bạn, nhưng chuyện đó hãy để dành cho ngày đầu tiên của năm 2017.

Là một người chuyên nghiên cứu các vấn đề liên quan đến biên giới, lãnh thổ: Đất, Biển, Trời, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và các quan hệ quốc tế tác động, ảnh hưởng đến Việt Nam, tôi thường xuyên được các bạn phóng viên, nhà báo, chuyên gia, chính khách…  trong và ngoài nước ưu ái hỏi thăm, trao đổi, chia sẻ… trước mỗi một sự kiện.

Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.
Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.

Nhưng có lẽ không có diễn đàn nào dành cho cá nhân tôi một sự trân trọng như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam. Và cũng chính tại diễn đàn này, tôi cũng lắng nghe được những tâm tư, suy nghĩ nhiều chiều từ những người vẫn đau đáu quan tâm đến vận mệnh quốc gia, tiền đồ dân tộc.

Trong khuôn khổ một bài viết, tôi không thể liệt kê hết ra đây những người bạn đồng hành cùng mình trên trang Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, những cũng xin mạo muội ghi đôi dòng chia sẻ theo những tuyến đề tài mà tôi thể hiện, nơi các bạn và tôi quen nhau, quý mến nhau.

Chung sức bảo vệ biên giới, lãnh thổ quốc gia và những tiếng nói - con tim mỗi khi Biển Đông dậy sóng

Có lẽ các bài viết về chủ đề biên giới, lãnh thổ quốc gia và các tranh chấp phức tạp trên Biển Đông nhìn từ lăng kính pháp lý quốc tế - thực tiễn quốc tế là “sở trường” của cá nhân tôi, và cũng là đề tài được quý bạn đọc gần xa quan tâm nhiều nhất.

Chúng tôi nhận được nguồn năng lượng tích cực, cổ vũ rất lớn từ những bạn đọc như: Lưu Văn Chuyên, Khai Nguyen, Nguyễn Văn Bình, Minh Mẫn, Cột Đình, Trịnh Thanh Phi, Nguyễn Nguyên, Trần Thọ, cũng như các nhà nghiên cứu Ngô Vĩnh Long, Dương Danh Huy, Trương Nhân Tuấn, Thái Văn Cầu...qua mỗi dòng bình luận, phản biện… của các bạn gửi về qua Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam hoặc đăng tải trên các phương tiện thông tin khác…

Có nhiều lời khen ngợi từ quý bạn đọc dành cho chúng tôi, xin mạn phép không trích dẫn ở đây. Chúng tôi chỉ xin chia sẻ rằng, bên cạnh những lời khen, bạn đọc gần xa còn đặt câu hỏi, tranh luận và đưa ra nhiều ý tưởng mới, kiến giải hay mà chúng tôi đã nêu ra trong các bài viết.

Chúng tôi rất lấy làm cảm kích vì điều đó, đồng thời cũng xem nó như nguồn động lực to lớn để không ngừng tìm hiểu cặn kẽ mọi ngóc ngách của vấn đề, ngõ hầu phục vụ bạn đọc một cách khách quan, đa chiều và cầu thị nhất…

Bạn đọc Tuấn123 đặt cho tôi một câu hỏi khá thú vị: liệu một thực thể nửa nổi nửa chìm (theo điều 13 của UNCLOS) nằm ở vùng biển quốc tế thì có được yêu sách chủ quyền không, tức là vào chiếm đóng, chiếm hữu, xây dựng công trình...để xác lập chủ quyền? Nếu có xin bác dẫn ra một vài án lệ.

Câu hỏi này được nêu ra trong bài Những băn khoăn, thắc mắc về vấn đề chủ quyền quần đảo Trường Sa đăng ngày 3/8/2016, và chúng tôi cũng đã có đôi dòng thưa lại sau đó.

Hay bạn đọc Minh Mẫn “còm” trong bài Không dễ trả lời câu hỏi Việt Nam kiện Trung Quốc hay không, bao giờ kiện đăng ngày 21/7/2016, cá nhân tôi rất ấn tượng:  

Thưa Ts. Trần Công Trục ! Tôi hiểu vấn đề này cần phải có sự đánh giá, cân nhắc thật kỹ, thật chắc chắn! Nhưng riêng bản thân tôi cũng có một đề nghị mong Ts.Trục suy ngẫm và cân nhắc, đó là "Nếu không bây giờ thì bao giờ ?"

Thời cơ là đây ! Càng để lâu thì mọi sự đã rồi, thực tế không thay đổi được gì, và cơ hội có đến lần thứ 2?

Ngày cuối năm nói đôi lời tri ân bạn đọc ảnh 2

Học giả gốc Hoa phản bác quan điểm của Trung Quốc về Biển Đông, Trường Sa

(GDVN) - Ông Tập Cận Bình nói điều này, có lẽ là do nhu cầu chính trị, và cũng có thể phản ánh một thực tế rằng ông ấy không hiểu về chuyện này.

Tôi chia sẻ với những tâm tư của bạn, và tôi nghĩ có nhiều người có chung câu hỏi ấy. Tuy nhiên, mình chỉ có thể chia sẻ với các bạn dựa trên hiểu biết và kinh nghiệm của một nhà nghiên cứu độc lập và đã nghỉ hưu.

Cũng trong bài viết này, bạn đọc Hoàng Hà bình luận:

Bất cứ vấn đề gì cũng cần minh bạch hóa, khi đó các bên liên quan sẽ hành xử đúng phận sự, đúng với quyền được hưởng của mình. Do vậy, tôi ủng hộ việc kiện Trung Quốc giống như Philipin đã thực hiện. 

Bởi chỉ có như vậy mới tránh được việc tranh cãi, mâu thuẫn hết năm này qua năm khác một cách không cần thiết như thế.

Dẫu biết, việc kiện là việc bất đắc dĩ, bởi nó làm cho quan hệ 2 nước phần nào giảm đi. Nhưng phải nhìn về góc độ pháp lý ở phương diện xa hơn, nó sẽ tránh đi nhiều điều đáng tiếc như: tranh chấp, mâu thuẫn quân sự v.v...

Tất nhiên không phải mọi ý kiến chúng tôi đưa ra đều nhận được sự đồng tình tuyệt đối, và đó mới là điều bình thường. Nhưng điều khiến chúng tôi rất phấn khởi đó là tinh thần phản biện, trao đổi thẳng thắn một cách có trách nhiệm và đề cao văn hóa tranh luận.

Ví như trong bài Có phải Việt Nam "thiệt thòi" vì phán quyết vụ kiện trọng tài Biển Đông? đăng ngày 18/7/2016, bạn đọc Cao Như Ý nêu ý kiến:

Tôi cũng nghiên cứu luật Công pháp Quốc tế, trong đó có Công ước 1982. Tôi không cho rằng tiến sĩ Trần Công Trục đã nói đúng hết. 

Chẳng hạn như vấn đề tòa công nhận Đá Vành Khăn, Bãi Cỏ Mây ... là một phần cấu trúc của thềm lục địa Philippines, nhưng ông cho rằng không ảnh hưởng đến chủ quyền Việt Nam đối với các thực thể này trong quần đảo Trường Sa. 

Vậy tiến sĩ cho biết thế nào là một phần? Phải thừa nhận chúng ta có nhiều cơ hội thuận lợi từ phán quyết này nhưng nếu nói tất cả đều thuận lợi cho chúng ta là chúng ta đang tự lừa dối mình thưa tiến sĩ (lscaonhuy@gmail.com).

Hay bạn đọc Tuấn Anh nhận xét:

Bài viết của TS Trần Công Trục rất hay, góp phần thay đổi nhận thức hiện nay của truyền thông cũng như quần chúng về UNCLOS. Nhưng đúng như bạn Cao Như Ý nói, bác Trục nói chưa hẳn đã đúng hết.

Vd01 Điều 13 về bãi cạn nửa nổi nữa chìm, UNCLOS không quy định phải xây công trình nhân tạo mới được tính làm điểm cơ sở khi nằm trong 12 hải lý của 01 đảo khác, đấy là bác nhầm sang với xây công trình nhân tạo trong vùng nội thủy rồi;

Vd02 chỗ Vành Khăn và Cỏ Mây rõ ràng là ảnh hưởng nhất tới Việt Nam, không thể nói suông là Việt Nam khẳng định chủ quyền như vậy, thực sự yêu sách của Việt Nam ở Trường Sa tới giờ vẫn rất mơ hồ, muốn đảm bảo lợi ích ở đây đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ nội dung phán quyết chi tiết.

Ngày cuối năm nói đôi lời tri ân bạn đọc ảnh 3

Có phải Philippines “phá hư” thế trận Biển Đông?

(GDVN) - Mặc dù không thể phủ nhận vai trò, tác động ảnh hưởng của Mỹ ở Biển Đông, nhưng dựa vào Mỹ chống Trung Quốc có thể sẽ nhanh chóng phải trả giá đắt.

Về nội dung những câu hỏi đặt ra cho chúng tôi, chúng tôi đã cố gắng trả lời tối đa có thể. Nay chỉ nêu ra đây coi như một lời cảm ơn đến các bạn. Còn nhiều ý kiến đóng góp khác, nhưng sợ dông dài làm mất thì giờ của bạn đọc, xin tạm nêu một vài “còm men” làm quà ngày cuối năm. 

Thiết nghĩ rằng tất cả những gì mà chúng ta đã viết, đọc, chia sẻ, bình luận, tranh luận…trong năm qua trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đều là những tiếng nói tâm huyết, trung thực, khách quan và trên tinh thần xây dựng sẽ phát huy được tác dụng.

Tôi tin rằng nó có thể được ghi nhận như là sự đóng góp của tất cả chúng ta vào công cuộc đấu tranh trên mặt trận pháp lý, ttruyền thông nhằm bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích chính đáng của Đất nước trong bối cảnh hiện nay. 

Quan hệ Việt - Trung, Việt - Mỹ, Việt - Nga, Việt - Cam và thái độ khách quan, cầu thị, văn minh trước những vấn đề nhạy cảm

Vấn đề Biển Đông, chủ quyền lãnh thổ quốc gia là đề tài xuyên suốt mà tôi theo đuổi kể từ khi làm bạn với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đến nay, nhưng những bài phân tích, bình luận của chúng tôi về những đề tài khác cũng được quan tâm, chia sẻ rộng rãi.

Đó là những bình luận nóng, liên quan đến các quan hệ quốc tế có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia, dân tộc luôn thu hút được lượng quan tâm chia sẻ và bình luận nhiều hơn cả.

Chúng tôi có thể liệt kê ra đây một số bài được bạn đọc quan tâm, chia sẻ và bình luận nhiều trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam năm qua:

Cảnh giác trên Biển Đông sau Tuyên bố chung Trung - Nga; Đừng trách Hun Sen, hãy tiếp tục ủng hộ PCA ra phán quyết hủy lưỡi bò; Áp đặt, quy chụp là dội nước lạnh vào nhiệt huyết bảo vệ Tổ quốc;

Thông điệp lạ từ chuyến thăm Việt Nam của ông Thường Vạn Toàn; Tổng thống Obama hiểu thấu tâm can và sức mạnh của người Việt...

Có thể nói đây là những đề tài khá “nhạy cảm” đối với nhiều người, và thường rất dễ thổi bùng những cảm xúc và có thể lấn lướt lý trí, nếu chúng ta không đủ sự trầm tĩnh cũng như các kiến thức pháp lý, chính trị và đối ngoại quốc tế để nhìn nhận vấn đề.

Nhưng khác với độc giả các báo khác, bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cho tôi một ấn tượng rất đặc biệt về cách nhìn nhận, đánh giá vấn đề khách quan, khoa học và giàu óc phân tích hơn là cảm xúc trước những vấn đề tạm gọi là “nhạy cảm” này.

Chúng tôi cho rằng, chỉ có như vậy chúng ta mới đủ bản lĩnh và trí tuệ để vượt qua những khó khăn, thách thức đôi khi do lịch sử để lại, có lúc gây ra bởi các tính toán chính trị phức tạp của các thế lực, các siêu cường trong bàn cờ địa-chính trị khu vực và quốc tế.

Tiến sĩ Trần Công Trục trong một buổi tọa đàm, ảnh do tác giả cung cấp.
Tiến sĩ Trần Công Trục trong một buổi tọa đàm, ảnh do tác giả cung cấp.

Ví dụ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ với thắng lợi “bất ngờ với nhiều người” của Donald Trump, tôi có bài: Mặt trời vẫn mọc vào buổi sáng, bình luận nóng về sự kiện này, và nhận được sự đồng cảm, chia sẻ của bạn đọc.

Bạn Lưu Văn Chuyên chia sẻ:

Chiến thắng của Trump là chiến thắng của sự quyết tâm đổi mới, chiến thắng của thực tiễn đối với chính sách giáo điều, chiến thắng của những người không cần có lý lịch trong sạch nhưng họ hứa sẽ làm việc tốt. 

Vậy hãy tin họ sẽ tốt hơn là cứ cố giữ cái hào quang quá khứ để rồi thất vọng. Dù thế nào đi nữa ông ấy vẫn sẽ làm hết sức mình cho quyền lợi của nước Mỹ.

Hay những bài đấu tranh phản bác quan điểm của Nga về Phán quyết Trọng tài 12/7 dẫn đến những tranh cãi ngay trong giới nghiên cứu người Việt, chính bạn đọc là lực lượng ủng hộ chúng tôi mạnh mẽ nhất.

Mục đích phân tích, mổ xẻ vấn đề của chúng tôi không nhằm tranh hơn thua với bất kỳ ai, mà chỉ muốn tìm đến chân lý và lẽ thật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia, dân tộc.

Cái chúng tôi chống là những quan điểm dân tộc hẹp hòi, ích kỷ, hay những tư duy phê phán quy chụp ở một số người. Chúng ta và nhiều dân tộc khác đã từng phải trả giá vì chính cách nghĩ, cách phản ứng cực đoan như vậy.

Nhưng bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam thì luôn hiểu, kiên nhẫn lắng nghe và chia sẻ cùng chúng tôi.

Khi có những khác biệt trong nhận thức, đánh giá vấn đề giữa các nhà nghiên cứu Việt Nam với nhau, trong cũng như ngoài nước, chúng tôi mong muốn mổ xẻ một cách khách quan để tìm ra tiếng nói chung, không có ác ý hay định kiến với cá nhân bất kỳ nhà nghiên cứu nào không chung quan điểm với mình.

Ngay cả với Trung Quốc là đối tượng mà chúng tôi đã thẳng thắn tranh luận quyết liệt trong vấn đề chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của Việt Nam, khu vực và thế giới ở Biển Đông, chúng tôi cũng không vì thế mà cực đoan, vơ đũa cả nắm. 

Chính vì thế mà có lẽ tôi là người duy nhất viết bài chào mừng 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng như khi ông Tập Cận Bình sang thăm chính thức nước ta, tôi là người nghiên cứu độc lập duy nhất viết bài Nguyện được làm người trải thảm đỏ chào đón khách quý! để đón ông ấy.

Dĩ nhiên về cảm xúc, tôi hiểu có nhiều bạn đọc không thích việc này, bởi chuyện gì cũng có nguyên nhân của nó.

Nhưng điều khiến tôi mừng là, ít người phản đối, và gần như không ai “ném đá” hay dùng lời lẽ kém văn minh. Điều này cho thấy một sự thay đổi, trưởng thành về nhận thức rất lớn trong cộng đồng, nếu so với trước đây.

Hơn nữa, vẫn có những tiếng nói ủng hộ chúng tôi, như bạn đọc Trịnh Thanh Phi, Minh Mẫn, Lưu Văn Chuyên về bài viết đặc biệt này.

Viết đến đây chừng cũng đã dài dòng, xin tạm thời gác máy để chuẩn bị món quà mới đầu năm dành cho quý bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã hết lòng quan tâm, ủng hộ và đồng hành cùng chúng tôi.

Xin gửi tới các bạn và gia đình lời chúc năm mới an lành, may mắn và không quên theo dõi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, góp ý cho chúng tôi để phục vụ các bạn ngày một tốt hơn.

TS Trần Công Trục