Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố thời gian qua trong đó đưa ra nhiều hành vi có khung tiền phạt cao để đảm bảo tính răn đe.
Tuy nhiên, quy định này gây ra không ít băn khoăn, nhất là quy định về dạy thêm học thêm, xúc phạm nhân phẩm người học.
So với Nghị định số 138/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013, bản dự thảo lần 2 này đã bổ sung thêm nhiều hành vi vi phạm để có sơ sở pháp lý xử phạt.
Theo đó, phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi không đảm bảo cơ sở vật chất; Phạt tiền từ 2 - 4 triệu đồng đối với hành vi thực hiện không đúng quy định về công khai thông tin tổ chức dạy thêm; Phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng đối với hành vi tổ chức dạy thêm theo các lớp học chính khóa.
Đáng chú ý, phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng đối với hành vi cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào nội dung dạy thêm, dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa.
Thầy Nguyễn Xuân Khang băn khoăn, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục mới sẽ căn cứ vào Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học ban hành vào lúc nào? (Ảnh minh họa: VnExpress.net) |
Trước những khung tiền phạt này trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, việc đưa ra các hình thức phạt nghiêm để ngăn chặn và hạn chế tiêu cực trong nhà trường là điều rất nên làm.
Tuy nhiên, trong môi trường giáo dục, không phải hành vi sai phạm nào cũng nên “đè” ra phạt tiền.
Thầy Lâm nêu quan điểm, một khi có ai vi phạm thì đầu tiên phải dùng biện pháp giáo dục để họ nhận thức và chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Nếu giáo dục lần thứ nhất, thứ hai không thay đổi thì tính bước tiếp theo.
Trong lĩnh vực giáo dục, do tính chất đặc thù, nhiều mối quan hệ trong nhà trường được điều chỉnh bởi quan hệ đạo đức. Những vấn đề đạo đức được cân đo bằng tiền có thể làm hình thành suy nghĩ cứ vi phạm thì nộp tiền là xong. Điều này sẽ là nguy hiểm với môi trường đặc thù như giáo dục.
Giáo viên thiệt thòi khi quy định số giờ dạy thêm không quá 200 giờ dạy/năm |
Tuy nhiên, nếu thấy vi phạm quá mức thì phải đưa sang cơ quan pháp luật xử lý chứ không để các trường tự ý xử lý.
“Do đó, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nên có các mức độ xử lý theo kiểu giáo dục.
Nếu không đạt được sự răn đe mới chuyển sang cơ quan pháp luật xử lý, như vậy sẽ đảm bảo tuần tự hơn thay vì áp luôn các mức phạt hành chính đưa ra, và nếu làm không khéo sẽ gây “loạn” trong nhà trường”, thầy Lâm đề xuất.
Trong khi đó, khi đọc xong dự thảo này, thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) cho rằng, hiện tại Nghị định số 138/2013/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 138 – PV) của Chính phủ, ban hành ngày 22/10/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đang có hiệu lực thi hành.
Nghị định 138 lại căn cứ vào Luật Giáo dục ngày 14/6/2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25/11/2009; căn cứ Luật Giáo dục đại học ngày 18/6/2012.
Trong khi, Thường vụ Quốc hội có kế hoạch thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học vào kỳ họp Quốc hội cuối năm 2018 và thông qua “Luật giáo dục sửa đổi toàn diện” vào kỳ họp Quốc hội giữa năm 2019.
Dựa trên những căn cứ này, thầy Nguyễn Xuân Khang băn khoăn: “Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục là để thay thế Nghị định 138. Vậy Nghị định mới này căn cứ Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học ban hành vào lúc nào? Bởi lẽ, nếu theo hai luật hiện hành thì sắp sửa đổi, còn theo luật mới thì chưa có!”.
Thầy Khang đặt câu hỏi: “Liệu có quá sớm để bàn thảo về Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 138 không?”.