Hiệp hội ký ghi nhớ hợp tác đào tạo nghề với đối tác Nhật Bản

31/05/2016 09:35
Nhật Linh
(GDVN) - Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã ký ghi nhớ việc trao đổi sinh viên giữa các trường đại học hai nước.

Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản, từ ngày 26-28/5/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự các hoạt động bên lề Hội nghị G7 tại Nhật Bản.

Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (AVUC) được sự đồng ý của Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã cử một đoàn 12 người bao gồm Lãnh đạo Hiệp Hội và hiệu trưởng một số trường tham gia.
 
Ngày 26/5, cả đoàn doanh nghiệp đã tham dự “Đối thoại chính sách kinh tế cao cấp Việt Nam – Nhật Bản” tại Nagoya do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và tổ chức Jetro chủ trì, có sự góp mặt của Thủ tướng Chính Phủ Việt Nam và 250 doanh nghiệp của Nhật Bản.
 
Có 4 văn bản được ký kết tại đây. Trong đó có một văn  bản của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam ký về việc trao đổi sinh viên của Nhật Bản và Việt Nam và một văn bản ghi nhớ về lĩnh vực đào tạo nghề Beauty Arts (nghề Nghệ Thuật làm đẹp) với các đối tác Nhật Bản.

Hiệp hội ký ghi nhớ hợp tác đào tạo nghề với đối tác Nhật Bản ảnh 1
Đại diện Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc tại Nhật Bản

Ngày 27/5, đoàn giáo dục Việt Nam đã đi thăm hai trường đại học là Toyo và Shibaura – hai trường này đều nằm trong nhóm G37 – là những trường đã được Chính phủ Nhật chọn lựa để hội nhập quốc tế.
 
Đầu tiên, đoàn tới thăm một trường đại học công nghệ tiêu biểu – đó là trường SIT (Shibaura Institute of Technology).

Trường hiện nay tích cực tham gia vào chương trình “The global Technology Initiative Consortium” (GTI)  nhằm thúc đẩy nguồn nhân lực và sáng tạo với mục tiêu:

1.      Đảm bảo chất lượng giáo dục và đào tạo các ngành công nghệ.

2.      Nâng cao nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ

3.      Khuyến khích các sáng kiến, sáng chế công nghệ

4.      Tạo sức cạnh tranh trong thị trường thế giới.

Để đạt được mục tiêu này, cần có sự hợp tác chặt chẽ của 3 bên: các tổ chức giáo dục và đào tạo, các cơ quan Nhà nước, các nhà sản xuất. Thông qua các hoạt động:

1. Việc học tập thông qua các dự án quốc tế toàn cầu. Làm việc trong các nhóm quốc tế.

2. Sinh viên đi thực tập ở các tập đoàn quốc tế, nhà máy … ở nước ngoài để học hỏi, trải nghiệm đa dạng về văn hóa và tìm cách giải quyết vấn đề trong các môi trường khác nhau.

3. Các trường thành viên của GTI tham gia cùng giải quyết các vấn đề có tính toàn cầu, phát triển bền vững.

4. Tham gia các dự án có tính liên chính phủ: Các trường GTI tham gia tích cực vào các dự án của chính phủ trong các chương trình viện trợ, thậm chí đề xuất với Chính phủ các ý tưởng và dự án mới cấp thiết.

5. Hợp tác giữa các trường đại học: các trường thành viên của GTI tích cực tham gia để tạo ra các khóa đào tạo kỹ sư liên quốc gia. Khuyến khích sinh viên Quốc tế tới Nhật Bản học và mở các khóa liên kết đào tạo và cấp bằng ở nước ngoài.

6. Diễn đàn GTI được tổ chức để chia sẻ kinh nghiệm từ các hoạt động của Tập đoàn GTI và thúc đẩy phát triển. Đại diện các Chính phủ, các tập đoàn sản xuất và các trường công nghệ là khách mời. Nếu sinh viên nào có các sáng kiến đột phá về công nghệ cũng được là khách mời để trình bày.

Điều kiện để trở thành thành viên của Tập đoàn GTI rất dễ dàng, không yêu cầu đóng hội phí, chỉ cần tự nguyện đăng ký tham gia.

(xem thêm tại trang web: http://plus.shibaura-it.ac.jp/gti/)
 
Hiện tại Việt Nam đã có 2 trường là thành viên: Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (Hust), Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh (HCMUT).
 
Sau đó đoàn tới thăm một trường tiêu biểu đào tạo các ngành xã hội. Đó là trường Toyo (phương Đông). Đây là trường hoạt động theo Triết lý của Phật giáo phương Đông.
 
Trường Toyo là trường đầu tiên trên thế giới có các khóa đào tạo từ xa (1915) và là trường đầu tiên tại Nhật Bản có sinh viên nữ (1916). Trường hiện đang giữ vị trí thư ký của trường UMAP (University Mobility in Asia & Pacific). 

Chuyển động đại học trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, được bắt đầu từ năm 1993, đây là một Hiệp Hội các đại diện của chính phủ hoặc ngoài chính phủ liên quan đến lĩnh vực giáo dục đại học trong khu vực.
 
Mục tiêu của UMAP là nâng cao sự hiểu biết Quốc tế thông qua sự trao đổi, chuyển dịch của sinh viên và giảng viên đại học giữa các nước trong khu vực.
 
AVUC sẽ đăng ký làm thành viên của UMAP và Đại học FPT sẽ thay mặt AVUC đóng lệ phí (vì mỗi nước chỉ cần đóng một lệ phí) để các trường thành viên của AVUC có thể tham gia.

Hiệp hội ký ghi nhớ hợp tác đào tạo nghề với đối tác Nhật Bản ảnh 2
Lễ kí kết đối thoại chính sách kinh tế cao cấp Việt Nam - Nhật Bản

Vào ngày 22-24/9/2016  tổ chức UMAP sẽ có buổi lễ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập và Việt Nam cũng được mời. Do đó, các trường thành viên của AVUC có thể đăng ký đoàn các trường của Việt Nam tham gia.
 
Hai trường này đều nằm trong nhóm 37 trường tham gia đề án “Top Global University Project” của Chính phủ do Bộ GD&ĐT, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch, Bộ Khoa học và công nghệ thiết kế ra. 
 
Bên cạnh đại diện các trường đại học và cao đẳng Việt Nam, nhóm đào tạo nghề với đại diện  lãnh đạo của Hội đào tạo và Phát triển ngành nghệ thuật làm đẹp cũng đã có cuộc làm việc với Hội Beauty Arts của Nhật Bản, thăm hai trường đào tạo nghề này và một cơ sở Beauty Salon tại Nhật.  

Ngay sau khi trở về từ Nhật, Hội đã có Đại hội lần đầu tiên tại Hà Nội để chính thức bầu ra ban lãnh đạo cho Hội. Đây là một ngành rất mới và đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống của xã hội.

Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khuyến khích đoàn Giáo dục tiếp tục tham gia tích cực trong các chuyến đi tới. Bởi đây là một tiền đề rất tốt giúp giáo dục Việt Nam tham gia hội nhập sâu rộng với thế giới và có tiếng nói tích cực trong xã hội. 

Nhật Linh